Pages

Sunday, May 26, 2013

Giữa đường thấy chuyện bất bình, bực thêm

26/05/2013 07:25 (GMT + 7)
TT - Lời tòa soạn: Góp ý cho cán bộ an ninh tại sân bay nhưng lại bị “chụp mũ” là quấy rối trật tự an ninh, chị Trương Bích Ngọc kể chuyện mình cho Tuổi Trẻ.
Chị kể với mong muốn những vụ việc như vậy sẽ không xảy ra nữa, để Việt Nam sẽ là một điểm đến thân thiện đối với những hành khách phương xa.
Tôi cùng với gia đình đi du lịch Singapore, 23g ngày 7-4-2013 về tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Đứng xếp hàng chờ tới lượt làm thủ tục nhập cảnh trước tôi là một người Hàn Quốc, sau khi trình passport xong, không biết công an hỏi gì nhưng người khách Hàn Quốc này rút trong túi ra đưa tờ giấy chứng nhận thường trú ở Việt Nam (vì chồng tôi là người Pháp và làm việc lâu năm ở Việt Nam nên cũng có giấy này). Tôi lại thấy anh công an kiểm tra passport của người khách này rồi hỏi gì đó, anh Hàn Quốc chỉ vào passport, song như sực nhớ ra, anh ta mới lấy trong cái túi nilông đang cầm trên tay tờ hóa đơn mua hàng và chỉ cho anh công an thấy chuyến bay ghi trên đó (thậm chí anh ta còn đọc số chuyến bay nữa). Anh công an gật đầu quay lại nhìn vào máy tính rồi lại kiểm tra passport tiếp. Tôi đứng chờ lâu cũng nóng ruột vì sau chặng đường mệt mỏi, tâm lý ai cũng muốn được làm thủ tục cho nhanh để về nghỉ ngơi. Người khách Hàn Quốc cũng vậy, vì cứ thấy anh công an không hỏi gì nữa mà cũng không kết thúc thủ tục nên anh ta hỏi bằng tiếng Anh: “Anh còn kiểm tra gì nữa vậy?”. Vừa lúc đó, có một người công an khác ở quầy kế bên nhào sang hỏi: “Sao, có chuyện gì không? Thằng này quốc tịch nào?”. Miệng nói, tay anh ta chụp passport của vị khách Hàn Quốc từ tay của đồng nghiệp. Tôi quan sát thấy anh Hàn Quốc tiếp tục trình bày nhưng cuối cùng thì anh công an (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Tâm, số hiệu 003-588) nói với thái độ rất hung dữ: “Giữ thằng này lại đi, đưa nó vào làm việc”.
Khi ấy, tôi bước lên vừa trình passport vừa nói: “Thôi, mấy anh coi lại giấy tờ có hợp lệ thì giải quyết cho người ta đi chứ làm gì dữ vậy?”. Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi rất sửng sốt trước thái độ của nhân viên an ninh nên muốn nói để anh bình tĩnh lại. Bởi lúc đó có rất nhiều người (Việt Nam  có, nước ngoài có) đang làm thủ tục ở các quầy bên cạnh nhìn sang với thái độ rất ái ngại. Không ngờ, anh Tâm quay lại nhìn tôi và hỏi: “Chị nói cái gì? Chị biết cái gì mà nói?”. Tôi trả lời anh: “Tôi thấy các anh kiểm tra cái gì người ta cũng đưa ra đầy đủ thì chỉ nói vậy thôi, người ta có làm gì đâu mà mấy anh làm dữ quá!”. Anh ta nói luôn: “Giữ luôn bà này lại, chắc có liên quan gì với ông này đây! Giữ giấy tờ luôn. Mời chị vào làm việc với chúng tôi!”. Tôi thấy thật bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh nói: “Tôi không quen biết ông này, mấy anh đừng chụp mũ. Tôi không việc gì phải theo mấy anh vào đó làm việc vì gia đình tôi còn chờ bên ngoài. Bây giờ tôi yêu cầu mấy anh làm thủ tục để tôi còn đi về!”. Đột nhiên có một người kết tội tôi: “Chị quấy rối trật tự an ninh, giờ chúng tôi giữ chị lại làm việc!”. Tôi thấy thật buồn vì chỉ có một câu can ngăn “dĩ hòa vi quý” mà họa rớt vào thân. Lúc đó, tôi quay sang anh Tâm và nói: “Được, tôi sẽ phản ảnh vụ việc vô lý này lên trên!” rồi tôi ghi lại bảng tên của anh Tâm. Anh Tâm cười thách thức tôi: “Ừ, cứ ghi đi!” rồi họ liên tục yêu cầu tôi đi theo họ để làm việc. Tôi chỉ nói: “Bây giờ các anh làm thủ tục cho tôi về. Tôi không đi đâu hết!”. Họ bảo tôi đưa lại passport để làm thủ tục nhưng khi tôi đưa xong thì họ giữ lại luôn và yêu cầu tôi phải theo họ vào trong.
Sau đó ít phút, họ đứng trên lầu và kêu vọng xuống yêu cầu tôi lên lầu để họ làm việc. Tôi quá bực tức và hét lên bảo họ không có quyền bắt tôi ở lại và nói thêm: “Mấy anh cứ giữ đi, tôi sẽ nhờ lãnh sự quán Pháp tới làm việc với các anh”.
Cuối cùng, có một anh xưng là lãnh đạo trực ở đây đi xuống chỗ tôi đứng và giải thích: “Mời chị lên đó để làm chứng, để họ xem xét ai đúng ai sai, chứ không phải bắt giữ tội gì cả”. Tôi nói: “Tất cả sự việc tôi chứng kiến là khách quan, tôi thấy sao nói vậy, còn tôi không quen biết cũng như chẳng phải bà con, bạn bè gì của vị khách Hàn Quốc kia”. Sau đó, vị lãnh đạo này bảo tôi đứng chờ họ làm thủ tục và cầm passport tôi lên lầu. Ít phút sau, họ lại gọi vọng xuống kêu tôi lên lấy passport về. Tôi lại phải lên lầu lấy passport và ra về với tâm trạng hết sức mệt mỏi và tức giận.
Tôi đi chơi ở nước ngoài, qua các của khẩu thấy người ta kiểm tra giấy tờ rất lịch sự. Nếu có vấn đề gì thì họ giải thích rõ ràng, yêu cầu người khách thực hiện trong sự tôn trọng và họ xưng hô “sir, madam”, chứ không có ai gọi là “thằng, con...” như vậy.
Tôi phản ảnh câu chuyện của mình chỉ để mong rằng các anh, các chị làm việc ở nơi đón tiếp bà con kiều bào về nước, doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư, khách du lịch đến Việt Nam thì hãy có thái độ hòa nhã để người ta cảm thấy đây thật sự là một đất nước dù còn nghèo, nền kinh tế đang phát triển nhưng đủ lịch sự và trọng thị.
HOÀNG ĐIỆP
(ghi theo lời kể của chị Trương Bích Ngọc, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Thượng tá NGUYỄN VĂN CHỨC (đồn trưởng đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất):
Chúng tôi xin lỗi
Sau sự việc xảy ra với chị Ngọc, Việt kiều Pháp, đồng chí Nguyễn Thế Tâm đã làm tường trình về vụ việc. Theo bản tường trình thì khi hành khách người Hàn Quốc đến quầy làm thủ tục, do bất đồng ngôn ngữ nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc. Hơn nữa, khi nhân viên an ninh yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ thì người khách này có hành vi đập giấy tờ lên bàn. Về phía nhân viên an ninh làm việc tại quầy cả ngày cũng có những lúc thiếu kiềm chế và hành vi xử sự chưa được hòa nhã, đúng mực đối với hành khách.
Chúng tôi cũng đã có hình thức kỷ luật đối với đồng chí Tâm và chuyển sang bộ phận khác công tác, không được làm việc tại bộ phận đón tiếp hành khách ở sân bay nữa. Nhân đây, tôi cũng gửi lời xin lỗi của mình tới chị Ngọc và cảm ơn những góp ý của chị Ngọc về công tác an ninh trật tự ở sân bay để công tác phục vụ đón tiếp hành khách được tốt hơn. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, không dung túng cho những hành vi tiêu cực của cán bộ chiến sĩ tại đồn. Bất kể hành khách nào phát hiện những hành vi tiêu cực, thiếu hòa nhã của nhân viên an ninh sân bay thì báo ngay cho lãnh đạo trực ca đó, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý.
H.Điệp ghi..

Friday, May 24, 2013

Global Witness Và Nước Mắt Môi Trường


T/S Alan Phan
22 May 2013
Con người phải hiểu rằng chúng ta không thể sống nếu không có Mẹ Trái Đất, nhưng hành tinh này vẫn có thể sống mà không cần chúng ta.  Evo Morales
 
