Pages

Monday, June 24, 2013

Vợ chủ tịch xã chém nữ hiệu trưởng

Thứ hai, 24/6/2013, 09:13 GMT+7

Đang mua hàng ở chợ quê, cô Tân (hiệu trưởng trường mầm non tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bất ngờ bị bà Nguyễn Thị Lễ cướp dao tại một sạp bán thịt xông đến chém tới tấp.

Sáng 23/6, thấy cô Tân bị chém ở đầu, mặt, đứt rời một ngón tay, nhiều người tới ngăn cản, đưa cô đến bệnh viện huyện cấp cứu... Ngay trong ngày, bệnh viện đã chuyển cô vào TP HCM điều trị do thương tích quá nặng, mong khâu lại được ngón tay.
Công an huyện Sơn Hòa cho biết, bà Lễ là vợ một chủ tịch xã. Nguyên nhân dẫn đến sự việc gây chấn động vùng sơn cước này, bước đầu được cho là do bà Lễ nghi ngờ cô hiệu trưởng có quan hệ nam nữ với chồng mình.
Trước đó, nhiều lần bà Lễ đã chặn đánh nạn nhân khi cô này trên đường đến trường hay vừa bước ra khỏi ngõ… Công an xã nhiều lần mời hai người lên làm việc, hòa giải.
Hiện bà Lễ được gia đình bảo lãnh tại ngoại.
A. Ma Yên

Sunday, June 23, 2013

Kiếm tiền liệu đã đủ chưa?


Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng.
Chào các độc giả của VnExpress. Tôi là người thường xuyên theo dõi và cũng hay tham gia viết bài, trao đổi ý kiến với cộng đồng người Việt qua chuyên mục người Việt 5 Châu. Tôi đọc nhiều bài viết chia sẻ về cách kiếm tiền và những băn khoăn về cuộc sống tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Hôm nay, tôi cũng xin mạn phép viết một bài viết nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của tôi về cách kiếm tiền và suy nghĩ về cuộc sống.
Một trong những chủ đề tôi nhận thấy rất nhiều ý kiến trao đổi và quan tâm đó là các chia sẻ về cách kiếm tiền nhưng có lẽ cũng ít có bài viết nói về cách tiêu tiền như thế nào, vì theo tôi là nó có sự quan trọng ngang nhau trong cuộc sống. Khi tôi trao đổi với bạn bè thì cũng hay nhận được câu hỏi là có những phi vụ làm ăn nào có thể hợp tác với nhau được không? Cuộc sống ở nước ngoài kiếm tiền có dễ không, rất nhiều câu hỏi liên quan tới tiền bạc. Thực ra thì chuyện kiếm tiền không có gì đáng chê trách nhưng kiếm tiền thế nào để mình vẫn cảm thấy hạnh phúc và có ích cho xã hội mới là điều cần bàn tới.
Tôi rất thích một câu nói về hạnh phúc rằng “hạnh phúc là những điều mình mong ước và mình đạt được”, việc có tiền chỉ là một phương tiện để có thể làm những điều mình muốn nhưng không phải là tất cả và nhiều khi có tiền bạn lại phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Tôi cũng đã từng lớn lên tại Việt Nam và sống qua thời kỳ bao cấp phải ăn khoai thay cơm, mỗi tháng chỉ được xem ti vi vài lần, cuộc sống về vật chất còn kém rất xa so với thời bây giờ nhưng thời kỳ đó, những người thân của tôi và cá nhân tôi cảm thấy cuộc sống không có nhiều áp lực về tinh thần, cuộc sống vẫn hạnh phúc. Tất nhiên, không ai mong muốn quay trở lại thời kỳ đó, tuy nhiên có thể thấy rằng quan niệm về hạnh phúc, quan niệm sống, cách sống rất quan trọng, làm sao cho con người phát triển toàn diện hơn, nhân bản hơn và có ý nghĩa hơn.
Khi tôi mới tốt nghiệp ra trường tại một trường Đại học Kinh tế tại Việt Nam, dù rằng cũng là một người đạt bằng cấp khá giỏi và thời kỳ học sinh luôn là người đạt được những thành tích trong học tập nhưng tôi vẫn có cảm giác lo lắng về tương lai, nhất là thời điểm đó bước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, việc làm cũng ít và khó khăn. Tôi cũng nhanh chóng kiếm được một việc làm dù trong thâm tâm vẫn còn rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống.
Nhưng với bản tính thích học hỏi tôi học thêm luôn cả hai bằng luật và công nghệ thông tin. Sở dĩ tôi học những chuyên ngành đó là vì tôi quan niệm đầu tiên muốn làm gì phải có kinh tế tức là phài học và biết về kinh tế, và với thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão nếu không trang bị cho mình các công cụ ngày càng hiện đại hơn để xử lý công việc nhanh hơn thì sẽ trở thành người lạc hậu nên tôi học bằng hai về công nghệ thông tin, và cuối cùng tôi nghĩ rằng sống trong một xã hội nào cũng cần phải biết cách hiểu về xã hội đó, luật lệ nơi đó vậy là tôi đi học luôn bằng luật.
Nhiều người nói rằng tôi học quá nhiều “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng càng học tôi càng thấy mình hiểu biết và sự tự tin tăng dần, mọi việc tôi cảm thấy dễ dàng hơn khi mình quyết định, bạn bè trong các giới nhiều hơn và cơ hội đến với tôi nhiều hơn, dù học nhiều nhưng tôi chưa bao giờ lãng phí các kiến thức đó và tất cả đều phục vụ cho công việc sau này của tôi. Học ở trường thì có được kiến thức cơ bản nhưng sau này tôi nhận thấy học ngoài xã hội và tự học càng quan trọng hơn, con người chỉ có thể phát hiện ra khả năng của mình, phát triển những khả năng đó nếu chịu khó tìm hiểu, chịu khó thử nghiệm, chịu khó va chạm xã hội. Tôi đã phát triển kỹ năng, kiến thức nhiều từ việc học từ xã hội, trường đời luôn là một trường học lớn. Sẽ có nhiều người là “thày giáo” của chúng ta từ khách hàng, tới đồng nghiệp hay bạn bè, sách vở… nếu chúng ta chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm.
Càng ngày thì tôi càng cảm thấy cơ hội đến với mình nhiều hơn, kiếm tiền dễ dàng hơn vì kiến thức tăng lên, quan hệ xã hội tăng lên và chức vụ cũng tăng lên. Và có thời kỳ tôi cảm thấy rất hào hứng khi lao vào làm giàu, đồng tiền như một liều thuốc thúc đẩy động cơ cá nhân làm việc không biết mệt mỏi. Nhưng tôi đã nhận ra những mặt trái của việc làm giàu đó, đấy là khi mà thời gian của tôi dành cho sức khỏe ít đi, thời gian dành cho gia đình ít đi và một điều nguy hiểm nữa là lười sáng tạo ra những giá trị mới, tôi vốn là người ham học hỏi và thích những gì sáng tạo có ích cho xã hội, việc lao vào kiếm tiền đã làm cho tốt mất đi cái mà tôi thích nhất trước kia. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ lại giá trị hạnh phúc và cách kiếm tiền của mình.
Tôi quyết định một bước ngoặt mới là tìm hiểu những điều mới mẻ tại nước ngoài. Với quyết định này có rất nhiều bạn bè phản đối và cho rằng sang nước ngoài đó là quá rủi ro khi đang sống ở trong nước kiếm tiền dễ dàng, địa vị xã hội đang có mà lại phải làm lại từ đầu tất cả ở một đất nước xa xôi. Tôi đã tìm hiểu khá kỹ càng trước khi quyết định từ văn hóa, xã hội, những điều cần thiết cho cuộc sống, có thể tôi có một số thứ bất lợi khi sang nước ngoài sinh sống nhưng không có nghĩa phải làm lại từ đầu tất cả, chính những kinh nghiệm và tri thức có được ở Việt Nam cũng rất có ích cho việc bắt đầu một cuộc sống mới ở môi trường mới vì tôi hiểu có rất nhiều kỹ năng và kiến thức cơ bản đều giống nhau và có thể áp dụng được trong nhiều môi trường.
Tôi cảm thấy thích thú khi phát hiện ra nhiều điều mới mẻ và có giá trị tại môi trường mới mà trước đây chỉ đọc và nghe nói qua sách vở. Cuộc sống tại nước ngoài làm tôi thay đổi mạnh hơn về suy nghĩ và cách tham gia xã hội. Ngoài việc tích cực hội nhập với xã hội mới, kiếm tiền lo cho gia đình thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mà tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng. Tôi quan tâm tới những vấn đề liên quan tới môi trường, liên quan tới giáo dục và hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Tôi xin kể về những tấm gương mà theo tôi nghĩ chúng ta cần có những suy nghĩ. Trường hợp đầu tiên đó là Bill Gates, đã nhiều năm là người giàu nhất hành tinh. Ông là người giàu có và kiếm tiền bằng những lao động sáng tạo của mình, những đóng góp của ông và công ty của ông cho nhân loại và thế giới không nhỏ. Tuy ở đỉnh cao về tiền bạc và địa vị xã hội nhưng ông biết dừng đúng lúc để chuyển số tiền đó đi làm các công việc từ thiện và giúp cho sự phát triển cộng đồng. Trong một phát biểu tại diễn đàn Davos ông đã nói về sự phát triển văn minh loài người là phụ thuộc vào những người nghèo, nếu những người giàu biết cách để hỗ trợ cho người nghèo cùng phát triển thì xã hội mới phát triển và văn minh lên. Đó là quan niệm của những người biết đưa ra giải pháp win-win.
Trường hợp thứ hai là ông tỷ phú Warren Buffet, nhà đầu tư chứng khoán lừng danh thế giới và cũng là người giàu có thứ hai thế giới, ông cũng bắt đầu chuyển tiền vào quỹ của Bill Gates và tham gia các hoạt động từ thiện. Ông có một câu nói khá ấn tượng rằng: “Ông ấy là người giỏi kiếm tiền nhưng lại là người chưa biết phân phối đồng tiền đó cho có ích đối với xã hội”. Tại Việt Nam tôi biết rằng có rất nhiều người giàu, và có điều kiện, nhưng cách làm từ thiện và hoạt động cộng đồng sao cho hiệu quả cũng là vất đề lưu tâm, không chỉ cho ai đó tiền đã là hiệu quả mà quan trọng là phải cho họ cái cần câu cơm sẽ tốt hơn là cho con cá, đó là cho tri thức, cho kinh nghiệm và hỗ trợ giúp đỡ những khi cần thiết.
Trường hợp thứ ba tôi muốn kể tới là cộng đồng người Do Thái, tại sao với một cộng đồng người trước đây không có tổ quốc, phải di chuyển nhiều và bị nhiều kỳ thị bởi các dân tộc khác mà họ vẫn nổi lên là một cộng đồng mạnh, giàu có, có ảnh hưởng trên thế giới đặc biệt tại Mỹ. Những tên tuổi tri thức lớn có gốc Do Thái rất nhiều. Điều cơ bản nhất là các thế hệ cha mẹ người Do Thái luôn dạy cho con cái họ ý thức một điều rằng, cái cần nhất của con người đó là tri thức, dù đi tới đâu, tài sản có thể mất, có thể bị các dân tộc khác đàn áp và cướp đi tất cả nhưng nếu giữ được tri thức thì họ vẫn có tất cả. Và đặc điểm quan trọng nữa là cộng đồng người Do Thái luôn biết cách hỗ trợ và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho nhau.
Cá nhân tôi, tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn quan tâm nhiều tới Việt Nam và có nhiều ý kiến đóng góp trên báo chí trong nước về các lĩnh vực khác nhau, tư vấn cho nhiều bạn bè và nhiều người, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Nhiều bạn bè nói với rằng tôi nên ở trong nước vì sẽ đóng góp cho Việt Nam tốt hơn là ở nước ngoài. Tuy nhiên tôi không nghĩ như vậy, đối với những người có tâm với đất nước và muốn tốt cho cộng đồng thì sống ở đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước. Điển hình là có rất nhiều Việt Kiều đã gửi kiều hối về cho tổ quốc giúp đỡ người thân và gia đình, đồng thời mang những tri thức mà họ học tập được ở nước ngoài để đưa ra những sáng kiến giải pháp cho nước nhà. Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần biết Internet, dùng email, điện thoại, mạng xã hội, talk online… thì mọi thông tin về Việt Nam cũng như thế giới đều có thể cập nhật hàng ngày. Việc di chuyển cũng rất thuận lợi thì chỉ cần trong một ngày là có thể có mặt ở Việt Nam bất cứ lúc nào. Nên chuyện đóng góp cho nước nhà không phụ thuộc vào việc anh sống ở đâu mà phụ thuộc vào cái tâm của anh có muốn đóng góp hay không.
Một số bạn bè hỏi tôi rằng phải chăng tôi không thích tiền bạc và địa vị xã hội khi ra nước ngoài và từ bỏ mọi thứ như vậy, điều này cũng không hoàn toàn đúng, tuy nhiên trong cuộc sống phải hiểu rõ điều gì quan trong nhất trong cuộc sống, sống theo những gì mình thích là quan trọng nhất và giá trị của một con người chưa chắc đã được đánh giá bằng số tiền anh kiếm được và địa vị xã hội mà anh có. Đối với tôi vẫn quan niệm giá trị con người bằng tri thức anh ta có và những gì anh ta đóng góp được cho xã hội, tiền bạc và địa vị xã hội có thể là những phương tiện quan trọng nhưng chưa chắc đã là mục đích sống.
Trên đây là những chia sẻ về quan niệm và kinh nghiệm của cá nhân tôi, những bạn nào còn trăn trở về cuộc sống thì có lẽ cách duy nhất là luôn phải không ngừng học hỏi, không ngừng trải nghiệm để vươn lên, những ai đã kiếm được tiền và thật nhiều tiền thì cũng nên tìm cách sử dụng đồng tiền đó cho có ích để luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với đồng tiền mình kiếm được. Và hy vọng hoạt động vì cộng đồng người Việt ngày càng phát triển giúp cho cộng động người Việt phát triển ngày càng mạnh hơn.
Nguyễn Hồng Hải từ Canada

