Pages

Tuesday, January 22, 2013

Cảnh sát khu vực đánh người nhập viện, dân bức xúc


(VTC News)- Mâu thuẫn chuyện tiền bạc, một cảnh sát khu vực đã ra tay đánh người phụ nữ nhập viện.
Ngày 22/1, Ban chỉ huy Công an phường Đông Hưng Thuận, Q.12 cho biết, đã tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân, đồng thời cơ quan này cũng đang tiến hành lập hồ sơ điều tra xử lý vụ việc.
Người ra tay đánh phụ nữ là ông Trương Phú Dự - Cảnh sát khu vực phường Đông Hưng Thuận, Q.12.
Trước đó, lúc 15h30 ngày 20/1 trong lúc chuẩn bị khai trương tiệm cơm chay, bà Nguyễn Thị Phụng (57 tuổi, ngụ khu phố 3, đường Đông Hưng Thuận 10, P.Đông Hưng Thuận) đang loay hoay dọn đồ thì bất ngờ nghe tiếng quát tháo, la lối của ông Dự từ xa.
Lời qua tiếng lại, ông Dự bất ngờ vung tay đấm thẳng vào mặt bà Phụng liên tiếp nhiều lần, bà Phụng quỵ ngã. Ông Dự định lấy ghế ngồi đập vào người bà Phụng.
Cảnh sát khu vực đánh người nhập viện, dân bức xúc
 Bà Nguyễn Thị Phụng đang điều trị tại Bệnh viện Q.12. Ảnh: Phan Cường
Thấy vậy, một người dân gần đó chạy đến ngan căn cũng bị ông Dự uy hiếp. Bà Phụng đưa đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 12 trong tình trạng gương mặt nhiều vết bầm, trầy xước, cánh mũi bị lệch, miệng bị rách. Hiện tại bà Phụng muốn đi tới lui phải có người dìu đi. 
"Cơ thể tôi ê ẩm, đau nhức và khó thở lắm. Ông Dự đánh tui túi bụi, tôi chẳng còn biết gì. May mà có người can ngăn, nếu không thì hậu quả không biết thế nào" - bà Phụng nấc nghẹn. 
Theo bà Phụng, vào khoảng năm 2009, bà có bán cho ông Dự một miếng đất trị giá trên 1 tỉ đồng. Mọi giao dịch diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề dẫn đến việc ông Dự hành hung bà Phụng là về khoản phí chuyển nhượng đất trị giá 24 triệu đồng. 
Ông Dự cho rằng, bà Phụng phải có trách nhiệm trả phần phí chuyển nhượng đó. Ngược lại thì bà Phụng trả lời, phần phí đó bà không liên quan vì khoản đó ông Dự phải gánh lấy theo thỏa thuận. 
"Biết ông Dự là một cảnh sát khu vực, lại quản lý địa bàn mình đang sinh sống, vả lại ông Dự thường xuyên hăm dọa nên tôi cũng đã cắn răng chi 12 triệu đồng, như vậy chỉ còn lại một nửa ông Dự phải chịu. Thế nhưng ông Dự cũng không đồng ý, lại thừa lúc tôi chuẩn bị khai trương quán, ông chửi mắng rồi lao vào đánh tôi" - bà Phụng nói.
Sau khi biết báo chí đến làm việc, ông Dự có mang theo 3 triệu đồng gọi là phí thuốc men cho bà Phụng. Tuy nhiên, bà Phụng không đồng ý nhận số tiền đó mà muốn làm cho rõ chuyện. 
Cảnh sát khu vực đánh người nhập viện, dân bức xúc
 Đơn phản ánh của người dân gửi các cấp ủy và lãnh đạo CAP. Đông Hưng Thuận, Q.12 về tư cách của cảnh sát khu vực Trương Phú Dự.
Ảnh: Phan Cường
Ngoài trường hợp của bà Phụng, PV VTC News còn nhận được phản ánh của bà con khu phố 3, than phiền về vị cảnh sát khu vực xem trời bằng vung này. Ông N.H.T (75 tuổi) là cán bộ về hưu bức xúc: Từ lúc ông Dự được phân công về làm cảnh sát khu vực khu phố, có rất nhiều việc mà người dân nơi đây rất lo ngại.
Vì cứ cuối tuần vào thứ 7, chủ nhật, ông Dự thường ăn nhậu với bạn bè. Khi rượu vào, ông Dự không làm chủ được bản thân, nên thường lớn tiếng quát tháo ầm ĩ, văng tục, chửi thề làm cho người dân trong khu phố cảm thấy bất an lo lắng.
Trước đây cũng có người cảnh sát khu vực được bà con yêu mến, điều này hoàn toàn trái ngược với ông Dự.
"Bà con chúng tôi, mong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cũng như cơ quan quản lý ông Dự nên có biện pháp giáo dục đối với ông Dự", nhiều người dân đề xuất. 
Phan Cường 

Sai ngữ pháp + sai chính tả = mật khẩu mạnh

Ngày sinh nhật, tên thú cưng, quê quán… ngày càng mất an toàn nếu người dùng chọn làm mật khẩu khi lên mạng. Theo các nhà nghiên cứu, bí quyết để tạo mật khẩu an toàn hơn là cố tình viết sai chính tả và ngữ pháp.

