Pages

Thursday, March 28, 2013

Một cách kiếm tiền vô tội vạ



BLOG CỦA ALAN ngày thứ năm 24/5/2012
Rất nhiều bạn đọc cũng như các phóng viên kinh tế hỏi tôi về nghịch lý tại sao những ngân hàng Việt dư tiền nhiều, lợi nhuận cao; trong khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu tín dụng trầm trọng.
Thực ra, nguyên nhân của vụ việc này rất dễ hiểu và phương cách kiếm tiền của ngân hàng Việt cũng không khác các ngân hàng Mỹ trong kỳ khủng hoảng tài chánh bao nhiêu. Cuối 2007, khi nợ xấu và thanh khoản của các đại gia ngân hàng Mỹ đe dọa trầm trọng sự sinh tồn của nền tài chánh cờ bạc, Bush rồi Obama (dưới ảnh hưởng của nhóm Goldman Sachs) phải tung các gói kích cầu để cứu bồ. Dưới danh nghĩa ích lợi chung của Main Street (nhóm nhân dân làm ăn thực), Cơ Quan Dự Trữ Trung Ương (Federal Reserve) ra tay cứu Wall Street với hơn 2 ngàn tỷ đô la trong vài năm qua. Fed cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất cực thấp (hiện nay là 0.25%) để các ngân hàng có thanh khỏan mà mở van tín dụng cho doanh nghiệp. Lý thuyết là khi ngân hàng có tiền, doanh nghiệp sẽ được vay để sản xuất, nạn thất nghiệp sẽ giảm, và thị trường sẽ hồi phục.
Nhưng các ông chủ quản lý ngân hàng lại nghĩ khác. Kinh tế đang suy thoái, nợ xấu đang đầm đìa, nhu cầu tiêu dùng thắt lại…đưa tiền cho doanh nghiệp là một phiêu lưu không cấn thiết. Trong khi đó, trái phiếu chánh phủ Mỹ (100% an toàn) đang trả khoảng 3%. Tay phải lấy của chánh phủ 0.25 %, tay trái cho chánh phủ vay lại 3.05%. Một đứa con nít 3 tuổi cũng có thể kiếm tiền suốt ngày với thủ thuật này. Muốn lời cao hơn thì quay qua trái phiếu của Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Đó là lý do chính tại sao các năm vừa qua, các đại ngân hàng Mỹ luôn có siêu lợi nhuận. Chánh phủ còn tốt hơn với mấy đứa con cưng: họ bỏ thêm cả núi tiền để mua lại các nợ xấu.
Dĩ nhiên, các chánh trị gia lúc đó kêu gào là các ngân hàng đã lợi dụng tiền thuế của dân để thủ lợi mà không đếm xỉa gì đến lợi ích chung. Nhưng các chuyên gia độc lập đều thừa biết rằng khi thiết kế các gói kích cầu này, các nhà lãnh đạo tài chánh trong Toà Bạch Ốc đã biết rất rõ đường đi của dòng tiền: OPM (tiền thuế của dân), để chúng chạy lăng quăng một chút cho mất dấu, rồi quay về lại chánh phủ, trừ đi các khoản huê hồng, 2% lợi nhuận, tiền lời thoải mái cho các bạn đồng nghiệp cũ. Nếu dân có kêu ca, thì cho Obama và bà vợ làm vài bài diễn văn vô nghĩa cho đám dân ngu (thực ra họ không ngu, nhưng quá bận mưu sinh, coi đá bóng, chơi game, quay cuồng với siêu sao và surf không ngớt các trang sex trên mạng…). Một bài tính nhỏ cho thấy 3% của 2 ngàn tỷ là 60 tỷ đô la chưa tính các phí giao dịch và huê hồng.
Khoảng 2.000 người ở Mỹ đi tù dài hạn trong năm 2011 vì cướp nhà băng một tổng số tiền là 7.5 triệu đô la. Không một người nào đi tù sau khi các ngân hàng móc túi Main Street để đánh bạc và để thua hơn 3 ngàn tỷ đô la trong 5 năm qua ở Wall Street. Obama vẫn coi các gói kích cầu là một chiến tích của mình khi vận đông tranh cử nhiệm kỳ 2. Các tập đoàn tài chánh và ngân hàng Mỹ thì âm thầm ghi nhận lợi nhuận cả trăm tỷ đô la mỗi năm. Các dân nghèo thì vẫn thất nghiệp dài dài và nhà cửa bị tịch biên vẫn gia tăng. Đại đa số người dân thì vẫn quan tâm đến các lời phê bình của bạn bè trên Facebook…hơn là chuyện bị ai móc túi.
Các tài liệu tôi đọc cho thấy lãi suất cứu trợ từ NHNN là từ 3.5% đến 8%. Trái phiếu của chánh phủ Việt Nam đang trả từ 11% đến 14%.
Tôi nghĩ là các bạn đọc và các ký giả bây giờ đã hiểu rõ hơn nguyên nhân của nghịch lý này. Thực ra, không có gì là nghịch lý trong một canh bạc bịp.
  Alan