Vẫn chưa kiếm ra 1 triệu đô la trong 5 năm?

T/S Alan Phan
Bài viết của tôi về công thức kiếm 1 triệu đô la trong 5 năm tạo ra nhiều phản biện, ngay cả lúc này, gần một năm sau khi xuất bản. Một số không ít nghĩ đây là chuyện không tưởng, nhất là khi ứng dụng vào môi trường làm ăn tại Việt Nam (Một bài viết của báo Người Đưa Tin trích dưới đây là một thí dụ).
Thực ra, để gia tăng giá trị của doanh nghiệp lên 1 triệu đô la trong 5 năm là điều quá dễ. Dùng chỉ số P/E của một công ty dịch vụ khỏang 18 thì lợi nhuận chỉ cần gia tăng 60 ngàn đô la một năm là chúng ta đã đạt mục tiêu trên. Đây thực sự không phải là một nhiệm vụ…bất khả thi dù con số 1 triệu đô la vẫn còn làm choáng nhiều doanh nhân Việt.
Tuy nhiên, tôi đồng ý là phần lớn độc giả sẽ không thành công như mong muốn. Lý do thất bại của họ không phải là do công thức sai, hay xa rời thực tế, mà do những nguyên nhân rất thông thường. Nhiều ước mơ trong đời sống cũng hay gẫy đổ như vậy khi lối tư duy và cách thực hiện kế hoạch phạm vào những rào cản sau đây.
  1. 1.      Tính lười biếng cẩu thả
Khi điều hành quỹ đầu tư Viasa, tôi hay ngạc nhiên vì đến hơn 90% các kế hoạch kinh doanh gởi xin tài trợ hoàn toàn thiếu chuẩn mực và công sức. Một người trẻ muốn đầu tư vài ba năm của đời sống cho sự nghiệp không thể đi xa nếu không chịu bỏ vài tháng tập trung thu thập dữ liệu, nghiên cứu, phân tích, tìm phản biện, xây dựng quan hệ và networking một cách nghiêm túc và khách quan. Một kế hoạch vài chục trang giấy, phần lớn là copy và paste, không gì sáng tạo hay tỉ mỉ, nói lên sự lười biếng ngay từ trong trứng nước. Các định giá về sản phẩm của mình so với đối thủ cạnh tranh cũng rất sơ sài, thiển cận…nói lên sự cẩu thả sau này trong việc điều hành.
Mỗi tuần, tôi nhận hơn chục Emails của các bạn trẻ bầy tỏ sự tha thiết với nhu cầu kinh doanh và nhờ tôi làm tư vấn “không công” để tạo nghiệp lớn cho mình. Kèm theo là khoảng 100 chữ mô tả kế hoạch và dự án (đa số có thể gọi là wet dreams) cùng các câu hỏi ngớ ngẩn có thể truy tìm từ Google trong 30 giây. Đây là thể hiện tột cùng của tính lười biếng và cẩu thả nói trên.
  1. 2.      Lối bắt chước nghèo nàn
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của dự án kinh doanh là một sản phẩm hay dịch vụ sáng tạo, đặc thù, mang nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là một thực thi rất khó khăn mà chính những doanh nhân nhiều kinh nghiệm hay nhiều trí tuệ cũng phải thiếu sót. Ngay cả với những sản phẩm mới mẻ, sự thu hút khách hàng trên thị trường cũng chưa phải là điều chắc chắn. Do đó, việc bắt chước bầy đàn khá thông dụng trong phần lớn mô hình kinh doanh.
Hiểu rõ thực tế như vậy nhưng khi làm một phó bản, chúng ta phải có ít nhất một phó bản độc đáo và khởi sắc, nếu không hơn nguyên bản thì cũng phải mang nhiều chất lượng tương tự, và chắc chắn phải hơn hẳn các phó bản cạnh tranh đang chào bán trên khắp thị trường. Cái nghèo nàn về ý tưởng và điều hành quản lý thường là nguyên nhân làm trì trệ mọi mục tiêu và gây mệt mỏi, chán nản cho doanh nhân cũng như khách hàng.
  1. 3.      Niềm đam mê hời hợt
Trong hành trình kinh doanh, khó khăn và thử thách là một hiện hữu thường trực, mỗi giờ mỗi ngày. Không có sự say mê vào sản phẩm, việc làm; cũng như những sự ủng hộ trân trọng của người thân và đội ngũ đồng hành, doanh nhân thường bỏ cuộc và tìm một lối thoát dễ dãi hơn. Một mô hình kinh doanh chỉ dựa vào mục đích “kiếm tiền” hay “sĩ diện” thường bỏ quên chiều sâu và tính chất lâu dài của sản phẩm, thương hiệu, nhân viên hay cơ sở.
Nhìn vào kinh nghiệm thành công của tất cả những doanh nhân nổi danh trên thế giới, chúng ta sẽ nhận rõ một điểm tương đồng: dù họ có thể khởi nghiệp qua một tình cờ hay may mắn, nhưng khi đã vào nghiệp lớn, họ đều có chung thái độ gọi là “sinh nghề tử nghiệp”. Không có nghiệp dư hay “làm chơi ăn thiệt” trong sân chơi nghiêm túc của nghề kinh doanh.
  1. 4.      Mất tập trung vì sợ hãi
Một rào cản tâm lý khá lớn với đa số doanh nhân cũng như mọi người bình thường là nỗi sợ hãi. Không những chúng ta sợ thất bại, thua lỗ, mất mặt, nghèo khó, đau khổ…chúng ta còn sợ ngay cả thành công, may mắn, danh tiếng, cô đơn… Khi tinh thần bị ám ảnh bởi sợ hãi, sự sáng tạo của trí tuệ cũng như sự bình tĩnh trong phản ứng đối đầu biến mất và doanh nhân trở nên hoảng loạn và lạc lối. Các chiến thuật, dự phóng…từ những kế hoạch làm ăn ngắn hay dài hạn bị xóa bỏ, nhường chỗ cho những hành động phản xạ theo tình thế hàng ngày và sự thôi thúc của các yếu tố và nhân viên hay người thân bao quanh.
Đây là thời điểm của “đi tắt đón đầu”, “lấy ngắn nuôi dài”, “đầu tư dàn trải”, “lợi nhuận ngắn hạn”, “thay đổi mục tiêu”…
  1. 5.      Đổ thừa cho ngoại vi
Những yếu tố kinh tế vĩ mô hay môi trường kinh doanh luôn luôn có tác động đến kết quả công việc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chúng không sâu rộng như chúng ta hay tưởng tượng. Nhiều bạn bè tôi đã từng kinh doanh tại những thị trường khét tiếng là tàn nhẫn như nam lục địa Phi Châu hay Trung Đông. So với Ấn Độ hay Turkmenistan, tôi nghĩ Việt Nam là một thiên đường của dân làm ăn. Trong quá khứ, tôi kiếm tiền khá tốt ngay sau sự cố Thiên An Môn ở Trung Quốc khi các nhà đầu tư ngoại bỏ chạy như vịt.
Dĩ nhiên, trong một môi trường kinh doanh khác lạ, chúng ta phải điều chỉnh tư duy và hành xử. Cứng ngắc trong một công thức không hợp thời, hợp cảnh, hợp nhân tình…là tự đem đến cho mình những thất vọng. Trong mọi trường hợp, hãy chăm chú tập trung vào sự cải thiện của sản phẩm, nhu cầu thực tế của khách hàng, cách xây dựng quản lý công ty theo chiều sâu và đường dài. Tôi lập đi lập lại 5 yếu tố quan trọng nhất trong bài viết cũ: động lực nội tại, lợi thế cạnh tranh, kiến thức và quan hệ, chấp nhận rủi ro và sức khỏe đầy đủ. Trên hết, một tập trung cao độ, không để cho một ảnh hưởng vớ vẩn nào xâm nhập vào trận đấu. Thiếu bất cứ yếu tố nào trên đây là tạo một mất cân bằng cho công thức.
Vào 2007, quỹ đầu tư của chúng tôi đã giải ngân cho một doanh nghiệp Việt (Vinabull) hơn 1 triệu đô la và đã thất bại hoàn toàn. Lý do là tôi đã không “làm” như mình “nói” trong bài viết này. Ngoài những yếu tố chính như động lực (với ban quản lý làm thuê thì đây là OPM), lợi thế cạnh tranh (sản phẩm bắt chước không chút sáng tạo), kiến thức và quan hệ (không đầy đủ, không khai triển)…ban quản lý của chúng tôi còn mang thêm các bệnh lười biếng cẩu thả, không chút đam mê trong ngành nghề và luôn đổ thừa cho tình trạng suy sụp của thị trường chứng khoán. Thất bại là một kết quả có thể nhận ra trước khi bắt đầu.
Tôi đang suy nghĩ không biết mình có nên chọn ra 5 dự án với 5 đội ngũ doanh nhân trẻ và chứng minh là họ có thừa sức để kiếm 1 triệu đô la trong 5 năm? Có lẽ không cần thiết vì tôi đã gặp và trò chuyện với cả trăm doanh nhân trẻ đang làm ăn tại Việt Nam, trong các ngành nghề từ IT đến nông nghiệp, từ dịch vụ thương mại đến quán hàng bán lẻ. Họ có chung một mẫu số: kiếm được cả triệu đô la hay nhiều hơn trong thời gian vài năm, dù phải đối diện với hệ thống quan chức và luật rừng, con ông cháu cha hay xã hội đen, bất ổn xã hội hay suy thoái kinh tế. Họ là những minh chứng hùng hồn nhất cho sự năng động của lớp doanh nhân mới của Việt Nam và hy vọng sau này, của thế giới.
Alan Phan
Bài viết năm ngoái của Alan:
Bài viết của báo Người Đưa Tin:
Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la. Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện…chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ đơn giản có thế. Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu đô la vào 2017, tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại“, Thu Thủy trích lời của Alan Phan, tiến sỹ kinh tế.
Trên Facebook của mình, hoa hậu Việt Nam là Nguyễn Thu Thủy trả lời:
“Nhà cháu (tức Thu Thủy – PV) không phải tiến sĩ kinh tế nhưng cũng lăn lộn thương trường hơn 15 năm nay rồi, đã từng là một doanh nhân trẻ và sáng tạo (giờ nhà cháu vẫn trẻ) cũng dồn hết nội lực, cũng đã từng chạm vạch triệu phú đô la, chưa từng ăn nhậu (chỉ đi bar thâu đêm thôi) và nhớ nhớ quên quên đủ thứ như bác nhắc ở trển, nhà cháu có đôi nhời với bác mà mong bác đừng tịnh khẩu:
- Bác đặt tình huống quá lý tưởng khi bác đang ngồi trong salon ở Mỹ mà chưa đưa ra các tình huống bạn doanh nhân trẻ này sẽ phải đặt tự trọng và đạo đức kinh doanh vào đâu khi đối mặt với các vấn đề như công an, cơ quan thuế và các loại thanh tra sở ban ngành phiền nhiễu hàng ngày, cái này tiến sĩ kinh tế hình như không đảm bảo được và không dạy được.
- Bạn doanh nhân trẻ này giả sử có môt hình kinh doanh tuyệt vời sáng tạo thật, nhưng ngay tuần sau, tháng sau sẽ có bạn doanh nhân trẻ khác là con ông Y cháu bà Z cho ra mô hình kinh doanh y hệt của bạn nhưng chi phí, giá thành chỉ bằng 1/2 do có những ưu thế cạnh tranh đặc biệt mà không có một sách kinh tế trên thế giới nào từng nhắc đến thì bác tính sao?
- Hiện nay, ngay lúc này, ở Việt Nam nếu có phương án kinh doanh tốt và đi đúng đường thẳng không đi đường vòng xa xôi với ngân hàng thì lãi suất khoảng 18%.
Thời nào, nước nào cũng có Bill Gates, có Mark Zukenberg… có điều môi trường kinh doanh nó như nước, doanh nhân giỏi như cá con, ở môi trường nào thì mới sinh ra anh hùng hào kiệt được.
“Ở Việt Nam hàng ngày, cứ ra đường là chạm mặt đầy các Bill Gates phiên bản Việt Nam bác ạ, nhà cháu nghĩ họ mà viết blog chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chắc chắn hot hơn bác, có điều họ không viết vì họ không phải tiến sĩ kinh tế”, hoa hậu Thu Thủy chanh chua.

