Pages

Saturday, November 17, 2012

Lợi nhuận giảm, sếp ngân hàng bị nghi ngờ



Nợ xấu cao, lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng thấp…đã khiến các ngân hàng không còn lợi nhuận ‘khủng’ như trước.
Cho đến nay đã có gần chục tổ chức tín dụng công bố báo cáo tài chính quý 3/2012. Tuy nhiên, khác với mọi năm, khi lợi nhuận ngân hàng liên tục tăng và con số nghìn tỷ không phải hiếm hoi, năm nay, kết quả kinh doanh của các ngân hàng lại phủ một màu xám xịt. Chỉ có Vietinbank (CTG) và Vietcombank (VCB) là có lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận từ giảm hơn một nửa đến lỗ
Kết quả kinh doanh của ngân hàng ACB được dư luận quan tâm nhất, khi quý 3 vừa qua nhà băng này đã trải qua nhiều biến cố gây chấn động thị trường tài chính ngân hàng. Sự các nguyên lãnh đạo của ACB bị bắt giữ và khởi tố do làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng đã khiến một lượng tiền lớn của ngân hàng này bị rút ra.
Quý 3 cũng là thời điểm ACB cùng với Techcombank, Eximbank, Sacombank và Đông Á có hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối phải đẩy mạnh mua vàng từ ngoài thị trường để bù trạng thái nhằm kịp tất toán trước hạn 25/11. Việc mua vào đúng thời điểm giá lên cao và chênh lệch lớn với thị trường thế giới (2 - 3 triệu đồng/lượng) khiến các ngân hàng này bị tác động mạnh. Riêng ACB phải gánh khoản lỗ lên tới 1.144 tỷ đồng từ hoạt động này. Kết quả là dù các hoạt động kinh doanh khác mang về lợi nhuận, ACB vẫn chịu âm 659 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với mức lãi 892 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
LNTT của một số ngân hàng quý 3/2012 so với quý 3/2011
Hay như ở ngân hàng Bảo Việt, mức giảm tới xấp xỉ 85% xuống còn chưa đến 7 tỷ đồng. Ngân hàng Đại Á chứng kiến mức giảm lợi nhuận 47,5% còn 63 tỷ đồng ở quý 3.
Hai "ông lớn" Sacombank và Techcombank cũng không thoát khỏi xu hướng sụt giảm lợi nhuận, khi lần lượt giảm 16,3% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, LNTT còn 551 tỷ và 679 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng quý 3/2012 so với cùng kỳ
Dễ dàng nhận thấy, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đi xuống có nguyên nhân từ nợ xấu tăng mạnh và phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nếu như thời điểm cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống mới chỉ dừng ở con số 3,3%, thì đến thời điểm hiện nay, theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ đã lên tới 8,8 - 10% trên tổng dự nợ.
Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, đến 19/10 mới đạt 2,77%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng xấp xỉ 9% cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất cho vay của các ngân hàng sụt giảm mạnh, từ 6 - 8% so với thời điểm cuối năm ngoái cũng góp phần không nhỏ "bào mòn" lợi nhuận của các ngân hàng quý vừa qua.
Điểm sáng Vietcombank, Vietinbank
Trong số các tổ chức tín dụng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 nổi lên hai cái tên Vietcombank và Vietinbank. Dù trong bối cảnh khó khăn chung nhưng Vietcombank vẫn đạt mức tăng 6% LNTT so với cùng kỳ năm trước, lên 1.436 tỷ đồng, trong khi Vietinbank tăng ngoạn mục tới 70% lên 3.177 tỷ đồng.
Vietinbank lý giải rằng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và thể hiện chiến lược của VietinBank trong việc tăng nguồn thu nhập từ dịch vụ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của VietinBank đạt 264 tỷ đồng, cạo gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2011. Còn theo báo cáo tài chính của Vietcombank, do không bị lỗ từ hoạt động kinh doanh khác nên dù thu nhập từ lãi giảm nhưng ngân hàng vẫn có lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, các ngân hàng duy trì được lợi nhuận cao hơn năm trước có thể là do họ đã khéo léo cắt giảm chi phí, bên cạnh việc quản lý rủi ro nguồn vốn hiệu quả.
Khó đạt mục tiêu
Đã qua 9 tháng, nhưng mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2012 mới đạt rất thấp, trong đó Vietinbank đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ hoàn thành là 66% còn ACB mới chỉ đạt 22%.
Trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng quý 3/2012 so với cùng kỳ
Trong 3 tháng cuối năm, hoạt động tín dụng - vốn chiếm 70 - 80% lợi nhuận của ngân hàng - dự kiến sẽ cải thiện hơn, tuy nhiên lợi nhuận cả năm sẽ khó hoàn thành.
Nguyên nhân là do, dù muốn đẩy nhanh tín dụng song ngân hàng vẫn dè dặt cho vay trong bối cảnh nợ xấu tăng cao và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu. Thêm vào đó, lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên theo chỉ đạo của NHNN, trong khi lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng, khiến cho chi phí của ngân hàng tăng lên. Việc các ngân hàng phải đẩy nhanh việc tự xử lý nợ xấu bằng cách tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ làm giảm lợi nhuận.

No comments:

Post a Comment