Friday, March 22, 2013

Ngôn ngữ: Tiếng Anh bản địa

Thứ hai, ngày 18 tháng hai năm 2013


(Tiếp theo)
Thuật ngữ “tiếng Anh bản địa” dùng trong bài viết này bao gồm tiếng Anh của người Anh (British English) và tiếng Anh của người Mỹ (American English). Bên cạnh đó còn có các quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh & Mỹ nhưng cho đến ngày nay vẫn coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.
Hai lá cờ Mỹ & Anh tượng trưng cho tiếng Anh bản địa
Tiếng Anh thuộc nhóm ngôn ngữ German trong ngữ hệ Ấn-Âu, đây là ngôn ngữ sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Ngoài Vương quốc Anh và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, tiếng Anh còn giữ địa vị ngôn ngữ chính thức tại các nước thuộc khối Liên hiệp Anh như Scotland, Wales, Bắc Ireland, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Ireland và một số đảo quốc trong vùng Caribbean.
Anh ngữ là hậu thân của một ngôn ngữ chung được sử dụng bởi các giống người Angle, Saxon và Jute – thường được gọi chung là người Anglo-Saxon. Ba giống dân này thuộc các dân tộc German, từng sống ở những vùng nay là Hà Lan và phía bắc nước Đức.
Các nhà ngôn ngữ học gọi tiếng Anh phát triển trong ba thế kỷ sau năm 1066 là tiếng Anh Trung cổ (Middle English). Hai tác phẩm nổi tiếng được viết bằng tiếng Anh thời kỳ này là Beowulf (sử thi, viết vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10) và The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer [1].
Tiếp đến là thời kỳ tiếng Anh Cận đại (Modern English) được các nhà ngôn ngữ học tính từ đầu thế kỷ 16 và người có công nhất trong sự phát triển thời kỳ này là văn hào nổi tiếng của Anh, William Shakespeare [2]. Đây chính là tiếng Anh được dùng phổ biến trên thế giới ngày nay.
Trong số các dân tộc dùng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ, có khoảng 71% dùng American English, 15% nói tiếng Anh British English, 7% nói tiếng Canadian English và phần còn lại nói các loại tiếng Anh khác được gọi chung là “tiếng lai” (creole hay pidgin), kết hợp giữa tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương.
Tiếng Đức trước đây là ngôn ngữ của khoa học. Nhưng ngày nay, hơn 80% các bản ghi chép khoa học được trình bày với ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Tương tự, quá nửa tài liệu kỹ thuật và khoa học trên thế giới cũng được phổ biến bằng tiếng Anh. Anh ngữ còn được dùng trong các lĩnh vực kinh tế, y học, điện tử và kỹ thuật không gian.
Trên tạp chí Fortune, Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ, cho rằng mẫu số chung cho sự thành công của các quốc gia ngày nay là tiếng Anh. Phần thế giới không nói tiếng Anh thường không theo kịp trào lưu, đơn giản vì họ không có khả năng đọc nguyên tác các học thuyết kinh tế viết bằng tiếng Anh [3].  
Ngôn ngữ của thời đại thông tin ngày nay cũng là tiếng Anh. Hơn 80% nguồn dự trữ thông tin của hàng trăm triệu máy tính khắp thế giới là tiếng Anh. 85% các cuộc trao đổi qua điện thoại quốc tế được sử dụng bằng tiếng Anh. Chương trình chỉ dẫn trên máy tính và các chương trình phần mềm cũng thường sử dụng tiếng Anh.
Nhà sản xuất từ điển Mỹ, Merriam-Webster, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu các từ ngữ được tra cứu nhiều nhất trong năm 2004 trên Internet và vị trí hàng đầu là từ “blog”, một từ mới xuất hiện trong năm bầu cử tổng thống Mỹ. “Blog” được Merriam-Webster định nghĩa như một trang web có “tờ báo cá nhân trực tuyến” trong đó có bình luận và thường được kết nối với các trang web khác.
Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa thuần túy trong ngôn ngữ học (linguistic purists) không chấp nhận những từ lai ghép trong tiếng Anh theo kiểu “English language hybrids”, đặc biệt là tiếng Anh trên Internet. Họ không chấp nhận “emailear” thay cho “email” (điện thư, thư điện tử), “surfen” thay vì “surf” (lướt web) hoặc “downloaden” thay cho “download” (tải xuống từ trên mạng).
Người ta còn lo ngại hiện tượng “weblish”, tạm dịch là ngôn ngữ sử dụng trên các trang web. Người viết tiếng Anh trên Internet và các phương tiện truyền thông khác rất dễ trở nên cẩu thả. Chẳng hạn như việc lười không sử dụng chữ hoa khi viết e-mail hoặc cách viết tắt quá dễ dãi trong khi “chat” cũng như cách viết khi nhắn tin trên điện thoại di động.
Những câu tiếng Anh được viết tắt đến độ chỉ còn là những mẫu tự chứ không phải là câu chữ, được sử dụng ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông khiến một số người lo ngại ngôn ngữ trở thành những “ám hiệu” bí ẩn. Ngày nay không ít người viết “RUF2T” thay vì “Are you free to talk?”; “CUL8R” (See you later) hoặc thậm chí một câu dài như “I just called to say I love you” biến thành “IJC2SaILuvU”!
Điều đặc biệt của tiếng Anh là sự vay mượn từ gần 350 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng Thời Trung Cổ (Middle Ages) đã có khoảng 60.000 từ ngữ thâm nhập vào tiếng Anh. Đó là những từ có xuất xứ từ tiếng Pháp, Latin, Hy Lạp, Ý, Đức và Tây Ban Nha.