Saturday, June 22, 2013

Hương vanilla trên đất Việt


Khó ai có thể hình dung được một ngày nào đó, trái vanilla của vùng Madagascar xa xôi lại tỏa hương ngạt ngào trên đất Việt. Thế nhưng, điều đó đã là sự thật.

Theo chỉ dẫn của anh Alain Nguyễn - Bếp trưởng resort 5 sao Anantara (Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận) chúng tôi vượt rừng, vượt con đường đầy cát, bỏng rát, ngoằn ngoèo, tiến sâu vào trang trại vanilla của vợ chồng anh Frédéric Lacroix và người phụ nữ Việt tên Mai nằm ở xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Thật bất ngờ, ở nơi đầy gió, nắng, cát và rừng tràm ấy, mùi hương vanilla quyến rũ, thanh tao vây lấy chúng tôi, đó cũng là lúc trang trại vanilla rộng 2 ha mở ra cùng những câu chuyện của hành trình mang vanilla đến Việt Nam.
Hương vanilla trên đất Việt 1
Vợ chồng anh Frédéric giới thiệu trái vanilla sau khi phơi khô và phân loại - Ảnh: Phước Long
Hơn 15 năm trước, kỹ sư nông nghiệp người Pháp tên Frédéric Lacroix có dịp đến Việt Nam công tác. Sau khi nhận thấy điều kiện thời tiết một số nơi trên đất nước ta có thể trồng được vanilla, Frédéric Lacroix đã quay lại Việt Nam, mang theo một ít cây giống trồng thử. Sau khi thấy kết quả khả quan, anh quyết định chọn vùng đất Bình Thuận để trồng vanilla.
Năm 2005, vợ chồng Frédéric Lacroix bắt đầu trồng vanilla và chỉ “dám” trồng 2 ngàn cây bởi vợ chồng anh không đủ sức vừa khai phá, vừa làm đất, trồng cây, canh giữ... Sau này, vợ chồng anh mới phủ kín 2 ha như hiện tại với hơn 20 ngàn cây. “Vanilla thích hợp trồng ở vùng đất khô, có gió biển nhưng không quá nóng, có bóng mát bên trên. Và điều kiện khí hậu ở Bình Thuận rất lý tưởng cho vanilla phát triển” - Frédéric chia sẻ.
 Hương vanilla trên đất Việt 2
Trái vanilla tươi - Ảnh: Phước Long
Frédéric cho biết thêm: “Trồng vanilla là một công việc không đơn giản bởi việc chăm sóc nó không giống bất cứ loài cây nào. Từ cây giống dài chừng 1 gang tay, 5 năm sau chúng mới bắt đầu cho hoa. Không như bất kỳ loại cây cho trái nào, quá trình thụ phấn của vanilla phải có bàn tay con người chứ không nhờ vào các loài côn trùng như các loại cây khác. Một bông hoa nở, bên trong có 2 nhánh, 1 đực, 1 cái và 1 nhụy. Người trồng phải dùng tay lồng 2 nhánh vào nhau, sau đó đưa vào nhụy. 9 tháng sau nhụy cho được chùm vanilla từ 9 - 20 quả”.
 

Vanilla là một giống lan nhiệt đới thuộc họ Orchidaceae, sống bám vào thân cây khác như một loại dây leo (giống cây tiêu), ra hoa, đậu quả và cho hương vanilla thiên nhiên. Trái vanilla được sử dụng rộng rãi và lâu đời trong các lễ nghi tôn giáo và chế biến thức ăn, thức uống truyền thống của các dân tộc Trung Mỹ.
Tinh chất vanilla từng được người Aztecs dùng làm nước hoa và thuốc xoa, không những có thể chữa được mệt mỏi mà còn tăng cường sức khỏe, tránh sợ hãi, giúp tim khỏe mạnh. Tại các chợ ở Madagascar, người ta bày bán cọng cây được coi như thuốc chữa bệnh cho đàn ông, và vỏ cây dùng cho phụ nữ bởi mùi hương của nó giúp phụ nữ thêm phần quyến rũ...

