Thứ Ba, 27/11/2012, 07:27 (GMT+7)
TT - Vụ việc chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị cướp chặt gần
đứt cánh tay trên cầu Phú Mỹ (Q.2, TP.HCM) vào tối 24-11 đã đặt ra câu
hỏi phải ứng xử ra sao khi bất ngờ gặp một nạn nhân như vậy?
Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy với bàn tay đã được nối liền tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - Ảnh: Ngọc Nga |
Bác sĩ Tống Xuân Vũ, phó khoa vi phẫu tạo hình Bệnh
viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết tình hình sức khỏe chị Thúy
đang tiến triển khá tốt, bàn tay đã cử động nhẹ, có sắc hồng ấm, đây là
dấu hiệu bàn tay có thể sống tốt mà không bị hoại tử. Dự kiến khoảng
một đến hai tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.
Có thể nối lại để phục hồi vận động
Theo bác sĩ Xuân Vũ, khoảng 23g ngày 24-11 chị Thúy
nhập Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng vùng cổ
tay bên phải gần bị đứt lìa chỉ còn dính một chút da, vết thương sâu
nhất nằm ngay khớp cổ tay, hai vết thương ở bàn tay và cẳng tay nông
hơn, các vết thương đã được băng bó nên máu không chảy nhiều. Các bác sĩ
đã nhanh chóng xử lý vết thương và tiến hành phẫu thuật nối liền bàn
tay. Ca phẫu thuật nối bàn tay cho chị Thúy kéo dài ba giờ mới hoàn
thành.
Bác sĩ Vũ cho biết Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã
nối liền cho nhiều bệnh nhân bị đứt lìa tay (hoặc chân). Những ca bị đứt
lìa với vết thương gọn, đến sớm thì dễ cứu hơn những vết thương bị giập
nát. Sau khi phẫu thuật nối liền, bệnh nhân dễ gặp tình trạng co mạch
máu dẫn đến hoại tử, bệnh nhân không được hút thuốc lá để tránh tình
trạng co mạch, dùng đèn sưởi ấm để mạch giãn. Ăn uống không cần kiêng
cữ, chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng là được. Bệnh nhân nên chú ý không để chỗ
nối va chạm mạnh ảnh hưởng đến vết thương. Khi vết thương lành, cần tập
vật lý trị liệu để phần chi nối liền được vận động tốt. Thường thì bệnh
nhân cần ba đến sáu tháng sau phẫu thuật để phục hồi bình thường phần
tay (hoặc chân) bị đứt. Phần được nối liền vẫn đảm bảo chức năng vận
động, tất nhiên có hạn chế so với trước.
“Thời gian vàng”
Bác sĩ Xuân Vũ khuyên khi gặp những trường hợp bị đứt
lìa tay (hoặc chân) mọi người nên bình tĩnh xử lý. Trước hết cần rửa
sạch phần tay (hoặc chân) bị đứt lìa bằng nước muối, dùng gạc sạch bao
bọc cẩn thận, nếu không có gạc thì cho vào túi nilông rồi cho vào thùng
chứa đá lạnh. Tuyệt đối không để phần chi bị đứt lìa trực tiếp lên đá
lạnh khiến mô bị phá hủy, rất khó khăn để cứu sống mô. Sau đó đưa đến cơ
sở y tế gần nhất sơ cứu và cầm máu, rồi nhanh chóng đưa đến những bệnh
viện chuyên khoa để được nối liền. “Thời gian vàng để cứu sống được phần
chi bị đứt lìa là sáu tiếng, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó
việc nối liền khó thành công. Cho nên cần phải đưa bệnh nhân tới ngay
những bệnh viện chuyên khoa có thể thực hiện được việc nối liền”- bác sĩ
Vũ khuyến cáo.
Những trường hợp chưa bị đứt lìa, theo BS.TS Nguyễn
Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cũng cần được bất động
tạm vết thương như một trường hợp gãy xương bằng cách lấy nẹp gỗ cố định
hai đầu chi lại, băng ép cầm máu vết thương rồi đưa đến những cơ sở có
khả năng nối vi phẫu.
