November 8, 2012 By 32 Comments
BLOG CỦA ĐỐP CATHERINE NGÀY THỨ SÁU 9/11/2012
Nếu tôi nói rằng thế hệ chúng tôi thiếu vắng tình yêu thương và không biết cách yêu thương, hẳn nhiều người sẽ phản đối.
Thế hệ chúng tôi, mỗi ngày đều có
thể lên facebook tỏ tình, nhắn tin tỏ tình, gọi điện tỏ tình. Facebook
của chúng tôi có hàng trăm bức ảnh về những con chó, con mèo bị đối xử
tệ bạc, những đứa trẻ lòi ruột, sưng não, và bạn chỉ cần nhấn like thay
cho 1 lời cầu nguyện. Dễ dàng lắm, nếu bạn đánh game thì bạn nhấp chuột 1
phút khoảng 60 lần. Bỏ ra 1 phút đánh game, bạn like được 60 lần. Thế
hệ chúng tôi, thanh niên áo xanh đi làm tình nguyện, hoa hậu đi làm từ
thiện, nghệ sĩ đi làm từ thiện, già trẻ lớn bé cứ rằm tháng 7 là đi
chùa, làm thơ tặng mẹ, nhắc về cha nhân ngày lễ của cha. Nhưng thế hệ
chúng tôi có thật sự được yêu thương và biết cách yêu thương hay không?
Khi ba mẹ tôi bằng tuổi chúng tôi
bây giờ, đó là những năm tám mươi sau chiến tranh, khoai sắn còn không
đủ ăn, đừng nói đến cơm. Lúc đó, họ chỉ biết cắm cúi đi làm, dốc hết sức
lực để kiếm thức ăn cho năm đứa con. Những phút giây ngồi ôm con vào
lòng, thủ thỉ với con vài lời thật hiếm hoi làm sao. Chúng tôi lớn lên
với tình yêu thương thiếu thốn đó, có chút xíu nào cũng cất giữ, nín
nhịn như cây kẹo hiếm hoi có được của ngày Tết. Không trách cha mẹ mình,
nhưng chúng tôi vẫn luôn thèm những cử chỉ yêu thương, những lời nói
ngọt ngào. Ba mẹ chúng tôi, mua một cân thịt, gói muối cũng phải đứng
chầu chực, làm ruộng thì thiếu nước, bán buôn thì khó khăn, về đến nhà
còn phải quần quật nuôi heo, trồng cà, có còn sức để lắng nghe chúng tôi
đâu.
Khi chúng tôi lên trường, tình yêu
thương lại càng thiếu vắng. Cô giáo cũng nghèo, cô giáo chỉ muốn nói
chuyện với người giàu, cô giáo thích những đứa trẻ sạch sẽ, mặc áo đầm
thơm mùi xà bông và biết nghe lời. Cô giáo không ưa những đứa trẻ rách
rưới, đầu có chí, tính tình nghịch như con trai. Thầy giáo vừa đi làm
vừa đi buôn, dạy xong là đạp xe ra ngoài chợ chở khoai đi bán. Không có
ai lắng nghe chúng tôi cả. Đó là chưa kể xung quanh chúng tôi, ông hàng
xóm, thầy giáo trưởng khoa của trường đại học, lúc nào cũng nhìn chúng
tôi chằm chằm, sẵn sàng lao vào sờ mó, lạm dụng tình dục. Chúng tôi làm
sao biết được có một thứ gọi là tình yêu thương đang tồn tại.
Và như thế, chúng tôi lớn lên lầm
lũi như cây cỏ. Thế hệ chúng tôi được cho là may mắn khi vì chúng tôi
lớn lên không bị xếp hàng mua thức ăn, không bị đi trại cải tạo, được đi
học và số lần nhịn đói ít hơn hẳn. Chúng tôi đi học, kiếm việc làm, lập
gia đình, mua nhà, gửi con đi học, đi bệnh viện chữa ung thư, chữa vô
sinh. Chúng tôi học cách nín nhịn trước bất công. Bị cô giáo chửi mắng
vì làm lộ chuyện cô ăn hối lộ. Chúng tôi im lặng. Bị chủ công ty lừa
gạt, không trả tiền phát tờ rơi. Chúng tôi im lặng. Bị sếp quát mắng.
Chúng tôi im lặng. Bị mất việc sau khi sinh con. Chúng tôi im lặng. Con
đi học, bị cô giáo chèn ép. Chúng tôi im lặng + phong bì. Bị bác sĩ bỏ
mặc khi sắp ngất. Chúng tôi run rẩy + phong bì + năn nỉ.