Hoa vanilla chỉ nở đúng 1 ngày trong năm. Nếu ngày hoa nở mà không thụ phấn kịp, đến chiều, hoa tự xếp cánh, 1 năm sau hoa mới nở lại. Do đó, thời điểm hoa nở, cần rất nhiều nhân công để làm việc. Từ khi kết trái đến thu hoạch khoảng 3 tháng.
Trái vanilla sau khi hái sẽ mang ủ kín với nhiệt độ vừa phải. Sau khi trái ngả sang màu nâu đen đều, mang phơi dưới nắng nhẹ rồi phân loại. Trái vanilla loại dưới 12 cm có giá từ 150 - 180 USD/kg; loại 12 - 14 cm là 200 USD/kg; từ 250 - 300 USD/kg cho loại trái trên 14 cm. Từ 9 - 10 kg trái tươi mới cho ra 1 kg trái vanilla khô.
Alain Nguyễn - Bếp trưởng Resort 5 sao Anantara (Mũi Né) nói: “Việc trồng thành công cây vanilla ở Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, nó rất thuận lợi cho những đầu bếp chuyên nghiệp. Trong ẩm thực, hương vanilla thiên nhiên giúp tạo ra được nhiều món ăn ngon hay cho ra các loại nước xốt hảo hạng. Ngoài ra, hương vanilla tự nhiên còn được sử dụng trong nhiều sản phẩm cao cấp như làm kem, nước hoa, các loại tinh dầu dùng trong massage, spa...”.
Cũng theo anh Alain, hiện nay vanilla tự nhiên nhập khẩu có giá cao hơn 30 - 40% giá sản phẩm cùng loại từ trang trại của anh Frédéric Lacroix nhưng chất lượng tương đương. Vì vậy, việc vanilla tự nhiên có mặt tại Việt Nam đã làm lợi cho rất nhiều nhà hàng 5 sao tại Việt Nam khi mua được vanilla giá rẻ. Alain Nguyễn nói thêm: “Tôi cho rằng đây là cơ hội để người nông dân Việt Nam phát triển loài cây quý này. Giúp phát triển kinh tế đồng thời tạo nên dấu ấn riêng cho nền nông nghiệp Việt Nam”.
Khi đề cập đến việc chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc vanilla để phát triển rộng khắp trên đất Việt, anh Frédéric vui vẻ: “Vợ chồng tôi rất sẵn lòng chia sẻ với những ai muốn tìm hiểu và phát triển loài cây này”.
Thanh Đông - Phước Long

Wednesday, June 19, 2013

Đánh nhau đổ máu với 2 tên trộm chó

Hắn hét lên: "Mày muốn chết tao cho mày chết" và lao vào tôi như một tên điên. Một roi, hai roi, ba roi... tôi nghe mình đau điếng như có những làn điện vụt qua người.
>> Trộm chó dọa chích điện chết người truy đuổi

Từ Sài Gòn, tôi về đến nhà ở thị xã Tây Ninh khá muộn. Đang xịt nước rửa xe thì nghe từ ngoài cổng, tiếng chó la ăng ẳng. Nghĩ ngay đến con chó của bác bảo vệ bị bọn cẩu tặc thuốc chết ngay trước nhà hôm trước. Tôi không kịp suy nghĩ lao ngay xe ra đường.
Mất mấy phút mở và khóa cổng, tôi tăng tốc, nhưng không còn nhìn thấy bọn trộm đâu, một người dân chạy xe ôm khuya chỉ tay cho tôi biết về hướng đường Nguyễn Thái Học. Tôi chạy theo hướng đó thật nhanh. Đường Tây Ninh về khuya vắng, không khó khăn gì để tôi đuổi kịp 2 tên trộm đang kéo lê con chó trắng to dưới lòng đường.
Tôi cho xe tiếp cận định đạp ngã hai tên cẩu tặc, nhưng tên ngồi sau có vẻ rất ma lanh khi cứ kéo con chó rề vào bánh xe của tôi.
Tôi đuổi qua mấy km, lúc này tên ngồi sau đã móc sợi dây thòng lọng có con chó vào tay nắm sau của xe. Hắn tiện tay móc từ túi áo ra cái dàn ná, rối cứ thế nã những viên đá sỏi vào người tôi đau điếng, tôi lại đang ở trần, nên nhìn rõ những giọt máu rỉ xuống ngực... Tôi càng tức giận, quyết không để bọn này chạy thoát...
Đến ngã 4, bọn chúng cho xe rẽ trái và lao thẳng, tôi hơi bất ngờ vì đây là hẻm cụt, phía dưới là bờ sông. Có lẽ quá hoảng hốt tên trộm ngoặt tay lái, cộng thêm lúc này sợi cước dây phanh xe đạp dùng để câu chó bị đứt, nên bọn chúng trượt xe lao ngã vào hàng rào. Tôi cũng cho xe lao thẳng vào xe chúng.
Tên ngồi sau cầm thanh tre, có buộc sợi cước đã bị đứt, lúc này trở thành một thứ vũ khí lợi hại. Hắn hét lên "Mày muốn chết tao cho mày chết" và lao vào tôi như một tên say máu. Một roi, hai roi, ba roi... tôi nghe mình đau điếng như có những làn điện vụt qua người. Không hiểu thế nào mà tôi chụp được đầu dây cước tôi ghì xuống và tung một cú đá vào mang tai tên này, hắn lảo đảo ngã nhoài.
Thấy tên còn lại đang lúi húi ngồi dậy dẫn xe, tôi liền lùi lại bồi thêm một đá, hắn ngã vào hàng rào. Lúc này thì tôi vừa thủ thế vừa la "cướp... cướp... bà con ơi". Tên này lồm cồm bò dậy, không chống trả mà quyết lấy cho được cái xe... Nhưng phát hiện cặp phuộc trước đã bị gãy lìa... hắn cố lôi xe trong vô vọng.
Tên còn lại lúc này đã kịp định thần khi thấy chỉ có mình tôi, nên quyết ăn thua đủ để cho đồng bọn lấy xe. Hắn quay lại, tôi nhặt ngay một hòn đá ném, hắn lùi lại né đòn. Lúc đó tôi nghĩ nếu hòn đá rơi ngay đầu chắc chắn hắn sẽ nhập viện và tôi ít nhiều liên lụy. Nhưng may là nó rơi ngay vai, hắn hét lên một tiếng rõ to.
Lúc này thì vài người dân đã thức, họ mang gậy gộc chạy ra. Tên kia quẳng xe nhảy ùm xuống sông. Tên còn lại băng qua cầu định tẩu thoát, gặp ngay người bên kia cũng nhảy ùm xuống sông trốn mất.
Cảnh sát 113 xuống đến nơi, bộ dạng tôi lúc này đã tơi tả như tàu lá chuối, không dép, không áo, chỉ độc duy nhất cái quần đùi. Mình mẩy đầy máu, mọi người nghĩ nhầm tôi bị... dân làng đánh.
Tại hiện trường công an thu được 1 xe máy, 1 bao tải có 2 con chó đã chết, 1 súng bắn điện, 1 bình xăng 3 lít.
Sáng hôm sau, công an đến tận cơ quan, mời tôi lên phòng điều tra. Cơ quan lại nghĩ rằng tôi dính dáng đến một vụ án nào đó. Mấy anh đưa tôi lên phòng điều tra để nhận dạng tên trộm. Hắn cố tình chối bay chối biến, nhưng khi tôi nói tên trộm bị tôi ném cho một hòn đá to, mấy anh bắt hắn cởi áo ra thì y như rằng nơi bả vai có một vết bầm tím còn sưng vù, thân hình trầy xước do bị cắt bởi lá dứa khi nhảy trốn dưới sông.
Trước những lập luận và biện pháp nghiệp vụ của công an, tên này cúi đầu nhận tội. Hắn vừa mãn hạn tù sáu tháng về tội trộm cướp, nhưng ngựa quen đường cũ.

Lê Văn Bửu

Tham Lam, Vô Cảm Và Hèn Nhát ???

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát

Thứ hai 13/05/2013 07:15
(GDVN) - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
 
Lời tòa soạn: PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức,... còn với GS Nguyễn Lân Dũng thì: "Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) - Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. 
Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS.Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề này.
Tự biến mình thành hèn hạ
-  Là một Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân rất gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có  tính xấu nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không có tính xấu nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với giới trẻ là thông qua internet, điện thoại trực tuyến...
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.
"Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế..." - GS. Nguyễn Lân Dũng nói về tính xấu của người Việt.
 
Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày này, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 thì: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng



viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí  chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.
Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng.
- GS Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào trong quan hệ cộng đồng và thế giới?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với  những người cán bộ,  nhẽ ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lòng tham khiến láng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận các vùng quê.
Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ hoặc những tên Đông Gioăng (Don Juan) chuyên hại đời các cô gái mới lớn...
Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng. Hãy để mắt đến các trang mạng xã hội, trong đó có không ít những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, chứ đâu phải toàn là những điều bị chụp mũ là "diễn biến hòa bình" hay bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
Gần đây vang lên bài thơ thật buồn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị phụ tách văn hóa- tư tưởng của Đảng ta:
"Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …"
Ai có thể suy diễn nhà thơ - chiến sĩ này đang bị suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức?
"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể"
- Thói tham danh, bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn bảo đó là căn bệnh nan y khó chữa. Theo ông, thói háo danh của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm, nhưng số đó quả không nhiều.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết nhưng có lẽ không có cách gì khắc phục nổi.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện, vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền ấy mà không lấy biên bản (!).

Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc hội nhiều lần mà hầu như chả có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!
Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại cùng chỗ đó...
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!). May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân đội, công an... như ở nước ta?
Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện, Trường phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới là Viện sĩ!
Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước. Quốc hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến chung là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong khi không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát từ việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?). Có lẽ ai cũng nên tìm xem trên YouTube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1 giờ liền của một học sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng".
Tôi cảm thấy nó có tính thuyết phục hơn nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn tại kéo dài của nền giáo dục nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này dưới dạng văn bản để nhiều người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều kiện tham khảo. Trong các tồn tại được cậu học sinh này thẳng thắn nêu lên thì chính là bệnh thành tích và một chương trình học tập vừa nặng, vừa thấp (!) so với thế giới, hơn nữa khá xa lạ với nhu cầu của đời sống (!).
Coi nặng tiền tài hơn giáo dục
- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra 5 điều thì tôi chọn là:
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"
- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu mà ông kể trên là gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, tôi cho là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải thốt lên là: một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng.
Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả những trang xấu của một số ít người có ác ý).
Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.
Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, những người coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là cần câu vàng bạc, ngoại tệ).
Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu dân số).
- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất nhiều sách về tính xấu của người Việt, và trao đổi với báo GDVN, vị này cũng nói: Người Việt chẳng có tính tốt nào. Với GS.Nguyễn Lân Dũng thì sao? Người Việt có thể tự hào về điều gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ chẳng có ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy! Chúng ta cần tự hào về những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về Tổng thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày càng được tôn trọng trên thế giới....
Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh  hết mình dành cho việc học hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước (kể cả những quy định tuy tôi đã chất vấn nhiều lần tại Quốc hội mà đến nay nay tôi và rất nhiều người vẫn chưa thông được - chẳng hạn như chuyện phải bắt buộc trích đóng góp từ quỹ lương cho Công đoàn , chứ không phải cho Hội Nông dân, trong khi chưa chắc nơi nào cần hơn?).
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
Hà Nhi (Thực hiện) 

Tuesday, June 18, 2013

Hãy biết yêu thương mình

Thứ Hai, 17/05/2010, 15:36 (GMT+7)
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: "Hãy biết yêu thương mình"
TTO - Trước lúc thôi việc ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM sau 25 năm công tác, BS Đỗ Hồng Ngọc được các bạn trẻ làm việc tại đây tổ chức giao lưu thân mật giữa “thầy - trò”. Chủ đề buổi giao lưu mở rộng, với nhiều nội dung như chuyện đời, chuyện nghề, chuyện tình…
Tuổi Trẻ Online xin lược ghi nội dung của buổi giao lưu thú vị và bổ ích này.
*  Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì?
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại buổi giao lưu - Ảnh lấy từ www.dohongngoc.com
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử có lẽ cũng khoảng tuổi thầy bây giờ, một hôm dẫn các đồ đệ đi tắm sông, một đồ đệ hỏi: Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì? Khổng Tử cười bảo ước mơ của ta bây giờ là dẫn tụi con đi tắm sông!
Dĩ nhiên thầy không phải là Khổng Tử, nên ước mơ của thầy là dẫn tụi con đi chơi núi Thị Vãi, ở đó có một con đường đèo đẹp như Đà Lạt, dẫn xuống một cái dốc sâu rồi đi vào khu rừng có một con suối róc rách gọi là suối Tiên (nhớ cẩn thận, đừng tắm lâu quá sẽ biến thành trẻ con…). Quanh đó còn có những ngôi chùa cổ dưới những lùm cây…
"Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanh hoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì kiếm sống, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên gánh nặng…"
Dĩ nhiên thầy cũng ước mơ được truyền trao kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc cho các bạn trẻ nếu họ muốn. Thầy ra trường đã hơn 40 năm, làm ở phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn (nay là BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) 16 năm nên đã tập một thói quen rất chính xác về giờ giấc.
Ở phòng cấp cứu nhi, trễ một phút đã có thể gây chết người nên phải quý từng giây phút. Thầy làm ở đó ngày nào cũng thấy trẻ con chết, nhiều cái chết rất “vô duyên” vì có thể phòng tránh được, chẳng qua vì người dân thiếu kiến thức, mê tín dị đoan.
Vì thế thầy tình nguyện về công tác ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe này tới nay đã 25 năm. Ngành này có lợi ích rất lớn mà nhiều khi không thấy hết. Một bài báo có hằng trăm ngàn người đọc, một chương trình truyền hình hằng triệu người xem. Tác động lớn lắm nên ta phải hết sức thận trọng trong từng thông điệp, không thể coi thường.
* Thầy ơi, tuổi trẻ của thầy khác gì tuổi trẻ bây giờ? Trong cuộc sống, điều gì là quan trọng đối với thầy?
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau, đầy nhiệt huyết, năng động, lý tưởng, nhiều hoài bão, ước mơ. Nhưng hình như thời của thầy sống đơn giản hơn, nhiều lý tưởng hơn, lãng mạn hơn. Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là.
Thử hỏi phòng con đang ngồi làm việc có bao nhiêu cửa sổ, cầu thang lên tầng 1 này có bao nhiêu bậc, chưa chắc con đã biết. Tại sao? Tại không quan tâm. Chúng ta sống bên nhau trong một cơ quan làm việc hàng ngày gặp nhau 7-8 giờ mà như xa lạ, không hiểu tâm ý nhau, dễ căng thẳng, thấy ai cũng toàn tính xấu. Thử nhìn một cách khác xem, chẳng hạn lấy giấy ghi ra những tính tốt của kẻ mà mình không ưa…
"Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là"
Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất có lẽ là thấy mình sống có ích, sống hạnh phúc và sống thảnh thơi. Có lúc thầy cũng được mời vào vị trí này khác, nhưng thầy đều từ chối, vì chỉ muốn làm điều mình thích, trong khả năng mình, nhờ vậy mà làm việc gì cũng thấy vui, thấy hăng say.
Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanh hoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì kiếm sống, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên một gánh nặng…
Để tâm hồn luôn trẻ
• Thầy làm thế nào để có sức khỏe dẻo dai, tinh thần vững chải cũng như tâm hồn trẻ trung để sống và làm việc trong suốt 50 năm qua (không kể 20 năm của tuổi trẻ)?
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Thực ra chính hai mươi năm đầu mới là bệ phóng, định hướng cho tương lai ta.  Thầy sớm mồ côi cha, 12 tuổi vào ở trong chùa với người cô. Cô thầy bị tật 2 chân không đi lại được nhưng rất mê đọc truyện, tiểu thuyết. Cô thường bắt thầy đi mướn truyện ở ngoài phố và cấm thầy đọc vì sợ con nít đọc truyện không tốt, không lo học.
Những khi đi mướn truyện như vậy, thầy tranh thủ đọc dọc đường, có khi ngồi ở gốc cây mà đọc, có khi đang đi trên thuyền qua sông cũng đọc. Hết cuốn mới đem về cho cô. Cũng có lúc trùm mền mà đọc lén nữa! Nhờ vậy thầy ngốn được nhiều loại sách, và truyện xưa tích cũ, đông tây kim cổ gì cũng biết.
Dĩ nhiên sau này thì đọc có chọn lọc, nghiên cứu sâu hơn nhờ cái tính ham đọc, ham học đã sẵn có. Không ai thành công mà không tự học. Học ở trường không đủ đâu. Thói quen đọc sách rất có lợi cho thanh niên. Phải đọc, vì đó là túi khôn của muôn đời. Đọc các danh gia ngày xưa ta như được sống cùng họ, trò chuyện cùng họ, làm bạn với họ chẳng thú sao? 
Sau này, thầy đọc sách Nguyễn Hiến Lê, học với ông, nào Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, rồi nào Gương danh nhân, Gương chiến đấu, Gương kiên nhẫn… nó rất cần thiết cho thanh niên. 
Bây giờ ít thấy bạn trẻ đọc sách, mê sách. Họ để thì giờ lên mạng, chơi game, đi shopping, ngồi quán cà phê, tán gẫu… nhiều hơn. Sinh viên không đọc sách văn học, học y mà không đọc Cronin, Sommerset Maugham, Tchekov, Lỗ Tấn thì uổng quá! Tâm hồn sẽ cằn khô đi và chỉ còn biết kỹ thuật, dễ trở thành máy móc, lạnh lùng, vô cảm. Tụi con thử đọc Liêu Trai chí dị xem, đọc 24 giờ trong đời người đàn bà xem hoặc đọc Alexis Zorba, Câu chuyện của dòng sông… xem.
Dĩ nhiên ta không bỏ qua những sách viết ở thời đại ta. Nhờ đọc, kiến thức ta mới mở rộng, cảm thức nghệ thuật được nâng cao, cuộc sống thêm hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn ta hiểu được con người, ta nuôi dưỡng được tình người…
Còn để có một sức khỏe dẻo dai thì phải rèn luyện thôi. Các đây hơn mười năm, thầy bị một cơn tai biến mạch máu não nặng, mổ cấp cứu, đục sọ, đặt 2 ống dẫn lưu. Tưởng đã hết đi hết nói được nữa rồi. Sau mấy ngày nằm liệt giường, khi đi được vài bước lẫm chẫm như em bé thầy thấy quả là một phép lạ, một hạnh phúc rất tuyệt vời! Khi đứng được trong toilet như mọi người quả là một hạnh phúc lớn.
"Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi, rồi thương  nó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được?"
Thầy nhìn vào gương soi, thấy cái đầu trọc lóc… dễ thương của mình và liền lấy viết vẽ mấy tấm hình thú vị! Sau đó thầy nghiền ngẫm thực tập phương pháp thở bụng, thiền…  dần dần hồi phục sức khỏe. Thầy rút kinh nghiệm bản thân và chia sẻ với bạn bè và viết vài cuốn sách như Nghĩ từ trái tim, Như thị, Gươm báu trao tay
Rèn luyện thân thể phải gồm cả việc nghỉ ngơi, ăn uống, thể dục, thiền… một cách toàn diện. Quan trọng là giữ tâm hồn thanh thản. Việc làm có phù hợp, đúng sở thích thì mới làm hăng say, bền bỉ được.
• Thưa thầy, là thanh niên thế kỷ 21, theo thầy, mỗi buổi sáng / buổi chiều (sau giờ làm việc) điều gì nên nghĩ đầu tiên và cuối cùng trong ngày?
- Kahlil Gibran có hai câu thơ dễ thương: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. Ngày nữa để yêu thương thấy chưa, chớ không phải ngày nữa để oán thù, căm giận. Dù ở thế kỷ nào đi nữa, mỗi sớm mai thức dậy cũng nên “cảm ơn đời” đã cho ta một ngày mới, một ngày mới để yêu thương! Dĩ nhiên thanh niên phải rèn luyện thể lực. “Bắp thịt trước đã”, có một cuốn sách như vậy. Thanh niên mà đi đứng co ro, lụm cụm, bụng to, thịt nhão, sáng sáng ngồi đốt thì giờ trong quán cà phê nhả khói mù trời thì thật đáng tiếc. Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, nhớ không?
Sau đó phải thực hiện cho được những dự định đã vạch ra từ ngày hôm trước. Dĩ nhiên phải chọn ưu tiên, linh hoạt. Cái nào phải làm, cái nào nên làm. Vui mà làm, thích mà làm. Hòa mình với bạn bè xung quanh. Buổi chiều, buổi tối là cơ hội học tập thêm. Nhiều thứ cần phải học lắm. Ngoại ngữ, vi tính, kỹ thuật chuyên môn. Rồi học một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, ngay cả làm bánh, nấu ăn, cắm hoa…
Một giấc ngủ êm đềm sẽ đến thay vì nhậu nhẹt ở quán bia để rồi sáng mai dậy trễ, uể oải và nhìn mọi người với ánh mắt… mang hình viên đạn!
Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền
* Thầy nghĩ thế nào về tiền tài và danh vọng?
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tiền rất cần cho cuộc sống. Nhưng biết đến đâu là đủ thì phải có ý thức, biết tự hạn chế, không chạy theo đồng tiền, nhất là đồng tiền phi nghĩa. Sự giàu có do đồng tiền phi nghĩa không bền vững, gia đình có thể đổ vỡ, con cái hư hỏng. Phải chọn lựa. Kiếm tiền chính đáng, tiêu dùng chính đáng thì sẽ có được hạnh phúc.
* Con thấy mình có tất cả nhưng không thể tìm được một nửa của mình, con phải làm sao?
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Thì phải cất công đi tìm chớ sao! Nếu con dành hết năng lượng và thời gian cho danh vọng và tiền tài để có cảm giác mình có đủ tất cả nhưng vẫn thiếu tình yêu thì đó thật là điều đáng tiếc.
Chính tình yêu mới làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc. Cái mà con nghĩ “đã có tất cả” đó thật ra mới có một nửa… Một nửa kia không phải bỗng dưng tự trên  trời rơi xuống. Con phải đi tìm, có khi… đỏ con mắt mới gặp đó! Và cơ hội cũng không đến nhiều lần.
Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền, vung tiền qua cửa sổ. Bây giờ nhiều bạn trẻ ỷ lại cha mẹ, chạy theo hàng hiệu, rượu, thuốc… tốn kém thật đáng tiếc.
Danh vọng cũng vậy. Cũng cần thiết nhưng phải chính đáng và phải biết dừng lại đúng lúc, lui về đúng lúc. Nếu danh vọng xây trên năng lực thật sự của mình là điều đáng mừng. Còn danh vọng mà xây trên một cái nền giả tạo rất dễ sụp đổ.
• Thầy cho con hỏi làm sao để mình tăng tính kỷ luật với bản thân để làm tốt công việc? Vì con biết kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình…
- BS Đỗ Hồng Ngọc: Phải có ý chí và nghị lực thôi. Nghĩa là cũng phải rèn luyện. Thầy nhớ hồi trẻ mình rèn luyện bằng cách đọc cuốn Bảy bước đến thành công, Rèn nghị lực để lập thân chẳng hạn, rất có ích. Nhưng không chỉ đọc, chỉ học mà phải hành.
Có khi phải khắt khe với mình một chút. Nghị lực sẽ tăng tiến dần và từ đó mình mới tự tin hơn. Loại sách này ngày nay cũng có rất nhiều. Phải biết chọn lựa để đọc, không thì dễ bị “tẩu hỏa”!
Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi rồi thương nó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được!
TTO trích đăng