Theo David Crystal, chuyên gia ngôn ngữ và cũng là Giáo sư Danh dự của Đại học Wales, sự mở rộng bằng cách vay mượn từ các ngôn ngữ khác là một trong những lý do khiến tiếng Anh thành công như ngày nay. Crystal nhận xét:
“Từ vựng của Shakespeare, cả về diện và lượng, xuất phát từ việc ông sử dụng các từ có xuất xứ từ tiếng Đức, Pháp và Latin để đặc tả những nhân vật khác nhau trong các vở kịch của ông” [4]
Lướt qua một số từ vựng tiếng Anh ngày nay, ta có thể thấy ngay sự vay mượn đó. Có những từ ngữ người ta dùng quá quen thuộc nên hầu như không hề biết chúng có xuất xứ từ ngôn ngữ nước ngoài.
Điển hình nhất là “kindergarten” (mẫu giáo), một từ theo tiếng Đức có nghĩa là vườn trẻ. Khái niệm về vườn trẻ được Friedrich Fröbel đưa ra từ năm 1837 tại Bad Blankenburg. Vườn trẻ là bước chuyển tiếp từ gia đình sang trường học cho trẻ con chưa đến tuổi đến trường.
“Hot dog” là một món ăn của Mỹ với nhiều huyền thoại có dính dáng đến nước Đức và tiếng Đức. Vào đầu thế kỷ 20, ở Đức, việc tiêu thụ thịt chó là điều bình thường và từ “dog” hầu như đồng nghĩa với xúc xích “Frankfurter Würstchen” từ năm 1884. Tiếng Đức “Würstchen” có nghĩa là loại xúc xích nhỏ, còn “Frankfurter” xuất xứ từ thành phố Frankfurt.
Ý tưởng bán bánh mì kẹp xúc xích là của một người Đức ở thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri vào năm 1880. Bánh khá nóng nên hồi đó người bán còn tặng khách chiếc găng trắng mỗi khi mua. Thế là “Frankfurter” một mặt du nhập vào nước Mỹ, mặt khác làm giàu cho kho từ vựng tiếng Anh. Ngày nay Hot Dog còn liên quan mật thiết với môn thể thao bóng chày tại Mỹ, khán giả vừa xem trận đấu vừa ăn Hot Dog mới đúng điệu Huê Kỳ! [5]
Xe bán Hot Dog ở thành phố New York (1906).
Giá bán được ghi là 3 cents 1 cái hoặc 5 cents 2 cái
Tiếng Anh cũng mượn của tiếng Pháp những từ ngữ ta thường gặp trên sách báo. Thỉnh thoảng trên báo tiếng Anh ta gặp tin đại loại như “a bloody coup d’etat” hoặc “a military coup” về một cuộc đảo chính đẫm máu hoặc cuộc đảo chính do quân đội khởi xướng. Cuộc đảo chính thường kết thúc với việc hành quyết nhà độc tài bị lật đổ và “coup de grâce” là phát súng ân huệ cuối cùng!      
Tiếng Pháp cũng đi vào thời trang, ẩm thực trong cuộc sống hàng ngày của người dùng tiếng Anh là bản ngữ. Vào nhà hàng có thể chọn thực đơn “à la carte” theo giá của từng món, trong đó có món“soup du your” với hàm ý  “soup of the day”. Ăn mặc theo thời trang được mô tả là “à la mode”.
Tiếng Anh còn mượn cả tiếng Tàu. Chẳng hạn như từ “typhoon” xuất xứ từ chữ “đại phong” để chỉ một cơn bão lớn; “sampan” là ghe “tam bản”; “kowtow” là hành động “khấu đầu” để chỉ sự tôn kính. 
Kowtowing in a court
Giữa British English và American English cũng có nhiều điểm khác nhau cả về từ vựng, văn phạm, cú pháp lẫn cách viết. Ở Anh, để chỉ thang mày, người ta dùng từ “lift” trong khi tại Mỹ và Canada lại dùng “elevator”. Người Anh gọi môn bóng đá là “football” trong khi tại Mỹ là “soccer” vì tại đây “football” lại là môn bóng bầu dục!
Nội chuyện xe hơi cũng đã có nhiều khác biệt. Ở Anh, người lái xe tìm “car park” để đậu xe nhưng bên Mỹ lại phải kiếm “parking lot” mới đậu được; muốn lái xe bên Anh thì phải có “driving licence” còn bên Mỹ thì lại cần “driver's license”; xe bên Anh dùng hộp số “gearbox” còn bên Mỹ lại gọi là “transmission”; British English gọi xe tải là “lorry” qua đến Hoa Kỳ lại kêu là “truck”…
Thật oái ăm khi một tòa nhà 3 tầng “3-storey building” ở London, gồm tầng trệt (ground floor) và 3 tầng lầu, nhưng người Mỹ lại coi đó là nhà 4 tầng “4-story building” vì tầng trệt được tính là tầng 1. Điều này cho thấy không chỉ khác nhau về cách viết mà còn khác nhau cả về khái niệm.
Người ta thấy cách viết khác nhau giữa “storey”“story” như thí dụ về tầng lầu ở trên. British và American English có khá nhiều khác biệt về spelling: “neighbour” (láng giềng), “labour” (lao động), “colour” (màu sắc), “harbour” (bến cảng) ở bên xứ Hồng Mao sang đến Huê Kỳ lại viết là “neighbor”, “labor”, “color”, “harbor”.
Sự khác biệt trong cách viết giữa “cái đuôi” (tiếp vĩ ngữ)“our”“or” được các chuyên gia ngôn ngữ giải thích chỉ xuất hiện ở các từ ngữ khi phát âm không nhấn (unstressed) ở vần cuối. Ngược lại, những từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp hoặc Latinh chỉ có một cách viết duy nhất như “contour” (đường viền), “velour” (nhung, dạ), “troubadour” (người hát rong) ở cả British lẫn American Enlglish.
Bảng so sánh Tiếng Anh & Tiếng Mỹ
Còn rất nhiều trường hợp khác nhau về cách viết. Chẳng hạn như người Anh viết “centre” (trung tâm), “theatre” (rạp hát) người Mỹ đổi thành “center”, “theater”… “catalogue” (danh mục, mục lục), “dialogue” (đối thoại) biến thành “catalog”, “dialog” trong American English.
Một số từ ngữ tận cùng bằng “ise” lại biến thành “ize” khi sử dụng tại Mỹ: “apologise” (xin lỗi),  “criticise” (phê bình), “analyse” (phân tích)…  đổi thành “apologize”, “criticize”, “analyze”. Khác biệt về spelling giữa hai trường phái tiếng Anh bản địa còn rất nhiều nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ đưa ra một số trường hợp để tham khảo.
