Thứ hai, 26/11/2012, 11:31 GMT+7
Sau va chạm chiếc nón bảo hiểm rẻ tiền vỡ nát, máu từ mũi và tai Phú tuôn trào. Gia đình đã bán cả nhà, vay mượn khắp nơi để chạy chữa, nhưng cuối cùng nữ sinh lớp 12 chỉ có thể sống đời thực vật.
Một ngày cuối tháng 2, như thường lệ, bà Võ Thị Thành
(55 tuổi, trú đường Chi Lăng, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) bảo con
gái đầu là Võ Thị Ngọc Tuyết (30 tuổi) đi đón em Võ Thị Ngọc Phú (20
tuổi, lúc ấy đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu). Bà
Thành đâu ngờ, cái ngày định mệnh ấy đã đẩy cả gia đình 7 con người vào
đường khánh kiệt, phải lay lắt đi thuê trọ khắp nơi.
Trong lúc Tuyết chở em gái bằng xe máy đến đoạn ngã tư
Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng (phường Tây Sơn, TP Pleiku) thì bị
Huỳnh Tấn Bảo (17 tuổi, trú xã An Phú) chạy từ hướng đường Hoàng Văn Thụ
lên, tông vào giữa trục xe. Cả 3 cùng văng ra giữa đường nhưng Bảo và
Tuyết chỉ bị xây xát nhẹ. Trong khi đó chiếc nón bảo hiểm loại rẻ tiền
của Phú vỡ nát vì không chịu va đập xuống mặt đường. Máu từ mũi và tai
Phú tuôn trào, người co giật mạnh.
Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 211, Phú được
chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn (Bình Định). Trong 5 tháng trời ở
Quy Nhơn, nữ sinh phải chịu rất nhiều lần phẫu thuật, trong đó có việc
mổ hai bên hộp sọ đỉnh đầu (một mảnh sọ não đang được nuôi trong bụng
em, một mảnh đã bị chết vì nhiễm trùng). Dù các bác sĩ đã tận tâm giành
lại sự sống và gia đình cũng đã chi tổng cộng gần 250 triệu đồng, song
vô vọng. Phú phải chịu cảnh sống đời thực vật.
Hàng đêm người mẹ thủ thỉ bên tai con gái những ước mơ, hoài bão với ước nguyện tàu lá queo quắp kia sẽ đáp lại lòng bà. Ảnh: Tuỳ Phong |
Nói đến gia đình bà Thành bán phở, người dân sống
quanh khu vực nút giao thông Phạm Phạm Văn Đồng - Phan Đình Phùng ai
cũng biết. Bà Thành là chủ một xe phở cóc, còn ông chồng Nguyễn Trường
Linh (55 tuổi) chạy xe ôm. Đều như vắt chanh, bất kể nắng mưa, cứ 17h
hàng ngày bà Thành đẩy xe phở ra vỉa hè gần nút giao thông, bán đến 3h
sáng hôm sau mới dọn về. Gia cảnh dù khó khăn là thế, song hai thân già
vì chịu thương chịu khó nên 4 người con đều học hành tử tế, sống lễ
phép, đàng hoàng.
Bà Thành kể, tích cóp mãi hai vợ chồng mới xây dựng
được căn nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Nhưng không ngờ khi Phú bị
tai nạn, tài sản quý giá nhất ấy cũng đành phải bán được gần 150 triệu
đồng để lo cho con. Cả nhà bà phải đi ở trọ từ đó. Gia đình người gây
tai nạn chỉ hỗ trợ được vài triệu đồng rồi bỏ lửng không một lời hỏi
thăm.
Toàn bộ số tiền có được đổ hết vào việc chạy chữa cho
Phú. Rồi số tiền vay mượn bà con, bạn bè hàng chục triệu đồng cũng sớm
cạn kiệt theo những ca phẫu thuật cho Phú. "Khi không thể gồng nổi nữa
cũng là lúc bệnh viện cho biết bệnh tình Phú không còn khả quan. Lúc này
chủ nhà trọ lại không cho đưa Phú vào nhà vì sợ con tôi chết ở đó sẽ là
điềm không may. Chúng tôi cũng đã đi hỏi nhiều chỗ, nhưng đến đâu cũng
đều nhận được cái lắc đầu", bà Thành rưng rưng nói và cho biết gia đình
lại phải đưa Phú nhập bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Dù không phải tốn
tiền điều trị song việc duy trì sự sống cho con mỗi ngày hết hơn 400.000
đồng.
Cả gia đình bà chỉ trông vào gánh phở và việc chạy xe
ôm của cha lũ nhỏ. Song những hôm mưa gió bão bùng, hay những khi bị
công an đuổi, việc làm ăn ế ẩm, có khi cả ngày đêm hai vợ chồng chỉ kiếm
được 200.000 đồng. Cả nhà chỉ ăn tạm cho qua bữa, nhưng phải đi vay
nóng để bù vào tiền thuốc và đồ ăn cho Phú. Mọi thành viên trong nhà
phải chia nhau cứ hai tiếng một lần cho Phú ăn và vệ sinh cho em. Duy
trì như vậy được một thời gian, người thân và bạn bè thương tình gom góp
tiền, cất tạm căn nhà 40 m2 (80 triệu đồng) để gia đình bà Thành tiện
việc chăm sóc con.
Cũng như bao nhiêu bà mẹ khác cùng hoàn cảnh, bà Thành
đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đầu tiên, khi hay tin con mình bị
nạn, bà nghĩ rằng chắc chỉ bị chấn thương nhẹ thôi, rồi nó sẽ nhanh
chóng khỏe lại để đến trường, đây là kỳ học hết sức quan trọng của đời
học sinh mà. Sau đó, bà lại tin rằng, nó chỉ nằm một thời gian chứ y học
giờ tiên tiến, các bác sĩ giỏi lắm. Xem tivi thấy có người sau nhiều
năm thậm chí cả chục năm sống đời thực vật vẫn có thể tỉnh lại, bà lại
thầm nhủ: "Con mình chắc chắn sẽ tỉnh lại". Rồi sau một đêm mưu sinh vất
vả, khi con gà đã cất tiếng gáy, bà mới có thời gian nằm bên con gái,
thủ thỉ những ước mơ, hoài bão về con với một ước nguyện một ngày nào
đó, tàu lá queo quắp kia sẽ đáp lại lòng mẹ.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông mà Phú là nạn
nhân, ông Nguyễn Lộc Oanh, Phó công an TP Pleiku cho biết đã khởi tố
điều tra Huỳnh Tấn Bảo vì hành vi vi phạm quy định về điều khiển giao
thông đường bộ, kết quả giám định thương tật của bị hại là 82%.
Giải thích lý do của việc chậm trễ xử lý, ông Oanh cho
rằng, vụ tai nạn xảy ra không có hậu quả chết người nên ban đầu do Đội
CSGT xử lý, việc ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ là cứu chữa nạn nhân.
Tùy Phong
No comments:
Post a Comment