Pages

Friday, November 30, 2012

Đợi chờ Godot


23 November 2012
T/S Alan Phan
Tôi nhớ năm đầu của đại học, trong môn Nghệ Thuật 101, tôi phải xem một vở kich của Samuel Beckett tựa đề là Waiting for Godot. Tóm lược của kịch bản là hai anh lãng tử dưới gốc cây xồi trọc lá, nói chuyện và tranh luận về đủ mọi đề tài trong khi đợi một người tên là Godot mà họ có hẹn.
Vài nhân vật khác cũng đi ngang chỗ đợi, tương tác cùng hai nhân vật chính, rất phức tạp và mâu thuẫn như trong một giấc mơ. Cuối cùng, Godot không bao giờ xuất hiện, vì có lẽ ông chỉ là một nhân vật tưởng tượng của hai anh lãng tử trên.
Vở kịch bắt đầu khoảng 10 phút là tôi quay ra ngủ ngon lành. Chuyện vớ vẩn của 2 anh “khùng” không liên quan gì đời sống hay cảm xúc của tôi. Ngược lại, con bé đi “date” cùng, có một mùi nước hoa nhè nhẹ như hoa lài cộng hưởng với mùi con gái vừa lớn. Cho nên khi đó, Godot thực đang ngồi cạnh tôi, đẹp tuyệt vời và những lời lảm nhảm trên sân khấu chỉ làm tôi khó chịu.
Ba năm sau, tôi tình cờ coi lại vở kịch. Hôm đó, tôi vừa thất tình, vừa bị cảm cúm, mệt ngất ngư nhưng không muốn nằm trên giường than thân trách phận. Lần này tôi có chút đồng cảm hơn với 2 chàng lãng tử. Họ loay hoay trong những hành động vô nghĩa và vớ vẩn vì chung quanh họ, từ môi trường đến những con người giao thoa đều thể hiện cái “hư không” trong nội tại của mình. Chúng ta ăn uống, suy nghĩ, đàm thoại, yêu ghét, làm việc, lo lắng…vì đây là những kỹ năng xã hội đã huấn luyện và trao trách cho chúng ta. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ hy vọng là Godot sẽ đến và sẽ đem một vài ý nghĩa gì đó cho cuộc sống. Dĩ nhiên, Godot (theo suy diễn là God hoặc idiot?) không bao giờ xuất hiện.
Beckett là một tác giả thuộc trường phái hiện sinh (existentialism). Cùng với Camus, Sartre, Kafka, Dostoyevsky,…các ông này luôn luôn ngồi trên tháp ngà của trí thức để suy ngẫm về những “phù du, ảo tưởng” của kiếp người. Những ngày cón là sinh viên, sách của các ông là gối đầu giường của tôi. Vả lại, những suy tưởng và túi khôn của các ông giúp anh sinh viên trẻ “làm dáng trí thức” và chiêu thức “cuộc sống vô nghĩa” cũng lôi kéo được khá nhiều bạn nữ lên giường.
Ra trường đời, tôi phải tạm quên các ông. Phải lao đầu vào việc mưu sinh để kiếm tiền nuôi vợ con, phải loay hoay bò mỗi ngày quanh miệng chén vì nợ nần ngập đầu không buông tay được. Khi khôn ra, lòng tham lại nặng hơn ý chí tự do; nhất là cảm nhận luôn bất an nhìn về tương lai khi sức khỏe và may mắn không còn. Thấm thía những bài học thời trẻ từ các ông, nhưng cuộc đời vẫn là một bẫy sập không ra được. Và cũng trong những loay hoay đó, tôi bắt đầu chờ Godot.
Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tìm niêm vui nhỏ nhặt mỗi ngày qua những trải nghiệm thần kỳ. Năm giác quan của tôi luôn được bung căng rồì thả lỏng, tâm hồn tôi được thử thách hàng ngày với những xấu xa tồi tệ của môi trường, nhưng sau đó lại được ôm ấp tận hưởng những giây phút thăng hoa của thiên nhiên và con người. Tôi cố quên đống rác bên đường, dù rất khó khăn, để chăm chú vào hàng phượng vĩ đang che bóng mát. Tôi bằng lòng và an phận với mâu thuẫn này.
Gần đây tôi hay về lại quê hương. Cái thân phận nhỏ bé và hèn kém của con người trong cái hư ảo của thế tục thể hiện rõ ràng hơn nơi đây. Dù muốn né trành, tôi bắt buộc phải suy ngẫm về những thứ lăng nhăng nhưng thực ra là cốt lõi của sự sống. Chúng ta có tạo được tương lai hay định mệnh đã an bài? Tại sao đêm đen cứ bao trùm một khu vực mà Ơn Trên đã ban cho một môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú? Tại sao con người nơi đây rất mực thông minh mà bị “trù úm” liên tục bởi những thế lực ma quỷ?
Có lẽ rất nhiều người Việt đang mòn mỏi đợi chờ Godot? Trong cái hy vọng pha chút tuyệt vọng đó, bao nhiêu người đã tự hủy hoại bằng những cơn say xỉn mỗi đêm và những việc làm vô cảm mỗi ngày? Thế nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, cái “hiện sinh” đau đớn trong môi trường sống này có thể tạo cho chúng ta những phản ứng, dù khác nhau nhưng luôn là một tầm gương soi lại bản ngã cùa chính mình.
Muốn thoát ra khỏi bẫy sập, nhiều bạn đã chọn lựa bỏ đi thật xa, mong tìm một thanh bình riêng biệt ở một góc trời lạ nào. Như con thú bỏ rừng để an phận sống trong một chuồng thú nhàn hạ? Nhiều bạn chọn sự phấn đấu, bằng cách chống lại hệ thống quyền lực dưới mọi hình thức nhưng có lẽ cũng không đem đến một kết quả gì như ý muốn. Khi đã bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực thì các bạn cũng phải biến thể mình thành một loại thú rừng đủ răng nanh và móng nhọn để sinh tồn. Nhiều bạn thưc tế hơn, người Mỹ nói là “if you cannot fight them, join them” (không đấu nổi phe địch thì gia nhập họ vậy). Họ sẵn sàng “thượng đội hạ đạp” để tìm một chút cơm thừa cho mình và gia đình. Nhiều bạn khác thì chọn sự tự tử chậm…kết thúc đời mình bằng những ngày đêm trác táng và phá phách vô nghĩa.
Bất cứ lựa chọn nào cũng là một thảm kịch cho nội tâm những người còn cảm xúc trăn trở sống nơi đây. Nhất là các bạn trẻ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi may mắn hơn là vở kịch tôi diễn sắp hạ màn; Godot đã không đến như hẹn và tôi còn phải lên đường đi tìm vai diễn ở một vở kịch khác.
Tôi thầm nghĩ nếu Beckett sống ở Việt Nam vào thời này, chắc ông đã viết được một tác phẩm khác hay hơn. Và một kết cuộc “có hậu” như một phép lạ nào đó sẽ đem Godot đến với 90 triệu dân Việt?
Alan Phan

Người Sài Gòn tập 'sống chung' với cướp

Không đeo vàng bạc hay sử dụng xe đời mới, ra đường chỉ dám đi taxi… là một trong số cách người dân Sài Gòn áp dụng để tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang hoành hành.
> Những vụ cướp tàn bạo ở TP HCM

Sáng đầu tuần, sau khi đưa con đi học, chị Hồng (40 tuổi) dừng chiếc Spacy tại cây xăng trên đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM). Vừa mở cốp xe lấy ví để trả tiền đổ xăng, chị bị một thanh niên mặc sơ mi trắng, quần jeans xanh, chạy xe Novo (vừa đổ xăng xong) giật phăng rồi rồ ga chạy mất.
Sự việc xảy ra quá nhanh, người phụ nữ chỉ ú ớ mà không kịp truy hô. Nhiều người đưa ánh mắt ái ngại nhìn nạn nhân và cho biết khu vực cây xăng này thường xuyên xảy ra chuyện "ăn bay" của đám cướp giật.
Đeo túi trên vai là môi ngon cho bọn cướp (quận 1). Ảnh: N.V
Đeo túi trên vai là "mồi ngon" cho bọn cướp. Ảnh: N.V
Mang tâm trạng chán chường về một quán cà phê trong con hẻm gần nhà kể lại cho bạn bè nghe, chị Hồng bảo trước đó thấy nam thanh niên vừa đổ xăng vừa nhìn mình nhưng trông bộ dạng anh ta quá lịch sự khiến chị không cảnh giác. "Khi ví bị giật khỏi tay, tôi mới biết đã gặp phải tên cướp chuyên nghiệp", người phụ nữ nói và than tiếc hơn 5 triệu đồng, 200 USD và toàn bộ giấy tờ tùy thân bị lấy mất...
Khi câu chuyện còn đang dang dở, chị Hồng và nhóm bạn giật bắn người bởi tiếng động cơ xe gầm rú từ trong hẻm phóng ra đường lớn, phía sau là tiếng hô "cướp! cướp..." của một phụ nữ. Được hỏi thăm, người đàn bà mặc đồ bộ, tay xách giỏ đi chợ lắp bắp cho biết vừa bị 2 thanh niên giật mất sợi dây chuyền. "Tên ngồi sau còn nhăn nhở quay lại cười chọc tức tôi", nạn nhân bức xúc.
Ông Hải (45 tuổi, tài xế xe ôm trước hẻm 372 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết, chuyện cướp giật xảy ra tại đoạn đường này "thường như cơm bữa", nhiều hôm một buổi sáng xảy ra đến vài vụ. "Vài lần, tôi và các anh xe ôm khác đuổi theo hoặc quăng ghế ra đường ngăn cản nhưng không bắt được chúng. Nhiều sáng đi làm sớm, tôi bắt gặp ở cuối hẻm các túi xách nằm lẫn với giấy tờ mà chúng vứt lại sau khi lấy hết tiền", ông kể.
Cũng từng là nạn nhân, chị Thu (32 tuổi, nhân viên một tập đoàn viễn thông) cho biết, đám cướp giật giờ không chỉ là những tên lóc chóc, ăn mặc lôi thôi mà đôi khi trông rất lịch sự, đi xe đắt tiền. Một lần, chị đi mua đồng hồ cho con trai trên đường Cách Mạng Tháng 8, đang loay hoay chọn kiểu thì một thanh niên vẻ sang trọng bước vào. Anh ta vờ ngắm nghía các mẫu mã... rồi lao đến giật chiếc ví chị cầm trên tay. Phát hiện sớm, chị kịp giằng co, hắn ta tuột tay nên bước nhanh ra ngoài.
"Nhưng hắn không bỏ đi mà rình ở đường, giằng chiếc ví của tôi một lần nữa. Tôi la lên, kéo con trai chạy sâu vào trong tiệm và truy hô thì hắn mới lên chiếc Vespa LX của đồng bọn chờ sẵn, ung dung bỏ đi. Bây giờ, chúng ta hớ hênh một chút là trở thành con mồi của cướp", chị Thu nói.
Chị Hải Yến (35 tuổi, ngụ Tân Bình) lại cho rằng trong các vụ án cướp giật cũng có một phần "lỗi" của nạn nhân. “Ai bảo đi xe mà đeo túi xách hờ hững trên vai thì có khác nào 'mời ông xơi'?”, chị nói và cho biết mình không phải dạng người cẩn thận nhưng với tài sản cá nhân thì làm hết sức có thể để tự bảo vệ.
Chị Yến cho rằng dùng túi xách hàng hiệu mà chị em cứ đeo khi đi xe máy ngoài đường thì không ổn, phải để trong cốp xe. Nhiều bạn bè của chị đã chọn cách đi taxi "cho chắc ăn" bởi họ nghĩ bọn cướp chủ yếu nhằm vào người đi xe máy.
Cất túi xách trong cốp xe là một cách các phụ nữ phòng chống cướp giật. Ảnh: N.V
Trao đổi với VnExpress, ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND TP HCM cho biết, thời gian qua tình hình an ninh trật tự tại thành phố thực sự phức tạp, xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn. Người thân, bạn bè của ông cũng từng là nạn nhân của bọn cướp.
Theo ông, nhiều người còn quá chủ quan, mất cảnh giác như đi đường vắng lúc khuya, đeo nữ trang hớ hênh để rồi biến mình thành "con mồi" cho bọn cướp. "Trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự không phải của riêng ngành công an mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Công dân phải tăng cường cảnh giác, tự bảo vệ mình", ông Danh nói.
Cũng theo ông Danh, Ban Pháp chế HĐND TP HCM từng lưu ý, đề nghị công an tăng cường kiểm soát triệt để, thường xuyên tuần tra, kiểm soát và chỉ đạo cho các công an phường, xã phối hợp với dân phòng tuần tra vào ban đêm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải giám sát, theo dõi những người tái hòa nhập cộng đồng, hưởng án treo, hay đang mang tiền án, tiền sự... hết hạn được trả về.
Về việc nhiều người dân cho rằng cần thành lập lực lượng phản ứng nhanh 141 như ở Hà Nội, theo ông Danh thực tế TP HCM cũng đã có lực lượng tương tự. Đó là những đội đặc nhiệm trinh sát hình sự theo dõi, nắm bắt tình hình trật tự xã hội. Lực lượng này mặc thường phục, đi tuần tra nên khó biết và đa phần những vụ cướp giật trên đường phố bị phát hiện là nhờ đội này. "Trong vụ cướp táo tợn ở cầu Phú Mỹ, đội trinh sát đặc nhiệm cũng đã theo dõi và nắm được địa bàn hoạt động của các nghi phạm, tuy nhiên do đang theo dõi từ xa nên không thể ứng cứu nạn nhân kịp thời khi bọn cướp ra tay", ông Danh nói.
Theo ông, ngày mai 30/11 thường trực HĐND TP HCM sẽ họp thông qua chương trình làm việc trong kỳ họp HĐND, "Rất có thể trong kỳ họp HĐND đầu tháng 12 sắp tới, vấn đề trộm cướp hoành hành cũng sẽ được các đại biểu thảo luận tại nghị trường", ông Danh cho biết.
Nhật Vy - Hữu Công