 Kinh tế phá rừng
 Dù đau xót khi chứng kiến sự tàn phá vô cảm của con người với rừng (lá phổi của trái đất), tôi vẫn chưa nghĩ ra sự thiệt hại về kinh tế cho đến khi đọc bài blog của B/S Hồ Hải vè giá trị của lâm sản. Theo B/S Hải, mỗi m3 của gỗ trắc tốt Việt Nam có giá khoảng 36,000 USD trong khi loại gỗ rẻ nhất cũng thu về hơn 15,000 USD mỗi m3. Một vòng qua google về giá cả của các cây rừng nguyên sinh xác nhận khung giá này.
 Năm 1993, tổng số gỗ trong các khu rừng Việt là 1,025 triệu m3 (khoảng 76 m3/mẫu-hectare trên 14 triệu mẫu diện tích). Vài nghiên cứu khác chỉ ghi nhận đến 728 triệu m3. Giai đoạn 1993 đến 2009, cả nước mất khoảng 7,650 mẫu mỗi năm hay 122,400 mẫu trong 16 năm tương đương với 9.3 triệu m3 gỗ. Nếu tính giá bèo là 15,000USD mỗi m3 gỗ bán ra, các lâm tặc và đồng lõa đã bỏ túi 139 tỷ USD. Đây là một mất mát lớn gấp 30 lần Vinashin, bằng 115% GDP của Viêt Nam trong 2012 và gấp 3 lần số nợ xấu của các ngân hàng theo báo cáo hiện nay. Số tiền này có thể xây 7 triệu nhà xã hội (20,000 USD mỗi căn) để tặng không cho các hộ nghèo; hay trả tiền ăn học cho 25 triệu trẻ em miền sâu miền xa trong 12 năm học (trung bình 500 USD/năm/em).
 Dĩ nhiên, tôi và đến 99% dân số không có thẩm quyền gì về pháp luật nên những phân tích…chỉ là những phân tích. Tuy nhiên, sự im lặng tuyệt đối của xã hội với một vấn nạn kinh tế tầm cỡ này là một điều khó nuốt cho mỗi bữa ăn.
 Global Witness
 Nhìn lại hoạt động của Global Witness (GW) trong 20 năm vừa qua, chúng ta nhận thấy là GW đã trung thực đi đúng với tôn chỉ và mục tiêu của tổ chức. Một là giúp cho những hộ nghèo ở vùng có tài nguyên không bị các thế lực tư bản hay quan chức “móc túi” cho nghèo thêm; hai là bảo vệ môi trường “sống” cho toàn cư dân của trái đất. Họ đã thành công ngăn chận “kỹ nghệ kim cương máu” ở Phi Châu cũng như những tàn phá rừng và khai thác gỗ ở Campuchia thời Khmer Đỏ, ở Indonesia, ở Liberia, ở Myanmar…
 Phương thức hoạt động của họ không nhắm vào quan chức hay công ty địa phương, mà vào các nhà tư bản Tây phương đang đổ tiền tài trợ cho các dự án này Trong phi vụ kim cương máu”, mục tiêu chính là tập đoàn kim cương lớn nhất thế giới, DeBeers. Khi bị áp lực của dư luận người tiêu dùng không muốn vấy bẩn vào “kim cương máu”, DeBeers ngưng thu mua và thị trường teo tóp ngay qua đêm. Mục tiêu khi tấn công vào việc phá rừng khai thác lâm sản của các quốc gia đã nêu tên là vào các nhà tài trợ dự án và các công ty mua bán gỗ.
 GW làm việc hoàn toàn dựa trên nguyên lý tư bản,” Khi dòng tiền ngưng chảy vào một lãnh vực kinh doanh, các dự án sẽ tự hủy diệt theo thời gian”. Người Tàu hay nói, “con cá nó sống vì nước”.
 Vì được tài trợ một phần bởi các chánh phủ Anh, Mỹ, Âu…GW không bao giờ đụng trực tiếp đến các tầng lớp chánh phủ hay quan chức, vì đây là phạm trù của Bộ Ngoại Giao của các chánh phủ tài trợ cho họ. GW biết nên không bao giờ lấn sân qua các hoạt động chánh trị hay đánh đấm với các công ty địa phương.
 Cho nên khá khôi hài khi các công ty Việt Nam có tên trong bản cáo buộc của GW lên tiếng phản bác, phủ nhận hay mời GW dến thăm quan cơ sở. Cũng như khi các chánh phủ Việt, Miên, Lào…vội kết tội “phản động” cho GW với chiếc mũ “thế lực thù địch”. Cả trăm tờ báo lề phải được huy động hay trả tiền để bới móc, lăng mạ GW hay nhà sáng lập George Soros. Các ngài đã phản ứng quá nhanh, quá nhậy và tốn tiền cũng như thời giờ vô ích.Tất cả các mạng truyền thông thế giới không chút quan tâm đến các phản bác của các ngài và chỉ đợi phản ứng chính thức từ các nhà tư bản tài trợ như Deutsche Bank, IFC, Temasek Holdings, BIDV hay quỹ Jaccar…
Tư bản có trách nhiệm
 GW là một công cụ của thế giới tư bản để chống lại những lạm dụng quá đà của quyền lực. Những nhà tư bản thường cho là mình “bất bại” và trong mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cho công ty, các nhà quản lý đôi khi vượt qua ranh giới của lương tâm để đạt “chiến thắng”. Những hoạt động vô vụ lợi của GW là tiếng còi báo động sớm cho các công ty đa quốc, các ngân hang, quỹ đầu tư thế giới cũng như các mạng truyền thông chính thống khác.
 GW (và các nhóm vô vụ lợi khác của toàn cầu) cộng với tự do ngôn luận là những rào cản hữu hiệu để nền kinh tế tư bản có được một chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm với xã hội chung quanh. Vì lòng tham con người là vô hạn nên chúng ta cần những công cụ như GW, dựa trên những lý tưởng đáng ca ngợi của tuổi trẻ còn biết cảm xúc với những nỗi đau của con người và thiên nhiên. Đó mới thực sự là cốt lõi của văn hóa và văn minh nhân loại.
 Lại chuyện mất hay được?
 Một câu hỏi khác của một nhà báo cũng làm tôi phải suy nghĩ. Là người Việt, ông phải ủng hộ doanh nhân Việt chống lại bọn “ngoại xâm”. Ông nghĩ thế nào về hậu quả kinh tế cho ngành cao su Việt Nam khi đối diện với cáo buộc của GW?
 Thú thật, tôi yêu quê hương nhưng không có một lòng ái quốc cuồng tín.  Tôi tự hào với thành quả tốt đẹp mà các sinh viên, các khoa học gia, các doanh nhân Việt đã gặt hái trên khắp thế giới. Nhưng tôi cũng xấu hổ khi đọc về những tội phạm ma túy, xã hội đen Việt…trên các mạng truyền thông toàn cầu. Tôi xấu hổ khi phần lớn đối tác, bạn bè, sinh viên ngoại…vẫn nghĩ đến Việt Nam như là một banana republic (cộng hòa quả chuối).
 Về hệ quả kinh tế, chúng ta sẽ thâu nhặt những gì chúng ta đã gây trồng. Nếu các nhóm môi trường và các định chế truyền thông khác tham gia để tăng cường độ của lời cáo buộc, tôi nghĩ là nhiều cổ đông hay quỹ đầu tư sẽ rút ra khỏi các dự án cao su của Đông Dương để tránh tai tiếng. Ngoài sự thiếu hụt cho dòng tiền luân chuyển, các công ty có thể còn bị sức ép về giá cả nếu các nhà tiêu dùng lớn tìm nguồn cung cấp khác ngoài Đông Dương. Đây là rủi ro lớn nhất về lâu dài.
 Tuy nhiên, sau khi bỏ túi ngon lành 139 tỷ đô la trong 16 năm qua, các đại gia Việt có thể mất vài tỷ đô la? Chỉ là muối bỏ biển. Các chân dài kiếm nhiều hơn thế từ các đại gia trong 6 năm qua.
Alan Phan
Chú thích: Nhiều phản biện cho rằng giá gỗ trắc của rừng nguyên sinh ở $15,000 uSD là hơi đắt. Giá có thể chỉ từ 8,000USD. Do đó, nếu lấy trung bình các con số trên Google và các chia sẻ từ các bạn BCA, tôi sẽ dùng 10,000USD là giá để tính thiệt hại. Good news. Chúng ta chỉ mất có  93 tỷ USD trong 16 năm qua chứ không mất đến 139 tỷ USD. Có nên mở sâm banh để ăn mừng?
link