Ashiwini Rao và các cộng sự tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đang nghiên cứu các thế hệ hiện có của hệ thống bẻ mật khẩu. Họ nhận thấy rằng nhiều người chọn mật khẩu dài hơn nhưng lại dễ đoán vì gần gũi với đời sống hằng ngày (cho dễ nhớ) và xu hướng này ngày càng tăng. Báo Daily Mail cho biết đây là nội dung quan trọng mà nhóm nghiên cứu sẽ trình bày tại Hội nghị về dữ liệu và ứng dụng an ninh, bảo mật tại San Antonio, Texas (Mỹ) vào tháng 3 năm nay.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các cấu trúc quen thuộc như địa chỉ bưu điện, địa chỉ email và URL dù khá dài đều có thể kém an toàn. Các hacker đang sử dụng công cụ dò tìm mật khẩu theo kiểu tra từ điển sẽ thực sự bối rối khi người dùng mật khẩu viết sai cả chính tả lẫn ngữ pháp kết hợp thêm một chút mẹo vặt.
Daily Mail trích dẫn khuyến cáo từ Hãng SplashData rằng đặc biệt nguy hiểm nếu bạn chung mật khẩu cho các website giải trí, đã vậy cùng lúc người dùng lại kiểm tra dịch vụ tài chính, kiểm tra email, truy cập mạng xã hội… Dưới đây là gợi ý của các chuyên gia về một số mật khẩu mạnh:
Ví dụ người dùng tên Nguyễn Văn A; thông thường họ sẽ gõ nguyenvana... Trong trường hợp dùng tiếng Anh, hãy gõ thành nguyeev@n@ rồi thêm một dãy số kết thúc bằng itme. Như vậy chúng ta sẽ có mật khẩu dễ nhớ nhưng "khó nhai" như sau: nguyeenv@n@12345itme (trong đó hai chữ e=ê; @ thay cho a sai chính tả; còn itme là sai ngữ pháp vì thiếu động từ to be).
Tương tự như vậy khi sử dụng mật khẩu qu@nnotme56789(*&^%. Nhìn vào sẽ thấy rất rối rắm nhưng thật ra rất dễ nhớ, trong khi nó làm mệt mỏi các tay tin tặc. Trong đó qu@nnotme sai cả ngữ pháp lẫn chính tả, dãy số 56789 thì quá dễ nhớ, còn mớ lằng nhằng (*&^% thực ra là chỉ giữ phím Shift rồi gõ ngược 98765!
Song Mai

Saturday, January 19, 2013

Kẻ truy sát xin chủ tiệm vàng tha mạng


Bị ông chủ tiệm vàng giật con dao chém lại nhiều nhát, tên cướp van xin “con biết lỗi rồi, xin chú tha cho con”.
>
Đột nhập phòng ngủ, truy sát vợ chồng chủ tiệm vàng/ Lần theo vết máu, truy lùng kẻ truy sát chủ tiệm vàng

Chiều 18/1, nằm trong Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, TP HCM với hàng chục nhát chém vào chân tay nhưng Nguyễn Vũ Sang (17 tuổi 8 tháng) - tên cướp đột nhập truy sát vợ chồng chủ tiệm vàng Kim Kim Tuyến, vẫn khá tỉnh táo.
Sang lúc lấy lời khai tại bệnh viện. Ảnh: Quốc Thắng.
Sang lúc lấy lời khai tại bệnh viện. Ảnh: Quốc Thắng.
Làm việc với Công an quận Thủ Đức, Sang cho biết đang học lớp 10 tại quê nhà ở đội 5, xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) thì bỏ học. Khoảng 2 năm trước, do "giận cha mẹ không hiểu mình", Sang bỏ vào TP HCM sống lang thang.
Lúc mới vào Sài Gòn, Sang lang bạt tại khu vực huyện Hóc Môn nhưng cách đây 2 tháng hắn đến sống trên vỉa hè quốc lộ 1A. Do ở gần tiệm vàng Kim Kim Tuyến, hàng ngày qua lại nhiều lần nên Sang nắm khá rõ sinh hoạt của vợ chồng chủ tiệm.
Mấy hôm trước, tỉnh dậy trên vỉa hè, Sang bị mất hết quần áo. Túng quẫn, hắn lên kế hoạch đột nhập tiệm kim hoàn vào ngày 16/1. "Tuy nhiên, hôm đó thấy không thuận lợi nên chuyển sang hôm sau", Sang khai.
Tối 17/1, Sang lang thang tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) và trộm được con dao chặt xương ở khu chợ gần đó. Đến 1h20 ngày 18/1, hắn men theo vách tường nhà bên cạnh để tiếp cận cửa sổ tầng 1 tiệm vàng.
Lúc này, chủ tiệm là anh Lê Thành An và vợ Bùi Thị Kim Tuyến (cùng 37 tuổi) và đứa con nhỏ đang ngủ. Sang dùng dao cậy bung cửa sổ và đột nhập vào trong. Bất ngờ người vợ thức giấc tri hô “cướp, cướp”, Sang liền vung dao chém nhưng bà chủ dùng gối đỡ được.
Nghe tiếng vợ gọi, anh An bật dậy nên Sang quay ra chém nhiều nhát vào đầu, vai và tay chủ tiệm. Tuy nhiên, hắn vẫn bị anh An chống cự, tước được dao và chém lại nhiều nhát. Cuối cùng, hắn cũng bị anh này đè dưới đất.
Lúc này, chị Tuyến chạy lên, phụ chồng khống chế hắn. Trong lúc người chồng chạy xuống dưới bấm chuông báo động, Sang vùng thoát khỏi tay chị Tuyến. Hắn chạy ra cửa sổ nhưng bị chị Tuyến giữ 2 chân.
Con dao Sang dùng để gây án. Ảnh: Quốc Thắng.
Con dao Sang dùng để gây án. Ảnh: Quốc Thắng.
Nghe tiếng vợ hô hoán, anh An chạy lên, vung dao chém. "Sợ quá tôi quỳ xuống van xin 'con biết lỗi rồi, cô chú tha cho con'", Sang kể và cho biết người chồng đã dừng tay, đưa chìa khóa cho vợ xuống mở cửa để gọi công an. Tranh thủ lúc anh này sơ ý, Sang vụt chạy thoát theo đường cửa sổ tầng 1.
Nhảy xuống từ độ cao gần 4m, Sang chạy được một đoạn thì ngã khuỵ vì mất nhiều máu. Hắn cố lết vào khu nhà trọ gần đấy trốn rồi không biết gì nữa cho đến khi công an đến bắt, đưa vào bệnh viện.
Ngoài hung khí là con dao to bản, Sang không mang theo vật dụng nào. "Tôi chỉ định vào ăn trộm vàng, nhét đầy 2 túi quần thôi", tên cướp chưa tròn 18 tuổi nói.
Sau “cuộc chiến”, anh An cũng được đưa vào cấp cứu chung bệnh viện với Sang. Các bác sĩ xác định nạn nhân bị 3 vết chém vào đầu, một nhát vào vai phải và đứt gân ngón tay khi đỡ nhát chém của tên cướp.
Công an quận Thủ Đức đang làm rõ hành vi của Sang để xác định tội danh, thẩm quyền thụ lý.
Quốc Thắng