Những vụ cướp tàn bạo ở TP HCM


Chặt tay "con mồi" ở đoạn đường tối vắng, ngang nhiên gây án giữa phố đông, đạp ngã nạn nhân khi truy đuổi... là thủ đoạn của các băng nhóm cướp giật đang hoành hành ở TP HCM.
> Cô gái chạy xe SH bị cướp chém gần lìa tay/ Công an TP HCM tung quân trấn áp cướp giật/ Hành trình truy bắt 2 tên cướp dưới chân cầu Sài Gòn

4 tên cướp đã chặt lìa tay cô gái đi SH. Ảnh: Q.T
4 tên cướp tham gia vụ chặt gần lìa tay cô gái đi xe SH. Ảnh: Q.T
Nằm trong bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM với bàn tay vừa được nối lại, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ngụ quận 2) thảng thốt khi nhắc đến "đêm kinh hoàng" gặp băng cướp do Trần Văn Luông (24 tuổi, ngụ Bến Tre) cầm đầu.
Hơn 20h ngày 24/11, sau khi dự tiệc cưới, Thúy chạy xe SH từ quận 7 về nhà ở quận 2 mà không biết có nhóm cướp đang theo dõi mình. Khi vừa qua cầu Phú Mỹ, đến đoạn đường vắng, 2 thanh niên vượt lên ép xe rồi bất ngờ vung dao chém 2 nhát làm bàn tay phải chị gần bị đứt lìa. Quá đau đớn, chị ôm vết thương tri hô. Lúc này lại có 2 tên khác áp sát giật luôn chiếc túi đang đeo trên vai của Thúy. Một tên trong nhóm dựng chiếc SH bị đổ để phóng đi nhưng xe không nổ máy. Ngay đêm đó, Luông và 3 đồng bọn đã bị bắt giữ.
Theo điều tra, chị Thúy không phải là nạn nhân đầu tiên bị băng nhóm này "chém trước, cướp sau". Luông thừa nhận vào đêm 4/11 thấy anh Trường (35 tuổi) đi xe SH trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đã đuổi theo tìm cơ hội ra tay. Đến đoạn vắng gần cầu Cống Dinh, 2 tên trong nhóm phóng lên áp sát và rút mã tấu chém liên tiếp vào hông, lưng và bả vai khiến anh Trường ngã xuống đường. Nạn nhân nhanh trí rút chìa khóa bỏ chạy, tri hô nên nhóm cướp phải rút lui.
Cũng trong đêm đó, khi phát hiện đôi nam nữ đi xe máy song song đến gần cầu Cống Dinh, băng cướp lại bám theo. Chúng ép xe, chém vào vai người thanh niên và một nhát vào hông cô gái để cướp chiếc Air Blade và một điện thoại.
Vụ cướp dưới cầu Sài Gòn. Ảnh từ clip.
Vụ cướp dưới cầu Sài Gòn. Ảnh từ clip.
Trước đó, vụ cướp giật diễn ra giữa ban ngày cũng gây bức xúc cho người dân khi toàn bộ vụ việc đã được camera hành trình của một ôtô ghi lại.
* Clip: Cướp túi xách dưới chân cầu Sài Gòn
Theo điều tra, chiều 25/9, chị Yến đi xe tay ga đeo túi phía trước đi song song với một cô bạn trên đường hướng về quận 1. Trên đường đi, 2 cô nói chuyện rất vui vẻ mà không biết có 2 tên cướp đang bám theo.
Đến dưới gầm cầu Sài Gòn, đoạn cua chuẩn bị lên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để về quận 1, Yến bị hai thanh niên vượt lên giật phăng chiếc túi. Giật mình, cô ngã chúi xuống đường, cùng lúc xe ôtô đi phía sau kịp phanh gấp.
Khi clip được đăng trên mạng, hình ảnh về những tên cướp đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Lãnh đạo Công an TP HCM chỉ đạo đội Cảnh sát đặc nhiệm vào cuộc, 2 tên cướp là Lê Minh Pha và Diệp Tấn Dũng (cùng 19 tuổi) đã bị bắt.
Tên cướp giật ngay trên lề đường. Ảnh cắt từ clip.
Tên cướp phóng xe máy giật túi xách của một phụ nữ khiến nạn nhân ngã sõng soài. Ảnh cắt từ clip.

* Clip: Cô gái ngã nhào vì bị giật túi xách
Tương tự, vụ cướp giật xảy ra trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) cũng gây bức xúc cho nhiều người khi toàn bộ diễn biến đã được camera một công ty gần đấy ghi lại.
Sáng 23/11, chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đi bộ trên lề đường, đeo túi trên vai. Bất ngờ từ phía sau, tên cướp đi xe tay ga lao đến cướp chiếc túi. Cú giật mạnh, bất ngờ làm chị bị kéo theo một đoạn rồi ngã sõng soài trên lề đường.
Có hai tên cướp tại quận Tân Phú không tháo chạy mà còn quay lại giễu cợt nạn nhân. Trưa 17/10, Ngô Thị Mỹ Duyên (sinh viên năm 2 Đại học Công nghệ) đi xe máy theo hướng từ đường Âu Cơ sang Thoại Ngọc Hầu.
Đến trước số nhà 214 Thoại Ngọc Hầu, cô tấp vào lề đường nghe điện thoại. Chưa kịp nhận cuộc gọi, cô bị 2 tên cướp đi ngược chiều áp sát giật phăng chiếc điện thoại. Nạn nhân tri hô nhưng 2 tên cướp không tăng tốc bỏ chạy mà còn nhìn lại vẻ giễu cợt. Tiếc của, Duyên phóng xe đuổi theo.
Như chỉ chờ có thế, khi Duyên vừa bắt kịp, tên ngồi sau co chân đạp mạnh khiến nữ sinh lao thẳng vào đuôi chiếc taxi cùng chiều, bị thương nặng. Hai tên cướp cũng mất lái ngã xuống đường. Thấy người dân truy đuổi, chúng bỏ xe chạy bộ và mất hút vào các con hẻm gần đó.
Công an khám xét hiện trường sau khi cô sinh viên được đưa đi cấp cứu. Ảnh: A.N
Công an khám xét hiện trường sau khi cô sinh viên được đưa đi cấp cứu. Ảnh: A.N
Đúng một tháng trước, Cao Trung Lập (28 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đã đâm chết một nam sinh sau khi giật ba lô đựng laptop của anh này. Một cảnh sát tham gia truy bắt Lập cũng bị hắn đâm trọng thương.
11h ngày 17/9, một nam sinh và bạn gái đi xe tay ga trên đường Cộng Hòa, hướng từ công viên Hoàng Văn Thụ về Trường Chinh. Khi tới đoạn cách giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình) vài chục mét, họ bị Lập từ phía sau áp sát, giật túi đựng laptop.
Đôi nam nữ tri hô “cướp cướp” rồi phóng xe truy đuổi. Tới ngã tư, người thanh niên tông vào xe tên cướp khiến hắn ngã xuống đường. Cuộc vật lộn giữa tên cướp và nạn nhân diễn ra quyết liệt trong sự chứng kiến của rất đông người đi đường. Trong lúc giằng co, Lập bất ngờ rút dao đâm nhiều nhát vào cậu thanh niên. Dù máu ra đẫm áo, nam sinh vẫn cố gắng ôm chặt tên cướp. Lúc này, một công an lao vào hỗ trợ nạn nhân đã bị Lập đâm gục.
Hiện trường nơi Lập đâm chết nam sinh, đâm gục cảnh sát. Ảnh: An Nhơn.
Sau khi viên cảnh sát không thể truy đuổi, người dân hai bên đường Hoàng Hoa Thám đồng loạt lao ra khống chế Lập, giao công an. Lúc này, do vết thương quá nặng, nam sinh đã chết trước khi đến bệnh viện.
Trước tình trạng tội phạm cướp giật tăng cao dịp cuối năm, Công an TP HCM đã chỉ đạo cảnh sát hình sự, cơ động, giao thông và cả lực lượng địa phương đều phải tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, chốt chặn những khu vực "nóng".
Chỉ trong 4 ngày cao điểm ra quân trấn áp tội phạm, Công an TP HCM đã khám phá được 45 vụ án và bắt 50 người có liên quan. Riêng số tội phạm về xâm hại tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp) chiếm 40 vụ và bắt 47 tên.
Theo đại diện của công an TP HCM, dịp gần tết chính là thời điểm tội phạm tăng cao. Ngoài triển khai kế hoạch trấn áp, công an còn tuyên truyền người dân cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình.
Quốc Thắng

Thursday, November 29, 2012

Lao vào đám cưới cướp dây chuyền cô dâu

Cô dâu đang cười tươi bỗng thét lên sợ hãi vì bất ngờ bị giật sợi dây chuyền, khi đang cùng một người bạn gái tạo dáng chụp hình trước rạp đám cưới. Vụ việc vừa xảy ra ngày 25/11 ở Bình Chánh, TP HCM.
>2 tên cướp ở cầu Sài Gòn đã bám theo cô gái từ xa



Trong video quay được, tên cướp chạy xe Wave mặc áo sọc đen lao qua giật dây chuyền của cô dâu, khi cô đang tạo dáng chụp hình cùng một người bạn. Giữa chốn đông người mà tên trộm không hề sợ hãi. Vì quá bất ngờ, cô dâu với tay theo nhưng không nắm kịp sợi dây chuyền.
>>Clip lao vào đám cưới giật dây chuyền cô dâu
Đang vui vẻ chụp hình thì tên cướp bất ngờ xuất hiện.
Nhanh như cắt, hắn giật đi sợi dây chuyền.
Cô dâu thét lên sợ hãi, cố với tay theo...
...nhưng đành vô vọng nhìn theo sợi dây chuyền.
Võ Văn Ý

Ngôn ngữ lạ của một ngôi làng


Tiếng nói của làng không thể để người ngoài biết, điều này đã trở thành luật bất thành văn tự ngàn đời, được mỗi thế hệ khắc sâu vào tâm khảm. Các nàng dâu về xứ này cũng không thể hiểu được cách nói của gia đình chồng.