Giữa người Anh và người Mỹ cũng có những điểm khác biệt về văn phạm và cú pháp. Cùng muốn đi tắm, người Anh nói: “I'd like to have a bath” trong khi người Mỹ lại đổi là “I'd like to take a bath”. Cùng một lời khyên không cần phải giữ chỗ trước, người Anh cho ý kiến “You needn't reserve seats” nhưng người Mỹ lại nói “You don't need to reserve seats”.
British English Vs American English
Chuyện tiếu lâm kể rằng có một bệnh nhân đã bị ngất xỉu khi bác sĩ cho biết: “You’re going home to die!”. Đến khi tỉnh dậy thì bệnh nhân lại được xuất viện về nhà vì đã hết bệnh. Hóa ra chỉ vì người bệnh không nghe quen giọng Úc khi bác sĩ phát âm “today” thành… “to die”.
Nước Úc vốn là thuộc địa của Anh nên ngôn ngữ chính thức vẫn là British English nhưng tiếng Anh của người Úc mang “phong cách Úc” mà chỉ ở “xứ miệt dưới” (Down Under) mới có. Để người nước ngoài không bị “sốc” vì Australian English khi đến Úc xem thế vận hội Sydney 2000, hãng thông tấn Reuter đã có một bài báo về các “từ lóng” (slang word) và tiếng Anh ở Úc.
Trong kho từ vựng tiếng Anh có “D Day” (ngày đổ bộ của lực lượng đồng minh lên Normandy), tại Úc có “G Day” nhưng với nghĩa hoàn toàn khác. Người Úc thường chào nhau “G Day, mate!” với hàm ý chúc “good day”. “Mate” cũng được dùng phổ biến tại Úc để chỉ cả nam lẩn nữ.
Nước Úc cũng làm phong phú thêm cho kho từ vụng tiếng Anh với một số từ có nguồn gốc từ thổ dân (aborigine) như “kangaroo” (chuột túi), “koala” (một loại gấu nhỏ), “dingo” (chó rừng), “kookaburra” (một loại chim có tiếng hót như tiếng cười), “boomerang” (một loại vũ khí của thổ dân có thể tấn công mục tiêu rồi lại quay về với người ném). Tại Úc còn có một loại vẹt rất ồn ào mang tên “galah” thế nên ai đó được gọi là “galah” sẽ là kẻ… lắm mồm!
Thổ dân và boomerang
Những người Anh di dân sang Úc được gọi là “pom” trong khi “whingeing pom” lại là cụm từ ám chỉ những thành phần xấu đến từ nước Anh trong thời kỳ Úc còn là thuộc địa. Người Úc và Tân Tây Lan còn dùng “larrikin” để nói đến những kẻ vô lại và một băng lưu manh lại được mệnh danh là “push”.
Về thực phẩm, xứ kangaroo có “tucker” để gọi chung các loại đồ ăn. Kem que được gọi là “icy-pole” và món đặc sản nổi tiếng của Úc có tên là “vegemite”, một loại mứt trét lên bánh sandwich như marmalade ở các nước dùng tiếng Anh là bản ngữ khác.
Đặc biệt hơn cả là món “rat’s coffin”, hoàn toàn không liên quan đến thịt chuột mà cũng chẳng phải là “quan tài chuột”, chỉ thuần túy là món bánh kẹp thịt theo cách gọi của người Úc xưa. Ngày nay, giới trẻ tại Úc đã quên dần cái tên “rat’s coffin”, họ thích “thịt chó nóng” (hot dog) của Mỹ hơn!
Vegemite
Một số người cho rằng xu hướng vay mượn trong ngôn ngữ là một hiện tượng đáng khuyến khích vì nhờ đó ngôn ngữ được phong phú hơn và sự giao tiếp với các ngôn ngữ khác cũng dễ dàng hơn. Nhiều người thậm chí còn nghĩ đến việc một ngày nào đó thế giới sẽ có một ngôn ngữ chung và tiếng Anh là ứng cử viên hàng đầu.
Ngày đó chắc hẳn còn quá xa vời vì ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để liên lạc giữa con người với nhau trong khi các dân tộc luôn cố gắng bảo tồn di sản văn hóa của mình!
***
Chú thích:
[1] Geoffrey Chaucer (1343 – 1400) là tác gia, nhà thơ, nhà triết học, công chức, quan tòa và nhà ngoại giao người Anh. Ông được hậu thế tôn vinh là cha đẻ của nền văn học Anh, Chaucer còn được một số học giả vinh danh là tác giả đầu tiên thể hiện được tính nghệ thuật của tiếng Anh nguyên thủy, ngoài tiếng Pháp hay tiếng La tinh.
Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là tập truyện dài The Canterbury Tales còn đang viết dở dang. Các tác phẩm khác gồm:
  • The Book of the Duchess
  • The House of Fame
  • Anelida and Arcite
  • Parlement of Foules
  • Troilus and Criseyde
  • The Legend of Good Women
  • Treatise on the Astrolabe
Geoffrey Chaucer
[2] William Shakespeare (1564 – 1616) là một nhà văn và nhà viết kịch Anh, được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông cũng được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh. Những tác phẩm của ông bao gồm 38 vở kịch, 154 bản sonnet, 2 bản thơ tường thuật dài, và vài bài thơ ngắn. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào.
William Shakespeare
[3] Paul Krugman viết trên Fortune: 
“The common denominator of the countries in this age of dashed expectations is that they are the countries where English is spoken. The non-English-speaking world often misses the tide simply because they are not able to read English economic theories in originals”
[4]: Trong cuốn English as a Global Language, David Crystal nhận xét:
“Both the range and depth of Shakespeare’s vocabulary comes from the way in which he employs Germanic words, French words and Latin words to characterise the different people that he has in his plays”
[5] Tham khảo về Hot Dog trên Wikipedia: 
(Còn tiếp)
***