Thursday, January 17, 2013

Không dám về nhà vì 7 năm chưa tốt nghiệp đại học


Mỗi lần bố mẹ hỏi, tôi đều nói dối rằng ra trường đi làm, bận rộn nên ít về được. Buồn chán, xấu hổ với gia đình, bạn bè, tôi bơ vơ một mình ở Hà Nội, thiếu thốn tiền bạc, luôn trong tình trạng căng thẳng và chỉ muốn được giải thoát...
> 4 năm sinh viên tôi chỉ học đối phó

Tôi sinh ra ở một gia đình nông thôn, có 5 anh chị em nhưng đều chỉ học hết cấp 3 là nghỉ, đi làm và lập gia đình. Riêng tôi là con út, nên bố mẹ chiều chuộng, được học lên cao.
Trước đây, tôi là một học sinh khá ở trường huyện, chăm ngoan, ít chơi bời, chỉ lo học. Tôi thi đậu vào một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội với số điểm cao.
Có lẽ sai lầm đầu tiên của tôi là lúc chọn trường thi. Tôi có ước mơ được trở thành thầy giáo từ nhỏ, nhưng lúc đó nghĩ rằng nhà nghèo, theo học nhà giáo sau này kinh tế không phát triển lắm.
Suy nghĩ nông cạn, tôi đã không chọn nghề theo ý thích và niềm đam mê. Bỏ ước mơ làm thầy giáo, tôi thi vào một trường kỹ thuật.
Vào đại học tôi vẫn học vẫn chăm chỉ, không chơi bời, rượu bia, thuốc lá... Được 2 năm tôi cảm thấy mình học chỉ để qua môn, trả nợ, kiếm tấm bằng, chứ không có đam mê vì đó không phải nghề tôi thích.
Sai lầm tiếp theo bắt đầu từ năm thứ 3 đại học. Tôi lơ là học hành, ham chơi game. Cứ thế kết quả sa sút. Đến năm thứ 4, tôi bị nhà trường đình chỉ.
Gia đình, bố mẹ đã kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Biết tin đó bố tôi rất tức giận. Tôi hiểu mình đã sai và mong bố tha thứ. Vì thương tôi, dù khó khăn nhưng ba mẹ vẫn ủng hộ tôi cho tôi tiếp tục đi học, nhà trường cho phép tôi được học với khóa sau.
Nhưng chỉ được một thời gian, tôi lại ngựa quen đường cũ...
Giờ đâytôi đã học 7 năm mà vẫn chưa tốt nghiệp. Ba mẹ tôi mong ngóng. Tôi không dám nói thật vì tôi đã sai lầm một lần rồi.
Mỗi lần được hỏi, tôi đều trả lời rằng ra trường đi làm, bận rộn nên ít về được. Thật sự, tôi không dám về quê gặp bố mẹ cũng không dám nói thật mọi chuyện.
Hiện tại, tôi đi làm phụ việc kiếm tiền đủ nuôi sống bản thân. Hối hận cũng quá muộn khi tôi không thể ra trường và không có bằng. Tôi đã từ bỏ.
Sau 7 năm hoc, giờ đây tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, không bằng cấp, không nghề nghiệp tử tế.
Hai năm nay tôi chỉ sống trong đau khổ và buồn phiền. Lương tâm luôn cắn rứt, hối hận vì lỗi lầm của mình. Tôi đã quá bế tắc, không biết phải làm gì. Muốn thi học trường khác nhưng chắc là không thể, bố mẹ không đủ sức nuôi tôi, kinh tế khó khăn làm sao mà học?
Tôi sai lầm vì không vượt qua nổi cám dỗ xã hội.
Buồn chán, xấu hổ với gia đình, bạn bè, tôi chẳng dám về nhà. Tôi bơ vơ một mình ở Hà Nội, thiếu thốn tiền bạc, luôn trong tình trạng căng thẳng.
Tôi không dám về quê vì sai lầm nối tiếp sai lầm. Tôi muốn bỏ đi thật xa, nơi không ai biết tôi để làm lại mọi thứ, nhưng có lẽ là không thể vì không có tiền để mà đi, mà sống...
Bế tắc, tôi đã muốn tìm đến cái chết để giải thoát, dù bất hiếu với công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Tôi muốn được giải thoát. Tôi phải làm gì đây?
Nguyen Manh