Làng Phú Hải, xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) duy trì “mật ngữ” mà chỉ những người trong làng biết và nói với nhau, người ngoài không thể nào hiểu được... Là một trong những lớp người già ít ỏi còn lại của làng hiểu rõ về ngôn ngữ lạ, nhưng khi thấy khách muốn tìm hiểu thì cụ Trần Đức Tranh (80 tuổi) tỏ ra thận trọng, dè dặt hẳn.
“Làng tôi tuy nhỏ hẹp nhưng từ lâu nổi tiếng với nghề làm hàng mã truyền thống và nghề bát âm, thầy cúng. Đây là nghề của tổ tiên truyền lại qua nhiều thế hệ, nếu không có ngôn ngữ riêng thì e rằng nghề đã thất truyền ra bên ngoài từ lâu. Bảo vệ được tiếng nói là bảo vệ được nghề, bảo vệ được nghề cũng là bảo đảm cho cuộc sống chúng tôi, vì ngoài nghề này ra thì làng tôi chẳng có nghề gì khác, đất đai canh tác cũng không có nhiều”, cụ Tranh giải thích.
Cụ Tranh là người già ít ỏi còn lại của làng hiểu rõ về ngôn ngữ lạ. Ảnh: Báo Quảng Trị.
Cụ Tranh kể, tổ tiên của người làng Phú Hải ngày nay được di cư từ Thanh Hoá vào cách đây trên 500 năm, dòng họ lâu nhất đã trải qua đời thứ 21. Làng Phú Hải có 4 họ gồm Lê, Trần, Hồ, Võ nhưng toàn thôn cũng chỉ có khoảng 70 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. “Cách đây mấy chục năm, làng tôi nằm ở rú cát (cách vị trí hiện nay khoảng 15 km), nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và nạn bão cát hoành hành nên làng quyết định dời về quần tụ nơi đây”, cụ Tranh kể.

Những bậc cao niên làng Phú Hải cho biết, ngôn ngữ riêng của làng ra đời từ xa xưa với mục đích để chỉ người làng “nói cho nhau nghe” nhằm gìn giữ nghề của cha ông khỏi thất truyền ra các vùng khác. Theo cụ Tranh, thực ra “mật ngữ” của làng Phú Hải cũng chỉ là cách nói mẹo, đánh tráo chữ, dựa trên ý nghĩa của ngôn ngữ Hán, Nôm. Từ ý nghĩa và cách phát âm của những ngôn ngữ này mà tổ tiên làng Phú Hải đã sáng tạo ra cách nói của riêng mình.
Ví dụ như từ “tỏi” có nghĩa là đi (trong chữ Hán nghĩa từ "hành" là đi, ở đây người làng Phú Hải đã đánh tráo chữ “hành” thành chữ “tỏi”- hành, tỏi vốn là một loại củ có cùng họ hàng với nhau). Hoặc chữ “tẩu” có nghĩa là đi, thoát - người làng thường hay nói “tẩu vi thượng sách”- nghĩa là thoát thân là tốt nhất trong một tình huống nguy cấp nào đó.
Ngoài nguyên tắc dùng chữ Hán, đánh tráo chữ Hán thì ngôn ngữ làng Phú Hải còn có những chữ không thể nào cắt nghĩa được, ví như nấu cơm thì gọi là “chử náp”; uống nước thì gọi là “cửa thổi”; người gần chết thì gọi là “thượng gần uốn”... Trong các lễ cúng tại những nơi khác, khi người làng Phú Hải hành nghề thì có sự phân công công việc riêng. Ví như “Bo (tôi) đã ngẵng vi (ông) xuôi” (trong câu này có ý nghĩa là tôi đánh trống, ông thổi kèn”. Hay trong một cuộc trò chuyện nào đó, khi có sự tranh cãi xảy ra thì một người nói “Sư ngọa mô xâu” (có nghĩa là ông không biết gì hết).
Cổng vào làng Phú Hải. Ảnh: Báo Quảng Trị.
Làng Phú Hải là một cộng đồng gắn kết bền chặt. Dù đi đâu, làm gì thì cốt cách, giọng nói của người làng vẫn không hề thay đổi và khó lẫn vào đâu được. Ngoài thứ ngôn ngữ lạ được gìn giữ qua nhiều thế hệ thì ngay cả tiếng nói của người làng vẫn mang đặc trưng riêng. Dù bốn bề của làng tiếp giáp với những ngôi làng khác nhưng giọng nói của người làng Phú Hải vẫn rất riêng, không giống với bên ngoài. Tiếng nói mang âm điệu lên xuống bất thường, âm vực rộng và nặng, giọng điệu nhấn nhá rất thú vị.
Ngày nay, do đất đai chật hẹp trong khi con cháu ngày một đông, một số con em của làng đã rời quê hương đi nơi khác. Người làng Phú Hải chủ yếu vào Huế sinh sống và làm nghề, khu vực Cồn Hến ở thành phố Huế ngày nay có số lượng người làng Phú Hải làm nghề khá đông. Tuy nhiên có đi đâu, làm nghề gì đi nữa thì người làng Phú Hải vẫn giữ “mật ngữ” của mình, không bao giờ truyền ra ngoài. Thậm chí đối với người làng khác đến làm dâu, rể nhưng hầu như cũng chỉ biết bập bõm vài từ đơn giản.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở làng Linh Chiểu nằm kế bên làng Phú Hải về làm dâu đã 30 năm nay nhưng cũng không thể hiểu được ngôn ngữ của quê chồng. “Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe chồng con trong nhà trao đổi với nhau bằng thứ tiếng lạ ấy nhưng không biết là bố con đang nói gì. Tôi ít để ý, với lại thấy không cần thiết để hỏi nên đâm ra 'mù' luôn ý nghĩa của ngôn ngữ này”, chị Hằng nói.
Theo báo Quảng Trị
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/11/ngon-ngu-la-cua-mot-ngoi-lang/

Chó, mèo cũng phải... 'chính chủ'



Theo quy định mới, toàn bộ chó, mèo trên toàn quốc sẽ phải được cấp số để quản lý.


Hàng nghìn nhân sự mới sẽ có trách nhiệm chuyên đi bắt chó, mèo thả rông, mắc bệnh hoặc nghi dại.

Cấp số đăng ký cho…chó, mèo

Ngày 14/11, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký quyết định số 2891/QĐ-BNN-TY về việc phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo văn bản đính kèm quyết định này thì UBND cấp xã và chủ nuôi chó phải thực hiện nhiều quy định mới. Cụ thể, UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn xã. Chi cục Thú y và Trạm Thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn tỉnh, huyện. Thú y cấp xã và cấp trưởng thôn, ấp, khóm có trách nhiệm thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý. Chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký cho chó với UBND xã và được cấp số.

Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, mục tiêu của việc yêu cầu chủ hộ đăng ký, UBND các cấp cấp số vật nuôi là để nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao ý thức của người dân trước tác hại mà chó, mèo thả rông gây ra. Cụ thể, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là sẽ có 80% đàn chó nuôi được quản lý, được tiêm phòng vaccine. Giảm số ca tử vong do bệnh dại xuống còn 30% so với số tử vong trung bình của năm trước.

Trước quy định mới này, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến khi được tham khảo đều tỏ ra đồng thuận với chủ trương và mục đích nêu trên. Tuy nhiên, số người đồng thuận đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính khả thi của quy định này.

Anh Bùi Trung Dân (Yên Thủy – Hòa Bình) cho rằng: “Việc yêu cầu đăng ký, cấp số để quản lý là tốt. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký ra sao, có mất phí hay không? Những người không đi đăng ký thì có bị chế tài nào bắt buộc?... Những thông tin này người dân cần được biết rõ bởi lượng chó, mèo trong dân, nhất là vùng nông thôn rất lớn. Tại địa phương chúng tôi, nhà ít có vài con, nhà nhiều có đến cả đàn”.

Chó, mèo thả rông là hình ảnh thường thấy ngay cả ở những đô thị lớn.

Về quy định cấp số cho vật nuôi cũng có nhiều ý kiến băn khoăn tương tự. Theo đó, vấn đề này nghe qua thì đơn giản nhưng trên thực tế thì sẽ gặp nhiều điều trái khoáy. Hàng loạt các câu hỏi được người dân đưa ra khi nghe thông tin về quy định này. Chị Phạm Thị Nhung (Bình Giang, Hải Dương) băn khoăn: “Khi cấp số xong người dân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho tặng thì có phải sang số, đăng ký để cấp lại số? Với tâm lý người dân cùng đối tượng, diện bị điều chỉnh bởi quy định này quá lớn thì liệu quy định này có khả thi?”.

Lập đội bắt chó, mèo thả rông

“Lập các đội chuyên trách bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư” – đây là quy định mới mà Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các cấp chỉ đạo thực hiện. Theo quy định này, UBND quận/huyện, xã/phường/thị trấn phải thành lập các đội chuyên nghiệp phụ trách việc bắt giữ chó, mèo thả rông hoặc chó, mèo nghi mắc bệnh dại. Kinh phí hoạt động cho đội chuyên trách này sẽ được địa phương chu cấp. Chó, mèo sau khi bị đội chuyên trách nêu trên bắt thì sẽ được Trạm thú y nuôi nhốt, theo dõi sức khỏe để chờ gia chủ đến nhận. Trong trường hợp gia chủ không nhận thú đã bị bắt tại trạm Thú y thì sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ.

Khi tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương các cấp tại một số địa phương cho thấy tới thời điểm hiện nay, qui định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Ông Trần Vũ Đại, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết chưa nhận được thông tin liên quan đến kế hoạch nêu trên của Bộ NN&PTNT. Theo ông Đại, khi có kế hoạch cụ thể phường sẽ triển khai thực hiện. Hàng năm phường đều tổ chức các đợt tiêm phòng. Chó, mèo sau tiêm sẽ được cấp sổ để theo dõi. Về việc cấp số cho chó, mèo, ông Đại cho rằng sẽ không khó để thực hiện.

Tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết đến ngày 27/11 vẫn chưa nhận được thông tin liên quan đến quyết định nêu trên của Bộ NN&PTNT. Ông Thọ cho rằng, quy định đăng ký và cấp số cho chó, mèo sẽ khó thực hiện. Nguyên nhân là do tình trạng giết mổ, mua bán, cho tặng những động vật nêu trên ở địa phương diễn ra phổ biến. Theo thống kê, hiện huyện Hương Sơn có 16.000 con chó, còn số lượng mèo thì không thể quản lý được nên chưa có con số cụ thể.

Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cũng đồng quan điểm khi cũng cho rằng sẽ khó thực thi quy định yêu cầu đăng ký, cấp số, thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, có nghi dại. “Địa bàn phường Mai Dịch còn mang nặng tính làng xã, lượng vật nuôi này trong dân rất lớn, kiểm soát rất phức tạp. Về phân loại thì có chó nhà, chó cảnh, chó nuôi làm kinh tế. Việc buôn bán, giết mổ, cho tặng thậm chí là chó… mất tích do bị bắt trộm, bỏ đi hoặc chết khiến việc kiểm soát rất khó”, ông Kiên nói. Về việc lập đội chuyên bắt chó, mèo nghi dại, ông Kiên đặt câu hỏi: “Làm thế nào để biết chó có biểu hiện dại để bắt? Hiện khi phát hiện có chó dại trên địa bàn thì chúng tôi có lực lượng dân phòng truy bắt và phần lớn là đánh chết để trừ hậu họa”.
(Theo GiadinhNet)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/98760/cho--meo-cung-phai-----chinh-chu-.html 

Nên lấy người vừa nghèo vừa nhàm chán?


Gia đình anh nghèo, bản thân anh lại rất nhàm chán, liệu em có nên lấy anh làm chồng?
Chị Thanh Bình thân mến!
Giờ đây em đang rất phân vân không biết nên quyết định như thế nào với tình cảm của mình. Mong chị hãy cho em lời khuyên.
Em là một giảng viên, năm nay 29 tuổi -  độ tuổi đáng lẽ phải có chồng con đề huề nhưng hiện nay em đang gặp một số trục trặc.
Sau khi chia tay mối tình sinh viên vì bị phản bội em cảm thấy vô cùng đau khổ và cô đơn. Qua mạng, em đã quen với một người bạn trai và thường xuyên chat với người bạn này. Em cảm nhận được đây là một người chân thành và dịu dàng. Nên sau một thời gian (6 tháng liên lạc với nhau qua mạng) em đã nhận lời yêu anh ấy. 
Nhưng sau khi yêu nhau được mấy tháng, em thấy mình chỉ lợi dụng anh ấy để quên người cũ nên đã nói lời chia tay. Anh ấy nhất quyết không chịu mà kiên trì theo đuổi em đến cùng cho dù em có xúc phạm anh ấy đến tận cùng. Cuối cùng, em lại ngã vào vòng tay của anh ấy. Rồi cuộc tình này cứ thế kéo dài, đến nay đã được 5 năm với không biết bao nhiêu lần em nói tiếng chia tay và anh ấy lại năn nỉ, hứa hẹn.
Thực ra, anh là một người ngoại hình bình thường, gương mặt dễ nhìn, hiền lành, có phần thụ động và nhàm chán. Gia đình anh có 4 người: ba, mẹ, anh ấy và em gái. Ba mẹ anh ấy rất thương con nên từ nhỏ không để anh em anh ấy phải đụng tay đụng chân vào việc gì cho dù nhà không khá giả. Từ nhỏ đến giờ, hai anh em anh ấy chỉ tập trung vào việc học. Vì vậy ngoài việc học ra anh ấy rất thụ động trong những việc khác.
Còn em, xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng bố mẹ em từ đôi bàn tay trắng đã tạo nên một gia sản đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bố mẹ luôn dạy cho con cái biết cách tự lập (em cũng đã tự lập từ nhỏ). Em hiện nay có thể nói là một cô gái thành đạt, xinh đẹp và có tài trong mắt nhiều người. Vì vậy, khi em yêu anh ấy cũng có nhiều lời ra tiếng vào rằng hai đứa không xứng với nhau. Mẹ em cũng từng nói với em rằng: "Mẹ thấy không xứng đáng". Khi ấy, em thực sự không hiểu vì sao mẹ em lại kết luận như vậy, lẽ nào vì gia đình anh ấy sống ở một căn nhà gỗ ọp ẹp bên bờ kênh hôi thôi còn nahf em như một biệt thự giữa trung tâm thành phố?
Nên lấy người vừa nghèo vừa nhàm chán?
Em bị ám ảnh bởi tính keo kiệt, bủn xỉn của anh (Ảnh minh họa)
Nhưng sau đó lại thêm nhiều chuyện không hay xảy ra mới khiến em nhận thức được vấn đề. Anh ấy nói chuyện rỗng tuếch và vô duyên trước mặt mọi người trong gia đình em. Thực sự thì anh ấy là người không giỏi thể hiện cảm xúc bằng lời. Khi quen anh ấy có những lúc em thấy rất chán vì anh không sâu sắc mà nông cạn, thực tế. Chỉ cần nhìn là em đoán được anh ấy nghĩ gì. Tuy nhiên, anh lại rất chịu khó tiếp thu những nhận xét của em cho dù có khó nghe đến đâu. Anh tìm tòi thêm sách dạy cách nói chuyện, anh đọc truyện cười để khi gặp nhau lại kể cho em nghe. Nói chung, anh rất cố gắng thay đổi cách nói chuyện để làm em vui.
Trong cuộc sống anh ấy bắt đầu bộc lộ sự không hào phóng. Trong những dịp đi chơi cùng gia đình em, anh ấy không bao giờ là người trả tiền. Thậm chí những món đồ cũ của anh ấy không dùng (mà với em là cần thiết) anh ấy còn nói sẽ bán lại cho em với giá rẻ. Em khá sốc trước tính cách đó của anh ấy và muốn chia tay nhưng anh ấy lại xin lỗi và hứa sẽ sửa đổi. Tuy vậy, trong thâm tâm em, sự bủn xỉn, keo kiệt của anh ấy là một ám ảnh quá lớn đối với em.
Sau một thời gian, anh ấy lại kiên trì nhắn tin quan tâm, làm em lại suy nghĩ đến những ưu điểm của anh ấy: anh ấy rất chung thủy, không rượu chè, cờ bạc, có việc làm ổn định, lương khá, có trình độ đại học, rất dịu dàng và chiều chuộng em, hy sinh vì em... liệu em có thể tìm được người nào tốt hơn không? Hiện nay, trên báo chí tràn lan những câu truyện về những người đàn ông hoang phí, cờ bạc, thiếu chung thủy., biết đâu chia tay anh em lại  gặp phải người đàn ông không bằng anh?
Thời gian gần đây, anh ấy có tỏ ra hào phóng hơn với em (dẫn em đi ăn nhà hàng sang trọng hơn thay vì quán cóc vỉa hè, tặng em dây chuyền vàng... ) và anh ấy liên tục đề cập đến việc cưới xin. Nhưng thực lòng em rất băn khoăn: anh ấy có hợp với mình không? Liệu đó chỉ là một thay đổi nhất thời để cưới được em hay thực sự anh ấy đã thay đổi? nếu anh ấy không thay đổi thì em có hạnh phúc không nếu cưới anh ấy? ....Nếu bây giờ mà chia tay nữa thì em sẽ không bao giờ yếu lòng nữa nhưng có nên chia tay với một người như thế? Mong chị giúp em, bây giờ em rất bối rối...(Em gái)
Trả lời:
Em gái thân mến! Cảm ơn em đã gửi những tâm sự của mình về cho chuyên mục. Qua thư chị hiểu rằng giờ đây em đang rất phân vân không biết quyết định ra sao, có nên gắn bó cả đời với người đàn ông mà với em có quá nhiều sự khác biệt hay không?
Chị nghĩ rằng, thực ra vấn đề không phải nằm ở sự khác biệt về việc nhà anh ấy ọp ẹp bên bờ kênh hôi thôi so với căn biệt thự giữa trung tâm thủ đô của em. Cũng không phải nằm ở sự khác biệt giờ đây anh ấy hào phóng dẫn em đi ăn nhà hàng sang trọng thay vì quán cóc vỉa hè mà là ở cách sống, lối suy nghĩ của hai người khác nhau.
Nên lấy người vừa nghèo vừa nhàm chán?
Sự khác biệt quá lớn rất khó để đảm bảo cho hôn nhân hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Chính lối suy nghĩ, cách đánh giá, nhìn nhận và nhân sinh quan của cả hai khác nhau mới dẫn tới những hành xử không giống nhau và khiến em thất vọng. Và một khi có sự chêch lệch trong quan điểm sống như vậy sẽ rất khó để hòa hợp. Có thể hiện tại anh ấy đang cố gắng để hòa hợp với em hơn nhưng sự cố gắng ấy rồi sẽ vấp phải một rào cản là cách nghĩ của anh ấy. Khi em và anh ấy là vợ chồng, anh ấy không còn bị phân tán bởi việc phải sống như cách em mong muốn và vì thế sự thay đổi hoàn toàn là điều rất khó.
Sự khác biệt trong cách suy nghĩ, cách sống đó cũng một phần vì sự giáo dục của gia đình. Gia đình em và gia đình anh ấy có cách nuôi dạy con hoàn toàn khác nhau liệu sau này em có thể hòa hợp được với gia đình anh ấy hay không?
Hơn nữa, trong cuộc sống vợ chồng, để hôn nhân luôn hạnh phúc, cả hai đều cần phải duy trì sự hấp dẫn, thú vị và giữ ngọn lửa yêu thương đối với người bạn đời. Vậy mà giờ đây, khi mới chỉ yêu thương em đã cảm thấy anh ấy nhàm chán, đơn điệu và tẻ nhạt. Liệu trong suốt cuộc hôn nhân dài về sau, trước những áp lực, gánh nặng và trăm mối phải lo, em có còn cảm thấy yêu chồng nữa hay không?
Khi thành vợ chồng, bản thân em không khâm phục chồng, sự gièm pha từ phía bên ngoài cho rằng em hơn chồng về mọi mặt sẽ là áp lực vô hình khiến hôn nhân của em không hạnh phúc. Em sẽ cảm thấy bất mãn, mọi thứ về anh ấy (ngay cả trong khi yêu nhau) em cũng chưa từng thấy tự hào thì làm sao em có thể sống và thấy mình hạnh phúc bên người chồng như vậy?
Chị nghĩ rằng, sự khác biệt giữa hai em là khá lớn và vì thế em không nên chỉ vì những thay đổi tạm thời của anh ấy mà quyết định dừng lại. Kết hôn không phải là lấy một người giống y trang mình, phù hợp với mình hoàn toàn nhưng ở một chừng mực nào đó cần phải có sự tương đồng cơ bản mới có thể đảm bảo cho hạnh phúc về sau.
Chúc em đưa ra được quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình!

Đàn ông lười biếng thực ra rất khổ!



Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình hay đùa rằng: “Bé được nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này, mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội. Bởi nếu đúng là người đàn ông có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một người đàn ông có phước nhưng bất hạnh!
>> Suýt hủy cưới vì một tin nhắn đùa
>> Đừng nhìn đời một cách hời hợt

1. Mình có một người bạn gái, xinh xắn dễ thương, học giỏi, chơi với bạn bè vô cùng tình cảm. Mỗi tội, yêu mấy lần đều đổ vỡ. Chỉ yêu được vài tháng một năm, các chàng đều lảng dần.

Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn. - Ảnh: Thinkstock
Vì nàng vụng về vô cùng, từ nhỏ chưa từng vào bếp, quần áo thì ngày xưa mẹ giặt, lớn lên máy giặt thay mẹ. Cơm nước thì mẹ nấu, mẹ ốm thì bố nấu. Đi chợ nàng ngại mặc cả, về nhà ra vào chỉ có học và ăn. Nàng chỉ học và yêu, học càng tấn tới thì yêu càng khó khăn. Đến khi nàng thi đỗ vào khóa đào tạo sau đại học, cả nhà đều ngăn bạn mình đi học.
Bố mẹ nàng nói: Con đã vụng việc nhà, lại còn học cao, biết bao giờ lấy được chồng?
Những chàng trai cũ “của nàng” đều đã lảng đi với lý do, mới yêu thì thật tuyệt vời, nhưng nghĩ đến lúc phải lấy bà vợ đoảng, họ sợ!
Chưa học hết năm đầu Thạc sĩ, nàng bỗng tuyên bố cưới anh bạn học cùng lớp. Nàng cưới chồng cùng lúc mình đưa thiệp cưới. Rồi mình và bạn cùng lúc sinh con đầu lòng. Mẹ nàng gọi điện khẩn cấp cho mình ngay sau khi mình rời nhà hộ sinh:
- Cháu chạy qua nhà bác mau, cho con nó bú hộ bác vài ngày đầu nhé. Vì ngay cả cho con bú, nó cũng… không biết!
Thế mà chồng nàng lại ngăn mình. Chồng nàng gọi điện bảo:
- Bạn mới đẻ, đừng qua, tớ lo cho vợ tớ được hết!
Mình nghĩ đến việc một cặp vợ chồng trẻ mới 25 tuổi, từ lúc cưới xong đã ra ở riêng, vợ thì vụng, con thì vừa sinh, thế mà anh chồng kia xoay sở thế nào? Cũng đã biết chồng bạn tháo vát giỏi giang, nhưng khoản vừa chăm bà đẻ vừa cho con bú kia thì… mình chịu, không hình dung ra nổi!
Thế mà, chỉ dăm năm sau, mình còn một lần kinh ngạc nữa khi qua thăm, nhận ra người bạn gái vụng về năm nào giờ trở thành một người phụ nữ ba mươi vừa khéo léo vừa đảm đang, bên cạnh ông chồng chu đáo. Mình hỏi:
- Phép màu nào vậy?
Ông chồng thanh minh:
- Nào ai dám dạy vợ? Chỉ là vợ yêu mình quá, và mình yêu vợ quá, nên học được nhau thôi!
Cô bạn mình mách tội chồng:
- Đó, đẻ đứa sau, mình được chồng khen là đã khéo chăm con, biết cho con bú! Rồi bảo, nếu đẻ thêm vài lần nữa là em đảm nhất quả đất! Nhưng mà ai mắc lừa ông ấy?!!! Kể mà anh lấy cô khác, có khi cả đời chỉ việc ngồi rung đùi chờ vợ cơm bưng nước rót ấy nhỉ? Có hối hận chưa?
Chồng bạn mỉm cười với vợ:
- Thì lại đưa đây, mình cho con bú có chứng chỉ chuyên nghiệp rồi! Mình có mỗi bí quyết ấy để khiến vợ yêu phát điên, mấy tay đàn ông khác học làm sao được? Mà có muốn cũng chẳng cha nào chịu học, khổ thế! May, có mỗi vợ mình lại thấy chồng đảm là quý giá thế!
2. Mình nghĩ, có khi ngay cả những người vợ đảm đang cơm bưng nước rót cho chồng, cũng biết rằng, người đàn ông sẻ chia việc nhà quý giá biết chừng nào. Có điều họ chẳng dám mở mồm ra yêu cầu từ người chồng của họ thứ chăm sóc đó!
Bởi vì chúng ta đã quá quen với sự hy sinh, đến mức nghĩ rằng hy sinh là một vầng hào quang lấp lánh của đời đàn bà.
Chúng ta cho rằng người đàn ông được trang bị cho đến tận răng bằng sự chăm sóc của mẹ, của vợ, của con cái là sự tự nhiên, còn người đàn bà ăn xong bỏ mâm bát đó, ngồi uống trà với người đàn ông là một sự nhàn nhã khó hiểu.
Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình hay đùa rằng: “Bé được nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này, mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội. Bởi nếu đúng là người đàn ông có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một người đàn ông có phước nhưng bất hạnh!
Vì người đàn ông nấu được một bát canh nóng cho vợ con còn quý giá hơn người đàn ông nửa đêm về trong hơi men, quẳng ra giữa nhà một cục tiền, trước khi ngủ gục trên bãi nôn mửa, không biết người đưa mình lên giường là vợ hay ai.
Rằng người vợ được đại gia chồng mua nhà mua xe cho thì thật là sướng, nhưng sáng sáng lúc quỳ xuống cửa buộc dây giày cho chồng, trong cái nhà tiền tỷ ấy, thì có chạnh lòng không? Mình nghĩ là có.
Nếu yêu thương có thể dạy ta nhiều thứ, làm ta trưởng thành hơn, thì sự lạnh lẽo của một cuộc hôn nhân thiếu hơi ấm cũng làm ta hiểu ra được nhiều điều giản dị trong cuộc sống này thật quý giá làm sao.
Giá người đàn ông của hôn nhân cũng như người vợ bạn mình kia, ngày càng trưởng thành và giỏi giang, chỉ bởi muốn tìm cách yêu thương nhiều hơn, thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu bạn mình may mắn vì cưới được người đàn ông giỏi giang bao dung, khiến bạn cũng được yêu, được chăm sóc, và từ đó thay đổi, thì ngược lại: những người đàn ông cưới được người phụ nữ giỏi giang bao dung, có khi sẽ không trưởng thành hơn được nhiều.
Bởi người phụ nữ giỏi giang bao dung kia đã làm tất thảy khiến chồng chị luôn thấy rằng, mọi việc đều rất ổn, em có thể một mình cơm nước chợ búa giặt giũ, một mình nuôi con và phấn đấu sự nghiệp, dù vất vả nhưng miễn anh vui là được rồi!
Nói cho cùng, rất nhiều khi, hạnh phúc hay bất an đến từ chỗ, những người vợ nghĩ gì. Không phải chính những người phụ nữ đã tạo ra những anh chồng gia trưởng và những cậu con trai vụng về lười biếng việc nhà hay sao?
3. Tháng 6 vừa rồi, mình đọc được một báo cáo khoa học của Đại học Cambridge (Anh) có tiêu đề là: “Đàn ông làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn!” Họ nghiên cứu trên kết quả khảo sát 30 nghìn người đàn ông của bảy quốc gia, thấy được đàn ông nói thật về chuyện… vào bếp với vợ: Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn. Bởi đơn giản, nếu không cùng vợ gánh vác việc vặt trong nhà, những thứ việc không tên và không được trả lương, hàng ngày trong căn nhà của họ, họ cảm thấy bất an với cuộc hôn nhân, lén lút cảm thấy có lỗi với vợ, dù ngoài miệng – tất nhiên – họ bảo, việc nội trợ đâu phải của đàn ông đàn ang chúng tôi!
Hóa ra, chỉ số hạnh phúc của đàn ông có khi còn được tầm soát bởi cảm giác bất an trong tận sâu tâm thức của mỗi người chồng: Mình có nhìn thấy vợ mình vất vả việc nhà, nhưng mình vì sao lại phải rời cái điều khiển tivi ra khỏi tay mình, để cầm lấy cái giẻ rửa bát?
Hồi xưa, mình từng làm luận văn về cái điều khiển tivi nằm trong tay ai thì người đó là kẻ quyền lực nhất trong gia đình. Và thường cái điều khiển tivi trong nhà chúng ta sẽ nằm trong tay bố, tay chồng, không mấy khi nằm trong tay vợ, tay con dâu.
Nhưng đàn ông có nghĩ rằng, mình cầm điều khiển tivi càng nhiều thì vợ mình đang cắm mặt vào đống bát đũa và quần áo bẩn sẽ càng yêu mình hơn không?
Có lẽ là không. Nhưng nếu người chồng cầm lên chiếc giẻ rửa bát, hai vợ chồng làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ, hẳn câu chuyện hạnh phúc gia đình sẽ viết tiếp theo cách đích thực ngọt ngào nhất.
>> Bay đi nhé, tình yêu!
>> Những việc cần làm ngay
Trang Hạ

Chuyện yêu đương thời bao cấp


Nhớ về thời bao cấp, họ không còn rùng mình về những thiếu thốn, khó khăn, chỉ thấy những kỷ niệm tình yêu lãng mạn mà đến con cháu cũng phải ghen, phải nể.
>> Chiều quá nên vợ sinh hư
>> Kết hôn với đại gia, lợi bất cập hại

