Ngày 14.11.2012, 15:26 (GMT+7)
SGTT.VN - Thử tiếp cận một số người làm việc trong các
lĩnh vực khác nhau, có thể thấy chưa có năm nào, càng gần cuối năm nỗi
lo mất việc lại càng lớn như hiện nay.
Trái ngược hẳn với không khí tất bật làm việc các tháng
cuối năm, hào hứng chờ lương – thưởng, hay các toan tính dọn chỗ mới để
đầu năm đổi việc thuận lợi, ở nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, từ chủ cho
đến nhân viên đều đang cố gắng giữ chỗ làm ổn định.
Chấp nhận thêm việc nhưng giảm lương
Kinh tế suy giảm, bất kỳ ngành nào cũng trong tình trạng thừa nhân lực nên nỗi lo mất việc đè nặng lên nhiều người.
|
Hơn một tháng nay chị Lê Thị Châu, ngụ tại quận Tân Phú
đã phải chi thêm mỗi tuần 200.000 đồng để gửi con cho người quen trông
nom hộ vì chị bận làm việc ở công ty đến 20 giờ, có hôm đến 21 giờ, mới
về đến nhà. Chị Châu kể: “Hàng ế chất đầy kho. Công ty không đủ tiền trả
lương. Giám đốc phải cho nhiều người nghỉ việc, nên những người chấp
nhận ở lại phải kiêm nhiệm, choàng gánh thêm việc của người khác”. Cụ
thể, trước đây đảm đương toàn bộ việc kinh doanh công ty có hơn 30
người, bộ máy phối hợp nhịp nhàng nên cứ 17 giờ là mọi người đều có thể
ra về. Sau hai đợt cho nghỉ việc, nay công ty chỉ còn 14 người. Bản thân
chị Châu, ngoài việc chính là kế toán, vừa phải kiêm thêm khâu chứng từ
hoá đơn, tính ngày công và phát lương. Ngay cả cô nhân viên trực tiếp
tân cũng phải làm thêm công việc pha trà tiếp khách, quét dọn văn phòng
sau giờ làm. Chị Châu than thở: “Quá mệt, nhưng nhìn qua công ty mấy đứa
bạn, đứa nghỉ việc, đứa đi làm đủ ngày mà bị nợ lương, nên mình thấy an
ủi hơn ở chỗ thà làm mệt và vẫn được trả lương đầy đủ, đúng hạn để có
tiền lo cho gia đình vẫn tốt”.
“Khỏi mong có thưởng tết này, điều quan trọng là làm
cách nào giữ được việc”, chị Trần Thị Thanh, trưởng phòng quản lý kinh
doanh của công ty dịch vụ thương mại HT có trụ sở trên đường Trần Hưng
Đạo, quận 5 nói. Phòng kinh doanh của chị vốn có 16 nhân viên, nay chỉ
còn có sáu người, bởi “bộ phận nào không kiếm được tiền thì sếp cắt
hết”. Nhân viên bộ phận kinh doanh, thu nhập chủ yếu dựa vào doanh thu,
mười tháng đầu năm 2012 doanh thu chỉ bằng 50% năm ngoái, nên thu nhập
chỉ còn lương cơ bản. “Không ai tin lương trưởng phòng kinh doanh, đi
tiếp khách có xe hơi đưa đón, mà chỉ có 5,2 triệu đồng/tháng, vì không
hoàn thành chỉ tiêu”, chị Thanh cho biết.
Hiện nay vừa phụ trách kinh doanh, chị Thanh vừa kiêm
luôn thẩm định đánh giá khách hàng, kiêm phụ trách pháp lý cho công ty
thay cho nhân viên đã nghỉ việc. Làm nhiều việc, không được hưởng thêm
phụ cấp, nhưng chị Thanh không có ý định đổi chỗ làm. Chị chia sẻ:
“Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang trong tình trạng khó khăn, bản thân
tôi phụ trách kinh doanh gửi thư đòi nợ họ cũng không trả, thì làm sao
tôi có thể yên tâm đầu quân vào những nơi đó được”. Chị cho rằng: “Lúc
này đi đâu cũng đụng khó. Chi bằng ở lại, cùng nhau vượt khó thì chí ít
trong lúc không có nhiều tiền, cũng thấy còn có nhiều tình nghĩa”.
Có nghiệp vụ cũng mất việc
Bà Nguyễn Thị Liên, kế toán trưởng công ty thương mại
K.M có trụ sở ở Tân Bình không ngờ tên bà nằm trong danh sách ưu tiên
cắt giảm nhân sự. Đề nghị thôi việc từ đầu tháng 11 khiến bà choáng
váng, nhất là khi nghe giám đốc nhân sự chia sẻ: “Công ty ít việc, nên
mấy em nhỏ có thể đảm đương thay cô, thâm niên hàng chục năm của cô cũng
ảnh hưởng đến quỹ lương thưởng của công ty…” Theo lời bà Liên, lương
hàng tháng của bà hiện nay trên 10 triệu đồng, trong khi lương nhân viên
mới chỉ bằng nửa của bà. Tiền thưởng tết tính đủ thâm niên theo quy
định công ty, bà luôn lĩnh cao hơn các nhân viên khác. “Tôi tự tin vào
chuyên môn, nghiệp vụ của mình, nhưng không ngờ giỏi cũng có thể thất
nghiệp!”, bà Liên than thở.
Trong vòng bốn tuần vừa qua, công ty xuất nhập khẩu
thực phẩm chế biến chuyên xuất sang Đông Âu, do ông Trần Quốc Vinh làm
giám đốc, có trụ sở tại quận 1, áp dụng chế độ làm việc một tuần nghỉ
một tuần. Lý do không có khách hàng. Ông Vinh cho biết, đã họp toàn bộ
nhân viên, thông báo tình hình, tuỳ ý họ có thể thôi việc, hoặc chấp
nhận nghỉ phép chờ việc. Công ty mà ông Vinh điều hành, là một trong bốn
công ty con của một doanh nghiệp lớn. Hiện chủ doanh nghiệp đang áp
dụng chính sách tiết kiệm, ngoại trừ một số chức danh cần thiết mà mỗi
công ty con đều phải có, còn lại các bộ phận khác đều được điều động “đi
làm chung”. Như nhân viên xuất nhập khẩu mỗi ngày làm thủ tục chứng từ
cho một công ty con khác nhau. Lao công cũng chia ca mỗi ngày làm việc
tại hai văn phòng…
Bích Nga
Kết quả khảo sát về niềm tin người tiêu
dùng của công ty Nielsen công bố vào ngày 12.11.2012, thực hiện khảo sát
29.000 người tiêu dùng tại 58 quốc gia trong quý 3/2012, cho thấy chỉ
còn 40% số người Việt Nam được phỏng vấn cho biết họ cảm thấy triển vọng
công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong năm tới, tức niềm tin vào công việc
tốt đã bị giảm 18% tính từ đầu năm nay. Đến nay chỉ còn 42% người tiêu
dùng Việt Nam tin rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ tốt hoặc
rất tốt trong 12 tháng tới, từ mức 51% vào quý 2/2012.
|
http://sgtt.vn/Kinh-te/172279/Lo-mat-viec-cuoi-nam.html
No comments:
Post a Comment