Nở rộ trào lưu mời cưới qua Facebook

Thứ hai, 14/01/13 11:20 GMT+7

"Cuối tuần này tôi phải đi 4 đám cưới, trong đó có 3 người bạn mời qua Facebook, một người mời qua điện thoại", Quốc Huy (25 tuổi) nói.
Đang trong mùa cưới, Quốc Huy - kỹ sư điện trong một khu công nghiệp ở Bắc Ninh đi đám cưới như cơm bữa. Huy liệt kê trong tháng 11 đã đi 18 đám cưới. Sang tháng 12, Huy cũng nhận xấp xỉ ngần ấy lời mời. Điều Huy muốn chia sẻ là anh thấy được sức mạnh và tính phổ biến ngày càng tăng của Facebook, lan ra cả việc mời cưới hỏi. Chỉ tính riêng 3 tháng mùa đông năm nay, Huy đã đi không dưới 50 đám cưới, trong đó có gần một nửa là được mời qua Facebook, 3/4 trong số này anh cũng biết được thông tin cưới qua mạng xã hội.
"Nhờ tính năng kết nối ưu việt của Facebook mà những người mình chỉ quen sơ sơ, đi đá bóng với nhau được một trận hay những người là bạn của bạn của bạn, gặp nhau trong một lần đi đám cưới chung cũng nhận được lời mời... Tất cả chỉ vì có tính năng 'tag' (gắn, thêm bạn)", Huy nói.
Anh dẫn ví dụ, một người bạn mới quen của anh đã gắn tất thảy 134 bạn bè vào lời mời cưới, làm cho lời mời cưới kéo dài mấy chục dòng. "Không chỉ tôi mà một số người khác còn bị gắn nhầm vào danh sách mời cưới. Cô bạn thân của tôi gắn tên thằng Tuấn học cùng lớp đại học vào thiếp mời cưới, hóa ra lại gắn một anh Tuấn chỉ quen sơ, chỉ đến khi qua bàn ăn chào khách nó mới vỡ lẽ là đã bỏ sót mất thằng bạn thân", Huy bổ sung.
4-jpg-1358131791-1358132145_500x0.jpg
Một lời mời cưới thiếu chuẩn bị và tag nhiều bạn bè kéo dài cả chục dòng dễ làm đối tượng được mời phật ý.  Ảnh chụp từ màn hình Facebook.
Tương tự, chị Thanh Ngọc, 28 tuổi, một cô giáo cấp 2, cho biết trong năm nay cũng nhận được vài lời mời cưới qua Facebook. Trong đó, có người chu đáo đã gửi thiếp hay gọi điện thoại, lại còn gửi thêm lời mời cưới qua mạng xã hội. Nhưng có người chỉ gắn bạn bè vào một lời mời online đi kèm danh sách rất nhiều người khác.
"Tôi dị ứng với cách mời này, bởi lời mời trên mạng xã hội chỉ mang tính thông báo, không có vẻ gì là chân thành. Một người bạn của tôi cùng lúc gắn cả trăm người khác vào danh sách với nội đung cơ bản là 'ngày nọ, ngày kia tớ cưới, mời các bạn đến dự....' rồi đi kèm danh sách bạn bè, còn không thèm nói địa chỉ nhà ở đâu để bạn bè đến. Nói thật dù vẫn đi đám cưới nhưng tôi không thích kiểu này", Ngọc chia sẻ.
Theo Ngọc, ngoài thiếu sự chân thành trong lời mời, cách mời cưới qua trang mạng còn chứng tỏ cô dâu, chú rể không tôn trọng chính mình. Đám cưới là một sự kiện trọng đại với mỗi người, nhưng cách mời qua loa thể hiện sự không chuẩn bị, không kỳ vọng vào hôn nhân.
Trái lại, một số bạn xem những lời mời qua Facebook là bình thường và không câu nệ mời cưới dưới hình thức nào. Chị Tâm - 30 tuổi, làm trong một công ty thực phẩm bộc bạch: "Giờ là thời thế giới phẳng, ai hơi sức đâu mà đi gửi thiếp đến tay từng khách mời. Mất thời gian, công việc, sức lực của cả đôi bên".
Tiếp tục, chị Tâm nói, vào ngày cưới cô dâu chú rể phải lo rất nhiều việc, nhờ có Facebook mà khâu đi mời khách được tối giản hóa. Cô dâu, chú rể chỉ cần đăng thiệp mời rồi gắn tên những người cần mời. Ngay sau đó sẽ có cả trăm bình luận phía dưới của bạn bè nói rõ có đi được hay không đi được.
"Với tôi giờ người bạn nào chuyển thiếp mời tôi còn thấy là cổ hủ ấy chứ. Mỗi thời mỗi khác, mà con người chúng ta thì luôn tiếp cận đến những cái tiện dụng. Không chỉ ủng hộ mà tôi còn khuyên những người bạn mình bỏ luôn cả thiếp mời, điện thoại đi đỡ lằng nhằng được người nọ mất người kia", chị Tâm nói.
Có cách nhìn khác lạ, chị Tâm còn cho rằng cái hay của việc mời cưới bằng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay là giải quyết được khó xử của người mời và người được mời. Chị phân tích, khi mời qua mạng những người được mời sẽ đỡ thấy áp lực khi phải lo đi đám cưới, tiền mừng nếu không đi. Người mời cũng tránh được việc này vì vốn dĩ họ chỉ muốn bạn bè đến chia vui, không câu nệ quà cáp. Điều này trái ngược với cách mời truyền thống kiểu đưa thiếp tận tay làm ai cũng thấy bị áp lực, không thể không có quà.
3-jpg-1358131953-1358132145_500x0.jpg
Để có lời mời trên Facebook hiệu quả, bạn có thể dùng thiệp cưới online, ảnh cưới đi kèm với lời mời. Lưu ý là chỉ áp dụng cách để mời này với bạn bè trẻ, thân thiết. Nên đi kèm một cuộc gọi điện thoại để khẳng định chắn chắn sự tham gia. Ảnh minh họa: Traucau.vn
Rút bài học từ chính mình trong việc mời cưới qua Facebook, anh Bình (26 tuổi, làm quản lý trong một khách sạn trên đường Trần Duy Hưng) chia sẻ, mời cưới qua Facebook có những ưu điểm nhưng cũng nhiều nhược điểm. Điều quan trọng là phải thận trọng, khéo léo.
"Một số bạn của tôi mời cưới qua Facebook mắc lỗi lớn là chỉ là lời mời suông, không đủ chân thành, hay tag quá nhiều người vào lời mời hoặc quên không mời ai đó làm họ phật lòng. Vì không gọi điện lại khẳng định sự tham gia của bạn bè nên bị lãng phí đồ ăn", anh Bình chia sẻ.
Vậy là trong đám cưới của mình, Bình đặt một thiệp cưới online, kèm theo một lời mời cưới chân thành, ngắn gọn nhưng sâu sắc về quá trình yêu nhau của anh và vợ, có chi tiết địa điểm tổ chức hôn lễ. Sau đó, anh gửi nội dung đó cho từng người chứ không gắn tất cả bạn bè vào một.
Anh cũng đăng một thông báo về việc mình sắp kết hôn lên dòng thời gian của mình để tất cả bạn bè gần xa, cũ mới đều biết. Bình còn gọi điện lại cho một số bạn khẳng định sự tham gia của họ. Với người lớn, Bình gửi thiếp mời.
"Nếu không khéo có khi một lời mời mà làm mất đi bạn bè ấy chứ. Cho nên theo tôi lời mời trên Facebook dù tốt nhưng nhiều khi cũng không thay thế được những cuộc điện thoại hay thiếp mời", Bình chốt lại.
Theo chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ - Tổng đài 1088, việc mời cưới qua Facebook là trào lưu phổ biến hiện nay.
Chuyên gia phân tích, trong quan niệm truyền thống của người Á Đông, lời mời cưới luôn phải đi kèm thiếp mời, thể hiện sự trân trọng với người được tham gia. Tuy nhiên hiện nay ngoài cách mời truyền thống còn có lời mời cưới qua điện thoại (người bận rộn, bạn bè xa), mời qua tin nhắn, thư điện tử, qua Facebook (phổ biến trong giới trẻ, người dùng công nghệ).
"Một người bạn thân của tôi viết một status trên mạng xã hội về ngày cưới của anh ấy, đồng thời gắn cả bạn bè thân và xã giao vào. Tôi đã gặp người bạn này và phàn nàn cách làm của anh kỳ cục thì anh giải thích lời mời cưới trên mạng đơn giản chỉ là một lời chia sẻ, báo hỉ để tất cả bạn bè biết mà chia vui với anh ấy (ý nghĩa là chia vui trên Facebook). Còn những người được tham dự hôn lễ dĩ nhiên anh ấy sẽ lên danh sách, có giấy mời hoặc gọi điện", chuyên gia Văn Thanh Sĩ chia sẻ.
Vậy nên, việc có những phàn nàn về cách thức mời cưới này chủ yếu xuất phát từ người được mời, do họ không hiểu được quan điểm của cô dâu, chú rể. "Nếu nhận được tag vào một lời mời cưới trên Facebook, bạn chỉ cần chúc mừng cô dâu chú rể là được, không nên câu nệ chuyện đi hay không đi đám cưới", chuyên gia nói.
Xét từ phía các cô dâu, chú rể, chuyên gia cũng khuyên tuy là lời mời cưới online nhưng cũng cần thể hiện sự trân trọng sự kiện trọng đại của mình bằng ngôn ngữ, hình ảnh sâu sắc. Đừng nên chỉ viết một vài dòng hay tung một bức ảnh lên Facebook rồi gắn tất thảy bạn bè vào mà quên đi việc cần thiết là nên gọi điện hay đưa thiệp tận tay.
Phan Dương
 