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/02/ngon-ngu-tieng-anh-ban-ia.html

Ngôn ngữ: tiếng Anh vòng quanh thế giới

Thứ bảy, ngày 16 tháng hai năm 2013



Xanh đậm: những quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức
Xanh nhạt: Những quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai
Tiếng Anh ngày nay đang trên đường bành trướng khắp thế giới. Ở Âu châu, tiếng Anh đã chinh phục tiếng Pháp của Molière, tiếng Đức của Goethe, tiếng Tây Ban Nha của Cervantes… Tại Phi châu, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quan trọng bậc nhất tại các nước như Nam Phi, Liberia, Zimbabwe.
Sang đến Á châu, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng bản địa tại một số quốc gia như Phi Luật Tân (Philipin), Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai (Malaysia), Hồng Kông và ngay cả Việt Nam…
Trước sự bành trướng này, một số quốc gia ở Âu châu đã có những phong trào kêu gọi bảo vệ ngôn ngữ bản xứ trước làn sóng bành trướng của tiếng Anh. Điển hình tại Nga, Đệ nhất phu nhân Lyudmilla Putin là người cổ xúy việc bảo vệ tiếng Nga trước sự xâm nhập âm thầm của tiếng Anh.  
Tại một nước nhỏ như Thụy Sĩ, với dân số khoảng 7,5 triệu người nhưng lại có tới 4 ngôn ngữ chính thức là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh, đã xuất hiện một tổ chức “Bảo vệ tiếng Pháp” qua chủ trương Thụy Sĩ không cần một ngôn ngữ chính thức thứ năm, ám chỉ tiếng Anh.
Người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chiếm khoảng 1/5 dân số, họ chống đối việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 9 tuổi trở lên tại những khu vực nói tiếng Đức. Lý do cũng dễ hiểu: phải đến 11 tuổi trẻ em mới được học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Ý tại khu nói tiếng Đức. Sẽ là điều bất hợp lý nếu dậy tiếng Anh trước cả tiếng Pháp, tiếng Ý.
Tại Pháp, Tổng thống Jacques Chirac đã từng quan niệm: “Đối với nhân loại, không gì tệ hơn là việc tiến đến tình trạng chỉ nói được có một ngôn ngữ”. Người Pháp bây giờ dùng những từ như “le week-end”, “OK”… một cách tự nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày. Ngược lại, nhiều người Pháp cứ tưởng “computer” có xuất xứ từ tiếng Anh trong khi nó có nguyên thủy từ tiếng Pháp gốc Latin!
Người Đức cũng rất chuộng tiếng Anh nhưng khổ nỗi họ phát âm giọng Đức nên nhiều người nước ngoài lại tưởng lầm là họ nói tiếng Đức. Họ dùng những cụm từ tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày như “happy birthday” (chúc mừng sinh nhật), “last minute” (vào phút chót), “just for fun” (cho vui vậy thôi)…
Tiếng Anh cũng được người Đức dùng để diễn tả những khái niệm như “sex appeal” (sự quyến rũ dục tính) hoặc “geoutet” được hiểu là người có khuynh hướng đồng tính. Tại Đức, “handy” được dùng để chỉ điện thoại di động (mobile phone) nhưng “mobbing” lại ám chỉ sự quấy rối tình dục tại nơi làm việc (harrassment in the work place).
Tại những quốc gia ở Âu châu mà tôi có dịp đến thăm, tiếng Anh được sử dụng tại nước Đức và Áo gây nhiều ấn tượng nhất. Ở những nơi này, ngoại ngữ được dạy ưu tiên trong trường học là tiếng Anh, kế tiếp theo đó là tiếng Pháp.
Tiếng Đức đã từng một thời là ngôn ngữ chung (lingua franca) ở trung tâm châu Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Về phương diện ngôn ngữ, khi đến Áo người ta có cảm giác là vẫn ở Đức vì cả hai nước đều dùng chung tiếng Đức. Cũng vì thế, khi họ nói tiếng Anh vẫn thấy cùng một giọng điệu, đó là “German accent”.
Giống như người Đức, người Hòa Lan cũng du nhập một số từ tiếng Anh nhưng lại biến đổi ý nghĩa. Đối với người Hòa Lan, “pocket” có nghĩa là sách bìa mỏng (paperback) còn “touringcar” lại là xe buýt đường dài (coach).
Tại Âu châu, tiếng Anh mang sắc thái riêng của từng quốc gia sử dụng nó nên có những thuật ngữ như“Franglais” là tiếng Anh của người Pháp, “Spanglish” tiếng Anh của người Tây Ban Nha và thậm chí còn có cả “Denglish” là tiếng Anh pha trộn với tiếng Đức tại những khu vực nói tiếng Đức.
Điểm nổi bật tại Âu châu là việc hình thành Liên minh châu Âu hay Liên hiệp châu Âu mà ta quen gọi theo tiếng Anh là EU (European Union). EU là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/11/1993.
EU có hơn 500 triệu dân với 23 ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng Anh là ngoại ngữ được 51% dân số EU sử dụng, bao gồm cả người bản ngữ tiếng Anh, sau đó mới là tiếng Đức và tiếng Pháp. Điều khá lý thú là người Anh chỉ chiếm 13% dân số EU nhưng tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ chính thức trong khi Đức chiếm 18% và Pháp 12% dân số. 
Cờ các quốc gia trong EU
Tại Phi châu, Cộng hòa Nam Phi có tới 11 ngôn ngữ chính thức: Tiếng Afrikaans, tiếng Anh, Ndebele, Bắc Sotho, Nam Sotho, Swati, Tsonga, Tswana, Venda, Xhosa và Zulu. Vì đã một thời là thuộc địa của Vương quốc Anh nên tiếng Anh ngày nay vẫn được sử dụng phổ biến trên toàn quốc. Trong 4 ngôn ngữ được dùng nhiều nhất tại các gia đình ở Nam Phi, tiếng Anh chiếm gần 6 triệu người trong số 47 triệu dân sinh sống tại đây.
Nigeria có đến 520 ngôn ngữ bản địa và đó cũng là lý do tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chính thức hầu tạo thuận lợi cho việc thống nhất văn hóa và ngôn ngữ. Sự lựa chọn này có liên quan đến một thực tế là một phần của dân số Nigeria nói tiếng Anh, kết quả của việc Nigeria nằm dưới sự cai trị của người Anh cho đến năm 1960.
Liberia cũng chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh 31 thổ ngữ địa phương. Tiếng Anh tại Liberia được gọi là “Liberian English” mang đậm ảnh hưởng của American English hơn là British English. Người ta nhận ra ngay tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ qua lá cờ của Liberia cũng với một ngôi sao và 11 sọc ngang màu đỏ trắng.
Quốc kỳ Liberia
Tại châu Á, thực tế cho thấy “cây ngôn ngữ tiếng Anh” (English language tree) lại được phân thành nhiều nhánh mà các nhà ngôn ngữ học gọi bằng các tên như “Singlish” (Singaporean English, tiếng Anh của người Singapore), “Manglish” (tiếng Anh tại Malaysia), “Chinglish” (Chinese English, tiếng Anh của người Tàu) và “taglish” (Tagalog English, tiếng Anh của người Phi Luật Tân nói tiếng Tagalog). 