Tuesday, May 21, 2013

CHUYỆN BẠN TÔI VÀ CHUYỆN ĐẤT NƯỚC

Thứ ba, ngày 21 tháng năm năm 2013

Bạn mình, anh ấy là bác sỹ cùng khóa. Anh sinh ra ở ngay làng Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh thuộc thế thế cùng với anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đang ở trong tù vì tội chống Trung Hoa bành trướng. Anh cũng vượt Trường Sơn chống Mỹ. Ngày 30/4/1975 anh bị thương tại chiến trường Xuân Lộc. Nhưng chỉ là thương tích nhẹ. Được dưỡng thương và về phép hơn tháng, rồi quay lại đời binh nghiệp.
Sau 30 tháng Tư năm 1975, anh tiếp tục sang làm nhiệm vụ ở chiến trường Cambodia. Trong một trận đánh lớn ban đêm ở Pathampong vào ngày 13 tháng Hai năm 1979, anh lại bị thương tích nặng vì miểng bom. Một vết thương ở đỉnh phổi phải, và một vết thương ở bụng, vùng thượng vị - trên rốn và dưới xương ức bên phải. Cả trung đoàn cho rằng anh sẽ chết. Đồng đội sau khi băng bó cho anh và đưa anh vào khu nhà xác của đơn vị y tế tiền phương để sáng mai đem chôn. Nhưng sáng sớm hôm sau khi đem xác anh đi chôn thì đồng đội thấy anh vẫn còn thở và tỉnh táo đòi uống nước.
Thế là họ chuyển anh về đơn vị y tế Quân khu 9. Anh được cứu chữa với 4 lần phẫu thuật vì vết thương làm tràn dịch và tràn khí màng phổi phải. Vết thương thủng tá tràng và rách gan. Ai đã từng làm nghề y nghe đến vết thương thủng tá tràng đều kinh sợ. Nhưng số anh lớn nên sau một năm bình phục. Anh thi vào đại học Y khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp ra trường anh vào ngành Pháp Y làm trưởng một ngành Pháp Y của một tỉnh miền Đông Nam Bộ. 
Vết thương bụng của anh gửi tôi khi tôi yêu cầu anh cho tôi hình để viết về anh.
Sau đó, năm 1998 xin ra ngành và trở về ngành Y dân sự. Hiện cuộc sống ổn định, nhưng anh vẫn cứ ray rức những gì mà thân xác anh và đồng đội đã hy sinh để hôm nay đất nước tan tành, như theo cách nói của anh với mình. Cái tan tành anh sợ nhất là tan tành văn hóa, chứ không phải tan tành kinh tế hay chính trị. Vì anh cho rằng, văn hóa mất là dân tộc mất.
Kể sơ câu chuyện trên để nói đến chuyện hôm nay. Đầu năm, vì ray rức và bức xúc hiện tình đất nước, anh ký vào Kiến Nghị 72 của các trí thức gửi cho Quốc Hội về việc sửa chữa hiến pháp lần thứ 4 vào năm 2013 này. Anh vui vẻ gọi báo cho mình biết điều này. Mình bảo, anh còn niềm tin là tốt. Tôi thì ngay từ trước 30/4/1975 tôi đã không tin họ rồi. Nên tôi chưa bao giờ ký hay kiến nghị cái gì.
Bẳng đi câu chuyện ký tá mấy tháng trước tưởng chẳng có gì. Cách đây 3 hôm, anh ta gọi điện cho mình hỏi, sao ông viết blog dữ dằn quá, mà chẳng ai hỏi ông? Còn tôi thì chỉ ký vào bảng Kiến Nghị 72, thì an ninh đến hỏi. Nhưng họ biết mình, nên cuối cùng anh em rủ nhau đi nhậu. Không biết những trí thức thường dân khác có bị sao không ông?
Mình bảo, tôi viết nói cái sai, vạch ra phương án đúng. Tôi không đứng vào nhóm nào để bị phạm vào điều con số tử - điều 4 của hiến pháp - nên không ai cho là tôi nguy hiểm. Còn anh, ký chung với hơn mưới ngàn người là bị xem là phạm vào hiến pháp 1992. Nên họ phải lên danh sách đen để đó, khi cần thì tóm.
Anh ta thở dài thườn thượt, nghĩ phận mình, thân xác này đã đổ máu cho 2 cuộc chiến, rồi phấn đấu học hành đến nơi đến chốn, mà bây giờ chỉ việc yêu nước cũng không được quyền yêu. Buồn quá ông ạ.
Mình bảo, tôi cho rằng anh cần phải cẩn thận, chuyện trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng thời Mao mà cụ Hồ sử dụng để đánh Nhân Văn Giai Phẩm năm 1957. Anh ấy bảo, tôi thấy khó sống quá ông à, mỗi ngày thấy người bệnh nghèo mình không nỡ, nhưng cứu người nghèo thì ai cứu mình đây? Làm nghề khác, khuất mắt không thấy cảnh đau khổ của người nghèo, nghề mình mỗi ngày chứng kiến cảnh người nghèo, oan trái của chính quyền mà bệnh tật nữa, làm sao không nghĩ, không đau? Thôi thì kệ, muốn sao thì sao, mình chỉ nói lên cái bất công và sai trái của xã hội hiện nay.
Hai sự việc trên một con người hiện đã và đang sống lượng thiện như một công dân mẫu mực, nó làm mình không thể không viết ra để mọi người chiêm nghiệm cho xã hội thực hôm nay. 
Hôm nay người tàn tật nổi tiếng nhất hành tinh - Nick Vujicic - được chính quyền cho nói chuyện với nhân dân về khả năng và nghị lực vượt lên chính mình. Tự nhiên mình nhớ đến câu chuyện của bạn mình. Ở nước Việt đâu thiếu những tấm gương đáng kính để làm cho thế hệ trẻ noi theo. Sao không lấy nó làm hình ảnh cho cuộc sống mai sau. Có phải vì những tấm gương ấy đã không còn phù hợp với mục đích dân vận?
Nhưng Nick Vujicic có một câu nói đáng để chúng ta suy nghĩ: “Tật nguyền lớn nhất trong đời là khi mất hi vọng. Hãy tin tôi đi, mất hi vọng còn tồi tệ hơn nhiều so với chỉ mất chân tay”. Liệu chế độ này có còn gì để 90 triệu dân còn niềm hy vọng, khi chỉ mới chiều qua, Quốc Hội tuyên bố 4 vấn đề, giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam, Không đưa vấn đề luật về Đảng vào Hiến pháp, Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, và UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai. Thì đúng là Tổ quốc và Dân tộc này không còn gì để hy vọng.
Asia Clinic, 18h37' ngày thứ Ba, 21/5/2013
 

Những đề thi gây thắc mắc

21/05/2013 07:39 (GMT + 7)
TT - Đề bài kiểu đánh đố, câu hỏi một đằng đáp án một nẻo cùng với cách dạy - học rập khuôn, máy móc đang là nỗi đau đầu và bức xúc của nhiều phụ huynh có con học tiểu học. Nhiều phụ huynh đang nhập vai cùng học với con đã lắc đầu chịu thua: “Người lớn còn phải vò đầu bứt tai”.

Đánh đố con trẻ
Để chấn chỉnh việc mạnh trường nào trường ấy tổ chức kiểm tra học kỳ II đối với học sinh lớp 1, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ra văn bản hướng dẫn cấu trúc và nội dung cơ bản của đề kiểm tra trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học do Bộ GD-ĐT ban hành.
Nhưng cấu trúc và nội dung đề thi có thể điều chỉnh số lượng câu hỏi phù hợp với đối tượng học sinh. Văn bản này cũng lưu ý các phòng GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức ra đề, coi thi, chấm thi (yêu cầu phân công chấm chéo khối lớp). Hình thức tổ chức gọn nhẹ, không phức tạp, không tốn kém kinh phí. Các phòng GD-ĐT tại Hà Nội phải có trách nhiệm thẩm định đề kiểm tra và thẩm định xác suất kết quả chấm bài của các nhà trường.
V.H.
Chị Linh, có con học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc Q.An Dương (Hải Phòng), cho chúng tôi xem phiếu kiểm tra của con với sự ấm ức. Một câu hỏi trong phiếu này ra cho 10> ... >7, có bốn phương án trả lời là a: 8,9; b: 10,9; c: 8,7; d: 8, đề nghị học sinh khoanh tròn phương án đúng. Bé Hồng, con chị Linh, khoanh tròn phương án d. Nhưng cô giáo gạch chéo phần trả lời này của bé Hồng, ghi “sai” và không cho điểm. Chị Linh nói: “Phương án a dĩ nhiên là phương án đúng và đầy đủ hơn nhưng cách chữa bài, trừ điểm của cô mà không giải thích khiến trẻ con tưởng phương án d là sai. Trong khi điền số 8 vào phần bỏ trống ở câu hỏi trên hoàn toàn không sai.
Chị Thủy có con học lớp 2 Trường tiểu học quốc tế Thăng Long (Hà Nội) kể: trong phiếu ôn tập cuối năm của con có bài toán cho 13 cây bưởi và 17 cây cam trong vườn, hỏi tổng số cây. Con gái của chị Thủy cho đáp án 13+17= 30 (cây bưởi và cam) và cũng bị trừ điểm. “Theo cô giáo chỉ được ghi 30 (cây)” - chị bức xúc. Tương tự, cũng ở lớp học trên, chị Thủy cho biết cô giáo cho học sinh luyện phần tiếng Việt đặt câu hỏi “thế nào?” và “như thế nào?”.
Đề cho câu: “Đàn trâu thung thăng gặm cỏ”. Các bé phải đặt câu hỏi cho câu này. Con gái chị Thủy viết: “Đàn trâu gặm cỏ như thế nào?” nhưng có bé khác viết: “Đàn trâu gặm cỏ thế nào?”. Câu của con gái chị Thủy được cho là đúng, câu của bé kia là sai. “Con tôi thắc mắc, tại sao dùng “như thế nào” đúng mà “thế nào” là sai, tôi chịu không giải thích được” - chị Thủy nói.
Cách dạy - học máy móc ở tiểu học đang hình thành nên thế hệ... học thuộc. Tại một quận ở Hà Nội trong đợt kiểm tra cuối năm, phụ huynh có con học lớp 1 cho biết: “Cô cho ôn các dạng toán và 3-5 bài văn mẫu với một số câu trả lời trong phần tiếng Việt và dặn bố mẹ cứ cho con học thuộc sẽ thi đạt điểm cao”. “Con trai học lớp 2 thản nhiên giải thích thành ngữ Uống nước nhớ nguồn là nước ở đâu thì cứ về đó mà uống (!). Buồn cười về sự ngô nghê của con nhưng tôi cũng kiểm tra phiếu ôn tập cuối năm của con thì thấy trong các phiếu bài tập tiếng Việt cô cho hàng loạt thành ngữ như: Ăn vóc học hay, Chết trong còn hơn sống đục... Cô yêu cầu học sinh học thuộc nhưng lại không giải nghĩa nên các con không hiểu”- anh Hoàng, một phụ huynh ở Đại Kim - Hoàng Mai (Hà Nội), kể lại.
Tranh cãi quanh đề thi
Ngay cả môn tiếng Việt, một môn học rèn cho học sinh câu chữ, ngôn ngữ, cách diễn đạt cũng được thể hiện bằng dạng trắc nghiệm một cách rất máy móc. Như đề kiểm tra môn tiếng Việt lớp 5 tại Q.3, TP.HCM đầu tháng 5 vừa qua. Đề yêu cầu đọc thầm bài “Một ly sữa” trong đó kể về một cậu bé nghèo phải đi xin ăn. Cậu được một cô bé cho một ly sữa và khi cậu hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu tiền?” thì cô bé trả lời: “Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả”. Nhiều năm sau cô bé mắc bệnh hiểm nghèo, cậu bé trở thành bác sĩ và tình cờ cô bé là bệnh nhân của cậu. Cậu đã cố gắng hết sức để chữa bệnh cho cô bé và tờ hóa đơn thanh toán viện phí có ghi dòng chữ: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa”.
Học sinh phải trả lời 10 câu hỏi xung quanh bài đọc thầm, mỗi câu 0,5 điểm. Anh Trung, một giáo viên ở Q.3, lắc đầu: “Mỗi câu chỉ được chọn một trong bốn đáp án, nhưng trong đó có đáp án đúng, các đáp án còn lại cũng chưa hẳn sai. Ví dụ như: “Sau khi gặp cô bé, cậu bé bước đi và cảm thấy tự tin, mạnh mẽ hơn, vì sao? Có bốn đáp án được đưa ra:
a) Vì không cần bán hàng rong nữa,
b) Vì có được số tiền để đi học,
c) Vì bụng đã hết đói,
d) Vì nhận được sự giúp đỡ của cô bé”.
“c và d đều là phương án hợp lý, vậy học sinh phải chọn c hay d?”, một phụ huynh đặt câu hỏi. Về đề thi này, đại diện Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 cho biết: “Trong đề bài luôn có câu “hãy khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất”. Như vậy học sinh phải chọn phương án nào chính xác nhất mới đạt điểm, dù những phương án còn lại có thể không sai”.
Vừa qua, tại Q.1 (TP.HCM) nhiều giáo viên cũng tranh cãi về bài kiểm tra học kỳ II môn tiếng Việt lớp 5. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng các vế trong câu ghép “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc” được nối với nhau bằng quan hệ từ và nối trực tiếp, nhưng đáp án đúng lại là “nối bằng quan hệ từ”. Một giáo viên dạy văn cấp THCS phản ứng: “Câu chính xác trong văn bản là “Khi con thấy họ khóc, hãy nói con yêu họ biết bao và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên”, nhưng không hiểu sao người làm đề lại đảo thành câu “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc” và yêu cầu học sinh phân tích, như vậy không tôn trọng văn bản và khiến câu đọc lên không còn đúng ý như văn bản nữa”.
Quy trình ra đề kiểm tra và chấm bài, vào điểm là một vòng tròn khép kín. Rất hiếm khi phụ huynh được tiếp xúc với các bài kiểm tra của con mình, trừ những trường hợp trẻ phản biện đề thi và cha mẹ đề nghị được phúc khảo bài thi. Chính vì vòng tròn khép kín này nên phụ huynh ít nắm được nội dung các đề thi của con mình, sai sót ít được phát hiện. Đề thi phát ra, học sinh làm ngay trên giấy và sau khi thu bài, chấm điểm, các em chỉ được thông báo số điểm của mình.
Đề sai lên mạng
Đề ôn thi trạng nguyên lớp 2 ở một trường tiểu học tại Hà Nội được một phụ huynh đưa lên mạng xã hội Facebook có câu: “Số liền sau số lớn nhất có hai chữ số giống nhau là số mấy?”. Đề cho bốn đáp án: 9, 10, 11 hoặc 12. Bé Châu không chọn một trong bốn đáp án đề cho, em ghi vào ô trả lời đáp án là 100, vì theo em số lớn nhất có hai chữ số giống nhau là số 99 chứ không phải 11. Em cũng sửa luôn bốn đáp án của đề cho thành 90, 100, 110 và 120.
Chị Hải, mẹ của Châu, băn khoăn đặt câu hỏi: “Đề thi toán lớp 2 có 10 câu, riêng ba câu đầu hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi trạng nguyên ở đâu ra?”. Ở câu số 2: 15 cộng với số liền trước nó bằng? nhưng bốn phương án cô giáo cho để lựa chọn lại là 16, 30, 12 và 28. Câu 3: Năm nay Minh có số tuổi bằng số bé nhất có hai chữ số. Hỏi hai năm trước Minh bao nhiêu tuổi? Bốn đáp án để lựa chọn là: 10, 9, 29 và 7. Bé Châu phải ghi vào ô đáp án câu này là: “Không có đáp án”.
Ông N.Đ.T., phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội, cũng đưa lên trang cá nhân của mình một đề thi mà ông đang giải cùng con với lời ngỏ: “Ai máy móc hơn học sinh lớp 1?”. Đề cho: Đàn gà có 2 con gà trống và 5 con gà mái. Hỏi đàn gà có tất cả bao nhiêu con? Khoanh vào câu trả lời đúng. “Con tôi nói bố ơi đáp án “2+5=7 (con gà)” mới là đáp án chính xác. Còn những đáp án khác như “2+5=7” hay “2+5=7 con gà” đều không đúng. Phải có dấu ngoặc đơn. Thật là một sự rập khuôn và máy móc, rườm rà, phức tạp không cần thiết”, ông bức xúc cho biết.
L.Trang

