Pages

Tuesday, November 06, 2012

Văn hóa đọc, một vài cảm nhận

Mỹ Linh
Tạp chí Sách & Đời sống
Văn hóa có nội hàm rộng lớn mênh mông – một khái niệm phức hợp, thế nhưng nó được thể hiện hàng ngày, rất gần gũi với mọi người chúng ta như văn hóa dân tộc, văn hóa lễ hội, văn hóa đô thị, văn hóa lối sống, văn hóa giáo dục… đã được mọi người thừa nhận. Thuật ngữ “Văn hóa đọc” là khái niệm mới được dư luận xây dựng lên, chưa có định nghĩa cũng như khái niệm nào nói văn hóa đọc là gì và nó như thế nào? Mặc dù vậy, theo thời gian cũng như sự phát triển của xã hội, thuật ngữ văn hóa đọc ngày càng được nói nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành đề tài khoa học để nghiên cứu.
Trải qua hàng ngàn năm, việc đọc sách đã góp phần xây dựng con người văn minh, xã hội văn minh, truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Để kỷ niệm về việc này, thế giới đã lấy ngày 23/4 là ngày thế giới đọc sách. Thế mới biết trong bộn bề công việc của cuộc sống, người ta vẫn dành cho văn hóa đọc một vị trí xứng đáng cho dù còn khiêm tốn. Ngày nay, văn hóa đọc đang được xã hội tôn vinh.
Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc đọc sách của xã hội ta hiện nay đang có nhiều biến động.
Lười đọc sách
Tình trạng lười đọc sách ở tất cả các thành phần, lứa tuổi ngày một tăng trong khi xã hội đang rất cần tri thức. Hiện tượng này xảy ra đồng nghĩa với việc văn hóa nghe, nhìn đang có ảnh hưởng rất mạnh đến văn hóa đọc và công nghệ “mì ăn liền”: đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng trở thành phổ biến
Nhiều số cán bộ công chức thích dành thời gian qua mạng tìm kiếm thông tin vừa nóng, đa dạng lại cập nhật. Số lượng đọc cũng không đều, có người đọc nhiều, có người đọc ít. Theo điều tra xã hội học thì có đến 32,27% công chức chỉ dành có 30 phút một ngày cho việc đọc sách, còn tầng lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có trên 10% đọc sách 2 giờ một ngày, con số quả là rất ít.
Các đối tượng là sinh viên thì ngại đọc sách dày, sách kinh điển, sách lý luận. Có những cuốn như Tố Tâm, giá 2000 đồng/cuốn, Lão Tử 6000 đồng/cuốn… những cuốn sách có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ ngó ngàng. Cũng theo điều tra xã hội thì có đến 18,18% sinh viên chỉ đọc có 15 phút một ngày, trong khi chỉ có trên 33% là đọc 3 tiếng một ngày. Lý giải điều này, người ta cho rằng văn hóa nghe, nhìn đang lấn át khi chỉ cần nghe đài, xem tivi, nhấp chuột là các bạn có thể có mọi thông tin từ trong nước đến thế giới với muôn hình vạn nẻo những sự kiện, vấn đề đang diễn ra xung quanh.
Đối với các em học sinh, thiếu niên nhi đồng thì pháp luật việc đọc là một món ăn tinh thần rất bổ ích, nhất là sách tham khảo nâng cao kiến thức, truyện cổ tích, truyện tranh… Nhưng giữa rừng sách hiện nay để chọn được cuốn sách hay và lý thú là điều không dễ dàng, thế mới biết số lượng sách nhiều, đa dạng, đẹp chưa hẳn đã hay nếu không bàn về chất lượng, tình trạng này cũng gây ra việc lười đọc ở đối tượng này.
Hậu quả của việc lười đọc sách
Như ta đã biết, sách là những tác phẩm cực kỳ quý do trí tuệ cao cả của con người tạo nên được cô đọng, đúc rút qua thời gian và sự phát triển của nhân loại. Việc lười đọc sách, đọc không đều trong xã hội ta hiện nay để lại 2 điều lớn nhất:
Một là, sự thiếu hụt tri thức đối với tầng lớp sinh viên. Việc dành thời gian quá ít ỏi cho việc đọc đã khiến họ không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu tìm tòi, và đây là một nguy cơ xấu đối với sự phát triển của một xã hội.
Hai là, sự lười đọc của một số cán bộ công chức họ đã làm họ hổng nhiều kiến thức. Với lối “tầm chương trích cú” chỉ đến thư viện hay lùng tìm sách cần thiết khi phải viết một bản báo cáo, một bài phát biểu, làm đề tài… đã khiến họ mất dần sự sáng tạo, không có tinh thần đổi mới, khả năng lý luận kém và không sâu. Một số công trình khoa học nếu làm theo kiểu đó sẽ thiếu thực tế và không áp dụng được vào thực tiễn, gây tốn kém, lãng phí cho Nhà nước và ngân sách quốc gia.