“Cây Ngôn Ngữ” tiếng Anh khắp thế giới
Tại Phi Luật Tân (Philippines) có hơn 170 thổ ngữ địa phương được dùng nhưng theo hiến pháp năm 1987, Tagalog và tiếng Anh được chọn là ngôn ngữ chính thức. Việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân đã giảm sút kể từ thời cai trị của Hoa Kỳ nhưng ngôn ngữ Tây Ban Nha vẫn có ảnh hưởng lớn trong văn hoá Phi Luật Tân, một di sản của hàng thế kỷ thuộc địa Tây Ban Nha.
Ảnh hưởng văn hoá Hoa Kỳ đối với Phi Luật Tân chỉ bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay. Di sản lớn nhất là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh, còn được gọi là Taglish (Tagalog English). Thổ ngữ Tagalog, còn được gọi là Pilipino, được 1/3 dân số Phi Luật Tân sử dụng còn tiếng Anh được dùng trong các văn bản và hoạt động của chính phủ.
Cũng có một số khuynh hướng văn hoá Mỹ khác đang phát triển tại Phi như việc ưa thích thức ăn nhanh (fast-food). Bên cạnh những ông khổng lồ Mỹ như McDonald's, Pizza Hut, Burger King, KFC, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong nước cũng mọc lên như nấm, trong đó phải kể đấn Jollibee, Greenwich Pizza và Chowking.
Tôi đã đến Manila, thủ đô của Phi Luật Tân, và điều đáng chú ý là những chiếc Jeepney được sơn phết sặc sỡ chạy trên đường phố. Jeepney có xuất xứ từ xe Jeep của quân đội Mỹ để lại và được người Phi cải biến thành những chiếc xe bus chở khách. Người Mỹ đã ra đi nhưng họ còn để lại những chiếc Jeepney như một kỷ niệm sống động trong nền văn hóa đa dạng của Phi Luật Tân. 
“Jeepney”, nhãn hiệu xe chỉ thấy ở Phi Luật Tân
Tạp chí Asiaweek cho rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành “một cầu nối giữa các cá nhân, công ty và quốc gia tại châu Á trong thiên niên kỷ mới” [1]. Số đặc biệt trên Asiaweek cho rằng từ vị trí một kỹ năng hữu dụng, tiếng Anh ngày nay đã trở thành “điều kiện tiên quyết” (prerequisite) để người châu Á đạt được hai mục tiêu chính trong cuộc sống hàng ngày. Thứ nhất là việc làm tốt nhất và kế đến là thu nhập cao nhất.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Giáo dục Najib Tun Razak, tiết lộ với Asiaweek về mối quan tâm ngày càng gia tăng của chính phủ qua nỗ lực nâng cao trình độ tiếng Anh trong hệ thống giáo dục [2]. Ông cho rằng ngoài vai trò quan trọng trong các lãnh vực kinh tế và ngoại giao, tiếng Anh còn giữ vai trò một ngôn ngữ hàng đầu trong việc học tập vì hầu hết mọi sách giáo khoa đều viết bằng tiếng Anh trong khi chính phủ không thể nào dịch hết được sang tiếng bản xứ.
Người Malaysia nói thứ tiếng Anh mà họ gọi là Manglish (còn được gọi là Malglish hay Mangled English). Tiếng Anh loại này gồm một số từ ngữ có nghĩa lạ với những người nói tiếng Anh. Chẳng hạn như “OK lah” có nghĩa là khá tốt, nhưng “not bad” lại hàm ý rất tốt; “already” có ý là bây giờ như trong câu “he’s fat already”. “Send” lại có nghĩa là cho ai đó đi nhờ xe: “I send you home lah”. Muốn tìm hiểu thêm về Manglish mời các bạn theo dõi câu chuyện qua điện thoại trong hí họa dưới đây [3]:  
Manglish
Joseph Wong Wing-ping, viên chức hàng đầu ngành giáo dục Hồng Kông, lại đề cập đến vai trò của tiếng Anh trong công nghệ thông tin. Theo ông, ngày nay có đến 80% các trang web trên Internet sử dụng tiếng Anh cho nên việc thông thạo tiếng Anh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thông tin cũng như công nghệ vi tính.
Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Vốn là một thuộc địa cũ của Anh, các thảo chương viên người Ấn thông thạo tiếng Anh đã dành được rất nhiều hợp đồng giải quyết vấn đề Y2K [4] cho các khách hàng khắp thế giới. Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn giữ tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Hindu và 21 ngôn ngữ bản địa khác.
Hồng Kông xưa kia cũng là một thuộc địa của Anh nhưng trình độ tiếng Anh của người dân tại đây lại không phải là một điều đáng tự hào. Người Hồng Kông nói Chinglish, một loại tiếng Anh pha trộn giọng Quảng Đông (Cantonese) nên đúng ra phải gọi tiếng Anh tại đây là Cantonese English.
Asiaweek cho rằng có thể đánh giá một thành phố qua trình độ tiếng Anh của giới tài xế taxi. Tạp chí đã đưa ra một đoạn đối thoại dưới đây giữa phóng viên Asiaweek và một người lái taxi tại Hồng Kông:
- Wan Chai, please
            - Okay.
            - It is really hot to day, isn’t it?
            - Wan Chai, I know.
            - Can you drive faster?
            - Wan Chai, yes, yes.
            - Do you know what I’m saying?
            - Sorry, ng sik gon yin men [I don’t speak English].
Singapore là nước có trình độ tiếng Anh cao nhất trong khu vực. Dưới đây cũng là một đoạn đối thoại giữa phóng viên Asiaweek với một tài xế taxi tại Singapore:
- Amara Hotel please.
- Amara Hotel, yes, thank you.
- Do you always listen to this radio channel?
- Morning from 7 a.m. to 10 a.m. I listen to Newstalk. Then listen to Radio One.
- Do you know a lot about music?
- Wah, I driving every day. No music, I go crazy. I like English songs some more. Chinese songs okay, lah.      
Bác tài trong đối thoại trên đã dùng Singlish, đó là sự kết hợp giữa tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và một số ngôn ngữ khác tại châu Á. Ảnh hưởng của tiếng Hoa trong Singlish là điều dễ hiểu vì đảo quốc Singapore vốn là cựu thuộc địa của Anh, người gốc Hoa chiếm đa số trong hơn 3 triệu cư dân Singapore cộng thêm khoảng 700.000 người ngoại quốc
Một trong những lý do khiến Singlish trở nên khó hiểu đối với người nước ngoài là cách diễn tả tiếng Anh theo cú pháp tiếng Hoa (Chinese syntax). Ngoài ra, người ta phải chú ý đến thói quen dịch từng chữ những cụm từ tiếng Hoa sang tiếng Anh nếu muốn hiểu Singlish.
Tôi đã từng nghe một người Singapore nói: “You see me no up”. Mãi sau mới hiểu hàm ý người nói trách móc vì bị coi thường, nói theo tiếng Anh thuần túy là “You look down on ne”!
