Pages

Sunday, November 04, 2012

Ông Lê Xuân Nghĩa: Nợ xấu nếu Chính phủ không "ra tay" thì Việt Nam quên thập kỷ này đi!

Chủ nhật, 04/11/2012, 08:21
Ông Lê Xuân Nghĩa: Nợ xấu nếu Chính phủ không "ra tay" thì Việt Nam quên thập kỷ này đi!
Trong giai đoạn đầu của giải quyết nợ xấu các ngân hàng nhỏ sẽ bị gặp khó khăn về thanh khoản do lãi suất lên cao.
Nợ xấu hiện nay có nhiều con số công bố khác nhau. Theo con số cao nhất nợ xấu hiện nay rơi vào khoảng 385.000 tỷ đồng bao gồm nợ xấu của ngân hàng và Ngân hàng Phát triển (VDB); theo con số của NHTW cung cấp thì nợ xấu khoảng 202.000 tỷ đồng, nhưng con số này chưa bao gồm nợ xấu của VDB.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, con số này cũng có thể chưa phải là con số cuối cùng. Bởi lẽ, như khủng hoảng ở Nhật Bản trước kia con số nợ xấu được các ngân hàng báo cáo lên là 20.000 tỷ Yên, nhưng khi Chính phủ tiến hành xử lý nợ thì con số này lên đến 400.000 tỷ Yên (thực tế gấp 20 lần con số báo cáo) và Việt Nam cũng không loại trừ khả năng này.
“Nói như thế để thấy rằng, nợ xấu đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay của nền kinh tế mà chỉ có Chính phủ mới có thể giải quyết được. Đặc biệt việc này phải giải quyết càng nhanh càng tốt nếu không nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt trong tương lai” – Ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tài sản thế chấp và dự phòng rủi ro tín dụng không đủ sức giải quyết nợ xấu
Về cấu trúc nợ xấu của Việt Nam, ông Nghĩa đánh giá đây là một vấn đề khá phức tạp. Chẳng hạn như nợ của ngân sách mà các DN ứng vốn từ ngân hàng để làm các công trình cho các địa phương nhưng các địa phương này không thanh toán lại được. Có thông kê cho rằng phần nợ này khoảng 35.000 – 40.000 tỷ đồng, nhưng cũng có một báo cáo khác con số này cao hơn rất nhiều lên đến 80.000 – 90.000 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ!
Chính vì thế đã có ý kiến cho rằng, đây là tiền ngân sách nợ doanh nghiệp thì nên trả ngay cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có tiền trả ngân hàng và từ đó sẽ giải quyết được khá nhiều nợ tồn đọng hiện nay.
Ông Nghĩa cho rằng, điều này khó khả thi vì đây là tiền nợ của địa phương, địa phương lại không có đủ uy tín để phát hành trái phiếu lấy tiền trả nợ. Trong trường hợp ngày ngân sách Trung ương sẽ phải can thiệp.
Còn con số dự phòng rủi ro là 76.000 tỷ đồng của các NHTM hiện nay cũng không nên trông chờ vào đó. Vì phần lớn các ngân hàng có nợ xấu cao thì dự phòng rủi ro tín dụng rất thấp, thậm chí không có dự phòng; ngược lại nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp thì dự phòng rủi ro tín dụng lại khá cao.
Nhưng không thể chuyển dự phòng của ngân hàng này sang cho ngân hàng khác, theo chế độ kế toán không cho phép ngân hàng này đem tài sản chuyển cho ngân hàng khác.
Theo ông Nghĩa, giỏi lắm thì chúng ta chỉ có thể sử dụng 20.000 - 30.000 tỷ đồng, trong số 76.000 tỷ đồng nêu trên.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ nghi ngờ khi ý kiến cho rằng, khoản nợ xấu không quá lo vì giá trị tài sản thế chấp rất lớn. Bởi lẽ, dù tài sản lớn đến đâu đi chăng nữa mà thanh khoản không có thì tài sản đó cũng không có ý nghĩa gì.
Hơn nữa, gần như tất cả các giá trị của các tài sản bảo đảm đang bị suy giảm nhanh chóng.
Một mảnh đất có giá từ 100ttriệu đồng/m2 giảm còn 40 triệu nhưng không có người mua. Trong khi đó, một bộ phận rất lớn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại thuộc đối tượng này. Tài sản thế chấp của họ hầu hết là nhà xưởng và máy móc, kinh tế khó khăn như hiện nay thì tài sản đó bán cho ai? – ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa khẳng định, quy mô nợ xấu là 2 – 3% thì doanh nghiệp và ngân hàng có thể tự giải quyết, nhưng với quy mô nợ xấu trên 10% như hiện nay nếu Chính phủ không ‘nhảy’ vào xử lý nhanh vấn đề nợ xấu này thì “nền kinh tế Việt Nam phải quên cái thập kỷ này đi”.
Có thể xuất hiện cuộc đua lãi suất vào giai đoạn đầu khi xử lý nợ xấu
Theo ông Nghĩa, nếu phương án xử lý nợ xấu được chấp thuận thông qua thì năm tới đây sẽ là năm chúng phát hành hàng loạt trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước, Trái phiếu NHTW… nhiều loại trái phiếu được phát hành thì mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên.
“Trong giai đoạn đầu của giải quyết nợ xấu các ngân hàng nhỏ sẽ bị gặp khó khăn về thanh khoản do lãi suất lên cao. Có thể sẽ xuất hiện một cuộc đua lãi suất mới nhưng một điều chắc chắn rằng các NHTM nhỏ sẽ không dám quá mạo hiểm vì rủi ro quá cao”.
Ông Nghĩa dự báo, vào quý I hoặc quý II năm sau (2013) rất dễ các NHTM nhỏ sẽ bị gặp khó khăn về thanh khoản thêm một lần nữa.
“Nếu không được xử lý khéo thì vấn đề thanh khoản sẽ làm ảnh hưởng tới hoàn bộ hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu chưa được xử lý mà mới chỉ ở giai đoạn đầu” – Ông Nghĩa cảnh báo.
Còn khi vấn đề nợ xấu đã xử lý được thì thị trường bất động sản có thể phục hồi trở lại với thanh khoản tốt hơn, từ đó vấn đề nợ xấu cũng ‘dễ thở” hơn.
Khánh Linh
Theo TTVN

No comments:

Post a Comment