Đổ lỗi cho văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe, nhìn lấn lướt, tôi cho rằng không đúng như vậy. Với sự phát triển của thời đại văn minh công nghệ cao, văn hóa đọc phải chia sẻ với văn hóa nghe nhìn và với Intemet. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của con người ngày càng phát triển theo. Ngày xưa ông cha ta học hành đều qua sách vở, thì ngày nay chúng ta học ở rất nhiều phương tiện. Việc đọc để học muôn thuở không bao giờ mất đi, trái lại nó phải là một nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân con người và toàn xã hội. Không có nhà bác học thiên tài, không có nhà chính trị lỗi lạc nào chỉ dựa vào tài năng của mình để thành đạt mà không qua việc đọc sách.
Giải pháp nào cho văn hóa đọc
Vậy phải có giải pháp gì để để văn hóa đọc ngày càng được tôn vinh. Đó là một câu hỏi lớn và cần thực hiện ngay đối với người viết sách, đặc biệt là người làm sách và phát hành đề sách hay, bổ ích đến được tay bạn đọc.
Trước hết, cần phải hình thành thói quen đọc sách cho mỗi người, có phương pháp đọc sách và dần hình thành lòng ham mê đọc sách ở mọi tầng lớp nhân dân, điều này tự bản thân mỗi người phải tự rèn luyện.
Thứ hai, cần phải nâng cao chất lượng sách, bằng các phương tiện truyền thông, Đảng và Chính phủ nên đầu tư mạnh hơn cho hoạt động thư viện của quốc gia để định hướng cho công chúng đọc sách, phổ biến sách và văn hóa đọc trong nước.
Thứ ba, nâng cao vai trò của ngành xuất bản, đây là yếu tố quan trọng nhất để độc giả tìm lại với văn hóa để đọc, bởi lâu nay, vai trò của ngành xuất bản và phát hành đối với thị trường sách vẫn còn vô cảm khi bị chi phối của nền kinh tế thị trường. Nhiều tác phẩm hay thực sự, có sức cuốn hút và mang hơi thở thời đại hầu như ít có, ngoại trừ năm vừa qua cỏ một vài cuốn như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, phát hành tới mấy trăm nghìn bản sách tạo nên bước đột phá mới trong làng văn học Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Một số cuốn khác của làng văn học trẻ cũng tạo nên sự ồn ào trong dư luận song lại lắng xuống vì chưa đạt đến giá trị đích thực và sức cuốn hút đối với độc giả. Điều này xảy ra làm mất cảm hứng và thói quen đọc sách ở mỗi người và bắt buộc họ phải tìm đến những loại hình giải trí khác.
Việc hạ giá thành sản phẩm cũng đòi hỏi ngành xuất bản phải chung tay gánh vác, khi đối tượng mua sách đa số các bạn trẻ, nhưng giá sách quá cao làm họ phải đắn đo giữa một bên là sự mưu sinh, và tiền đầu tư cho sách. Gần đây việc quảng bá sách và các buổi tọa đàm tôn vinh văn hóa đọc đã được tổ chức thường xuyên ở các báo, đài, chương trình truyền hình chào buổi sáng của VTV1 có hẳn một chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách, nhằm giới thiệu những cuốn sách hay, có giá trị đến với độc giả. Tháng 01, năm 2006 vừa qua, Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương tổ chức một buổi tọa đàm về Văn hóa đọc phục vụ cho đề tài Văn hóa đọc của Ban, đã đón nhận nhiều ý kiến khác nhau về tình hình văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay và các khó khăn của ngành xuất bản khi phái cạnh tranh khắc liệt với cơ chế thị trường dẫn đến giá sách quá cao so với thu nhập của người dân. Sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động thư viện cần đẩy mạnh hơn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, không có đủ phương tiện cũng như sách để phục vụ bạn đọc, nhằm khắc phục tình trạng lười đọc hiện nay, đặc biệt là sự thờ ơ, lạnh lùng với văn hóa đọc ở giới trẻ, đồng thời tìm ra giải pháp để đưa văn hóa đọc lên một tầm cao mới, hình thành một xã hội học tập. Tin chắc rằng, văn hóa đọc sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

No comments:

Post a Comment