Thay vì hỏi “Where is the toilet?”, Singlish dùng lối diễn tả theo kiểu người Hoa: “This place got toilet or not?”. Câu hỏi mang tính cách “vòng vo Tam quốc” nhưng người nghe cũng có thể hiểu được. Thế nhưng, khi nghe hai thanh niên Singapore nói chuyện với nhau bằng Singlish chắc chắn người ta có cảm tưởng họ dùng một thứ ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh.
Bạn không tài nào hiểu được câu Singlish“Woh, lau! Shiok, man!”. Hỏi ra mới biết đây là lời mô tả một cuộc vui chơi đầy thú vị: “Wow, I had a great time! That was really fun!”. Bạn sẽ hiểu sao khi nghe ai đó nói: “I catch no ball”? Đối với người Singapore, câu nói đó có hàm ý thật đơn giản: “I don’t understand”.
Hơn ai hết, chính phủ Singapore biết Singlish là điều không đáng tự hào khi người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là những người thuộc thế hệ dưới 40 tuổi. Cũng vì thế, giữa tháng 5/2000 Singapore đề ra phong trào “Nói tiếng Anh chuẩn” (Speak Good English) với lời khuyên mọi người “Speak well - Be understood”, tạm dịch là hãy nói giỏi tiếng Anh và nói sao để người ta hiểu mình.
“Speak Good English” Movement tại Singapore
Để hướng dẫn mọi người nói tiếng Anh chuẩn, chính phủ Singapore phát hành một tập sách nhỏ liệt kê một số từ ngữ Singlish cần tránh. Chẳng hạn như thay vì dùng “gostan” khi lùi (de) xe, người dân được nhắc nhở dùng cụm từ “go astern” hay “reverse vehicle”.
Một số tiếng lóng địa phương cũng được khuyến cáo cần thay thế bằng tiếng Anh chuẩn. Chẳng hạn như “sabotage” (phá hoại) trong tiếng Anh đã bị “Singapore hóa” thành “sabo” với hàm ý quậy, chơi xỏ trong khi “confused” (lúng túng, khó hiểu) lại bị thay thế bằng “blur” trong Singlish.
Trong một bản tin mang tiêu đề ngộ nghĩnh theo phong cách Singlish “Campaign has Singapore asking: ‘Why cannot speak like dat, huh?” hãng thông tấn AFP trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Goh Chok Tong đại ý nói rằng việc sử dụng phổ biến Singlish sẽ làm sói mòn những nỗ lực của Singapore trên bước đường trở thành một nền kinh tế tầm cỡ thế giới đồng thời khiến người dân Singapore trở thành kém thông minh hơn [5].
Thủ tướng Goh Chok Tong đả phá quan niệm cho rằng sử dụng Singlish là điều tốt khiến cho người Singapore mang nhiều bản sắc Singapore hơn (speaking Singlish makes them more Singaporean)! Vấn đề đặt ra là rất khó thay đổi vai trò của Singlish vì loại tiếng Anh này đã ăn sâu vào cuộc sống của người Singapore. Nhiều người thậm chí còn đổi tên phong trào “Speak Good English” thành “Speak Good Singlish”.
Phong trào “Speak Good English”
đã bị nhiều người đổi tên thành “Speak Good Singlish”
Trên các kênh truyền hình tại Singapore có rất nhiều chương trình giải trí “TV sitcom” [6] trong đó các nhân vật đối thoại bằng Singlish. Cũng vì thế có ý kiến cho rằng nên duy trì Singlish trong lĩnh vực giải trí và văn học.
Một số các nhà giáo dục khuyên người Singapore cần nắm vững những quy luật căn bản của tiếng Anh nhưng họ cũng chấp nhận tính linh động của ngôn ngữ. Không thể nào kỳ vọng một thứ tiếng Anh chuẩn mực tại các khu lao động hay những nơi ăn uống hàng rong (food hawker centres).
Xem ra thì việc sửa đổi một thói quen về ngôn ngữ không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề có thể được gói trọn trong một thắc mắc được diễn tả theo Singlish: “So how, ah? Can or not? What, okay lah?”.
***
Chú thích:
[1] Nguyên văn bài viết trên Asiaweek, số ra ngày 30/7/99: “A bridge for individuals, companies and countries in Asia in the next millennium”
[2] Bộ trưởng Najib Tun Razak nói với Asiaweek: “There is a growing concern within the government that we have to make a very consciuos effort to improve proficiency in English throughout the educational system”.
[3] Nguyên văn câu chuyện bằng Manglish giữa người Malaysia với người Singapore:
“Ah Beng, wah your garmen [government] say no tok [talk] Singlish enemor [anymore]. Ayo so poorting. Nemmain lah, nektime [next time] you wan to tok Singlish, korme [call me] on my henfon [hand phone]. We ken tok [can talk] Manglish wat. Manglish sofanotchet [so far not yet] ban in Malaysia.
“Aiyah, donsaylikelet [don’t say like that] lah. Enitime [anytime] you kor [call] i sure layang you wan [want]. No problum [problem]! We are frenli [friendly] nayber [neighbor] mah!”
[4] Y2K (Year 2000): còn được gọi là lỗi thiên niên kỷ là trục tặc về máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Nguyên nhân là do các vi mạch đồng hồ điện tử không thể nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900, vì được lập trình với 2 chữ số cuối cùng của năm. Vấn đề xảy ra khi máy tính nhận dạng ngày 01/01/00 (ngày 1/1/2000) như là ngày 1/1/1900.
Nếu như không được sửa chữa kịp thời thì hệ thống làm việc lâu dài sẽ bị phá vỡ khi “...97, 98, 99, 00...” tăng dần theo thứ tự và trở nên không còn hợp lệ trong thứ tự năm, ví dụ như năm 19100. Ở các công ty và các tổ chức trên toàn thế giới đã kiểm tra, sửa chữa, và nâng cấp hệ thống máy tính của họ. Ngày nay, các máy tính đời mới đã khắc phục được sự cố Y2K.
[5] Nguyên văn lời phát biểu của Thủ tướng Goh Chok Tong với AFP: “Widespread use of Singlish will erode Singapore’s bid to become a world-class economy and make its citizens seem less intelligent”.
[6] Sitcom là từ viết tắt của “situation comedy”, tạm dịch là “hài kịch tình huống”. Làm phim theo kiểu “sitcom” đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu vì nó cho phép tiết kiệm kinh phí, tạo ra hàng trăm tập phim trong một thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu phát sóng liên tục của các đài truyền hình.
Đây là kỹ thuật làm phim truyền hình được quay bằng nhiều máy, thu tiếng trực tiếp tại phim trường, không phân cảnh trước và dựng phim tại chỗ. Cứ vài tập phim chuyển tải một câu chuyện có tính độc lập với nhiều tình tiết hài hước, tuy nhiên dàn diễn viên vẫn cố định suốt bộ phim.
(Còn tiếp)
***