Hệ lụy của việc yêu lâu mới cưới


Ngày Ngọc (Hà Nội) đưa thiếp cưới, bạn bè giật mình khi chú rể không phải anh chàng đã đưa đón cơm nước cho cô suốt thời sinh viên mà là người lạ hoắc. 
Thời sinh viên, Ngọc có mối tình nổi tiếng khắp ký túc xá với Quang, một đàn anh đang học cao học. Quang hơn Ngọc 5 tuổi. Khi anh ra trường, đi làm thì cô mới là sinh viên năm thứ 3. Làm việc cho một viện nghiên cứu, quỹ thời gian của Quang khá thoải mái, tha hồ rảnh rang chăm sóc người yêu rất tận tình. Nhận bằng cử nhân xong, muốn phấn đấu được ngang bằng người yêu, Ngọc nộp đơn học tiếp cao học. Trong thời gian cô vừa đi làm những việc trái nghề vừa học cao học đó, Quang tình nguyện làm anh nuôi, chiều chiều cơm nước giặt giũ đỡ đần người yêu.
Nhận bằng thạc sĩ, Ngọc có điều kiện làm đúng công việc như tấm bằng luật kinh tế của mình. Ngày tiếp quản công việc mới cũng là ngày cô trúng tiếng sét ái tình của anh chàng trưởng phòng hơn mình 2 tuổi. Đám cưới của Ngọc vẫn diễn ra vào năm cô 27 tuổi như kế hoạch, nhưng chú rể không phải là Quang.
MAGIC-MISSILES-jpg-1358318099_500x0.jpg
Yêu lâu mới cưới không hẳn đã mang lại kết quả hạnh phúc cho các cặp đôi. Ảnh: Magicmissles
Hằng (Vĩnh Long) vừa sang Mỹ đoàn tụ cùng bố để chạy trốn mối tình vừa kết thúc sau 8 năm yêu đương của mình. Ngày lên TP HCM học đại học, Hằng yêu Linh, một cậu bạn học cùng khóa. Ra trường nhờ quen biết, Hằng xin được việc để ở lại thành phố, còn Linh lận đận một thời gian đi làm những việc vặt và sống bằng tiền trợ cấp của gia đình. Rồi Linh cũng tìm được công việc đúng sở trường, hai người quyết định đợi năm đẹp để kết hôn. Một lần Hằng đi công tác Hà Nội nửa tháng, trở lại thành phố thì phát hiện Linh say nắng một cô anh gặp khi tham gia khóa đào tạo nhân viên của tập đoàn. Mặc cho Linh năn nỉ xin lỗi, Hằng vẫn quyết tâm từ bỏ, quyết định sang Mỹ sống cùng bố.

