Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình hay đùa rằng: “Bé được
nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này, mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy
khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội.
Bởi nếu đúng là người đàn ông có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một
người đàn ông có phước nhưng bất hạnh!
>> Suýt hủy cưới vì một tin nhắn đùa>> Đừng nhìn đời một cách hời hợt
1. Mình có một người bạn gái,
xinh xắn dễ thương, học giỏi, chơi với bạn bè vô cùng tình cảm. Mỗi
tội, yêu mấy lần đều đổ vỡ. Chỉ yêu được vài tháng một năm, các chàng
đều lảng dần.
Vì nàng vụng về vô cùng, từ nhỏ chưa từng
vào bếp, quần áo thì ngày xưa mẹ giặt, lớn lên máy giặt thay mẹ. Cơm
nước thì mẹ nấu, mẹ ốm thì bố nấu. Đi chợ nàng ngại mặc cả, về nhà ra
vào chỉ có học và ăn. Nàng chỉ học và yêu, học càng tấn tới thì yêu càng
khó khăn. Đến khi nàng thi đỗ vào khóa đào tạo sau đại học, cả nhà đều
ngăn bạn mình đi học.
Bố mẹ nàng nói: Con đã vụng việc nhà, lại còn học cao, biết bao giờ lấy được chồng?
Những chàng trai cũ “của nàng” đều đã
lảng đi với lý do, mới yêu thì thật tuyệt vời, nhưng nghĩ đến lúc phải
lấy bà vợ đoảng, họ sợ!
Chưa học hết năm đầu Thạc sĩ, nàng bỗng
tuyên bố cưới anh bạn học cùng lớp. Nàng cưới chồng cùng lúc mình đưa
thiệp cưới. Rồi mình và bạn cùng lúc sinh con đầu lòng. Mẹ nàng gọi điện
khẩn cấp cho mình ngay sau khi mình rời nhà hộ sinh:
- Cháu chạy qua nhà bác mau, cho con nó bú hộ bác vài ngày đầu nhé. Vì ngay cả cho con bú, nó cũng… không biết!
Thế mà chồng nàng lại ngăn mình. Chồng nàng gọi điện bảo:
- Bạn mới đẻ, đừng qua, tớ lo cho vợ tớ được hết!
Mình nghĩ đến việc một cặp vợ chồng trẻ
mới 25 tuổi, từ lúc cưới xong đã ra ở riêng, vợ thì vụng, con thì vừa
sinh, thế mà anh chồng kia xoay sở thế nào? Cũng đã biết chồng bạn tháo
vát giỏi giang, nhưng khoản vừa chăm bà đẻ vừa cho con bú kia thì… mình
chịu, không hình dung ra nổi!
Thế mà, chỉ dăm năm sau, mình còn một lần
kinh ngạc nữa khi qua thăm, nhận ra người bạn gái vụng về năm nào giờ
trở thành một người phụ nữ ba mươi vừa khéo léo vừa đảm đang, bên cạnh
ông chồng chu đáo. Mình hỏi:
- Phép màu nào vậy?
Ông chồng thanh minh:
- Nào ai dám dạy vợ? Chỉ là vợ yêu mình quá, và mình yêu vợ quá, nên học được nhau thôi!
Cô bạn mình mách tội chồng:
- Đó, đẻ đứa sau, mình được chồng khen là
đã khéo chăm con, biết cho con bú! Rồi bảo, nếu đẻ thêm vài lần nữa là
em đảm nhất quả đất! Nhưng mà ai mắc lừa ông ấy?!!! Kể mà anh lấy cô
khác, có khi cả đời chỉ việc ngồi rung đùi chờ vợ cơm bưng nước rót ấy
nhỉ? Có hối hận chưa?
Chồng bạn mỉm cười với vợ:
- Thì lại đưa đây, mình cho con bú có
chứng chỉ chuyên nghiệp rồi! Mình có mỗi bí quyết ấy để khiến vợ yêu
phát điên, mấy tay đàn ông khác học làm sao được? Mà có muốn cũng chẳng
cha nào chịu học, khổ thế! May, có mỗi vợ mình lại thấy chồng đảm là quý
giá thế!
2. Mình nghĩ, có khi ngay cả
những người vợ đảm đang cơm bưng nước rót cho chồng, cũng biết rằng,
người đàn ông sẻ chia việc nhà quý giá biết chừng nào. Có điều họ chẳng dám mở mồm ra yêu cầu từ người chồng của họ thứ chăm sóc đó!
Bởi vì chúng ta đã quá quen với sự hy sinh, đến mức nghĩ rằng hy sinh là một vầng hào quang lấp lánh của đời đàn bà.
