Nhớ về thời bao cấp, họ không còn rùng mình về những thiếu thốn,
khó khăn, chỉ thấy những kỷ niệm tình yêu lãng mạn mà đến con cháu cũng
phải ghen, phải nể.
>> Chiều quá nên vợ sinh hư>> Kết hôn với đại gia, lợi bất cập hại
Những thanh niên thời ấy, bây
giờ trẻ nhất cũng đã U50. Nhớ lại thời bao cấp, ai cũng kêu cái thời sao khổ
thế. Nhưng khi kể chuyện tán gái hồi đấy, họ người mỉm cười, kẻ cười mỉm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, 57 tuổi,
từng là sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ
20. Năm thứ hai, ông phải lòng một cô sinh viên khóa dưới.
“Cô này da trắng, tóc dài chấm
hông, nhiều anh mê lắm, toàn những đứa có sừng có mỏ cả. Mình cũng thuộc dạng
khá, học hành được, nhưng trong đám cưa nàng, loại như mình đổ đi không hết,
lại phải tội nghèo. Hồi mình đỗ đại học, thầy u giết được con lợn mời cả xóm
đến mừng, tiễn mình đi, thế là từ đó giao mình cho nhà nước nuôi dạy chứ chả
cho được đồng nào”, ông Quảng kể.
Mỗi lần định đến thăm nàng,
nghĩ đến hai bộ đồ sờn cũ của mình, chàng sinh viên Nguyễn Văn Quảng thấy nản.
Dĩ nhiên ông cũng làm như các bạn bè ở hoàn cảnh mình khi đó vẫn làm: mượn đồ.
Áo mượn người này, quần mượn người kia, cứ mới mới chút là được, không khó
kiếm. Nhưng muốn gây ấn tượng tốt thì phải có những đồ thời thượng, kiểu như
hàng hiệu bây giờ.
Thế nên cứ đến thứ 5 hằng tuần
là Quảng lại nhắc cậu bạn trong ký túc xá: “Nhớ là tao đăng ký từ trước rồi đấy
nhé”, ý nói đến đôi dép nhựa trắng Tiền phong và cái xe đạp của anh chàng.
Cái xe đạp hồi đó cũng giống
như xe máy Dreams với thế hệ sinh viên 7X hay xế hộp với sinh viên 9X vậy, có
nó là nghiễm nhiên thành hot boy. Còn dép nhựa trắng Tiền phong thì giá trị chả
kém gì giày hàng hiệu bây giờ. Thế nên anh chàng quê Hải Phòng sở hữu cả hai
món này là người được cầu cạnh nhiều khu ký túc. Bạn bè cậu nào cũng muốn mượn
để “lấy le” với các em. Họ đua nhau hối lộ khổ chủ, nào thuốc lá, nào kẹo lạc,
nào giặt hộ quần áo… chỉ cốt chiều thứ 7 được mượn dép, mượn xe.
Yêu thì yêu vô cùng, nhớ ghê
gớm lắm, nhưng vì mấy lần trước đã xuất hiện như “dân chơi” trước mặt nàng rồi
nên những hôm không mượn được đồ, Quảng đành nằm nhà, nhất là khi không mượn
được dép. “Không có xe đạp thì còn giả vờ tinh tướng là cho thằng bạn mượn đạp
về quê thăm thầy u, chứ hôm trước đi dép Tiền phong, hôm nay đi dép rách là lòi
đuôi ra ngay”, ông Quảng giải thích.
Còn ông Phạm Thành, 60 tuổi,
cho biết hồi trai trẻ, ông không có xe đạp, cũng chẳng có dép nhựa Tiền phong,
nhưng lại có một món “hàng hót” thời bấy giờ, đó là mũ cối Tàu, giá bằng cả chỉ
vàng. Có điều khác với bạn bè, Thành không coi đó là thứ để làm “các em” lác
mắt về độ ăn chơi của mình, chỉ là anh thích cái mũ ấy, và quý như vàng, đi đâu
cũng mang, và dứt khoát không cho ai mượn. Ngoài ra thì khi đi cưa cẩm, Thành
chỉ ăn mặc bình thường, gọn gàng sạch sẽ là được.