Nhưng khốn nạn thay, tình yêu thương khi
bị dồn nén, bị chà đạp, bị coi rẻ lại bị biến thành bạo lực. Và rồi,
chúng tôi bắt đầu quát tháo. Chúng tôi quát tháo cấp dưới khi mình có
được chút quyền hành. Chúng tôi quát tháo con cái khi chúng đòi đi chơi
mà chúng tôi thì thích đi nhậu. Chồng quát tháo vợ, vợ quát tháo chồng.
Chúng tôi ngoại tình và chúng tôi luôn kể lể với người khác rằng vợ/
chồng chúng tôi không hiểu mình. Vào quán ăn, chúng tôi quát phục vụ.
Bước ra đường, gặp bà bán phế liệu đi xe kềnh càng, chúng tôi quát bà
bán phế liệu… Chúng tôi có khả năng luồn cúi trước bạo quyền, trước bất
công, trước kẻ giàu và kẻ mạnh nhưng thừa năng lượng để quát tất cả
những ai thấp cổ bé họng hơn mình.
Yêu thương kẻ khác mà phương hại đến
mình thì đúng là khó. Thế nhưng chúng tôi còn bế tắc hơn nữa trong việc
yêu thương chính mình. Chúng tôi không dám ăn mặc khác mọi người khi ra
đường. Chúng tôi mệt mỏi nhưng không thể không mua nhà để phải trả lãi
vay hằng tháng. Chúng tôi phải ăn và phải nhận hối lộ dù chúng tôi cũng
muốn được tôn trọng và tôn trọng pháp luật. Chúng tôi không có thời gian
để chờ 50 giây đèn đỏ, chúng tôi cần phải đến quán nhậu với đồng
nghiệp, với sếp, với bồ bịch. Chúng tôi cần mọi người thấy mình tồn tại.
Hơn thế nữa, chúng tôi cần họ thấy mình tồn tại một cách sang giàu như
bao nhiêu người khác. Sang giàu làm chúng tôi thấy an toàn, và chúng tôi
thoát khỏi ám ảnh mình bị bỏ rơi và không được yêu thương. Tình yêu
thương trong chúng tôi như một khoảng trống không đáy, không thể nhận
lấy được và cũng không có gì để cho kẻ khác.
Vậy nên, nếu mọi người mong chờ
chúng tôi những lời sẻ chia với sự bất hạnh của những kẻ nghèo hèn, lên
tiếng cho sự bất công mà dân oan mất đất phải chịu, lên tiếng cho sự chà
đạp nhân phẩm, nhân quyền …thì hẳn quí vị sẽ nhận lại sự thất vọng.
Nếu muốn khác đi, chúng tôi phải học
lại từ đầu. Học cách lên tiếng trước trò hối lộ của cô giáo vụ mà không
sợ bị đuổi học. Học cách tố cáo thầy giáo, hàng xóm lạm dụng tình dục.
Học cách dạy dỗ con mình không cần phải đứng nhất lớp, không cần giấy
khen. Học cách kêu gọi trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc thay
vì xin xỏ.
Chúng tôi sẽ học cách chơi với con
cái. Đàn ông sẽ học cách rửa chén cho vợ. Đàn bà sẽ học cách hỏi han
chồng mỗi khi từ công sở về nhà. Học cách ôm bạn đời mình thật chặt khi
họ mệt mỏi và bực bội. Học cách lắng nghe con cái kể về con sâu trên lá
cây bàng trước sân trường.
Học cách cảm ơn người phục vụ ở quán
ăn và nhẹ nhàng: “em giữ lại tiền thối nhé!” Học cách sống tự do và
chọn lựa điều mình ưa thích. Học cách tôn trọng tự do của kẻ khác. Học
cách sống chan hoà với động vật. Học cách cảm thông, thấu hiểu và yêu
thương người nghèo hèn. Học cách trò chuyện với một cô gái điếm thay vì
phán xét. Học cách cầu chúc bình an và rời xa cám dỗ cho những con
nghiện ngoài công viên. Học cách nói lời yêu thương với mọi người một
cách chân thành. Để lúc đó, khoảng trống yêu thương trong mỗi người
chúng tôi đóng lại, cho mỗi hạt yêu thương gieo xuống được lớn lên.
Và như vậy, sẽ đến lúc việc lên
tiếng bảo vệ …người nhỏ bé, kêu gọi trả tự do công bằng cho những người
dân oan… sẽ không còn là chuyện của một vài người.
Đốp Catherine
No comments:
Post a Comment