Lao động Trung Quốc lại làm “chui”


Nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc “chui” tại công trường thủy điện Sông Bung 4 (H.Nam Giang, Quảng Nam) khiến tình hình an ninh trật tự ở đây trở nên bất ổn. Không ít vụ xô xát xảy ra mà người “khơi mào” chính là những lao động này.

Chủ động đánh người

Trong ba năm qua, tại thủy điện Sông Bung 4 xảy ra không dưới 40 vụ việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có nhiều vụ người TQ dùng hung khí tấn công công nhân Việt Nam, buộc họ phải nhập viện

Ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ

Thủy điện Sông Bung 4 chính thức khởi công vào giữa năm 2010. Ba năm qua, hàng trăm lượt lao động (LĐ) người Trung Quốc (TQ), trong đó có cả kỹ sư và công nhân đã vào địa phương này để trực tiếp làm việc tại công trường. Địa bàn cư trú của những công nhân người nước ngoài tập trung chủ yếu tại xã Tà Pơơ. Theo ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ, vào dịp cao điểm, có lúc có khoảng 400 người TQ vào địa bàn xã để làm việc, kéo theo tình hình an ninh trật tự cũng phức tạp theo. “Trong 3 năm qua, tại thủy điện Sông Bung 4 xảy ra không dưới 40 vụ việc gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có nhiều vụ người TQ dùng hung khí tấn công công nhân Việt Nam, buộc họ phải nhập viện”, ông Kía cho biết.
Trưởng công an xã Tà Pơơ, Kriêng Diệu nói như than: “Công trình thủy điện này sớm hoàn thành ngày nào thì anh em chúng tôi đỡ vất vả ngày đó. Bởi trước đây, xã vùng núi chúng tôi bình yên lắm, giờ thì vài bữa lại nghe có đánh bậy do mâu thuẫn, rồi trộm cắp… buộc chúng tôi phải xử lý. Trong đó, có nhiều xô xát nghiêm trọng, có người phải nhập viện”. Ông Diệu kể, vào một buổi tối tháng 3.2012, tại công trường thủy điện Sông Bung 4 xảy ra vụ một bảo vệ người TQ dùng đèn pin đánh chấn thương vùng đầu một công nhân Việt Nam. Cách đây không lâu, vào tháng 2.2013, vì bức xúc trong việc chậm trả lương, một số công nhân người dân tộc H’re (Quảng Ngãi) đã đến tìm người TQ có chức trách để đòi tiền. Thế nhưng, thay vì giải quyết bằng lời nói, một số LĐ TQ đã dùng gậy gộc đuổi đánh.
Nghiêm trọng hơn, vào tháng 6.2012, tại một vụ “hỗn chiến” giữa công nhân TQ và Việt Nam đã có 2 người bị trọng thương phải nhập viện. Ông Diệu tiếp lời: “Trước khi xảy ra vụ việc, cả nhóm công nhân hai nước có ngồi nhậu với nhau. Thế nhưng, do người phiên dịch của TQ dịch sai lời nói của những công nhân Việt Nam nên những người TQ nổi giận. Ngay sau đó, một công nhân TQ đã dùng tuýp sắt đánh một công nhân Việt Nam rồi bỏ trốn. Vì quá bức xúc trước việc bạn mình bị đánh, hàng chục công nhân Việt Nam đã xúm vào đánh bị thương một công nhân TQ khác”. Theo ông Diệu, ngoài nguyên nhân bất đồng về ngôn ngữ dẫn đến mâu thuẫn, nhiều vụ khác còn có các nguyên nhân như: uống rượu say, nghi ngờ trộm cắp…
Lao động Trung Quốc lại làm “chui”
Nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc “chui” tại thủy điện Sông Bung 4 (H.Nam Giang) khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp - Ảnh: Hoàng Sơn
Bỏ “con rơi” trên đất Việt
Những ngày có mặt tại xã Tà Pơơ để tìm hiểu về LĐ TQ, chúng tôi nghe nhiều người kể về một cô gái xinh đẹp bị một người TQ “lừa tình”. Ông Kriêng Diệu xác nhận cô gái này tên là N.T.H (24 tuổi). Cuối năm 2012, cô đã sinh một bé gái mang dòng máu người TQ và một mình nuôi con cho đến nay. Đứa bé là “thành quả” của một mối tình chóng vánh mà ngay cả H. cũng không biết quê hương, địa chỉ sinh sống của cha con gái mình. “Chúng tôi chưa rõ danh tính “chồng hờ” của cô H. nhưng được biết anh này đã có vợ và 2 con tại TQ. Trước khi cô H. sinh con, anh ta đã bỏ về nước rồi biệt tăm biệt tích luôn từ đó”, ông Diệu nói.
H., người Kinh, tuổi ngoài đôi mươi, nổi tiếng đẹp mặn mà và có nhiều người theo đuổi. Những ngày đầu tiên xây dựng thủy điện Sông Bung 4, H. thường ra vào công trường để buôn bán giúp gia đình rồi gặp tay “lừa đảo” người TQ. Giữa họ nảy sinh tình cảm, mặc dù gia đình H. kịch liệt phản đối nhưng vì cả tin cô đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của người thân. “Anh ấy dạy em tiếng TQ rồi hứa sẽ đưa em về nước để sinh sống. Bọn em qua lại với nhau chưa đầy năm thì em mang thai. Trước khi sinh vài tháng, anh ta có gọi điện để hỏi han và cho biết chuẩn bị mở công ty riêng gì đó ở TQ. Anh ta cũng hứa sẽ đưa mẹ con em sang bên đó. Nhưng rồi, khi em sinh xong giữa bọn em không còn liên lạc gì nữa”, H. kể.
Ông Kriêng Diệu cho biết thêm: “Chúng tôi đã biết việc cô H. có quan hệ với người TQ và họ không hề có đăng ký kết hôn. Ngay từ đầu, lực lượng công an xã đã liên tục bám sát đối tượng này (người có quan hệ với H. - PV) vì anh ta có nhiều biểu hiện khả nghi nhưng rất khó để quản đời tư của họ”. Theo đại tá Phạm Mưng, Trưởng công an H.Nam Giang, từ khi xây dựng thủy điện Sông Bung 4, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn bị xáo trộn nên phía chính quyền địa phương đã lập tổ cảnh sát bảo vệ ngay cổng công trường để kiểm soát tình hình.
Lao động Trung Quốc lại làm “chui”
Nếu không được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Nam, hơn 100 lao động Trung Quốc tại công trình thủy điện Sông Bung 4 sẽ bị trục xuất
Cần thiết sẽ trục xuất
Theo số liệu do UBND xã Tà Pơơ cung cấp, tính đến ngày 10.6, trên công trường thủy điện Sông Bung 4 có 1.607 LĐ. Trong số 243 LĐ là người TQ chỉ có 125 người có giấy phép, số còn lại (118 người) đều đang làm “chui”. Tại cuộc kiểm tra trước đó vào ngày 24.4, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã phát hiện có 116 LĐ TQ đang làm việc tại công trường không có giấy phép. Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam kết luận, việc tuyển dụng và quản lý LĐ nước ngoài tại BQL Dự án thủy điện Sông Bung 4 và nhà thầu Công ty TNHH Sinohydro (TQ) có nhiều sai phạm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Việc làm - An toàn LĐ, Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam, cho biết: “Các đơn vị đang sử dụng LĐ TQ tại thủy điện Sông Bung 4 đã vi phạm pháp luật Việt Nam về sử dụng LĐ vì tự ý đưa người nước ngoài vào mà không xin phép cơ quan thẩm quyền. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã đề nghị nhà thầu Công ty Sinohydro có nhu cầu sử dụng LĐ TQ phải xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Nam. Nếu tỉnh chấp thuận mới được tuyển”. Theo bà Hương, trong số 116 LĐ TQ đang làm “chui” (tại thời điểm kiểm tra) có hai loại, gồm: không cấp giấy phép LĐ và phải cấp giấy phép LĐ. Sau cuộc kiểm tra vào ngày 24.4 vừa qua, sở đã yêu cầu nhà thầu Sinohydro phân loại hai loại LĐ này. Cụ thể, trường hợp không cấp giấy phép LĐ, công ty lập danh sách trích ngang gửi sở; trường hợp phải cấp giấy phép LĐ, nhà thầu phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xem xét.
Bà Hương cho biết, ngày 11.6 Sở LĐ-TB-XH đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định cho phép BQL dự án thủy điện Sông Bung 4, nhà thầu Công ty Sinohydro được tuyển dụng LĐ là người nước ngoài làm việc. “Sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, sở sẽ cấp phép cho số LĐ đang làm việc tại công trường. Nếu tỉnh không chấp thuận, những LĐ TQ sẽ bị trục xuất”, bà Hương nói.
Hoàng Sơn
 
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130618/lao-dong-trung-quoc-lai-lam-chui.aspx 

Bia ôm thác loạn ở TP HCM


Màn hình tivi vụt tắt, âm thanh cuồng loạn nổi lên. Trong hơi men chếnh choáng, các nữ tiếp viên leo lên bàn gỗ rộng chừng 6 m2 nhảy bốc lửa, lắc múa đủ tư thế kích dục và lần lượt cởi bỏ trang phục.