Cũng là mối tình kéo dài cả thập kỷ, bắt đầu từ thời sinh viên, Thành và Giao kết hôn với nhau trong sự mãn nguyện của cả hai. Đều là người lãng mạn, Thành và Giao đã ấp ủ ý định chỉ cưới sau 10 năm yêu nhau kể từ khi chàng tỏ tình với nàng được một tháng. Gần 30 tuổi, bạn bè đã lên xe hoa gần hết nhưng Giao vẫn bình chân như vại, chỉ thích lập kế hoạch đi du lịch cùng người yêu. Gia đình của Thành và Giao đều sống ở Hà Nội, kinh tế khá giả. Khi kết hôn, cả hai đều có công việc ổn định và đều giữ những vị trí mà bạn bè cùng trang lứa mơ ước. Giao đã kịp thu lượm thêm bằng thạc sĩ còn Thành thì nắm cương vị trưởng phòng trong công ty.
Tưởng rằng hạnh phúc trọn vẹn nhưng kết hôn rồi, cả hai đau khổ khi mãi vẫn chưa thể sinh con. Vợ chồng đã tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc vào Bệnh viện Từ Dũ TP HCM chữa trị vô sinh. Đến nay sau 5 năm, họ vẫn chưa thể nào tăng nhân khẩu trong gia đình. Trong thời gian yêu nhau, cả hai đã 3 lần phải dẫn nhau đi nạo hút thai. Vì giấu diếm thân phận, Giao chỉ có thể phá thai ở những cơ sở tư nhân. Bây giờ Giao được xác định là thành tử cung quá mỏng nên rất khó đậu thai.
Theo chuyên gia tâm lý Kim Bắc của tổng đài tư vấn 1088, Bưu điện TP HCM, các đôi yêu nhau trong một khoảng thời gian dài đến 7-10 năm thì thực sự đã quá hiểu nhau. Theo bà Bắc, trong xã hội hiện nay, yêu nhau dài lâu như thế thì việc ăn trái cấm dường như là điều tất yếu. Lúc này, hai người đã thực sự là của nhau, chỉ còn thiếu mỗi tờ hôn thú. Họ đã quá hiểu nhau đến mức nhàm chán.
Không chỉ nam mà giới nữ cũng dễ bị cảm giác say nắng khi bắt gặp một người khác giới hấp dẫn. Điều này đặc biệt xảy ra khi họ chuyển chỗ ở, chuyển công việc như trường hợp của Ngọc hay Linh. “Một của lại bằng tạ của quen”, khi gặp người mới, người ta sẽ nhanh chóng bỏ rơi bạn tình, lấy một người mà mình vừa gặp 1, 2 tháng chứ không phải là yêu đến 7, 8 năm.
Nếu kết hôn rồi, hai người có những ràng buộc, trách nhiệm với gia đình, tài sản… nên việc bỏ nhau sẽ khó xảy ra. Bà Bắc cũng khuyên các đôi nếu muốn bảo vệ tình yêu của mình thì không nên “ngâm” tình yêu lâu quá nếu không vì những lý do đặc biệt, bất khả kháng như đi du học nước ngoài, đi công tác biệt phái một thời gian…
Kinh tế khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn. Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia tâm lý, kinh tế không phải là điều kiện quyết định để việc kết hôn không được thực hiện. Lý do là nếu thực sự yêu nhau, đôi lứa vẫn có thể cùng nhau chia sẻ những khó khăn về kinh tế. Chưa kể thực tế, chính nhờ có hôn nhân mà rất nhiều người trẻ tuổi mới biết quản lý tài chính và tích lũy tài sản.
Với những cặp đôi yêu nhau 7, 8 năm mà chưa chịu cưới, nếu họ giải thích được lý do thuyết phục của việc trì hoãn đám cưới thì bà Bắc tin rằng họ vẫn còn yêu nhau. Nhưng nếu đó là thái độ "cưới cũng được không cũng chẳng sao" thì thực sự cặp đôi đang có vấn đề. "Kết hôn một cách miễn cưỡng không thể là dấu hiệu tốt của một cuộc hôn nhân", chuyên gia tâm lý nhận xét.
Một chuyên gia nước ngoài từng nói vui rằng, thời gian hợp lý nhất để tìm hiểu nhau của một đôi trai gái là thời gian ăn hết 6 kg muối. Nếu tính mỗi ngày một người tiêu thụ 6 g muối thì thời gian này là khoảng 500 ngày, tức là một năm rưỡi đến 2 năm. Tất nhiên thời gian tìm hiểu là một khái niệm rất vô chừng, có thể dài ngắn khác nhau với những người khác nhau, nhưng kéo dài quá có thể gây ra nhiều nguy cơ, rủi ro cho tình yêu.
Theo chuyên gia Kim Bắc, 4-5 năm tìm hiểu đối với những cặp đôi yêu nhau từ thời sinh viên là thời gian có thể chấp nhận được. Dù sao các bạn trẻ cũng phải học để tốt nghiệp và cần 1, 2 năm sau khi ra trường để ổn định công việc. “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày có kẻ gièm pha”, các cụ ta ngày xưa đã đúc kết như thế. Thời nay, các đôi yêu nhau mãi không cưới, không ai gièm pha, nhưng chính những người trong cuộc lại làm hỏng tình yêu của mình. Chưa kể, tuổi trẻ thiếu những kiến thức về tình dục, khi xảy ra sự cố vì không muốn bố mẹ biết, chưa kết hôn nên ngại tâm sự với mọi người, tự đi giải quyết, dễ dẫn đến những hậu quá đáng tiếc về sức khỏe sau này.
Kim Anh

Nguy cơ nhiễm độc trong văn phòng


Người làm việc tại các văn phòng, tòa nhà dễ mắc bệnh đau đầu hoặc viêm nhiễm vì thường xuyên hít phải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, phát sinh từ thiết bị máy in, đồ gỗ, sơn tường.

Bàn ghế, thiết bị văn phòng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Ảnh: Kienthuc.
Thạc sĩ Ngô Quốc Khánh, Phòng Công nghệ môi trường, Trung tâm Khoa học Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động cho biết, ông và các cộng sự vừa hoàn thiện đề tài "Điều tra, đánh giá thực trạng chất lượng môi trường lao động và sức khoẻ người lao động tại các cao ốc, văn phòng".
Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát tại 6 công ty trong 4 toà nhà có trụ sở tại Hà Nội. Đặc điểm chung của các tòa nhà là thiết kế kín, đại diện cho kiểu thiết kế nhà cao tầng hiện nay với điều hòa trung tâm, người lao động là những người có trình độ học vấn và chuyên môn cao, tuổi đời tương đối trẻ.
"Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn/hướng dẫn về chất lượng không khí trong văn phòng nên nhóm thực hiện so sánh một số tiêu chuẩn/hướng dẫn nước ngoài thì thấy tiếng ồn tuy có vượt mức cho phép nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ", ông Khánh cho hay.
"Tuy nhiên, các yếu tố về vi sinh và các hợp chất bay hơi được xác định ảnh hưởng lớn nhất tới sức khoẻ nhân viên văn phòng", ông Khánh nói.
Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) bao gồm formaldehyte, benzen, toluene, axetone. Chúng phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như từ thiết bị văn phòng gồm máy in, máy tính, máy photocopy, bàn ghế, các chất tẩy rửa.
Ông Khánh lý giải, thông thường tại các tòa nhà, văn phòng, để làm sạch môi trường, người ta thường tẩy rửa sàn nhà, bàn làm việc. Nhưng ít người biết rằng chính thiết bị tẩy rửa chính là nguồn gốc gây ô nhiễm. Ngoài ra, các cao ốc, văn phòng có xu hướng sử dụng đồ nội thất là gỗ công nghiệp, sử dụng các loại keo dán, sơn, đây đều là nguồn phát sinh VOCs đáng kể ở môi trường văn phòng.