VĨNH HÀ - LƯU TRANG

Sunday, May 19, 2013

Ghẹo thiếu nữ rồi truy sát cả nhà

Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng vỡ mạch gân tay và xương khủy tay vì bị nhóm côn đồ hành hung vào khuya ngày 12/5, chị Lê Thanh Nga (19 tuổi, HKTT tại tổ 21, Cụm 3, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) hiện sức khỏe vẫn còn yếu. Các bác sĩ yêu cầu chị Nga thở bằng bình ôxy, chưa được ăn cơm...
Hà Nội: Nữ sinh bị côn đồ truy sát tận nhà
Gái nhà lành nên... mang vạ? Được biết, hiện tại chị Nga đang là sinh viên năm thứ nhất, trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở học ở Hà Nội). Sự việc xảy ra khi chị Nga đang trong giai đoạn thi kết thúc năm học. "Tôi mới thi được vài môn, còn 3 môn nữa thì mới kết thúc năm học. Chắc nằm viện mấy hôm nữa rồi xin bác sĩ cho phép về sớm để điều trị tại nhà, tranh thủ thời gian đi học. Nếu không học đủ số buổi thì sẽ không được thi và không học được kiến thức nên tôi thấy lo lắng", chị Nga thều thào nói. Trong dáng vẻ yếu ớt, chị không tránh được sự hốt hoảng khi nhớ lại câu chuyện cả gia đình mình bị một nhóm côn đồ (khoảng 20 người - PV) xông vào nhà hành hung trọng thương.
Ghẹo gái,  truy sát, đối phương, Hà NộiGhẹo gái, truy sát, đối phương, Hà Nội
Chị Lê Thanh Nga đang điều trị tại bệnh viện.
Chị Nga kể: "Khoảng 22h ngày 12/5, do tôi có chút chuyện buồn nên muốn đi bộ từ nhà ra Hồ Tây cho khuây khỏa rồi về. Ai ngờ trên đường đi bộ một mình từ nhà ra Hồ Tây, có 3 thanh niên đi trên một chiếc xe máy tiến lại gần trêu ghẹo.
Một người nhảy xuống, chạy đến cầm tay tôi rồi rủ đi chơi nhưng tôi không đồng ý thì chúng lại bảo dụ dỗ bảo lên xe chở tôi về nhà. Nhưng tôi không đồng ý nên đã phản ứng bằng việc nói một câu: "Cút". Không ngờ...". Theo lời chị Nga, sau khi thấy chị nói như thế, đám thanh niên đã tự nhiên "quay ngoắt thái độ" từ giọng ngọt nhẹ rủ rê, tán tỉnh chuyển sang giọng quát tháo, đe dọa rồi đuổi đánh. Trước tình huống ấy, chị Nga vội chạy về được tới trước cửa nhà rồi gọi mẹ và người thân ra giải quyết. "Mẹ tôi ra nói nhỏ nhẹ với nhóm côn đồ: "Đây là con gái cô, các cháu đừng trêu em nó". Nhóm côn đồ thấy mẹ nói thế thì đáp lại: "Đến bà tôi còn đánh huống chi là con gái bà...con gái bà chửi tôi, tôi phải xử lý nó".
Bọn chúng vừa dứt lời xong thì lao vào đánh mẹ tôi rồi tiếp tục vào tận nhà để truy sát những người thân. Chúng đi từng phòng, từng ngõ ngách, cứ gặp người nào trong nhà tôi thì đánh người đó mà không cần hỏi han. Một lúc sau, 3 tên côn đồ còn gọi thêm hơn chục thanh niên khác đi xe taxi đến để cùng tham gia truy sát...
Ghẹo gái,  truy sát, đối phương, Hà NộiGhẹo gái, truy sát, đối phương, Hà Nội
Bà Lê Thị Hợp, mẹ chị Nga
Thấy chúng hung bạo quá, mẹ tôi mới hoảng hốt kêu cứu thì bị nhóm côn đồ rút hung khí ra đe dọa: “Mày gọi công an, bố mày bắn chết!”. Mẹ tôi thấy thế mới quỳ xuống trước mặt nhóm côn đò van xin: "Cô biết lỗi rồi, các cháu cho cô xin". Nhưng mặc những lời van xin thảm thiết của mẹ tôi. Bọn chúng vẫn lao vào trong nhà đánh đập mọi người, đập phá đồ đạc", chị Nga nói. Chị Nga cho biết, trước đây, chị Nga chưa từng tiếp xúc hay quen biết với nhóm côn đồ đến hành hung nhà chị. Chỉ đến khi gặp chúng vào buổi tối ngày 12/5, rồi chúng buông lời trêu ghẹo, chị lại đang có nỗi buồn bực trong lòng nên phản ứng lại và bị nhóm côn đồ hành hung tàn bạo.
Ghẹo gái,  truy sát, đối phương, Hà NộiGhẹo gái, truy sát, đối phương, Hà Nội
Nhóm côn đồ còn đập phá những vật dụng trong nhà chị Nga sinh sống.
"Gia đình tôi làm ăn lương thiện, các anh chị phía trên tôi đều có việc làm ổn định. Thu nhập chính của gia đình dựa vào khoản cho thuê nhà tầng 1 để họ làm văn phòng kinh doanh.
Không cãi nhau hay gây thù chuốc oán với ai bao giờ thế mà chỉ vì tôi phản ứng lại những lời trêu ghẹo của đám thanh niên mà cả nhà tôi đều bị mang vạ vào thân", chị Nga bức xúc nói. Cảm kích trước hành động hiệp nghĩa Chị Nga cho biết thêm, hôm xảy ra sự việc tuy đã muộn nhưng do xung quanh nhà chị dân cư đông đúc nên mọi người đều biết và chạy đến.
"Tuy nhiên, không ai dám lao vào can ngăn vì sợ chúng có hung khí lại còn lớn tiếng đe dọa: Đứa nào lại gần thì đánh hết...Mọi người đến chỉ đứng ngoài nhìn vào mà không dám chạy vào trong. Lúc này, anh Đàn - người thanh niên thuê cửa hàng bán điện thoại ở gần đó chạy vào ngăn cản: Các anh không được đánh người, đập phá đồ đạc nữa nếu không tôi sẽ báo công an! Anh Đàn vừa mới dứt lời thì liền bị một nhóm khoảng 5-6 người cầm hung khí lao vào đánh ngất xỉu tại chỗ".
Sau khi nhóm côn đồ đánh anh Đàn bất tỉnh xong, chúng tiếp tục quay sang đánh chị Nga gục tại chỗ. Bà Hợp - mẹ chị Nga cũng bị hai đối tượng túm tóc, đấm đá và đâm một nhát dao vào cánh tay trái.
Những người thân trong gia đình chị Nga cũng bị trận đòn nhừ tử trước những miếng đòn như "trời giáng" của nhóm côn đồ và trước sự chứng kiến của đông đảo người dân xung quanh.
Nói về hành động anh Đàn chạy vào can ngăn liền bị nhóm côn đồ đánh bất tỉnh, chị Nga chia sẻ: "Anh Đàn là người làm thuê cho một người thuê mặt bằng nhà tôi để bán điện thoại 4 năm nay. Trong quãng thời gian làm việc ở đó, anh được mọi người nhận xét là thật thà và cẩn trọng trong công việc, lại hay giúp đỡ nhà tôi mỗi khi có những công việc vặt". "Hành động lao vào ngăn cản nhóm côn đồ hành hung gia đình khiến cho tôi cảm kích vô cùng. Chuyện vì gia đình tôi mà anh Đàn bị đánh ngất xỉu khiến tôi rất ăn năn.
Còn hành động đứng ngoài mà không dám lao vào cứu của những người hàng xóm, tôi cũng hiểu cho họ bởi trên tay nhóm côn đồ lúc đó có rất nhiều hung khí nguy hiểm đến tính mạng và hành động của chúng hết sức manh động, có thể đánh bất cứ ai nếu lại gần', chị Nga tâm sự.
"Ra đường có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào" Chia sẻ về tình hình an ninh trong khu vực, chị Nga cho biết: "Qua các phương tiện truyền thông đại chúng tôi nhận thấy ở Hà Nội bây giờ tình hình an ninh rất phức tạp. Có rất nhiều vụ đánh nhau, cướp giật...diễn ra hàng ngày. Nên vì thế khi ra đường có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Khu vực mà tôi sinh sống thường xuyên xảy ra đánh nhau, rất lộn xộn...Sự việc của tôi, tôi chỉ phản ứng lại sự trêu ghẹo của đám thanh niên với suy nghĩ là để tự bảo vệ mình thế mà chúng kéo gần 20 người đến để truy sát cả nhà tôi trước mặt đông đảo mọi người mà không sợ bất cứ ai". Khi PV hỏi: Chị biết tình hình an ninh khu vực phức tạp là thế tại sao còn đi lang thang một mình vào buổi tối? Chị Nga đáp: "Vì hôm đấy tôi có chuyện buồn riêng, muốn đi một lúc rồi về nhà chứ trước đó chưa ra ngoài một mình vào buổi khuya thế bao giờ. Ai ngờ..."
(Theo Đất Việt)
http://vn.news.yahoo.com/gh-o-thi-u-n-r-truy-t-120534156.html 