Đợt ấy người đẹp mà Phạm Thành
chinh phục có vẻ đã xuôi xuôi. Sáng chủ nhật, hai người đi dạo Bờ Hồ, rồi Thành
mua sách tặng nàng, mời nàng ăn kem Tràng Tiền. Những tưởng đi chơi trong buổi
sáng rồi chở nàng về, vì chiều nàng còn có việc bận, ai ngờ nàng hứng khởi quá
nên quyết định hoãn công việc sang dịp khác để tiếp tục cuộc dạo chơi.
Chơi đến quá trưa thì cũng phải
ăn, và người trong mộng của Thành lại có nhã ý ăn phở. Kể ra Thành chẳng nghèo
đến mức hai bát phở cũng không mua nổi, nhưng lúc nãy trót vung tay nên hết
sạch tiền.
“Từ sáng đến giờ đã ra vẻ phong
lưu, nàng thích gì là mua tặng, muốn gì là chiêu đãi, giờ có bát phở cũng không
mời được thì ê mặt quá, nhưng chẳng biết nói thế nào. Nghĩ chưa xong thì hai
đứa đã vào đến quán, nàng ngồi xuống rồi. Cực chẳng đã, mình đành giả vờ buồn
đi vệ sinh, bảo nàng chờ rồi lẻn ra chỗ cách đó vài phố, bán cái mũ cối cho bọn
phe. Nhìn điệu bộ hớt hải của mình, biết mình vừa vội vừa cần tiền gấp nên
chúng nó ép giá thê thảm. Tiếc đứt ruột, nhưng cũng đành”, ông Thành cười kể
lại.
Ông Lê Văn Tịnh, 65 tuổi, nói:
“Người ta cứ bảo bây giờ dân tình chạy theo đồng tiền, chứ thực ra thời bao cấp
cũng vậy thôi, nghĩa là thời nào cũng có người coi đồng tiền là trên hết. Hồi
đó khốn khó, nên cái chuyện vật chất càng quan trọng, lại càng đặt
mục tiêu lấy được anh giàu, nếu không phải có chút chức sắc thì cũng phải là
cánh lái xe, hay những người đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về, giống như bây giờ
chân dài chỉ muốn câu đại gia vậy. Hồi đó mình ngây thơ quá, trót dại mê nhan
sắc một cô, rồi chuốc nhục mà về”.
Cô gái ấy là sinh viên khoa
văn. Thấy nàng đi đứng tao nhã, ăn nói dịu dàng rõ con người thanh lịch, ông
Tịnh bèn dùng thế mạnh thơ phú của mình để tấn công, nghĩ mình vừa đẹp trai,
lại có tài, kiểu gì nàng cũng đổ. Rồi thấy bài thơ nào của mình nàng cũng nhận,
đọc xong mắt chớp chớp ra chiều cảm động lắm, ông Tịnh hy vọng tràn trề. Những
bài thơ nồng cháy tình yêu ấy ông chỉ viết riêng cho nàng, ấy vậy mà sau đó
nhiều cô gái biết và thuộc, nhiều cậu trai khác copy gửi cho bạn gái, điều đó
chứng tỏ nàng thấy chúng rất hay và đem ra khoe với mọi người. Ông Tịnh nghĩ,
nàng chưa “nhiệt tình” với mình hơn chắc cũng chỉ vì gái đẹp thường kiêu kỳ mà
thôi.
Một hôm đến nhà nàng, ông Tịnh
đánh bạo nói lời yêu và bày tỏ ước mơ lấy nàng làm vợ. Nàng cũng chớp chớp mắt,
khiến kẻ si tình muốn đứng cả tim vì chờ đợi. Rồi lời vàng cũng được thốt ra từ
miệng ngọc, khiến chàng trai rụng rời: “Nhà anh có tủ lạnh không?”. Thấy “đối
tượng” mặt tái mét, chẳng nói ra lời, nàng tự xác định luôn là không có. Rồi
nàng ái ngại thanh minh cho chuyện “đòi” tủ lạnh, hình như nói về chữ hiếu gì
đó, nhưng ông Tịnh không nghe nổi nữa, cáo từ ra về.