Nhức đầu, mệt mỏi, lú lẫn

Theo nhóm chuyên gia, tiếp xúc thường xuyên và kéo dài với các VOCs sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sống và làm việc trong cao ốc, văn phòng. VOCs là chất có khả năng hoà tan máu mỡ và dễ dàng bị hấp thu qua phổi, thông qua máu vào não gây ra sự suy giảm hệ thống thần kinh trung ương, làm con người mệt mỏi, uể oải và cảm giác khó chịu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ảnh hưởng của VOCs lên sức khoẻ con người tùy mức độ sẽ gây ra các nguy hại khác nhau. Nếu ở mức nhỏ hơn 0,2mg/m3 thì không gây cảm giác gì, ở mức 0,2 - 3,0mg/m3 gây khó chịu và bị kích thích, ở mức 3,0 - 25mg/m3 gây nhức đầu và phản ứng viêm nhẹ, ở mức trên 25mg/m3 gây nhiễm độc thần kinh (bần thần, mệt mỏi, lú lẫn...).
Cũng theo nghiên cứu, cùng một tòa nhà nhưng ở các phòng, các tầng, mức độ ô nhiễm VOCs là khác nhau. Phòng văn thư thường có hàm lượng VOCs cao hơn các phòng khác.
Các kết quả đo này cho thấy, tại các cao ốc, văn phòng, VOCs đều ảnh hưởng sức khoẻ và có thể là nguyên nhân gây triệu chứng đau đầu và phản ứng viêm nhẹ trên người lao động.
Theo Kiến thức
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2013/01/nguy-co-nhiem-doc-trong-van-phong/ 

Tuesday, January 08, 2013

Bị đuổi học vì thóa mạ thầy cô trên Facebook


TT - Nữ sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa bị buộc thôi học một năm vì lý do dùng Facebook ra lời kêu gọi “Tuyên ngôn học sinh...” kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo.
 
Trước đó, với nickname Kang..., ngày 17-12-2012 nữ sinh Nguyễn Thanh V. đưa lên trang Facebook của mình lời kêu gọi học sinh phải bằng mọi cách vượt qua đợt kiểm tra học kỳ I của nhà trường. Lực lượng an ninh mạng phối hợp với cơ quan chức năng và ngành giáo dục TP Tam Kỳ đã vào cuộc điều tra xác minh làm rõ chủ của trang Facebook này là V..
Rất nghiêm trọng
Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết: Em V. đã xuyên tạc với lời lẽ thiếu văn hóa, thóa mạ nhà trường, thầy cô rất nghiêm trọng. Sau khi đưa lên mạng, nhiều học sinh “hưởng ứng” với nhận thức sai lệch. Đặc biệt lời kêu gọi, xuyên tạc của V. diễn ra nhằm vào đợt kiểm tra học kỳ I của trường. Trước đó, ngày 15-12-2012, em V. đã bị ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng kỷ luật đuổi học ba ngày vì đánh nhau với bạn học và lôi kéo nhiều người ngoài tham gia. Thế nhưng, chỉ một ngày sau đó V. lại viết bài nội dung như trên và phát tán trên mạng xã hội Facebook.
Ông Sĩ khẳng định hành vi của V. đã vi phạm 3/5 mục của điều 41, điều lệ trường THCS mà Bộ GD-ĐT quy định. “Làm thầy giáo, cô giáo, chúng tôi rất đau lòng khi đuổi học một học trò của mình ra khỏi trường. Trên khía cạnh nào đó, đây còn là một thất bại của người thầy. Nhưng với vi phạm rất nặng này, nhà trường buộc phải thực hiện kỷ luật cho em V. nghỉ một năm theo thông tư 08 (21-3-1988) của Bộ GD-ĐT. Đến năm học 2013-2014, nếu em tiến bộ, được chính quyền địa phương xác nhận, bản thân và gia đình mong muốn học lại thì nhà trường sẵn sàng đón nhận” - thầy Sĩ nói.
Nặng tay
Đồng tình với hình thức là lập kỷ cương trong việc dạy và học cho tốt hơn, nhưng với hình thức kỷ luật trên, ông Trần Văn Nhựt - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho rằng như vậy là quá nặng. “Việc cho một học sinh thôi học một năm đẩy về cho gia đình giáo dục, nếu không khéo vô tình đẩy các em đến chỗ hư hỏng thêm” - ông Nhựt nhận định.
Luật sư Bùi Bá Dũng, Đoàn luật sư Quảng Nam, cho rằng với độ tuổi của các em lớp 8 thì việc xử lý như trên là hơi nặng, bởi các em cần được giáo dục vào lúc này. “Nếu nhà trường buông tay, giao cho gia đình, gia đình thiếu quan tâm chút xíu thôi, cuộc đời các em sẽ chuyển sang một góc độ khác, khi đó mọi việc rất khó. Nguyên tắc là nguyên tắc, luật lệ thì không thể khác nhưng hành xử với một trẻ em là điều chúng ta cần thận trọng” - luật sư Dũng chia sẻ.
Ngày 6-1, gặp ông N.D.V. - cha em V. - tại nhà, ông nghẹn ngào: “Tôi lấy làm hổ thẹn và xin lỗi vì lo miếng cơm manh áo mà không giám sát được hành vi sai trái của con mình. Mấy hôm nay tôi cũng không thể đi làm mà lo ở nhà giữ con vì sợ điều không hay xảy ra với cháu. Con bé cứ nói ba ơi tìm cách xin cho con đi học lại nhưng tôi biết làm răng, xin ai? Gia đình tôi rất lo lắng vì con bé cứ ít nói, tránh người lạ và buồn tiu nghỉu ở nhà”.
Vẻ mặt ngây thơ, đôi mắt đỏ hoe vì cả đêm qua ngồi khóc, V. kể: “Khi bị đuổi học ba ngày, em ở nhà buồn chán, sáng 17-12-2012 em lên Facebook và vô tình vào Facebook của một nickname tên là Hưng Võ. Trong đó, có bài Tuyên ngôn học sinh Trường THPT Thái Phiên 10C1. Em thấy bài đó đọc vui nên copy và dán vào Facebook của em, em chỉ đổi lại tên trường là THCS Lý Tự Trọng. Lúc ấy, em chỉ nghĩ đưa lên cho vui, giải khuây chứ không nghĩ mình vi phạm kỷ luật. Sau đó, có nhiều bạn trong lớp cũng copy và đưa lên Facebook của mình. Em nghĩ người khác đã đưa tràn lan lên như vậy thì mình đưa lên mạng cho các bạn đọc cho vui, chứ không nghĩ là phá rối kỳ thi, xúc phạm thầy cô chi hết”.