Nối vi phẫu (nối dưới kính hiển vi) là một kỹ thuật
khó. Những dây thần kinh, mạch máu rất nhỏ nên rất khó thấy được bằng
mắt thường. Khi nối dây thần kinh, mạch máu cho những trường hợp bị đứt
lìa hoặc gần đứt lìa chi trên, các bác sĩ sẽ phải đeo kính hiển vi để có
độ phóng đại lớn. Các bác sĩ sẽ cố định xương, nối tĩnh mạch, động mạch
bằng cách khâu lại để phục hồi các mạch máu, tiếp đến là nối các dây
thần kinh vận động, thần kinh cảm giác, các gân cơ...
Theo bác sĩ Phú, một ca nối chi thành công hay không
tùy thuộc nhiều yếu tố như mức độ thương tổn của vết thương. Nếu vết
thương bị giập nát nhiều thì khi nối thường khó thành công. Ngược lại,
nếu vết thương gọn, ít bị bầm giập, tỉ lệ nối thành công cao hơn. Kết
quả nối chi còn tùy thuộc thời gian bệnh nhân đến sớm hay đến muộn, cách
sơ cứu ban đầu có đúng cách hay không.
Hiện TP.HCM có những bệnh viện có êkip thường xuyên nối
vi phẫu những trường hợp đứt lìa hoặc gần đứt lìa chi, đó là Bệnh viện
Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh
viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Saigon
ITO.
Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn
tập các vận động nhẹ để tăng cường lưu thông máu, tập gồng cơ. Sau khi
bệnh nhân được cắt chỉ và tùy thuộc mức độ thương tổn, bệnh nhân sẽ được
nhân viên y tế hướng dẫn những bài tập riêng. Có một số bệnh nhân tuân
thủ chế độ điều trị tập luyện tốt, sau nhiều năm được nối chi và tập vật
lý trị liệu tốt, chức năng tay phục hồi gần như bình thường.
THÙY DƯƠNG - NGỌC NGA
Một tay lái xe, một tay giữ nạn nhân
Chiều 26-11, ông Đặng Văn Nở (42 tuổi, người cứu giúp
chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị chặt tay cướp tài sản) cho biết ông chỉ thấy
chuyện bất bình nên ra tay giúp người gặp nạn, hoàn toàn không biết
phải sơ cứu như thế nào cho hợp lý. Ông Nở nói: “Cũng may cô Thúy được
cấp cứu kịp thời, nếu có chuyện gì không hay chắc tôi buồn lắm”.
Ông Nở thuật lại cảnh cấp cứu kiểu “hai lúa” của mình,
ông bảo khi đuổi theo những tên cướp một đoạn, ông quay lại thấy cánh
tay phải của chị Thúy gần như đứt lìa, máu chảy đầm đìa, còn chị Thúy
lúc này gần như ngất xỉu. Thấy vậy, ông Nở chỉ phản ứng đơn thuần bằng
cách cởi áo quấn cánh tay lại (kể cả phần bị đứt) để cầm máu. Sau đó ông
đỡ chị Thúy lên xe máy và chạy xe một tay, còn một tay choàng ngang giữ
chặt chị Thúy, rất vất vả đến nơi gần nhất là Bệnh viện Q.2. “Sợ Thúy
ngất xỉu cả hai té xe nguy hiểm, tôi vừa chạy vừa nói “ráng lên đừng có
xỉu, xíu nữa là tới bệnh viện nhé cô”. Khi đến được Bệnh viện Q.2 tôi
mừng muốn chết”, ông Nở cho biết. Sau đó, ca trực cấp cứu Bệnh viện Q.2
thấy vết đứt quá nặng nên sử dụng xe cứu thương chở chị Thúy và ông Nở
đến Bệnh viện Gia Định. Tại đây các bác sĩ sơ cứu rồi lại chuyển chị
Thúy và ông Nở trên xe cứu thương tiếp tục đến Bệnh viện Chấn thương
chỉnh hình nối lại bàn tay.
S.BÌNH
|
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/522227/So-cuu-khi-bi-dut-lia-tay-chan.html
No comments:
Post a Comment