Ảnh minh họa
Những thanh niên thời ấy, bây giờ trẻ nhất cũng đã U50. Nhớ lại thời bao cấp, ai cũng kêu cái thời sao khổ thế. Nhưng khi kể chuyện tán gái hồi đấy, họ người mỉm cười, kẻ cười mỉm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, 57 tuổi, từng là sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Năm thứ hai, ông phải lòng một cô sinh viên khóa dưới.
“Cô này da trắng, tóc dài chấm hông, nhiều anh mê lắm, toàn những đứa có sừng có mỏ cả. Mình cũng thuộc dạng khá, học hành được, nhưng trong đám cưa nàng, loại như mình đổ đi không hết, lại phải tội nghèo. Hồi mình đỗ đại học, thầy u giết được con lợn mời cả xóm đến mừng, tiễn mình đi, thế là từ đó giao mình cho nhà nước nuôi dạy chứ chả cho được đồng nào”, ông Quảng kể.
Mỗi lần định đến thăm nàng, nghĩ đến hai bộ đồ sờn cũ của mình, chàng sinh viên Nguyễn Văn Quảng thấy nản. Dĩ nhiên ông cũng làm như các bạn bè ở hoàn cảnh mình khi đó vẫn làm: mượn đồ. Áo mượn người này, quần mượn người kia, cứ mới mới chút là được, không khó kiếm. Nhưng muốn gây ấn tượng tốt thì phải có những đồ thời thượng, kiểu như hàng hiệu bây giờ.
Thế nên cứ đến thứ 5 hằng tuần là Quảng lại nhắc cậu bạn trong ký túc xá: “Nhớ là tao đăng ký từ trước rồi đấy nhé”, ý nói đến đôi dép nhựa trắng Tiền phong và cái xe đạp của anh chàng.
Cái xe đạp hồi đó cũng giống như xe máy Dreams với thế hệ sinh viên 7X hay xế hộp với sinh viên 9X vậy, có nó là nghiễm nhiên thành hot boy. Còn dép nhựa trắng Tiền phong thì giá trị chả kém gì giày hàng hiệu bây giờ. Thế nên anh chàng quê Hải Phòng sở hữu cả hai món này là người được cầu cạnh nhiều khu ký túc. Bạn bè cậu nào cũng muốn mượn để “lấy le” với các em. Họ đua nhau hối lộ khổ chủ, nào thuốc lá, nào kẹo lạc, nào giặt hộ quần áo… chỉ cốt chiều thứ 7 được mượn dép, mượn xe.
Yêu thì yêu vô cùng, nhớ ghê gớm lắm, nhưng vì mấy lần trước đã xuất hiện như “dân chơi” trước mặt nàng rồi nên những hôm không mượn được đồ, Quảng đành nằm nhà, nhất là khi không mượn được dép. “Không có xe đạp thì còn giả vờ tinh tướng là cho thằng bạn mượn đạp về quê thăm thầy u, chứ hôm trước đi dép Tiền phong, hôm nay đi dép rách là lòi đuôi ra ngay”, ông Quảng giải thích.
Còn ông Phạm Thành, 60 tuổi, cho biết hồi trai trẻ, ông không có xe đạp, cũng chẳng có dép nhựa Tiền phong, nhưng lại có một món “hàng hót” thời bấy giờ, đó là mũ cối Tàu, giá bằng cả chỉ vàng. Có điều khác với bạn bè, Thành không coi đó là thứ để làm “các em” lác mắt về độ ăn chơi của mình, chỉ là anh thích cái mũ ấy, và quý như vàng, đi đâu cũng mang, và dứt khoát không cho ai mượn. Ngoài ra thì khi đi cưa cẩm, Thành chỉ ăn mặc bình thường, gọn gàng sạch sẽ là được.
Đợt ấy người đẹp mà Phạm Thành chinh phục có vẻ đã xuôi xuôi. Sáng chủ nhật, hai người đi dạo Bờ Hồ, rồi Thành mua sách tặng nàng, mời nàng ăn kem Tràng Tiền. Những tưởng đi chơi trong buổi sáng rồi chở nàng về, vì chiều nàng còn có việc bận, ai ngờ nàng hứng khởi quá nên quyết định hoãn công việc sang dịp khác để tiếp tục cuộc dạo chơi.
Chơi đến quá trưa thì cũng phải ăn, và người trong mộng của Thành lại có nhã ý ăn phở. Kể ra Thành chẳng nghèo đến mức hai bát phở cũng không mua nổi, nhưng lúc nãy trót vung tay nên hết sạch tiền.
“Từ sáng đến giờ đã ra vẻ phong lưu, nàng thích gì là mua tặng, muốn gì là chiêu đãi, giờ có bát phở cũng không mời được thì ê mặt quá, nhưng chẳng biết nói thế nào. Nghĩ chưa xong thì hai đứa đã vào đến quán, nàng ngồi xuống rồi. Cực chẳng đã, mình đành giả vờ buồn đi vệ sinh, bảo nàng chờ rồi lẻn ra chỗ cách đó vài phố, bán cái mũ cối cho bọn phe. Nhìn điệu bộ hớt hải của mình, biết mình vừa vội vừa cần tiền gấp nên chúng nó ép giá thê thảm. Tiếc đứt ruột, nhưng cũng đành”, ông Thành cười kể lại.
Ông Lê Văn Tịnh, 65 tuổi, nói: “Người ta cứ bảo bây giờ dân tình chạy theo đồng tiền, chứ thực ra thời bao cấp cũng vậy thôi, nghĩa là thời nào cũng có người coi đồng tiền là trên hết. Hồi đó khốn khó, nên cái chuyện vật chất càng quan trọng,   lại càng đặt mục tiêu lấy được anh giàu, nếu không phải có chút chức sắc thì cũng phải là cánh lái xe, hay những người đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về, giống như bây giờ chân dài chỉ muốn câu đại gia vậy. Hồi đó mình ngây thơ quá, trót dại mê nhan sắc một cô, rồi chuốc nhục mà về”.
Cô gái ấy là sinh viên khoa văn. Thấy nàng đi đứng tao nhã, ăn nói dịu dàng rõ con người thanh lịch, ông Tịnh bèn dùng thế mạnh thơ phú của mình để tấn công, nghĩ mình vừa đẹp trai, lại có tài, kiểu gì nàng cũng đổ. Rồi thấy bài thơ nào của mình nàng cũng nhận, đọc xong mắt chớp chớp ra chiều cảm động lắm, ông Tịnh hy vọng tràn trề. Những bài thơ nồng cháy tình yêu ấy ông chỉ viết riêng cho nàng, ấy vậy mà sau đó nhiều cô gái biết và thuộc, nhiều cậu trai khác copy gửi cho bạn gái, điều đó chứng tỏ nàng thấy chúng rất hay và đem ra khoe với mọi người. Ông Tịnh nghĩ, nàng chưa “nhiệt tình” với mình hơn chắc cũng chỉ vì gái đẹp thường kiêu kỳ mà thôi.
Một hôm đến nhà nàng, ông Tịnh đánh bạo nói lời yêu và bày tỏ ước mơ lấy nàng làm vợ. Nàng cũng chớp chớp mắt, khiến kẻ si tình muốn đứng cả tim vì chờ đợi. Rồi lời vàng cũng được thốt ra từ miệng ngọc, khiến chàng trai rụng rời: “Nhà anh có tủ lạnh không?”. Thấy “đối tượng” mặt tái mét, chẳng nói ra lời, nàng tự xác định luôn là không có. Rồi nàng ái ngại thanh minh cho chuyện “đòi” tủ lạnh, hình như nói về chữ hiếu gì đó, nhưng ông Tịnh không nghe nổi nữa, cáo từ ra về.
Ông sốc chẳng phải vì mình không có tủ lạnh để cưới giai nhân (dù sự thật đúng là không có) mà vì không thể ngờ nàng thơ khả ái vừa nghe tỏ tình đã kê ngay tủ lạnh vào mồm mình như vậy. Nghĩ đến những bài thơ viết bằng cả trái tim và sự tài hoa, những mong xứng đáng với sắc đẹp và tâm hồn sinh viên khoa văn của nàng, ông Tịnh tê tái cả người vì xấu hổ.
Nói về chuyện yêu đương thời ấy, bà Trần Thùy Liên, 54 tuổi, tâm sự: “Cánh phụ nữ chúng tôi ngồi với nhau thường nói chuyện chọn chồng. Tuy ít ai nói thẳng ra nhưng tôi biết, rất nhiều cô có nhan sắc chỉ muốn nhăm nhăm  . Thế nên mới có chuyện nhầm lẫn đau đớn như cô Phước làm cùng cơ quan tôi”.
Cô bạn này nhan sắc rất khá, công việc đã ổn định nên rất nhiều anh nhắm nhe, trong đó có anh Mộc. Anh Mộc mặt mũi dễ coi và nói chuyện rất có duyên, hài hước nên nhiều cô mê. Bản thân Phước cũng rất thích Mộc nhưng đối xử với anh khi thân mật, lúc lạnh lùng, rồi vài tháng sau thì từ chối anh để tập trung vào một chàng “có máu mặt”. Có lần ngồi hàn huyên, Thùy Liên có hỏi Phước về anh Mộc thì cô nói, cô thích anh lắm nhưng không yêu được vì anh nghèo.
Ít lâu sau, qua một người trong ngành đến liên hệ công tác, chị em trong cơ quan mới biết nhà anh Mộc rất giàu chứ không bần hàn như cái vẻ ngoài giản dị, lôi thôi của anh thể hiện. Ngồi nghe nhà anh có đến 2 cái xe Cup 50, có đài cassette mà người Phước cứ tái đi như muốn lả. Sau đó, cô phát phiền đến mức đổ bệnh. Người trong cơ quan bảo chắc cô đấm ngực hằng đêm vì đã ném đi cục vàng mà không biết. Nghe nói Phước có ý bật đèn xanh cho anh Mộc trở lại, nhưng anh đã yêu người khác rồi.
“Nói vậy nhưng không phải cô gái đẹp nào thời đó cũng chạy theo vật chất cả”, bà Liên bảo, “Như chị gái tôi, có mấy anh phó tiến sĩ ở Nga về theo đuổi, mà trước sau vẫn chỉ yêu anh Thắng là bạn hồi cấp ba. Anh ấy làm ở huyện bên cạnh, cứ chiều thứ 7 là còng lưng đạp xe 40 cây số về thăm chị, rồi chở chị đi chơi. Không có tiền nên họ chẳng ăn uống gì, chỉ đạp xe mấy vòng rồi về”.
“Xe đạp hồi đó hỏng hóc như xịt lốp, sang vành, tuột xích liên tục là thường, nên nhiều bữa ‘đi tình yêu’ về mà anh chị tả tơi như đánh trận, mặt mũi, áo quần đều nhem nhuốc, mồ hôi đầm đìa. Có mấy lần, trên đường từ cơ quan về thăm chị, anh Thắng bị hỏng xe, mãi 10 giờ tối mới về đến nơi”, bà Liên kể.
Chị gái bà Liên và người yêu thời đó giờ đã có chung 3 đứa con, 1 đứa cháu. Nhớ về thời bao cấp, họ không còn rùng mình về những thiếu thốn, khó khăn, chỉ thấy những kỷ niệm tình yêu lãng mạn mà đến con cháu cũng phải ghen, phải nể.

Hội E61

Thứ Hai, 26/11/2012, 16:54

Họ không đẹp lộng lẫy nhưng cũng thuộc dạng ưa nhìn, lý lịch gia đình tốt, học hành đàng hoàng, một công việc ổn định, thu nhập khá, mọi thứ trông vào rất ổn, mỗi tội họ là... E61 (từ cách gõ tiếng Việt kiểu VNI, E61 = Ế). Gọi kiểu cách chút là người độc thân, còn bình dân hơn là “ế”, để chỉ những cô nàng ngấp nghé và bước qua hàng băm rồi mà vẫn ê sắc. Ế phải chăng là xu thế?
TGGĐ tuần này đã thực hiện chuyên đề “Hội E61” với tham gia của Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, các cây bút Mai Hiên, Thu Phương, Thảo Duyên, Huỳnh Diệp cùng các tài liệu, con số thống kê về tình trạng hôn nhân trong nước và trên thế giới để làm rõ hơn về chuyện của những nàng E61.