Hãy tạo cơ hội cho học sinh
Hình thức kỷ luật sẽ có tác dụng tích cực khi đối tượng bị kỷ luật hiểu được lỗi của mình và tạo cơ hội để đối tượng bị kỷ luật sửa sai và hướng thiện. Kỷ luật đuổi học là khá nặng và có thể tạo phản ứng ngược từ một số không nhỏ các em học sinh khi các em cho rằng việc này chỉ là trò nghịch ngợm của học trò đang lớn.
Hình thức kỷ luật phản ánh quan điểm, định hướng giáo dục của nhà quản lý giáo dục. Hãy tạo cơ hội để học sinh trở lại với sự ngây thơ học trò của mình.
TS ĐINH PHƯƠNG DUY
(chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM)

Tuesday, January 01, 2013

Những tiểu xảo cho người hút nhiều thuốc lá

Những tiểu xảo cho người hút nhiều thuốc lá

Nhung tieu xao cho nguoi hut nhieu thuoc la
Nếu hút, hãy chọn loại thuốc đầu lọc.
Không nên để thuốc liên tục trên môi vì sức nóng của khói thuốc sẽ hủy hoại da mặt. Nhiệt của điếu thuốc sẽ lên tới 30-60 độ C tùy độ dài ngắn và sức rít mạnh hay yếu. Nhiệt càng cao, các mao mạch quanh miệng, các sợi đàn hồi, chất keo bị đốt cháy càng nhiều, làm nếp nhăn chóng xuất hiện và da mặt bị xỉn, đen xạm.
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều tiểu xảo mà bạn có thể áp dụng để giảm bớt tác hại do thuốc lá gây nên, nếu không đủ nghị lực để đuổi hẳn thói quen đó.
1. Không hít khói: Như vậy sẽ hạn chế được một nửa lượng nicotine vào máu. Khói của một điếu thuốc chứa 3 mg nicotine. Theo khói, nicotine qua phổi, thấm vào máu và phân tán khắp cơ thể.
2. Uống nhiều nước, ít nhất 1lít/ngày: Nước pha loãng làm giảm khả năng tập trung độc tố. Nên uống nước tinh khiết, không có muối khoáng để thận tăng bài tiết, thải loại chất độc.
3. Tắt thuốc khi còn một nửa: Hút thuốc lá đến phần lọc sẽ giết chết cuộc sống nhanh hơn. Đừng tiếc thuốc hơn tiếc cuộc sống của mình.
4. Không bao giờ hút mẩu thuốc đã vứt đi: Chất nicotine, goudron và các chất độc khác đều tập trung dồn lại ở đây. Khi hút, lượng chất độc trong khói sẽ tăng lên nhiều lần.
5. Nên chọn thuốc có đầu lọc: Đầu lọc giữ lại 30% chất nicotine. Nhưng hãy nhớ rằng tuy có đầu lọc những thuốc vẫn độc.
6. Chỉ thể dục vừa phải: Hãy cẩn thận nếu muốn chạy marathon hay chơi tennis vì vận đông cơ bắp làm tăng nhịp tim trong khi đó nicotine làm xẹp mạch. Nếu hút thuốc, tốt hơn hết là sống trong yên tĩnh, tập thể dục và chơi loại thể thao nào vừa đủ thích nghi với nhịp thở và nhịp tim của mình.
7. Cẩn thận với thuốc lá có Menthole: Thuốc có chất này mang lại cảm giác nhẹ nhàng. Mentholetrong thuốc làm tăng mức độ kích thích các độc tố. Tác hại đó đã được ngụy trang bằng mùi thơm. Cái mùi ta ưa sẽ hại ta một cách lặng lẽ.
8. Thuốc mộc tốt hơn thuốc thơm: Vì thuốc thơm phải trải qua nhiều thao tác xử lý như nhuộm màu, pha chất thơm, thêm chất bảo quản... tất cả đều là hóa chất. Tuy nhiên, mọi loại thuốc lá đều chứa ít hay nhiều chất nicotine và những alcaloides hủy hoại sức khỏe.
9. Súc miệng bằng nước ấm: Làm như vậy sẽ loại trừ được nicotine, alcaloides bám trong miệng, tránh xỉn răng, xạm lưỡi.
10. Đặt vòng tốt hơn là uống thuốc tránh thai: Tỷ lệ tắc mạch vành ở những người hút thuốc có dùng viên uống tránh thai cao gấp 4 lần so với người hút thuốc nhưng lại đặt vòng. Đó là vì thuốc tránh thai có loại nội tiết tố làm tăng lượng cholesterol trong máu, trong khi đó nicotine lại làm tăng kết tụ tiểu cầu và làm hẹp lòng các động mạch nhỏ. Hậu quả là máu trở nên ứ trệ, lưu thông giảm trong lòng mạch, dẫn đến tắc mạch.
11. Chỉ hút thuốc vào buổi chiều: Hợp lý nhất là hút sau khi ăn bữa chiều và chỉ hút một điếu duy nhất bởi vì đó là lúc men trung hòa và giải độc của gan hoạt động mạnh nhất. Nó tạo ra năng lượng "đốt cháy" những phân tử của nicotine và những chất cặn bã rồi tống ra ngoài theo nước tiểu.
12. Ăn nhiều rau: Các loại rau chứa hàng nghìn chất giải độc, chẳng hạn như chất carotenoides có trong cà rốt, củ cải, cam, tỏi...
13. Uống chè xanh: loại chè này không lên men, chứa tanin. Chất này có thể giúp tế bào của phổi loại trừ hữu hiệu chất nicotine.
14. Bổ sung các vitamin: Vitamin E, C, selen, tiền vitamin A, có tác dụng trung hòa các gốc tự do sinh ra khi bị nhiễm độc do thuốc lá. Nên ăn nhiều rau, hoa quả để bổ sung các vitamin và các chất chống sự lão hóa, thanh lọc các gốc tự do. Tuy nhiên điều này chỉ có ý nghĩa với điều kiện là hút thuốc trong giới hạn. Nếu hút quá nhiều sẽ gây quá tải cho cơ thể trong việc chống đỡ và trung hòa các chất độc hại nghĩa là rơi vào bệnh tật.
BS Phạm Minh Châu, SK&ĐS
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)