Ông sốc chẳng phải vì mình
không có tủ lạnh để cưới giai nhân (dù sự thật đúng là không có) mà vì không
thể ngờ nàng thơ khả ái vừa nghe tỏ tình đã kê ngay tủ lạnh vào mồm mình như
vậy. Nghĩ đến những bài thơ viết bằng cả trái tim và sự tài hoa, những mong
xứng đáng với sắc đẹp và tâm hồn sinh viên khoa văn của nàng, ông Tịnh tê tái
cả người vì xấu hổ.
Nói về chuyện yêu đương thời
ấy, bà Trần Thùy Liên, 54 tuổi, tâm sự: “Cánh phụ nữ chúng tôi ngồi với nhau
thường nói chuyện chọn chồng. Tuy ít ai nói thẳng ra nhưng tôi biết, rất nhiều
cô có nhan sắc chỉ muốn nhăm nhăm . Thế nên mới có chuyện nhầm lẫn đau
đớn như cô Phước làm cùng cơ quan tôi”.
Cô bạn này nhan sắc rất khá,
công việc đã ổn định nên rất nhiều anh nhắm nhe, trong đó có anh Mộc. Anh Mộc
mặt mũi dễ coi và nói chuyện rất có duyên, hài hước nên nhiều cô mê. Bản thân
Phước cũng rất thích Mộc nhưng đối xử với anh khi thân mật, lúc lạnh lùng, rồi
vài tháng sau thì từ chối anh để tập trung vào một chàng “có máu mặt”. Có lần
ngồi hàn huyên, Thùy Liên có hỏi Phước về anh Mộc thì cô nói, cô thích anh lắm
nhưng không yêu được vì anh nghèo.
Ít lâu sau, qua một người trong
ngành đến liên hệ công tác, chị em trong cơ quan mới biết nhà anh Mộc rất giàu
chứ không bần hàn như cái vẻ ngoài giản dị, lôi thôi của anh thể hiện. Ngồi
nghe nhà anh có đến 2 cái xe Cup 50, có đài cassette mà người Phước cứ tái đi
như muốn lả. Sau đó, cô phát phiền đến mức đổ bệnh. Người trong cơ quan bảo
chắc cô đấm ngực hằng đêm vì đã ném đi cục vàng mà không biết. Nghe nói Phước
có ý bật đèn xanh cho anh Mộc trở lại, nhưng anh đã yêu người khác rồi.
“Nói vậy nhưng không phải cô
gái đẹp nào thời đó cũng chạy theo vật chất cả”, bà Liên bảo, “Như chị gái tôi,
có mấy anh phó tiến sĩ ở Nga về theo đuổi, mà trước sau vẫn chỉ yêu anh Thắng
là bạn hồi cấp ba. Anh ấy làm ở huyện bên cạnh, cứ chiều thứ 7 là còng lưng đạp
xe 40 cây số về thăm chị, rồi chở chị đi chơi. Không có tiền nên họ chẳng ăn
uống gì, chỉ đạp xe mấy vòng rồi về”.
“Xe đạp hồi đó hỏng hóc như xịt
lốp, sang vành, tuột xích liên tục là thường, nên nhiều bữa ‘đi tình yêu’ về mà
anh chị tả tơi như đánh trận, mặt mũi, áo quần đều nhem nhuốc, mồ hôi đầm đìa.
Có mấy lần, trên đường từ cơ quan về thăm chị, anh Thắng bị hỏng xe, mãi 10 giờ
tối mới về đến nơi”, bà Liên kể.
Chị gái bà Liên và người yêu
thời đó giờ đã có chung 3 đứa con, 1 đứa cháu. Nhớ về thời bao cấp, họ không
còn rùng mình về những thiếu thốn, khó khăn, chỉ thấy những kỷ niệm tình yêu
lãng mạn mà đến con cháu cũng phải ghen, phải nể.
No comments:
Post a Comment