Cận cảnh “động E61” 
Chốc chốc tôi lại quay ngoắt 180 độ về phía những cô nàng đang hí hửng kéo nhau ra giữa phòng chụp hình “tự sướng”. Mỗi người một nét mặt, một tính cách, không đẹp lộng lẫy, kiêu sa nhưng cũng “ăn ảnh” trong các bức hình. Nhưng điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên là biết rằng tất cả họ đều “ê sắc”.
Phòng chăm sóc khách hàng có 6 nữ, trừ tôi - 38 tuổi, đã có chồng và 2 con, thì 5 người còn lại, mỗi người một hoàn cảnh nhưng gặp nhau ở điểm chung là... ế. Mỗi người mỗi cảnh, tất cả như một mảng màu khác nhau trong một bức tranh chân dung “động E61”.
Nổi bật nhất có lẽ là Minh Thu dù năm nay cô nàng đã 32 tuổi. Sở hữu đôi chân dài, làn da trắng mịn, trên mình luôn khoác bộ cánh hợp thời trang, Thu nổi bật giữa những nàng còn lại. Sẽ không ai ngờ nổi là cô vẫn là “lính phòng không”.
Nghe đâu, ngày bố nàng khai trương văn phòng luật sư, ông nắm tay nàng đi giữa hai hàng khách mời và dõng dạc tuyên bố: “Đây, đây là cô con gái duy nhất trong nhà tôi chưa có chồng”. Cô không ra vẻ gì kinh ngạc trước lời giới thiệu của bố thậm chí còn nở nụ cười thật tươi.
Phải chăng môi trường công sở quá khắc nghiệt để cô có thể chọn được người yêu? Không, bởi Thu vẫn có những người bạn, đồng nghiệp khác giới. Cô quá chảnh? Cũng không. Chỉ là hiện tại cô có những người bạn gái thân thiết, lúc buồn thì í ới nhau đi ăn uống, tâm sự, đi xem phim. Cảm giác buồn bã bay biến, cô thấy không có lý do gì để cố tìm cho mình một nửa còn lại.
Cô nàng được mệnh danh là sát thủ của phòng chính là cô bé Phương Hà. 28 tuổi, xinh gái, ngoan, không hiền mà cá tính. Cũng có một vài người đánh tiếng, nhưng họ không qua khỏi vòng sơ tuyển. Đơn giản chỉ với vài câu đối đáp sắc như dao của cô, những “thợ săn” đã buông cung quay lưng đi mất.
Ảnh mang tính chất minh họa
Trong một lần đối đáp lại lời một nam đồng nghiệp về trí tuệ của đàn bà và thành công của họ so với đàn ông, khi cô đã gần như thua khi các dẫn chứng thành công nhất trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp đều thuộc về một người đàn ông thì cô nhanh trí dẫn một câu nói rất nổi tiếng của một người phụ nữ từng nổi tiếng: “Ối dào, suy cho cùng thì đàn bà còn đẻ ra đàn ông cơ mà, đúng không anh?”. Vài lần khác, lối đối đáp sắc lẻm, lập luận chặt chẽ của cô đe dọa sĩ diện “luôn mạnh mẽ” của các nam đồng nghiệp còn lại.
Người vui tính nhất của cả phòng đấy chính là Mỹ Nga, 29 tuổi. Người ta bảo những người mập mạp như nàng thường vui tính. Mà thật, văn phòng luôn rộn ràng mỗi khi có nàng vì những câu nói luôn pha chút hài hước. Nhà có 2 chị em gái, ba nàng cứ giục nàng lấy chồng. Nhưng nàng tìm mãi mà chưa ra. Nàng kể, có lần ba nàng sắp xếp cho nàng hò hẹn, cà phê với một anh chàng là con một người bạn lâu năm của ông ấy. Lần đầu hẹn gặp, người đó đã cho nàng đợi dài cả cổ.
Trò chuyện được dăm ba câu nhạt toẹt thì nàng đã kiếm cớ đòi về. Lúc gọi phục vụ tính tiền, nàng ngạc nhiên đến không nói nên lời. Chàng móc ra một món tiền được cột thun cẩn thận và trả mỗi ly lipton đá của mình. Sau lần đấy, cả hai lặn mất tăm. Mới đây, nàng khoe vừa đi coi bói, bà thầy bói bảo sang năm sẽ có chồng. Nàng nửa đùa nửa thật với mấy anh nam phòng khác: “Mình không đẹp, không chân dài nhưng mình có căn nhà 1 tỷ, ai cưới mình, mình sẽ cho”. Sự vụ “của hồi môn” là căn nhà 1 tỷ của nàng cứ làm căn phòng cứ nhộn nhịp hẳn lên mỗi khi có anh nam nào bước vào phòng.
Còn Phương Mai, 28 tuổi, nhảy dựng lên khi tôi lỡ miệng kêu nó là “gái ế”. Cô không thích từ ế. Cô theo chủ nghĩa độc thân. Là con một, ba mẹ Mai cũng muốn cô nhanh chóng tìm được người hợp tính, hợp ý để kết hôn, sinh con cho họ có cháu để ẵm bồng.
Thế nhưng, Mai bảo mình chưa từng có ý nghĩ về vấn đề đó. Thấy thương ba mẹ cô nên bạn bè tác động các kiểu mà Mai vẫn bình chân như vại. Tuần nào, ba mẹ Mai cũng bắt xe buýt lên Sài Gòn thăm. Khi thì mang đồ ăn, khi thì lên để giặt đồ, có khi để... gội đầu cho cô. Mai thì cứ phì cười “Độc thân thì có sao đâu”. Mai còn bảo 3 bà dì nhà cô có người gần 50, có người bốn mươi mấy vẫn độc thân và sống vui vẻ đấy thôi. Mai bảo sẽ làm để dành tiền để về già vô viện dưỡng lão sống. Đúng là hết nói!
Được xếp vào hàng có nguy cơ ế là em Hải My, 26 tuổi, nhỏ nhất phòng. Vẻ ngoài của bé hơi nam tính từ dáng đi, tướng đứng với mái tóc hớt cao, trang phục quen thuộc là áo sơ-mi, đóng thùng. Tôi cam đoan 100% My không hề là les. Bởi trái với các chị xinh tươi nhưng đến giờ vẫn chưa có mối tình vắt vai, em nó đã trải qua rất nhiều cuộc tình. My nói mỗi khi buồn, My chỉ cần nói chuyện vu vơ với bạn cùng phòng mặc kệ bạn có nghe hay không, hoặc là chỉ cần ôm, hôn ai đó là con gái một cái thắm thiết là cảm giác muộn phiền như trút hết. My đang yêu tự do và cơ bản cô chưa thấy ai có thể gắn kết.
Đấy, những cô gái bị liệt vào hàng “E61” của cả văn phòng tôi là thế. Mỗi người một hoàn cảnh, có những lý do riêng để giải thích cho tình trạng đơn thân của mình. Tôi tin không ai trong số họ là không có khả năng để tìm được người phối ngẫu. Chỉ có vấn đề là do chữ duyên. Ai trong số họ là gái ngoan mà vẫn ế hay vì một lý do nào đấy mà vẫn chưa quyết định “bến đỗ” thì chỉ là họ còn thiếu chữ duyên mà thôi.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
25 tuổi đã bị cho là ế!
TGGĐ tiến hành một cuộc khảo sát bỏ túi với 20 người, cả nam và nữ, với nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau với cùng một câu hỏi: Theo bạn, phụ nữ bao nhiêu tuổi bị cho là ế. Kết quả như sau:
Từ 25 tuổi: (10%)
Từ 30 tuổi: (45%)
Từ 35 tuổi: (25%)
Từ sau 40 tuổi: (15%)
Không bao giờ là ế: (5%)
 
Huỳnh Diệp
---------
Thực trạng “gái ế”
Theo số liệu ước tính đến năm 2020, những cư dân “ế” trên Trái Đất sẽ tăng thêm 48 triệu người và trở thành bộ phận dân số phát triển nhanh nhất thế giới.
Nếu ví tình trạng độc thân là một cơn bão thì cơn bão ấy đang “càn quét” trên khắp thế giới. Công ty nghiên cứu Euromonitor International có trụ sở ở London, ước tính đến năm 2020, những cư dân “ế” trên Trái Đất sẽ tăng thêm 48 triệu người kể từ năm 1995 và trở thành bộ phận dân số phát triển nhanh nhất thế giới.
  Việt Nam trong vùng “bão”
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, tỷ lệ hộ độc thân ở thành thị năm 2009 tăng vọt lên 8,1% trong khi năm 1999 chỉ là 4,7%. Tỷ lệ chưa từng kết hôn của nhóm dân số độ tuổi từ 35 đến 54 cũng đã tăng lên đáng kể, đặc biệt ở nữ giới. Theo như Tháp dân số Việt Nam về tình trạng hôn nhân 2009, tỷ lệ nữ chưa kết hôn cao hơn nam giới, đặc biệt là nữ từ độ tuổi 44.
Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ đã bước qua tuổi kết hôn vẫn “án binh bất động” với chuyện chồng con được đưa ra là do điều kiện kinh tế phát triển, mối giao tiếp xã hội cởi mở hơn.
Người phụ nữ ngày nay bên cạnh các thước đo về sự nỗ lực học hành, nhan sắc... thì còn có thước đo là địa vị xã hội. Họ có toàn bộ các điều kiện để đạt được điều đó. Họ hoàn toàn chủ động từ tài chính đến tình cảm. Họ lựa chọn điều kiện thoải mái nhất cho bản thân. Chính vì vậy, phụ nữ ngày nay không còn dồn mọi tâm trí và sức lực của mình vào việc lấy cho được một người chồng như ý.
Các cô gái văn phòng, bản chất công việc của họ là môi trường giao tiếp hẹp, ổn định. Họ dễ hài lòng với điều đó và ngại phải cố gắng mở rộng các mối quan hệ xã hội. Môi trường xung quanh cũng không quá dị biệt khiến họ buộc phải gấp rút thay đổi tình trạng độc thân hiện tại của mình. Họ muốn có đôi đấy, họ muốn có gia đình đấy, nhưng chúng không đủ mạnh đến nỗi họ làm tất cả vì nó. Duy trì một cuộc sống ổn định và thoải mái nơi đô thị mỗi ngày lại trở nên quan trọng với họ hơn.
Công dân E61 trên thế giới
Việt Nam không là tâm điểm của cơn bão “độc thân” mà chỉ đang nằm trong hướng di chuyển của “bão” từ các quốc gia phương Tây sang phương Đông.
Thụy Điển hiện nay là nước có số hộ độc thân cao nhất thế giới, chiếm 47% dân số, đứng thứ hai là Na Uy với 40%. Ở Mỹ, phụ nữ sống độc thân nhiều hơn đàn ông, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi từ 35 đến 64.
Tỷ lệ hôn nhân ở các nước phương Đông, xưa nay vốn luôn đề cao các giá trị gia đình, đã giảm một cách đáng lo ngại.
Tại Singapore, có tới 27% cử nhân đại học không chịu kết hôn dù độ tuổi không còn trẻ (khoảng 40 - 44 tuổi). Trong khi đó, 1/5 phụ nữ Đài Loan đều độc thân cuối độ tuổi 30 và phần lớn cũng sẽ không kết hôn. Còn ở Bangkok (Thái Lan) có đến 20% phụ nữ ở độ tuổi 40-44 không kết hôn.
  Quốc gia 2 tỷ dân - Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ “cơn bão” độc thân. “Sheng Nu” (tạm dịch là gái ế) trở thành đề tài thường xuyên được đề cập trên sách báo và phim ảnh. Tuy nhiên, dường như áp lực từ gia đình, xã hội lên những người phụ nữ độc thân ở quốc gia này khá nặng nề.
Lý do là các quốc gia này có truyền thống lịch sử quá lâu đời, khó chấp nhận chuyện phụ nữ không lập gia đình. Nhiều cô gái đã phải ra nước ngoài để chạy “trốn” dư luận xã hội. Nhiều dịch vụ mai mối mọc lên nhằm làm cầu nối cho những trái tim cô đơn xích lại với nhau.
Tuy nhiên, Wu Di, 43 tuổi, tác giả cuốn sách mang tên “Tôi biết vì sao em ế” cho rằng, phụ nữ hiện đại chọn cuộc sống độc thân là tất yếu và không ngừng gia tăng. “Phụ nữ ngày càng giàu có và tài giỏi hơn. Vị thế tốt hơn khiến họ có yêu cầu cao hơn. Một mặt, hiện nay những người trẻ tuổi thường làm việc rất chăm chỉ và không có nhiều cơ hội gặp gỡ sau khi tan sở. Mặt khác, người Trung Quốc xưa nay thường cho rằng con người nên “biết chấp nhận” khi kết hôn. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay lại không thích chấp nhận. Họ cảm thấy sống một mình vẫn tốt và không việc gì phải hạ thấp các tiêu chuẩn sống của mình để kết hôn”, Wu Di nói thêm.
Sao Việt chưa có đôi
Nói đến gái ế mà không nhắc đến mỹ nhân của showbiz Việt thì quả là một thiếu sót. Điểm qua danh sách, chúng ta có thể thấy các người đẹp kỳ cựu của showbiz như Mỹ Tâm, Hương Hồ, Ngô Thanh Vân, Hà Anh, Thu Minh đều đang trong tình trạng “mình ên”. Sau khi sao Việt như Đoan Trang, Hồng Nhung, những ngôi sao suýt bị xếp vào hàng lỡ thì lên xe hoa và có gia đình đầm ấm với chồng Tây thì liệu rằng trong năm nay sẽ có sao nào theo xu hướng lấy chồng Tây không?
 