Saturday, May 18, 2013

Đất Nước Cần Ta Ba Lô


T/S Alan Phan
15 May 2013
“Tôi không biết những gì sẽ chờ đợi ở cuối đường, nhưng tôi sẽ đến với nụ cười trên môi” Herman Melville (Moby-Dick)
Phải ra khỏi thiên đường
Trong những chuyến du hành liên lục địa, du khách người Úc chiếm số khá đông so với dân số khiêm tốn của xứ này, khoảng 23 triệu. Tôi tìm ra nguyên nhân khi qua Úc học hậu đại học vào năm 2002. Tại Tweed Heads và Coolangatta nơi trường Southern Cross tọa lạc, tôi tìm thấy một thiên đường tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban phúc và con người đã trân trọng. Biển xanh trong ngây ngất, không khí không một hạt bụi, khí hậu ấm áp, cảnh quan và kiến trúc hài hòa, không nhiều chênh lệch giữa giàu nghèo dù mức sống cao, tốn kém. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi háo hức chờ đến Thứ Sáu để bay về Hồng Kông..vì thiên đường Úc buồn không thể tả.
 
Có lẽ vì vậy, người Úc nào, dù già trẻ lớn bé, nam nữ hay đồng tính, đều thích du lịch thế giới mỗi khi có dịp, hay tìm một việc làm, một cô vợ hay một tấm chồng…ở một nơi nào khác. Họ sẵn sàng ra biển lớn để tìm cảm giác lạ, kiến thức mở, kinh nghiệm mới cho cuộc sống hay sự nghiệp của mình. Với tư duy này, có thể nói người Úc có chỉ số IQ hay EQ hay AQ rất tốt.
Nếu so sánh, tôi nghĩ sự sáng tạo trong nền kinh tế IT của 23 triệu dân Úc chắc phải hơn những thành quả thu nhặt của 1.2 tỷ dân Trung Quốc. Chỉ nhìn sĩ số sinh viên Tàu tại các đại học Úc chúng ta có thể mường tượng một nghịch lý nào đó về “sự thông minh của đám đông”. Nếu người Tàu hãnh diện về 5 ngàn năm văn hóa, họ sẽ nghĩ thế nào khi nhận biết rằng 200 năm trước, những tổ tiên sáng lập ra nước Úc là những tên tội phạm nguy hiểm bị Anh đầy qua một hòn đảo ngoài thế giới nơi chỉ có rừng thiêng nước độc?
Sự việc cũng cho ta chút hy vọng là nếu những tên đầu trộm đuôi cướp này có thể tạo nên một thế giới văn minh cho con cháu; thì bầy vượn của những khu rừng khác trên thế giới cũng có thể vượt qua chính mình để có được những Planet of the Apes thần kỳ trong phim ảnh?
Bài học của các anh chị Tây Ba Lô
Quay lại Saigon, mỗi khi đi ngang khu Phạm Ngủ Lão, Đề Thám…tôi nhìn các anh chị Tây Ba Lô với nhiều thán phục và hoài niệm. Họ là hình ảnh của Alan thời 60’s, vai nặng ba lô đầy đồ đạc, quần áo rẻ tiền, túi không bao giờ có nhiều hơn 50 đô, lang thang trên mọi nẻo đường của Âu Châu, thường không biết hôm nay sẽ ăn gì và ngủ ở đâu. Luôn an ủi mình bằng câu “tùy cơ ứng biến” và “trời sinh Alan sẽ sinh ra bánh mì”.
Những cuộc phiêu lưu vô định… đôi khi ngu xuẩn này đương nhiên cũng gây nhiều ngạc nhiên khó chịu và bực bội…vì Murphy có câu thành ngữ là nếu có gì sai trái, nó sẽ hiện thực và luôn luôn là vào thời điểm bất ngờ nhất.  Tôi không quên lần tán tỉnh được 2 cô nàng ở Barcelona, nghĩ là tối nay sẽ có cuộc tình tay ba tuyệt diệu. Nào ngờ, nửa đêm, bị trói thúc ké trên chiếc ghế gỗ trong căn phòng khách sạn tồi tàn. Hai cô “người tình” lý tưởng thì đã biến mất với tiền bạc và quần áo của mình. Hay lần chiếc xe buýt cũ kỹ rơi xuống hố gần Qito (Ecuador). May mà chỉ bị thương nhẹ.
Nhưng những chuyến đi này là những kho tàng khi từ tương lai nhìn lại…chúng mở mang trí tuệ (một ngày đàng học một sàng khôn), chúng tăng lực tự tin cho tinh thần, và chúng giúp chúng ta có một tầm nhìn chính xác hơn về cái hư vô và nghiệp chướng của con người.
Tôi không biết là giữa những mảnh bằng đại học và những chuyến đi…cái nào đã thực sự đóng góp nhiều hơn trong quá trình làm người của mình.
Một đội ngũ…Ta Ba Lô
Trong cuộc hội thảo gần đây tại một trường đại học, tôi đã ngạc nhiên khi thấy quá ít sinh viên Việt có hộ chiếu và đã từng xuất ngoại. Tôi tin là hơn nửa số sinh viên có mặt hôm đó chắc có nhiều tiền hơn phần lớn các Tây Ba Lô tại Saigon. Điều họ thiếu sót lớn nhất là “ước muốn” và “can đảm”. Tiền tiêu cho những giờ chém gió và lảm nhảm tại các quán cà phê và các quán nhậu có thể nhiều hơn tiền tiêu mỗi ngày tại Thái Lan hay Myanmar. Vé máy bay đi nhiều nơi ở Asean rẻ hơn vé máy bay đi Hà Nội hay Đà Nẵng. Một chân làm bếp hay dọn dẹp trên một con tầu cho bạn một chuyến đi miễn phí qua Âu, Úc hay Mỹ. Phần lớn các bạn trẻ Việt ngày nay thông minh, sáng tạo và nếu biết tìm tòi trên mạng, sẽ tìm ra cả trăm cách thức để làm…Ta Ba Lô.
20 năm trước, tôi khó tìm ra một du khách từ Trung Quốc, Việt Nam hay Liên Xô. Hộ chiếu để xuất ngoại là một ân huệ và quyền lợi của các con ông cháu cha. Bây giờ, thì khắp thế giới, đâu cũng có dấu ấn của các công dân XHCN này. Tuy nhiên, phần lớn du khách thuộc hai loại: các tư bản đỏ với những tiêu xài hàng hiệu và khoe khoang thật “sốc” với dân địa phương và các ông bà già chắt chiu tiền tiết kiệm qua những tours rẻ tiền, bầy đàn, sợ sệt và thích phóng uế bừa bãi. Rất ít du khách là những…ta ba lô muốn đi tìm một kiến thức và kinh nghiệm về thế giới bên ngoài. Tôi chắc chắn là chúng hào hứng và quý giá hơn các lớp học Mác Lê buồn tè, nhìn qua lăng kính của những ông già gần đất xa trời.
Đòi hỏi của nền kinh tế kiến thức
Sự va chạm với thực tại, đôi khi khá đắng cay và tủi nhục, sẽ làm con người Việt trong bạn thức tỉnh: từ những bản lĩnh đáng tự hào đến những thói quen nhiều ngu muội. Tôi vẫn nghĩ cách duy nhất để thể hiện lòng yêu nước và đóng góp tích cực vào định mệnh tương lai của xã hội là thể hiện sự thăng hoa, tiến bộ hàng ngày của cá nhân mình. Chúng ta cần đổi mới, nhưng hãy đổi mới chính con người nội tại trước đã.
Hành trình dài cần những bước nhỏ đầu tiên. Hãy hứa với mình là sẽ đi xin một hộ chiếu ngày mai và suy nghĩ ra cách đi chơi Kampuchia hay Lào hay Thái Lan …trong tháng tới. Đơn giản thế thôi.
Hãy ra biển lớn…nhìn, nghe và suy nghĩ. Một lúc nào đó, mình sẽ biết làm gì với con người mới của mình…
Hãy nghe Eleanor Roosevelt thì thầm..” Mục tiêu của đời sống là hãy sống, hãy tận hưởng kinh nghiệm, hãy lên đường tìm những phiêu lưu mới, hăng hái và không sợ sệt”….
Alan Phan

Thursday, May 16, 2013

Tỉ lệ tử vong do ung thư VN cao nhất thế giới?





