Pages

Thursday, November 22, 2012

Nẫu Ca


Người Việt mình từ văn minh lúa nước mấy ngàn năm đến giờ đã nổi tiếng là “nhà quê”, cho dù có ở thành thị thì vẫn là “dân nhà quê” so với các nước khác. Vậy thử hỏi trong đất Việt Nam mình, xứ nào là “nhà quê” nhứt? Đó chính là “xứ Nẫu”. Tôi đi khắp Việt Nam, ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ Nẫu, tôi dân Nẫu, Nẫu nè, Nẫu ơi…

Vì sao "quê", vì ngay cái chữ “Nẫu” nghe nó đã quê rồi. Nó khởi thủy là chữ “nậu”, là một từ cổ ở miền Trung Nam Bộ, theo cụ Vương Hồng Sển, nó cổ đến mức gần như là nguyên thủy, ngày nay không còn ai dùng. Từ “nậu” để chỉ một nhóm người theo ngành nghề hoặc theo nơi ở: ví dụ: "Nậu nguồn" chỉ nhóm người trên rừng, "Nậu nại" chỉ nhóm người làm muối, "Nậu rổi" chỉ nhóm người bán cá, "Nậu rớ" chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, "Nậu cấy" chỉ nhóm người đi cấy mướn, "Nậu vựa" chỉ nhóm người làm mắm... mãi sau, bằng nguyên lý tăng âm đặc trưng của dân Việt mình: “ông + ấy = ổng”, “chị + ấy = chỉ”, thì cái “nậu + ấy= Nẫu”.

Xứ Nẫu bắt đầu từ Bình Định, Phú Yên và một phần của Khánh Hòa. Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được, làm như cái cấu tạo thanh quản của dân xứ Nẫu đã khác đi so với người xứ khác. Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…người xứ Nẫu nói cho người xứ Nẫu nghe, cho nên từ ngữ quê mùa cục mịch, đến mức câu ca dao mẹ hát ru con cũng nặng trình trịch, nhưng mà nặng nhất là cái tình:

Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ

Hồi nhỏ, mỗi lần tôi làm điều gì không đúng, ông nội tôi thường nói: “đửng làm dẫy, nẫu cừ” (đừng làm vậy, người ta cười), nhưng cũng có khi ông nội cho tôi thoải mái, muốn làm gì thì làm, kể cả vấn thuốc rê của ổng ra sân ngồi hút phì phà như người lớn, vì: “nẫu cừ thì kệ nẫu cừ, nẫu cừ lạnh bụng, hở mười cái răng”. Dân Nẫu đúng như giọng xứ Nẫu, hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch… 

Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam. Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy), Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều, ít bạn, nhưng nếu có bạn, nẫu sẽ sống chết với bạn.

Công ty tôi có mấy trăm người công nhân, hầu hết là dân Nẫu. Công nhân của công ty tôi tay nghề cũng bình thường, không có gì đặc biệt hơn các công ty khác, nhưng đi làm ở đâu thường hay được chủ nhà thương, hàng xóm thương, vì dân Nẫu hiền queo, vì dân Nẫu không biết tính toán thiệt hơn, vì dân Nẫu cần mẫn…

Dân Nẫu cục mịch nổi tiếng, câu nói nổi tiếng của dân nẫu là một câu tỏ tình, “yêu không yêu thì thâu, nói dứt phát". Ừ thì dân Nẫu rành rọt, yêu ghét rành rọt, tình yêu cũng “dứt phát” huống gì thứ khác. Rành rọt, dứt phát vậy nên Nẫu cũng thường bị từ chối, bị phản bội. Xin giới thiệu một bài hát nổi tiếng của dân Nẫu, bài hát “Trách Thân”, được chuyển lời từ bài dân ca cổ “Nẫu Ca”  bởi Nhạc Sĩ Phan Bá Chức và Nguyễn Hữu Ninh, bài này tôi đã nghe NS Phan Bá Chức trình bày, hay đến rơi nước mắt, bản này do Hoài Linh ca bằng giọng Nẫu nhưng chưa chuẩn lắm, chỉ là nghe được.


Thân, trách thân nè. Thân sao chớ lận đận nè
Mình, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu
Chớ bởi thân tui, Tui cực khổ, tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa
Mà nó theo Nẫu rồi...

Em ơi chớ bây giờ mà
Em ở kìa nơi đâu?
Chớ để cho anh nè
Anh trông đứng nữa trông ngầu (ngồi)
Rồi canh phia (khuya), chớ hầu (hồi) nào
Qua Phú Lễ ăn ẩu (ổi) chua
Chớ xuống Đại Lãnh, uống nước ngót
Chớ qua Hòn Dừa, ăn mực neng (nang)
Chớ bây giờ em không ngó nữa
Em không ngàng đến chồng nghèo nó cực khổ
Mà gian nan nó cơ hàn...

Hầu (hồi) nào chớ em thất nghiêp, em đi lang thang
Chớ anh thấy em nữa tậu (tội) nghiệp
Anh mang anh nuôi rày.
Hầu (hồi) nào em bán nước đá rầu (rồi) anh đi may.
Hai đứa mình nè, chung sống chứ không biết ngày rầu (rồi) mai sau.
Chớ hầu (hồi) nào em bắt ốc rầu (rồi) anh hái rau.
Chớ bây giờ, em đở (để) lại mối sầu này cho qua...

Hầu (hồi) nào trái chuối chín... Cũng cắn làm ba
Chớ trái cam tươi cũng cắn... Làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Chớ bây giờ em lấy Nẫu
Em ăn nằm, em bỏ Qua
Chớ Qua hiu quạnh, năm canh một mình...

Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh
Chứ giọt lợ (lệ) sầu, giọt lệ thảm,
Như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ, như con Cuốc nó kêu tù qua
Chớ nó lẻ đâu (đôi), nó lẻ bạn,
Í quơ chú cha ơi.... là buồn!

Tôi đi khắp Việt Nam, ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ nẫu, tôi dân nẫu, nẫu nè, nẫu ơi…

Nguyên Quán

Nguyên Quán:
Thôn Phong Niên, Xã Hòa Thắng, Huyện Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên





















http://tranhung09.blogspot.com/2011/03/nau-ca.html

No comments:

Post a Comment