MAI HIÊN - THU PHƯƠNG
---------- Hệ lụy khi sống đời độc thân
Không bàn đến hệ lụy về mặt xã hội, người phụ nữ độc thân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cá nhân.
Phụ nữ sống độc thân có nguy cơ tử vong cao hơn những người đã có chồng là 23%
David Roelfs (Phó giáo sư xã hội học trường Đại học Louisville, Kentucky phát biểu trên Tạp chí American Journal of Epidemiology, Mỹ)
- Trong suy nghĩ của đa số người Việt Nam, phụ nữ không kết hôn ắt là người có vấn đề: Có thể là sức khỏe ốm yếu, tính tình khó chịu, cầu toàn… Gia đình nào có con gái “ế” tức là kém phúc. Áp lực từ định kiến xã hội khiến nhiều phụ nữ muốn sống độc thân nhưng cuối cùng cũng lấy “đại” một tấm chồng cho khỏi khó xử với miệng đời và hôn nhân khó lòng bền vững.
- Hầu hết các phụ nữ độc thân đều cho biết họ sợ nhất khi được người khác “quan tâm” bằng những câu như: “Khi nào thì lấy chồng đây?”, “Kén cá chọn canh quá phải không?”… Nếu câu hỏi đó đến từ những người thân như bố mẹ, ông bà, cô dì, chú bác… thì thường kèm theo tiếng thở dài, than vãn, hoặc chì chiết. Điều này khiến phụ nữ độc thân có khuynh hướng né tránh các buổi tụ họp đông người như họp mặt gia đình, đám giỗ, cưới xin, họp lớp…lâu dần thành một căn bệnh tâm lý mang tên “rối loạn ám ảnh sợ xã hội”.
- Ngoài ra, các nghiên cứu tâm lý còn cho thấy, phụ nữ độc thân có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn phụ nữ kết hôn. Nguyên nhân do họ phải đối diện với sự cô đơn, phải chịu mọi áp lực (như áp lực định kiến xã hội ở trên) một mình, lại thu hẹp giao tiếp với mọi người xung quanh nên không dễ giải tỏa được các căng thẳng, buồn phiền. Người sống độc thân có thể suy yếu kỹ năng xã hội, hệ quả của việc thu hẹp các mối quan hệ giao tiếp với người xung quanh.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền Giảng viên khoa Tâm lý giáo dục Đại học sư phạm TP. HCM
  - Về sức khỏe, các thống kê y học đều chỉ rõ phụ nữ độc thân có nguy cơ mắc bệnh ung thu vú cao hơn phụ nữ kết hôn.
- Một vấn đề tế nhị khác là với xã hội Việt Nam, phụ nữ độc thân cũng khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu sinh lý.
Ế mà vẫn hiên ngang ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền cũng chia sẻ: Để sống độc thân mà không bị gọi là “gái ế”, “gái già”, “gái hâm”, mỗi người cần học cách tồn tại trước áp lực của gia đình, xã hội bằng những loại “thuốc bổ” dưới đây:
• Suy nghĩ tích cực
Hình thành ý nghĩ thường trực mình không kết hôn vì chưa tìm được người hợp với mình. Luôn tự tin với những gì mình đang sở hữu (hình thức bên ngoài, tính cách, nghề nghiệp, tài chính…).
• Hạn chế thời gian quá rảnh rỗi và ở một mình
Luôn lập cho mình những kế hoạch để thực hiện, đó có thể là công việc, học tập, giải trí, làm đẹp, tham gia một lớp học khiêu vũ, trang điểm…
• Tạo hình ảnh đầy sức sống, tươi vui, rạng rỡ trong mắt mọi người
Luôn chú ý chăm chút vẻ bên ngoài khi xuất hiện trước người khác. Nó sẽ giúp bạn có cảm giác tự tin, vui vẻ hơn. Bạn sẽ nhận ra mình đang rất hạnh phúc với cuộc sống của mình, hạn chế việc tự gây áp lực cho mình là phải kết hôn bằng mọi giá.
• Thiết lập quan hệ xã hội rộng mở
Thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với người thân, họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè, tránh tình trạng cô độc hoặc chịu đựng nỗi buồn một mình. Hãy mạnh dạn tham gia các câu lạc bộ sở thích (cắm hoa, khiêu vũ, ca hát…), các tổ chức xã hội (như tổ chức từ thiện)... để thấy cuộc sống luôn ý nghĩa, đồng thời cũng tạo cho mình cơ hội tìm kiếm ý trung nhân.
Phụ nữ độc thân sẽ làm mẹ đơn thân?
Với sự tiến bộ của khoa học, phụ nữ độc thân hoàn toàn có thể sinh con mà không nhất thiết phải có một người chồng. Vấn đề là họ có đủ can đảm để vượt qua những định kiến xã hội. TGGĐ đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với 20 phụ nữ đang bị liệt vào hàng “gái ế”, ở độ tuổi từ 28 đến 36 với câu hỏi đặt ra là: Nếu sống độc thân, bạn có nghĩ mình sẽ trở thành bà mẹ đơn thân? Kết quả thu được là:
• 4 người nghĩ họ sẽ làm mẹ đơn thân vì cho rằng làm ”single mom” vẫn hơn lấy chồng “phát xít” .
• 14 người nói họ sẽ chỉ sống 1 mình vì nghĩ làm mẹ đơn thân sẽ chịu áp lực kinh tế, thiếu bố hoặc mẹ, con cái sẽ thiệt thòi và dễ lệch lạc trong sự phát triển tâm sinh lý...
• 2 người cho biết họ sẽ xin con nuôi nhưng chỉ xin trong họ hàng hay anh chị em ruột.
--------
Lời người trong cuộc : Ế có phải là tận thế! Chuẩn bị đi dự tiệc cưới người bạn, ta lật tung danh bạ điện thoại, nhấn tới nhấn lui để tìm ra một cái tên nào đó có thể chở mình đi cùng. Nhưng không phải cái tên nào mình cũng muốn gọi, không phải khi nào người được gọi cũng đồng ý đi chung, ta quyết định “một mình một ngựa”. Xúng xính váy đẹp, ta vòng vèo qua những đoạn đường kẹt xe và bụi bặm. Ta len lén nhìn, có đôi chút ganh tỵ với các cô gái đang kiêu hãnh ngồi sau những bờ vai vững chãi.
Ta đến chào cô dâu chú rể và vẫn nở nụ cười trước những câu xã giao… vô ý đại loại như “Đi một mình à? Sao không bảo anh nào chở đi? Khi nào thì đến lượt mày đây?…”. Không chàng nào ga lăng, ta tự gắp thức ăn, tự bóc vỏ những con tôm to tướng, tự lau váy khi chút nước xốt lỡ rơi xuống. Kết thúc đám cưới, thiên hạ tiếp tục hẹn hò, còn ta lại một mình chạy ngược con đường cũ.
  Tiệc tùng xôm tụ lẽ ra phải vui vẻ, háo hức nhưng ta thoáng buồn. Chẳng biết sao? Chắc tại vì ta… ế!
Có lẽ những ai đang một mình đều đã từng trải qua cảm giác tương tự như thế.
Nhưng ế thì đã sao. Ai đấy thử tìm kỹ coi, trên báo chí thỉnh thoảng có đăng tin anh này nhảy sông, cô kia treo cổ, chàng nọ đâm vào xe, nàng kia cắt gân tay... vì thất tình, nhưng đố ai tìm ra tờ báo nào viết về việc có ai đó đi tự tử vì họ bị ế đã mấy năm hay mấy chục năm. Suy ra, ế chả làm chết ai!
Một mình, ta tha hồ tận hưởng cảm giác tự do, tự định đoạt từ việc bé đến việc lớn mà không bị chi phối, ràng buộc. Ta sôi nổi tham gia vào những cuộc chơi mà không phải nghe bất cứ lời nhắc nhở, phàn nàn nào. Ta thỏa thích nghêu ngao cùng đám bạn “Thôi ta còn bạn bè…” vì “Tình ơi, tình xa ngút ngàn”. Mỗi chiều đi làm về, thay vì ngập đầu vào bếp núc, việc nhà, ta được tự do làm những điều mình thích: đi bơi, tập yoga, cà phê, tán gẫu…
Một mình, có khi ta tủi thân và ganh tỵ trước câu chuyện tình lãng mạn của một nhỏ bạn. Nhưng lại không ít khi ta phải an ủi động viên cho một nhỏ bạn khác đang đau khổ vì thất tình, hay gia đình đổ vỡ. Khi đó, ta sẽ có niềm tự hào của riêng mình: “Còn lâu mày mới được như tao” – nghĩa là một mình tĩnh tại trước buồn vui cuộc đời.
Cuộc sống có khi buồn tẻ, có khi ồn ào. Thế nhưng, có những người bạn xung quanh, họ an ủi, động viên, ta lại lạc quan yêu đời. Ta làm việc, cố gắng chăm chút cho cuộc sống của mình và những người thân yêu.
Có khi ta cũng cảm thấy áp lực đôi chút bởi sự nghiệp học hành và công việc ổn định dần cũng là lúc tuổi tác ngày càng nhiều, những đối tượng để ta chọn làm chồng ít dần đi. Cứ mỗi lần gặp một đám cưới, lòng ta lại hoang mang, phải chăng mình đã bỏ lỡ một người? Nhưng rồi những đám cưới cứ trôi qua và ta vẫn tồn tại, vững vàng.
Thiếu một người chồng, ta có một gia tài khổng lồ khác: một gia đình lớn, những người thân yêu, bạn bè. Biết rằng họ không sống mãi bên ta vì ai rồi cũng có cuộc sống của riêng mình, rồi ta sẽ già đi, sẽ cô đơn nhưng hiện tại, ta cũng không có lý do gì để cố chấp nhận một ai đó một cách miễn cưỡng.
Một mình, ta vẫn tung tăng giữa cuộc đời, giữa những con người đang buồn vui khốn khổ vì ế, vì chồng, vì vợ... Ế, phải đâu là tận thế! Ta thấy chí lí khi ai đó cho rằng: độc thân không phải là ế, mà chờ người tử tế để yêu...
Thảo Duyên
http://thegioigiadinh.com.vn/Gia-dinh/2894/hoi-e61.html