In Email
Thứ bảy, 13 Tháng 4 2013 23:08
http://www.cancervic.org.au/images/media_release_images/cancer-survival-stats-2005.gifNhiều khi đọc báo VN mình tức ấm ức, khó chịu. Chẳng hạn như bản tin này trích dẫn số liệu của một chuyên gia cho rằng tỉ lệ tử vong vì ung thư ở VN thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Vị quan chức này cho biết mỗi năm VN có 110,000 người mắc bệnh ung thư. Mỗi năm có 82,000 người chết vì ung thư, và ông cho biết tỉ lệ tử vong là 73.5%. (Thật ra, 82000 / 110000 là 74.5%, chứ đâu phải 73.5%). Nhưng đó là một tỉ lệ tử vong rất cao, nhưng tôi thấy hơi … khó tin.

Ung thư là một bệnh quan trọng và đáng sợ, nhưng hình như chưa được nghiên cứu đầy đủ ở nước ta. Ngay cả những con số rất căn bản cũng có nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như trong bài báo trên, một chuyên gia cho biết mỗi năm VN có khoảng 110,000 người mắc bệnh ung thư, và 82,000 người chết. Nhưng bài báo trên Vietnamnet thì cung cấp một thông tin hoàn toàn khác. Bài báo viết: “PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong.” Rất khó biết con số nào chính xác hay đáng tin cậy.
Có lẽ chẳng có con số nào đáng tin cả! Theo một nghiên cứu đã công bố trước đây thì tỉ lệ mắc bệnh ung thư (tính trên 100,000 người) ở nam giới là 151 và nữ giới là 144. Do đó, với dân số hiện nay, chúng ta có thể ước tính rằng VN có khoảng 137,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm. Nhưng ngay cả ước tính này cũng rất “thô”, bởi vì ước tính chính xác hơn phải cho từng dạng ung thư, từng độ tuổi và giới tính. Nhưng rất tiếc là chúng ta vẫn còn thiếu những dữ liệu căn bản như thế.
Thật ra, con số 110,000 hay 150,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm chưa phải là cao so với thế giới, nếu so sánh với dân số ~90 triệu. Ở Úc, mỗi năm có khoảng 135,000 người mắc bệnh ung thư, và dân số của Úc là khoảng 21 triệu người. Rất có thể con số thật về bệnh ung thư ở VN cao hơn nhiều, vì những người mắc bệnh không đi xét nghiệm, và những người “đi vào con số thống kê” chỉ do phát hiện sau khi xét nghiệm.
Tỉ lệ sống sót (hay tử vong) vì ung thư
Nhưng những khác biệt về con số có lẽ chẳng đáng chú ý bằng cách diễn giải dữ liệu. Ai cũng biết không phải ai bị ung thư cũng đều chết trong 1 năm, thậm chí 5, hay 10 năm. Tỉ lệ sống sót tuỳ theo dạng ung thư. Ở Việt Nam, theo tôi biết, chưa có nghiên cứu về tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân ung thư. Nhưng ở nước ngoài, đây là một dữ liệu cực kì cơ bản, là chỉ số để đánh giá sự thành bại của chiến lược phòng chống và điều trị bệnh. Sau đây là vài số liệu về xác suất sống sót của các bệnh nhân ung thư:
Dạng ung thư
Tỉ lệ (%) sống sót sau
1 năm
5 năm
10 năm

96
85
77
Tử cung
84
67
63
Tuyến tiền liệt
94
81
68
Da
96
92
88
Gan
20
5
0
Bao tử
42
17
13
Phổi (nam)
29
8
5
Phổi (nữ)
33
9
6
Nguồn: Báo cáo của Cancer Research UK (2012)

Bảng số liệu trên cho thấy nguy cơ tử vong rất khác biệt giữa các bệnh ung thư. Chẳng hạn như nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư phổ và gan thuộc vào hàng cao nhất. Gần 70% bệnh nhân nam với ung thư phổi chết trong vòng 1 năm, và con số này cho ung thư gan là 80%. Nguy cơ tử vong vì ung thư gan sau 10 năm gần như 100%.
Nhưng những ung thư mà công chúng rất sợ như ung thư vú thì tỉ lệ tử vong trong vòng 1 năm chỉ 4%, sau 5 năm là 15%, và sau 10 năm là 23%. Thật ra, nguy cơ tử vong vì ung thư vú còn thấp hơn nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi (nhưng trớ trêu thay, ít ai sợ bị gãy xương mà chỉ sợ ung thư vú).  
Tỉ lệ tử vong vì ung thư ở VN là 73.5%?
Tuy Việt Nam chưa có những con số như trên, nhưng tôi nghĩ không thể nào tỉ lệ tử vong ung thư ở VN cao đến 73.5% một năm. Trước hết, con số 82,000 người tử vong chắc chắn không phải chỉ xảy ra cho 110,000 người mới mắc bệnh trong năm, mà phần lớn có thể là xảy ra cho những người đã mắc bệnh năm trước, năm trước nữa, thậm chí 10 năm trước. Do đó, lấy con số 82,000 chia cho 110,000 người thì chắc chắn không hợp lí, vì hai con số này rất ít liên quan với nhau.
Nếu quả thật cứ 100 người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam mà có đến 74 người chết trong vòng 1 năm thì đó là một thất bại thê thảm của y tế và y khoa Việt Nam! Tôi không bao giờ tin VN mình “tệ” như thế.
Trong bài báo, còn có phát biểu của chuyên gia rằng “Ở các nước phát triển, tỉ lệ [tử vong] này hạ xuống 49,4% và các nước đang phát triển là 67,8%, đều thấp hơn tỉ lệ tử vong ở VN.” Tôi không biết con số ở các nước đang phát triển là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ rằng con số 49.4% ở các nước phát triển là không đúng. Không bao giờ cao như thế! Số liệu ở Úc cho thấy hơn 60% bệnh nhân ung thư sống sót trên 5 năm. Nói cách khác, tỉ lệ tử vong trong vòng 5 năm là 40%. Tỉ lệ này rất tương đương với Anh và cao hơn Mĩ một chút.
http://www.cancervic.org.au/images/media_release_images/cancer-survival-stats-2005.gifTỉ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư (nguồn: http://www.cancervic.org.au


Bao nhiêu người đang mắc bệnh ung thư và còn sống?
Bài báo trên Vietnamnet có đưa ra một con số còn đáng ngạc nhiên hơn! Bài báo viết “Cộng với số bệnh nhân đã mắc, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 240.000 - 250.000 người mắc bệnh đang sống chung với bệnh ung thư.” Tôi nghĩ con số phải cao hơn nhiều, chứ không thể nào thấp như thế. Tôi thử làm một ước tính đơn giản và chỉ giới hạn trong vòng 10 năm.
  • Giả định rằng số bệnh nhân ung thư mỗi năm tăng 10% so với năm trước. Có thể tính ngược lại số bệnh nhân ung thư cho mỗi năm sao cho số bệnh nhân ung thư năm 2012 là 165,000 người;
  • Giả định rằng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư ở VN sau 5 năm là 60% (tức cao hơn 1.5 lần so với tỉ lệ ở Úc).
  • Cứ như thế, có thể tính được số tử vong và số sống sót cho mỗi năm. Cộng số sống sót từ 10 năm qua cho đến nay là khoảng 660,000 người.
Nhưng đó chỉ là 10 năm, chưa tính đến số người sống sót trong vòng 20 năm qua. Do đó, tôi nghĩ số lượng bệnh nhân đang phải sống với ung thư hiện nay phải gần 1 triệu người. Đó là một gánh nặng y tế rất lớn, và đòi hỏi Nhà nước phải quan tâm.
Nói tóm lại, những phân tích trên cho thấy tỉ lệ tử vong do ung thư là một chỉ số rất khó ước tính. Khó ước tính vì nó tuỳ thuộc vào dạng ung thư, thời gian, độ tuổi, giới tính. Nếu không có nghiên cứu dài hơi thì khó mà có những dữ liệu đáng tin cậy để hoạch định chính sách. Trong bối cảnh thiếu nghiên cứu, tất cả những phát biểu đều khó tin.  
Tham khảo: 
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/102565/sung-sot-vi-benh-nhan-ung-thu-tang-nhanh.html
Sửng sốt vì bệnh nhân ung thư tăng nhanh
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang tăng nhanh tại Việt Nam. Điều đáng buồn là phần lớn người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở Việt Nam chưa được cao như mong muốn.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong.
Cộng với số bệnh nhân đã mắc, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 240.000 - 250.000 người mắc bệnh đang sống chung với bệnh ung thư.
[…]

http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/176731/Ti-le-tu-vong-do-ung-thu-o-VN-cao-hang-dau-the-gioi.html
Tỉ lệ tử vong do ung thư ở VN cao hàng đầu thế giới
SGTT.VN - Tại hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư tổ chức ở BV Bạch Mai ngày 11.4, ông Mai Trọng Khoa, phó GĐ BV Bạch Mai, cho hay mỗi năm có khoảng 110.000 ca mắc ung thư mới tại VN.
Cũng theo ông, số tử vong do ung thư hằng năm lên đến 82.000 trường hợp, tỉ lệ tử vong/mắc lên đến 73,5% và vào loại cao hàng đầu thế giới.
Được biết, tỉ lệ tử vong/mắc ở bệnh nhân ung thư chung toàn thế giới là 59,7%.
Ở các nước phát triển, tỉ lệ này hạ xuống 49,4% và các nước đang phát triển là 67,8%, đều thấp hơn tỉ lệ tử vong ở VN.
Theo báo cáo tại hội thảo, 15 loại ung thư thường gặp nhất ở VN là phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, tử cung/cổ tử cung, thực quản, bàng quang, u lympho không hodgkin, khoang miệng, bệnh bạch cầu, tụy, buồng trứng và thận, trong đó thường gặp nhất ở nam giới là ung thư phổi và nữ giới là ung thư vú, kế đến là đại trực tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến ở nam và ung thư tử cung, cổ tử cung ở nữ giới.
Số mắc các loại ung thư khác nhau giữa các vùng địa dư, trong đó tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP.HCM gấp gần sáu lần Hà Nội, nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP.HCM.
Nam giới TP.HCM mắc ung thư gan nhiều, nhưng nam giới Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn.