Chúng ta cho rằng người đàn ông được
trang bị cho đến tận răng bằng sự chăm sóc của mẹ, của vợ, của con cái
là sự tự nhiên, còn người đàn bà ăn xong bỏ mâm bát đó, ngồi uống trà
với người đàn ông là một sự nhàn nhã khó hiểu.
Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình
hay đùa rằng: “Bé được nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này,
mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn
nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội. Bởi nếu đúng là người đàn ông
có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một người đàn ông có phước
nhưng bất hạnh!
Vì người đàn ông nấu được một bát canh
nóng cho vợ con còn quý giá hơn người đàn ông nửa đêm về trong hơi men,
quẳng ra giữa nhà một cục tiền, trước khi ngủ gục trên bãi nôn mửa,
không biết người đưa mình lên giường là vợ hay ai.
Rằng người vợ được đại gia chồng mua nhà
mua xe cho thì thật là sướng, nhưng sáng sáng lúc quỳ xuống cửa buộc dây
giày cho chồng, trong cái nhà tiền tỷ ấy, thì có chạnh lòng không? Mình
nghĩ là có.
Nếu yêu thương có thể dạy ta nhiều thứ,
làm ta trưởng thành hơn, thì sự lạnh lẽo của một cuộc hôn nhân thiếu hơi
ấm cũng làm ta hiểu ra được nhiều điều giản dị trong cuộc sống này thật
quý giá làm sao.
Giá người đàn ông của hôn nhân cũng như
người vợ bạn mình kia, ngày càng trưởng thành và giỏi giang, chỉ bởi
muốn tìm cách yêu thương nhiều hơn, thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu bạn
mình may mắn vì cưới được người đàn ông giỏi giang bao dung, khiến bạn
cũng được yêu, được chăm sóc, và từ đó thay đổi, thì ngược lại: những
người đàn ông cưới được người phụ nữ giỏi giang bao dung, có khi sẽ
không trưởng thành hơn được nhiều.
Bởi người phụ nữ giỏi giang bao dung kia
đã làm tất thảy khiến chồng chị luôn thấy rằng, mọi việc đều rất ổn, em
có thể một mình cơm nước chợ búa giặt giũ, một mình nuôi con và phấn đấu
sự nghiệp, dù vất vả nhưng miễn anh vui là được rồi!
Nói cho cùng, rất nhiều khi, hạnh phúc
hay bất an đến từ chỗ, những người vợ nghĩ gì. Không phải chính những
người phụ nữ đã tạo ra những anh chồng gia trưởng và những cậu con trai
vụng về lười biếng việc nhà hay sao?
3. Tháng 6 vừa rồi, mình đọc được
một báo cáo khoa học của Đại học Cambridge (Anh) có tiêu đề là: “Đàn
ông làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn!” Họ nghiên cứu trên kết quả
khảo sát 30 nghìn người đàn ông của bảy quốc gia, thấy được đàn ông nói
thật về chuyện… vào bếp với vợ: Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ
vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn. Bởi đơn giản, nếu không
cùng vợ gánh vác việc vặt trong nhà, những thứ việc không tên và không
được trả lương, hàng ngày trong căn nhà của họ, họ cảm thấy bất an với
cuộc hôn nhân, lén lút cảm thấy có lỗi với vợ, dù ngoài miệng – tất
nhiên – họ bảo, việc nội trợ đâu phải của đàn ông đàn ang chúng tôi!
Hóa ra, chỉ số hạnh phúc của đàn ông có
khi còn được tầm soát bởi cảm giác bất an trong tận sâu tâm thức của mỗi
người chồng: Mình có nhìn thấy vợ mình vất vả việc nhà, nhưng mình vì
sao lại phải rời cái điều khiển tivi ra khỏi tay mình, để cầm lấy cái
giẻ rửa bát?
Hồi xưa, mình từng làm luận văn về cái
điều khiển tivi nằm trong tay ai thì người đó là kẻ quyền lực nhất trong
gia đình. Và thường cái điều khiển tivi trong nhà chúng ta sẽ nằm trong
tay bố, tay chồng, không mấy khi nằm trong tay vợ, tay con dâu.
Nhưng đàn ông có nghĩ rằng, mình cầm điều
khiển tivi càng nhiều thì vợ mình đang cắm mặt vào đống bát đũa và quần
áo bẩn sẽ càng yêu mình hơn không?
Có lẽ là không. Nhưng nếu người chồng cầm
lên chiếc giẻ rửa bát, hai vợ chồng làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng
nghỉ, hẳn câu chuyện hạnh phúc gia đình sẽ viết tiếp theo cách đích thực
ngọt ngào nhất.
>> Bay đi nhé, tình yêu!>> Những việc cần làm ngay
Trang Hạ
No comments:
Post a Comment