Quận Bình Thạnh là nơi có trụ sở Chi cục Phòng chống tệ nạn TP HCM. Cảnh thác loạn không phải là hiếm tại hàng loạt nhà hàng, quán ăn trong khu vực này. Từ những màn biểu diễn thoát y, tắm bia, rồi dùng chỗ kín để khui bia, bắn súng... cho đến hành lạc tại chỗ đều có. Thậm chí có chuỗi nhà hàng, karaoke tự nhận mình là “tập đoàn” với 12 điểm phục vụ...
Ngôi nhà mặt tiền treo biển Công ty TNHH Dịch vụ L.M.D. nếu nhìn bề ngoài ít ai biết được đây là quán ăn có karaoke. Ngoài khu vực để xe, tầng trệt còn có quầy tiếp tân. Đi qua nhóm bảo vệ và lớp cửa phía cuối tầng trệt với khung cảnh nhếch nhác như một nhà kho trống rỗng, cũ kỹ, nhưng trên lầu là thế giới khác hẳn.
Dù mới đến đây lần đầu nhưng do anh bạn quen biết liên lạc qua điện thoại đặt phòng trước nên vừa bước xuống xe, khách đã thấy quản lý tay bắt mặt mừng. Khách được dẫn vào một phòng rộng khoảng 16 m2. Giữa phòng là chiếc bàn gỗ lớn rộng khoảng 6 m2, 3 dãy ghế nệm xếp hình chữ U ôm sát tường, mặt tường còn lại là chiếc tivi màn hình phẳng và 2 loa công suất lớn.
Khách đến, các tiếp viên liền đưa micro và bộ điều khiển từ xa. Còn dàn karaoke vi tính được ngầm hóa trong một khoang bí mật. Như đã lập trình sẵn, hơn chục cô ăn mặc mát mẻ bước vào, sắp một hàng dài chắn trước màn hình tivi. Sau khi nhận 500.000 đồng tiền bo mở màn, người quản lý ra dấu cho các em lần lượt lột tấm vải nửa áo, nửa khăn đang quàng hờ hững để khách sờ nắn lựa chọn.
Được khách bo nhiều tiền, tiếp viên chiều tới bến. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.
“Ở đây tụi em được bảo kê hết rồi, anh yên tâm đi. Tập đoàn chúng em có 12 cơ sở, đều trên quận Bình Thạnh hết. Tụi em làm ở đây nhiều năm rồi mà. Các anh cứ việc tới Z, tụi em bao sân”, người quản lý cho hay. Thấy khách còn lưỡng lự, anh ta trấn an: “Trong thời gian cao điểm khi các quán khác bị đánh cho bật sới, tụi em vẫn hoạt động bình thường thì các anh biết lực của tập đoàn mạnh thế nào. Anh nào có nhu cầu cứ lên lầu, có phòng riêng để vui vẻ”.
Sau khi khách lựa chọn “đào”, số còn lại lui ra. Các “đào” sà vào lòng khách như đã thân thiện từ lâu. Màn chào hỏi đầu tiên là cho tay đi “du lịch” khắp người khách, nhất là chỗ nhạy cảm. Mục đích nhằm thăm dò mức độ ăn chơi cũng như kiểm tra khách có thủ hàng nóng hay không. Thường sau màn dạo đầu các em sẽ được bo 100.000 đồng, còn muốn các em “hết mình” phải bo 500.000 đồng/lần.
Qua màn chào hỏi, các em liên tục khui bia. Nhóm khách có 5 người mà chỉ trong 10 phút đã hết 2 thùng bia “ken” và bao nhiêu thức ăn nhanh trên bàn đều được các cô lột ra khỏi vỏ. Do một lon bia được tính giá 45.000 đồng, thức ăn với giá cắt cổ nên quản lý chỉ đạo phải tranh thủ làm mọi thủ thuật để khách trả tiền càng nhiều càng tốt. Tiếp đó các em ra ngoài cởi hết nội y, chỉ còn lại chiếc váy dây cũn cỡn, chỉ cần đụng nhẹ là “trần như nhộng”. Lúc đó cả “đào” và khách bỏ lửng những bài nhạc du dương để hát bằng… tay.
Tại quán Q.T. trên đường Lê Quang Định, quán không tên trên đường Nơ Trang Long và một dãy liên hoàn trên đường Bùi Đình Túy, khách đều nhận được cam kết “sẽ chu đáo”. Các quán ở đây có số lượng tiếp viên ra chào khách khá lớn, khoảng 30-60. Trong một căn phòng trên lầu, gần chục nữ tiếp viên mặc đồ 2 mảnh cũn cỡn, õng ẹo tiếp bia rượu, thức ăn cho nhóm.
Sau chục phút làm quen với khách, nữ tiếp viên không ngại ngần cởi luôn quần chíp và áo ngực, chỉ để lại mảnh vải khoác hờ trên người đầy khiêu khích. Thỉnh thoảng, cô ta cố tình để phần nhạy cảm nhất chà lên người khách như mời gọi. Cứ thế, khách và tiếp viên vừa ôm ấp, mặc từng bản karaoke trôi đi không lời. Khi hơi men đã lừng xừng, quản lý các phòng đều hỏi khách có muốn đổi nhạc (thoát y biểu diễn) hay không. Nếu đồng ý, quản lý sẽ ra ngoài đổi nhạc nhưng khách phải nhớ gửi tiền bo anh ta.
Tại quán không tên trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), nhìn mặt tiền như 2 căn hộ khác nhau. Một bên cho thuê bán cà phê dưới trệt. Nhưng cả 2 căn đều thông nhau bằng các lỗ nhỏ ở chân cầu thang, để lỡ có động thì trong quán bia ôm này không còn một nhân viên, còn căn bên cạnh thì cửa khóa ngoài như không có chủ ở nhà.
Tại đây, sau khi nhận tiền bo từ khách, quản lý chỉ đạo nhân viên phục vụ hết mình. Nữ tiếp viên trang điểm đậm ngồi tọt vào lòng khách. Những câu chuyện tục tĩu liên tục vang lên. Miệng nói, tay cô gái mơn trớn khách và thích thú để tay khách “đi du lịch” khắp cơ thể mình. Bên cạnh, các em gái khác lắc lư cùng khách theo điệu nhạc. Vừa ca hát, tiếp viên vừa tiếp cận bằng những động tác khêu gợi và không quên bật bia tanh tách thử khả năng bia rượu của khách.
Rượu càng nhiều, tiền bo càng nhiều thì tỷ lệ nghịch là quần áo trên người nữ tiếp viên vốn đã “nghèo” càng “nghèo” hơn. Đó cũng là lúc cuộc thi “bưởi to, bưởi đẹp”, thi “bánh bao”, “bánh da heo”… giữa các tiếp viên, thực chất là các màn khoe hàng, tung hứng nối dài khiêu khích khách.
Cao trào, màn hình tivi tắt cái rụp. Âm thanh cuồng loạn như trong quầy bar nổi lên. Quên đi phương tiện là karaoke, giờ đây tất cả chỉ tập trung vào chiếc bàn giữa phòng. Trong hơi men chếnh choáng, các nữ tiếp viên leo hẳn lên bàn gỗ rộng chừng 6 m2 nhảy bốc lửa. Trước sự mời chào khiêu khích của các em, khách bắt đầu nhét tiền liên tục vào người tiếp viên để trút bỏ lần lượt trang phục.
Tiền nhét vào áo, áo rơi; nhét vào quần, quần rơi. Khi đã cởi bỏ toàn bộ, các nữ tiếp viên càng uốn éo lắc múa đủ mọi tư thế kích dục. Bia chai dù không ai uống cũng được đưa ra hàng loạt. 3 tiếp viên qua màn thoát y nhún nhảy thì đến tiết mục khui bia bằng chỗ kín. Hàng chục chai bia được sắp hàng dài và các “đào” bắt đầu khui bia một cách thuần thục. Khui bao nhiêu chai thì số tiền bo 200.000 đồng tương ứng được nhét trên miệng chai bia được khui.
Hóa đơn tính tiền tại quán L.M.D. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.
Từng thùng bia liên tiếp được mang vào, mỗi lượt hàng chục lon bia được khui sẵn đặt dọc theo mép bàn. Vừa uốn éo, các nữ tiếp viên vừa lấy bia tưới khắp người. Bia tràn khắp phòng. Vỏ bia quăng ngổn ngang dưới gầm bàn. Được “tiếp sức” bằng mấy tờ tiền polymer, các nữ tiếp viên liền nhét cả cục đá lạnh và xúc xích vào người rồi cong người lại, “bắn” vào đích là các vỏ lon bia đã được nhét tiền trên miệng, trong tiếng reo hò phấn khích của khách.
Chiêu trò mua vui thác loạn giúp tiêu thụ một lượng bia khủng của nhà hàng. Đi 4 quán, nhóm khách phải chi đến 60 triệu đồng để xem phần múa thoát y. Trong đó, màn chưa đầy 30 phút thoát y biểu diễn tại Công ty TNHH Dịch vụ L.M.D (đường Nguyễn Văn Đậu) đã tiêu thụ gần 5 triệu đồng tiền bia (118 lon và chai).
Theo Sài Gòn giải phóng

Monday, June 17, 2013

Kẻ cướp iPhone nhắn tin cho nạn nhân đòi 'tình một đêm'

Sau khi cướp chiếc iPhone, thấy nạn nhân nhắn tin đòi chuộc lại, Thuận yêu cầu thiếu nữ cho quan hệ tình dục mới trả.

Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội, mới hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Thuận (30 tuổi, ở tỉnh Nam Định) về tội Cướp tài sản.
Theo kết luận của cơ quan công an, chiều 31/3, chị Trần Thị Ngọc Thuý (học sinh lớp 12 ở huyện Từ Liêm) đi học về, khi qua cổng chùa Đại An, khu Đô thị Mỹ Đình II, bị Thuận trùm áo kín đầu phóng xe máy qua giật mất chiếc iPhone 4S.
Chiếc điện thoại do bố mẹ mua tặng sinh nhật nên Thuý mong kẻ gian cho mình chuộc lại. Khoảng 10h30 sáng 1/4, Thúy thử dùng điện thoại của người thân nhắn tin vào máy mình thì bất ngờ nhận được hồi âm. Thuận đồng ý trả điện thoại nhưng kèm theo điều kiện phải cho “ngủ” một đêm.
Thuận trong hồ sơ cảnh sát.
Vờ đồng ý, Thuý âm thầm báo công an. Tuy nhiên, để bắt được tên cướp, cảnh sát gặp nhiều khó khăn vì Thúy không biết mặt Thuận. Anh ta lại chỉ nhắn tin cho nạn nhân chỉ vài ba câu hoặc nháy máy. Lúc đầu, hắn nhắn cho Thuý đến một nhà nghỉ ở sau bến xe Mỹ Đình. Thiếu nữ đến nơi, không gặp được hắn.
Sau đó, hắn gọi và bảo ngắn gọn: “Địa điểm này không an toàn, ra chỗ khác”. Cô gái đã phải theo chỉ dẫn của gã đến một nhà nghỉ khác, rồi tiếp tục thay đổi địa điểm. Đến điểm hẹn thứ tư, ở thị trấn Cầu Diễn, hắn nhắn tin sẽ đón Thuý.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện chiếc taxi đi rất chậm, trong xe ngoài tài xế thì người khách ngồi ghế sau liên tục đảo mắt nhìn quanh như tìm kiếm ai đó. Ngay khi Thuý vừa vào taxi, các trinh sát đã chặn xe để kiểm tra hành chính và bắt gọn Thuận. Tên này một mực khai không biết chuyện gì vì được thuê để đưa một cô gái đến nhà nghỉ và sẽ nhận được thù lao.
Tuy nhiên, sau hai giờ đấu trí, hành vi của Thuận đã bị lật tẩy. Thuận khai, lang thang nhiều tháng nay ở Hà Nội. Do không có tiền đã nảy sinh ý định đi cướp. Khi cướp được chiếc điện thoại của Thuý, tên này mở máy xem thấy nhiều ảnh chụp lại của nạn nhân.
Thấy nạn nhân xinh xắn, đoán chắc người này sẽ nhắn tin hay gọi điện lại để xin chuộc máy, Thuận lắp sim của nạn nhân vào máy mình rồi hồi âm, thực chất là ra điều kiện phải cho quan hệ tình dục mới cho chuộc lại điện thoại. Còn máy hắn đã bán cho tiệm cầm đồ lấy 4,3 triệu đồng.
Thuận cũng khai thêm, khi nhắn tin cho chị Thúy đến nhà nghỉ ở sau bến xe Mỹ Đình, Thuận đoán thể nào cơ quan công an hoặc người nhà nạn nhân sẽ đi theo nên đã không xuất hiện mà đứng từ xa quan sát. Sau đó, hắn liên tục điện thoại và nhắn tin cho nạn nhân thay đổi địa điểm với ý định gây nhiễu loạn hành trình của chị Thúy để hắn dễ dàng tiếp cận và cắt đuôi nếu có ai bám theo.
Thuận cho rằng, nếu đợi sẵn ở một nhà nghỉ sẽ bị động nên anh ta đã thuê taxi chở mình đến điểm hẹn thứ tư với nạn nhân, nhưng không ngờ đã bị các trinh sát tóm gọn.
Việt Dũng
 

Nhiều 'ma men' chống đối CSGT trước quán nhậu

Đụng mặt CSGT cắm chốt trước quán nhậu, các “ma men” bị tuýt còi đã tỏ ra cay cú, lớn tiếng quát nạt: “Cướp đầy đường sao không thấy mấy anh bắt, lại đi canh me mấy người như tụi tôi để phạt”.
>CSGT chặn trước nhà hàng xử phạt người uống rượu lái xe

CSGT chốt chặn trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Quốc Thắng.
CSGT chốt chặn trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Quốc Thắng.
Đêm 13/6, hàng chục CSGT và Cơ động (Công an TP HCM) cùng phối hợp ra quân đứng chốt tại tuyến đường Phạm Hùng (quận 8 và huyện Bình Chánh). Đây là tuyến đường có rất nhiều quán nhậu hoạt động đến gần sáng. Nhiều CSGT mặc thường phục cũng xuất quân tuần tra trên đường.
22h30, bộ đàm cảnh sát vang lên thông tin về một thanh niên vừa ra khỏi quán nhậu trên chiếc xe máy trong tình trạng say khướt được thông báo cho người đứng ở chốt. Thế nên chỉ đi được hơn 200m, anh này đã bị lực lượng CSGT gần đấy tuýt còi, dừng xe.
Nhướng chân mày nhiều lần cố tỉnh táo, nam thanh niên tỏ ra vui vẻ hợp tác khi bị đề nghị đo nồng độ cồn. Khi được thông báo nồng độ vượt xa so với quy định và bị lập biên bản giữ xe, anh này quay sang hết mực năn nỉ: "Các anh thông cảm bỏ qua cho. Em chỉ nhấp môi với mấy người bạn thôi, không phải dân nhậu chuyên nghiệp đâu. Em còn vợ con phải lo mà, đâu có dại gì mà uống nhiều để mà gây tai nạn chứ". Cùng lúc, hàng loạt xe máy khác cũng bị các CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra.
Hạ giọng xin xỏ mãi vẫn bị cảnh sát lập biên bản, nam thanh niên tỏ ra cay cú và bắt đầu lớn tiếng nạt nộ: “Cướp đầy đường sao không thấy mấy anh bắt, lại đi canh me mấy người như tụi tôi để phạt”. Khi được yêu cầu ký biên bản, anh ta lớn giọng bảo "không biết chữ". “Các anh ghi tôi tội giết người thì sao, tôi không biết đọc, ký vào để chết à”, người này tiếp tục la lớn cùng tuyên bố bỏ xe khiến nhiều người dân hiếu kì vây kín. Lực lượng chức năng phải mất một lúc lâu nhỏ nhẹ giải thích, anh ta mới chịu ký biên bản rồi quầy quả bỏ đi không quên kèm theo lời văng tục.
Kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Quốc Thắng.
Kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Quốc Thắng.
Liên tục sau đó các xe khác cũng bị dừng lại để kiểm tra. Nhiều trường hợp được phép đi ngay bởi nồng độ cồn trong hạn cho phép. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng một giờ, hàng chục “ma men” đã bị tạm giữ phương tiện.
Gần sáng, một người đàn ông trung niên chở vợ trên đường bị ra hiệu dừng xe. Gương mặt đỏ ngầu, ông này thừa nhận có nhâm nhi "chút chút" nhưng chắc không say. "Tôi tỉnh táo như vầy cần gì đo nồng độ cồn nhỉ", ông này đề nghị. Tuy nhiên, khi bị buộc thổi vào máy đo nồng độ cồn, ông này bị phát hiện vượt quá quy định cho phép.
Tương tự như nam thanh niên trước, sau khi năn nỉ "bỏ qua" nhưng không được, ông này cũng lớn tiếng nạt nộ cho rằng "uống có 2 chai cũng bị giữ xe". Gương mặt giận dữ, người đàn ông tuyên bố: “Cho mấy người xe luôn đó, muốn làm gì thì làm". Đến khi các cảnh sát ghi biên bản, ông ta đi qua đi lại, nhiều lần hét lớn "Tôi không phục" mặt kệ sự khuyên nhủ của vợ và tiếng cười của người dân đứng xem hai bên đường.
Trước khi được con gái đến đón, ông này còn hét to: “Vậy nhà nước dẹp hết quán nhậu đi, đừng cho bán nữa. Còn ai muốn nhậu thì ngồi ở nhà mà uống, ra quán lại phải mất thêm tiền bị phạt như tôi vầy nè”.
Vẫn kiên nhẫn giải thích với những "ma men" sau đó, một CSGT cho biết đây là những trường hợp "như cơm bữa" khi lực lượng chức năng xử phạt người uống bia rượu mà vẫn chạy xe ngoài đường. “Có những người khi bị giữ xe, sẵn hơi men trong người họ còn thoá mạ, đòi đánh cả chúng tôi ấy chứ”, viên cảnh sát kể.
Người vi phạm ký biên bản. Ảnh: Quốc Thắng.
Người vi phạm ký biên bản. Ảnh: Quốc Thắng.
Lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM cho VnExpress biết, trong đêm 13/6, đã phát hiện 82 trường hợp có nồng độ cồn vượt quá quy định. Ngoài việc xử lý vi phạm, cảnh sát còn có nhiệm vụ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho người dân. Theo đó, hàng đêm, CSGT sẽ kết hợp với công an 24 quận huyện bố trí nhiều tổ công tác chốt chặn, tuần tra những tuyến đường có nhiều hàng quán nhậu. Nếu phát hiện người say rượu lưu thông trên đường sẽ dừng xe, xử phạt ngay. Cùng với việc đo nồng độ cồn, CSGT cũng tiến hành kiểm tra hành chính sau 23h nhằm kéo giảm tội phạm.
Theo số liệu thống kê của phòng CSGT TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có 98 vụ tai nạn liên quan đến rượu bia làm 14 người chết.
Trong cuộc họp triển khai an toàn giao thông 7 tháng cuối năm 2013, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo lực lượng CSGT lập chốt chặn ngay trước nhà hàng để xử lý tình trạng người uống rượu bia vẫn lái xe.
Quốc Thắng