nguyenvantuan
http://www.nguyenvantuan.net/health/2-health/1698-ti-le-tu-vong-do-ung-thu-vn-cao-nhat-the-gioi-

Kĩ năng trình bày: Cách soạn powerpoint slide


In Email
Tiếp theo bài trước, lần này chúng ta sẽ bàn về cách soạn slide cho các báo cáo khoa học. Đây là những qui ước và nguyên tắc chung. Trong tương lai, chúng ta sẽ bàn kĩ cách chọn biểu đồ hay bảng số liệu và thiết kế như thế nào.  Hi vọng website không mắc bệnh :-) để có cơ hội tiếp tục loạt bài này.
 Trong một hội nghị khoa học 3 ngày, một khán giả trung bình phải nhìn và nghe từ 300 đến 500 slide.  Đó là một số lượng rất lớn, và rất khó nhớ hết.  Mục tiêu của chúng ta, tác giả, là phải giúp cho người nghe lĩnh hội vấn đề nhanh, “tiêu hóa” thông tin nhanh, và chú ý vào bài báo cáo của mình.  Nguyên tắc chung là càng ít chữ, càng tốt.  Ít chữ có nghĩa là người nghe tập trung vào những gì tác giả nói (thay vì viết).  Cố nhiên, tác giả không bao giờ đọc slide.

1.  Cẩn thận với PowerPoint

Nếu chúng ta có 20 hộp sơn, chúng ta không tự nhiên trở thành họa sĩ.  Tương tự, nếu chúng ta có 20 slides, chúng ta không hẳn có một bài báo cáo – mà chỉ là một loạt slides.  Để có một báo cáo tốt, tác giả đòi hỏi phải thực tập rất nhiều.

Một trong những vấn đề của PowerPoint là tính đồng dạng.  Ba đặc điểm sau đây làm cho báo cáo khó theo dõi:

  1. Những slide đều có một format giống nhau
  2. Dùng điểm bullet trong mỗi slide
  3. Dùng một màu nền duy nhất
  4. Mỗi slide cần phải có một tựa đề

Đặc điểm 1-3 có thể làm cho người theo dõi mệt mỏi, vì lặp đi lặp lại nhiều lần.  Nếu được, cố gắng sáng chế ra nhiều màu nền khác nhau để dùng trong bài nói chuyện; nếu không có nhiều màu nền, thì chỉ dùng màu nền hết sức đơn giản.

Tựa đề trên mỗi slide cũng giống như bảng chỉ đường.  Bảng chỉ đường dẫn dắt câu chuyện một cách logic và lí thú.  Do đó, tác giả cần phải suy nghĩ cách đặt tựa đề cho mỗi slide sao cho đơn giản nhưng đủ để khán giả biết mình đang ở đâu trong câu chuyện.  Sau đây là vài hướng dẫn cho cách soạn slide.

2.  Mỗi slide chỉ nên trình bày một ý tưởng

Đây là điều quan trọng: một slide chỉ nên trình bày một ý tưởng, không nên nhồi nhét hơn một ý tưởng vào một slide.  Do đó, tất cả những bullet, dữ liệu, hoặc biểu đồ trong slide chỉ nên dùng để yểm trợ cho ý tưởng chính.

Ý tưởng của slide có thể thể hiện qua tựa đề của slide.  Nếu tựa đề slide không chuyển tải được ý tưởng một cách nhanh chóng, thì diễn giả sẽ phải tốn thì giờ giải thích, và có thể làm loãng hay làm cho khán giả sao lãng vấn đề.

3.  Slide trình bày theo công thức n x n

Một slides có quá nhiều chữ (text) sẽ làm khán giả khó theo dõi và ý tưởng bị loãng.  Mỗi slide, nếu chỉ có chữ, thì nên tuân thủ theo công thức “n by n”.  Công thức này có nghĩa là nếu quyết định mỗi slide có 5 dòng chữ thì mỗi dòng chỉ nên có 5 chữ.  Một slide không nên có quá 6 dòng chữ (n < 7).


4.  Viết slide theo công thức telegraphic

Giữa đọc và nghe, cái nào làm cho khán giả dễ theo dõi hơn? Câu trả lời là đọc,  bởi vì đọc đòi hỏi ít nỗ lực hơn là nghe.  Nếu diễn giả soạn slide với quá nhiều chữ, thì khán giả sẽ đọc chứ không nghe.  Nhưng diễn giả cần khán giả phải nghe hơn là đọc (vì họ có thể đọc bài báo hay báo cáo khoa học chi tiết hơn).  Do đó, soạn slide ngắn gọn sẽ giúp khán giả tiêu ra ít thì giờ đọc và dành nhiều thì giờ lắng nghe diễn giả.

Cách viết slide tốt nhất là cách viết telegraphic.  Đó là cách viết ngắn gọn, như phóng viên đặt tựa đề bản tin.  Nói cách khác, đó là cách viết không tuân theo văn phạm Anh ngữ, không cần phải có một câu văn hoàn chỉnh. Cụ thể là tránh dùng mạo từ (the, a/an) và cố gắng viết ngắn, bỏ những chữ không cần thiết.

Ngoài ra, cố gắng chọn những chữ ngắn nhất, những câu văn ngắn nhất (nếu có thể).  Chẳng hạn như:

Thay vì viết
Thì nên viết
Regarding
On
However
But
Furthermore
Also
Consequently
So
Necessary
Needed

Có thể lấy vài ví dụ để minh họa cho cách viết ngắn như sau:

Thay vì viết
Thì nên viết
We needed to make a comparison of x and y
We needed to compare x and y
There is a possibility that X will fail
X may fail
Evaluating the component
Evaluating components
The user decides his/her settings
Users decide their settings
The activity of testing is a laborious process
Testing is laborious
No need for the following
No need for
Various methods can be used to solve this problem such as
Methods:

5.  Dùng bullet

Bullet thường hay được sử dụng trong các bài nói chuyện bằng powerpoint, nhưng cần phải cân nhắc không nên dùng quá nhiều bullet trong một bài nói chuyện.  Nguyên tắc căn bản là không lặp lại những từ trong các bullet.  Ví dụ, thay vì viết

The advantages of using this system are
  • it will enable researchers to limit the time needed in the laboratory
  • it will help researchers to find the data they need
  • it will permit researchers to produce more accurate results


thì nên viết ngắn gọn hơn như sau:

Advantages for researchers:
  • limits lab time
  • finds relevant data
  • produces more accurate results

hay thậm chí đơn giản và chuyên nghiệp hơn:

The system enables researchers to
limit lab time
find relevant data
produce more accurate results


6.  Dùng biểu đồ và hình ảnh

Người xưa có câu “một hình có giá trị bằng hàng vạn chữ” để nói lên tầm quan trọng của biểu đồ.  Thật vậy, chúng ta thường nhớ biểu đồ hơn là nhớ những bảng số liệu chi chít.  Chúng ta cũng dễ cảm nhận và có ấn tượng với biểu đồ hơn là con số.  Biểu đồ có giá trị rất lâu, và người ta thường trích dẫn biểu đồ trong các hội nghị khoa học.  Do đó, cần phải đầu tư thời gian để suy nghĩ về cách trình bày biểu đồ một cách có ý nghĩa.
Có nhiều dạng biểu đồ và mỗi dạng chỉ có thể áp dụng cho một tình huống cá biệt.  Một số hướng dẫn chung có thể tóm lược như sau:

Loại biểu đồ
Mục đích
Tối đa
Hình tròn (Pie chart)
Phần trăm, cơ cấu
3 – 5  slides
Biều đồ thanh (bar chart)
Dùng để so sánh, tương quan, xếp hạng
5 – 7 slides
Biểu đồ tán xạ (scatter plot)
Mô tả biến đổi theo thời gian, mối tương quan
1 – 2 slides
Bảng số liệu
So sánh số liệu
3 cột và 5 dòng
Hình ảnh cartoons
Minh họa
1 – 2 slides

Trong mỗi biểu đồ hay bảng số liệu, cần phải chú ý định danh và đơn vị của trục hoành và trục tung.  Biểu đồ hay bảng số liệu nên được thiết kế một cách đơn giản và “chiến lược” (tức nhắm vào điểm cần trình bày), không nên quá tham vọng và làm loãng chủ đề hay điểm chính của bài nói chuyện.

Nên tránh dùng hình hoạt họa, vì những hình ảnh này có thể làm giảm sự trang trọng của bài nói chuyện.  Hình hoạt họa dùng không đúng chỗ và đúng cách cũng làm cho người xem cảm thấy khó theo dõi thông điệp chính của bài nói chuyện.

7.  Font và cỡ chữ

Có hai nhóm font chữ chính: nhóm chữ không có chân (sans serif) và nhóm có chân.  Nhóm sans serif bao gồm Arial, Comic Sans, Papyrus, v.v.  Nhóm font chữ có chân bao gồm Times New Roman, Courier, Script, v.v.  Nhiều nghiên cứu tâm lí chỉ ra rằng font chữ sans serif thường dễ đọc.  Người đọc tiêu ra ít thời gian để đọc các font chữ như Arial hơn là Times hay Times New Roman.  Chính vì thế mà các “đại gia” internet như Google, yahoo, Firefox, Amazon, YouTube, v.v. đều dùng font chữ Arial, hay các font tương tự.

Về cỡ chữ (size), phần lớn các chuyên gia khuyến cáo nên dùng cỡ (size) từ 18 trở lên. Nếu dùng font chữ với cỡ <18 khán giả sẽ khó đọc, nhất là trong các hội trường rộng.  Riêng phần tựa đề, cỡ font chữ phải 40 đến 50.  Tuy nhiên, trong trường hợp phải trình bày tài liệu tham khảo thì font size khoảng 12-14 có thể chấp nhận được.