Tuesday, March 19, 2013

Hữu Loan: Về bài thơ màu tím hoa sim


BLOG CỦA HỮU LOAN NGÀY THỨ SÁU 15 MAR 2013
alt
“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung, tôi cũng học tại Thanh Hoá, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khoá ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn, Đỗ Thiện và … Tôi – Nguyễn Hữu Loan.
alt
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hoá để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khoá đầu tiên. Ở Thanh Hoá, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.
Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí : ‘ Em chào thầy ạ’. Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu ấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một ‘bà cụ non’. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo : em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn ; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …
Có lần tôi kể chuyện « bà cụ non » ít nói cho 2 người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận ! Suốt một tuần liền em nằm lì trong buồn trong, không chịu học hành … Một hôm, bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ … Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý : « mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu » Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …
Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. bất chợt em hỏi tôi :
- Thầy có thích ăn sim không ?
Tôi nhìn xuống sườn đồi : tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuốn sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ … Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.
- Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ : « Ngọt quá ».
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế !
Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác.Tôi nhìn em, em cười. hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì … tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo !
alt
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi … Tôi quay đầu nhìn lại … em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa …
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …
Chín năm sau, tôi trở lại nhà, về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp …
Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sơ,ï vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm « soạn kịch bản ».
Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là :’yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả’. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay … lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long,huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hoá của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết !
Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, Em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ giờ em không còn cô bé Ninh nữa, mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại … Nếu như 9 năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mát thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ : vợ tôi qua đời ! Em chết thật thảm thương : Hôm đó là ngày 25/05 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối ! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sau thẳm trong trái tim tôi …
Tôi phải giấu kính nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn … Dường như càng kèm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, Tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra :
alt
Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh …
… Tôi về không gặp nàng …
Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hoá … Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.
Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 02/04/1916 hiện tại đang « ở nhà trông vườn » ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ « quê đẻ của tôi đấy » thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay, nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu :
Chiều hành quân, qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt
Và chiều hoang tím có chiều hoang biếc
Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.
alt
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi’ hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi’. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá ! với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi !
Đó là thời năm 1955-1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút cam tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì ! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng … Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn 1 tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông … Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động.. Tôi phản động ở chỗ nào ? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc ?
Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được ! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có 2 cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi … Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi ! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi ! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi.
Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mết chuộng. sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm !
Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954-1955.
Lúc đó còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần 500 mẫu tư điền.
Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố . Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại 2 cái đầu đó, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.
Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ, nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.
Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi ; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no … Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa !
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ. Thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm ra nhập làm gì.
Năm 1988, tôi « tái xuất giang hồ » sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gío. Tôi lang bạt gần 1 năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự.
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo tồn tài sản Văn hoá. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia « lộc » cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan.
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán…”.
Nhà Thơ HỮU LOAN

Chùm ảnh: Những đồi Hoa Sim

Dọc Trường Sơn, mùa này những đồi hoa sim tím nở bung nhuộm tím góc rừng. Màu tím bát ngát, man mác gợi nhờ một niềm thương. 
Những đồi hoa sim
ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi…
Tím cả chiều hoang
Một rừng đầy hoa sim
Thoáng buồn ánh sim bên đồi hoang
Màu sim bên đồi xưa
Vào chuyện ngày xưa…
Hoàng hôn màu sim
Một đồi hoa sim
Tím ngắt cả rừng hoang
Nhìn đồi sim tím nhớ người em xưa
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ?
Những đồi hoa sim chạy xa tít..
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ-Giờ thiếu người xưa ấy-Đồi hoang mới tiêu điều
· Ảnh: Minh Phong gửi Cu Làng Cát
Màu tím hoa sim
HỮU LOAN
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu… Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
Nguồn nhạc: Youtube