Không bao giờ dùng chữ viết hoa như THIS IS A TEST.  Chữ viết hoa được hiểu là la hét, mất lịch sự.  Ngoài ra, chữ viết hoa cũng khó đọc và khó theo dõi.  Tuy nhiên, có thể viết nghiêng hay tô đậm (bold-faced), nhưng đừng nên lạm dụng những cách viết này.  Chỉ dùng gạch đít khi cần nhấn mạnh một điều gì quan trọng; nếu không thì nên tránh cách viết này.

8.  Màu

Chọn màu cho chữ cũng là một nghệ thuật.  Màu đỏ và màu cam là màu “high-energy” nhưng rất khó tập trung.  Màu xanh lá cây, xanh nước biển, và nâu là những màu “ngọt dịu”, nhưng khó gây chú ý.  Màu đỏ và xanh lá cây có thể khó thấy đối với những người với hội chứng mù màu.

Cách chọn màu còn tùy vào bối cảnh và môi trường.  Cũng cần phân biệt màu chữ (text color) và màu nền (background color).  Tựu trung lại, kinh nghiệm cho thấy:

  • Nếu hội trường nhỏ hay giảng dạy (lecture): chọn chữ màu tối trên nền sáng.  Ví dụ như chữ màu đen hay màu xanh đậm và nền trắng;
  • Nếu hội trường rộng lớn: chọn chữ sáng trên nền tối, như chữ màu trắng / vàng trên nền xanh đậm.

Tránh slide với chữ màu xanh lá cây và màu nền đỏ (hay chữ màu đỏ trên nền màu xanh lá cây), vì rất nhiều người bị mù màu với sự kết hợp này.  Nói chung tránh chọn màu nền đỏ vì đây là loại màu “high energy” dễ làm cho mắt bị mệt và khó theo dõi.

Còn tiếp … (kì sau, sẽ bàn về cách nói)
nguyenvantuan
http://www.nguyenvantuan.net/english/1281-ki-nang-trinh-bay-cach-soan-powerpoint-slide 

Thực dân mới


Tác giả: Phạm Thị Hoài
Cáo buộc của tổ chức Global Witness đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang được loan tải và phân tích trên hàng loạt cơ quan truyền thông quốc tế. Tờ Spiegel số vừa phát hành [i] cũng có riêng một phóng sự về việc này.
Bài báo bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông Lào 27 tuổi gầy guộc, đánh độc một chiếc quần đùi, ngồi xổm trên khoảnh hiên bé xíu trước túp nhà sàn dựng bằng phên dậu của mình ở làng Ban Hatxan, nơi anh sống với vợ và cha mẹ. Trước mặt anh là ba con thằn lằn bất động, bữa tối của cả nhà. Toàn bộ tài sản còn lại của gia đình là ba con gà và một con lợn. Anh không dám cho nêu tên thật. Anh đã phải chạy trốn khi tập đoàn HAGL của Việt Nam sang Lào chiếm đất trồng cao su với quy mô lớn. Người Lào ở đây gọi người Việt là những ông “trùm cao su”. Anh kể: Gia đình anh vốn sinh sống bằng mảnh đất trồng thốt nốt. Cách đây ba năm HAGL đem quân khai hoang đến, không báo trước, đốn rừng, đốt sạch mọi thứ, nhà anh cũng bị đốt.
Song trong câu chuyện chiếm đất khai hoang ở Lào, ngoài những ông trùm Việt Nam còn có những ông trùm khác. Khi vô sản toàn thế giới không còn liên hiệp lại nữa thì tư bản toàn cầu làm việc đó rất thành công. “Lào và Việt Nam cách Đức hơn 8000 km. Nhưng tiền và sự trợ giúp để cướp đất ở Đông Nam Á thì HAGL cũng nhận được thông qua Deutsche Bank [ii]“, các tác giả của bài báo khẳng định. Một quỹ đầu tư của DWS, công ti con của Deutsche Bank, trực tiếp tài trợ cho HAGL và một công ti Việt Nam khác thuộc VRG.
Bài báo cũng điểm lại sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức mà người Việt thường gọi là “Bầu Đức“, từ thuở ban đầu với một xưởng mộc đóng bàn ghế cho học sinh trên Tây Nguyên đầu những năm chín mươi, qua kinh doanh gỗ và góp phần đáng kể vào việc phá rừng vô độ ở Việt Nam, nhưng chỉ thực sự phất mạnh khi nhảy vào lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 2000. Ông cũng là người Việt đầu tiên sắm máy bay riêng, mua hẳn một câu lạc bộ bóng đá làm của và có tham vọng trở thành tỉ phú đầu tiên của Việt Nam, và Deutsche Bank là một trong những thế lực giúp ông trên con đường đó.
Theo Spiegel, “năm 2008, trước hết Bầu Đức đưa HAGL lên sàn chứng khoán TPHCM. Vụ lên sàn này thắng lợi, tổng vốn hóa thị trường của HAGL nhanh chóng tăng gấp ba. Nhưng ông bầu còn muốn đi xa hơn. HAGL muốn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết chứng khoán tại London. Deutsche Bank giúp ông. Cuối năm 2010, Deutsche Bank mua cổ phiếu của HAGL và vài tháng sau tạo điều kiện để HAGL lên được sàn London. Cổ phần của Deutsche Bank là cơ sở cho các chứng chỉ lưu kí toàn cầu[iii] để huy động vốn đầu tư cho HAGL.” Nhưng khi ấy kinh doanh bất động sản không còn ở đỉnh cao và HAGL bắt đầu nhắm vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đầu tiên ở Việt Nam, rồi sau khi đã vét sạch ở trong nước thì vươn sang Lào và Campuchia. Bài báo dẫn lời Bầu Đức tuyên bố trên tạp chí Forbes: Tài nguyên là thứ hữu hạn. Tôi phải nhanh chân, nếu không là nó hết.
Bầu Đức bên cánh rừng cao su.
HAGL làm thế nào để thâu tóm trên 80.000 hécta ở Lào và Campuchia, vượt xa giới hạn hợp pháp theo luật tô nhượng đất của các quốc gia này? Spiegel đưa ra một ví dụ về những cách khuất tất và lắt léo trong đống bùng nhùng của tham nhũng và vô hiệu hóa luật pháp mà báo cáo của Global Witness nhắc đến. Năm 2009, Lào được đăng cai tổ chức SEA Games 25. HAGL nhận tài trợ toàn bộ dự án xây Làng vận động viên với tổng vốn đầu tư là 19 triệu Dollar. Song đó không phải là một cử chỉ từ thiện hào phóng mà là một vụ đổi chác, lấy 10.000 hécta đất để đốn rừng, trồng cao su. Dân Lào ở đây chỉ biết sững sờ khi bỗng nhiên thấy xe ủi của người Việt xông đến. Số thì chạy trốn, không dám đương đầu với những ông chủ mới được chính quyền Lào che chắn. Số còn lại chấp nhận một khoản đền bù rẻ mạt. Người đàn ông bị cướp đất và đốt nhà nêu trên được đền bù 1,5 triệu Kíp tiền đất, tương đương 150 Euro, và 16.000 Kíp tiền nhà, giá một bát mì trong quán.
Ông Đoàn Nguyên Đức khó có thể bảo rằng tờ Spiegel lợi dụng tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai để đánh bóng tên tuổi, như ông đã quy động cơ rẻ tiền ấy cho Global Witness mà theo ông là một tổ chức vô danh. Đối tượng chính của bài báo trên tuần tin quan trọng nhất ở Đức, với số lượng phát hành lớn nhất ở châu Âu này cũng không phải là tập đoàn Việt Nam HAGL mà là tập đoàn Đức Deutsche Bank, thế lực tài chính đã trợ giúp và tham dự vào những hoạt động đầu tư thiếu minh bạch, tàn phá môi trường, bần cùng hóa nông dân, gây bất ổn xã hội, mâu thuẫn sâu sắc với những giá trị về đạo đức và bảo vệ môi trường bền vững mà Deutsche Bank thường quảng cáo. Cũng theo Spiegel, Deutsche Bank tuyên bố là quỹ đầu tư thuộc công ti con DWS của mình chỉ giữ vỏn vẹn 0,6 % cổ phần tại HAGL, và trong trường hợp có chứng cứ xác nhận những cáo buộc nói trên, Deutsche Bank sẽ tiến hành đối thoại với các công ti Việt Nam để cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường liên quan.
Có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, ngoài việc một dân tộc từng lầm than hàng thế kỉ vì chủ nghĩa thực dân và hiện đang đứng trước nguy cơ tự đưa cổ vào tròng thực dân mới rất có thể lại đi đóng chính vai trò thực dân mới. Hiển nhiên HAGL và VRG không đại diện cho dân tộc Việt Nam, nhưng những người nông dân Lào và Campuchia bị mất đất và tước sinh kế chỉ đơn giản thấy đó là Việt Nam, người láng giềng tuy nhược tiểu trên trường quốc tế nhưng tự tin rằng mình hùng mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương. Người Việt nói chung, bản thân đầy đau đớn và mặc cảm vì phận dưới của mình, chưa bao giờ tự vấn về thái độ bề trên với hai dân tộc láng giềng phía Tây. Hơn một trăm năm trước, người Pháp đưa cây cao su vào Việt Nam. Bây giờ người Việt đem nó đi khai hóa văn minh ở Campuchia và Lào. Bao giờ thì chúng ta sang châu Phi khai hóa?
© 2013 pro&contra

[i] “Der Landraub von Laos” (Cướp đất ở Lào), nhóm tác giả Martin Hesse, Jörg Schmitt, Wieland Wagner, Spiegel số 20/2013, tr. 82-83
[ii] Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, hoạt động toàn cầu với hơn 100.000 nhân viên ở trên 70 quốc gia, có mặt tại Việt Nam từ năm 1997.
[iii] Global Depositary Receipt (GDR)
CÁC BÀI KHÁC VỀ GLOBAL WITNESS:
Bầu Đức, Đừng Đùa Với George Soros
Anh Đoàn Nguyên Đức Có Phá Rừng?

Bị cáo buộc phá rừng, bầu Đức đang đối mặt với ai?

link