Pages

Friday, October 11, 2013

Ghê người kĩ nghệ chế biến thực phẩm tại Việt Nam


Để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng “ra tay” bằng cách ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn. Nhưng, cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng.

1. Ô xy già tẩy trắng chân gà
Ô xy già vốn dĩ vẫn được nhiều người biết đến với tác dụng sát trùng vết thương. Thế nhưng, vì lợi nhuận, muốn hút mắt người mua, một số chủ kinh doanh không có lương tâm, đã sẵn sàng dùng nó để tẩy trắng chân gà, bì lợn.
Hồi năm 2009, chủ 2 cơ sở ở phường Bình Trị Đông A, Quận Bình Tân (TP.HCM) và bến Bình Đông (phường 16, quận 8, TP.HCM) bị thanh tra y tế phát hiện. Những mảng bì lợn bốc mùi hôi thối, nằm la liệt trên sàn nhà, rồi dụng cụ chế biến cáu bẩn…nhưng ghê người hơn cả đó là các thùng chứa ô xy già dùng để tẩy trắng những mảng bì lợn có màu đen. Tất cả số bì lợn đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Image

Chân gà trắng phau là món từng bị phát hiện ngâm ôxy già (Ảnh: VNE)
Chủ cơ sở ở phường Bình Trị Đông thừa nhận, ngâm bì lợn trong ô xy già nửa giờ rồi vớt ra và ngâm tiếp vào phèn chua để được bì trắng và giòn. Còn chủ cở sở ở bến Bình Đông thì cho biết, ngoài ô xy già, còn dùng cả hóa chất tẩy trắng công nghiệp.
Sau khi có bì lợn thành phẩm, tất cả được đưa đi phân phối cho các chợ bán lẻ hoặc quán cơm tấm. Và không hiểu với kỹ nghệ sản xuất kiểu này thì người tiêu dùng sẽ phải rước mầm bệnh gì khi sử dụng trong thời gian dài?.
Cũng trong năm 2009, đoàn kiểm tra liên ngành Quận 3 (TP.HCM) đã phát hiện 170,5kg chân gà đóng gói giống với loại đông lạnh nhập khẩu. Trong đó có 9,5kg chân gà đang được ngâm trong nước ôxy già để tẩy trắng.
2. Cốm hóa xanh nhờ phun phẩm màu
Mới đây, người tiêu dùng lại thêm một lần nữa bàng hoàng, khi có thông tin về cốm Vòng nổi tiếng cũng dùng chất nhuộm để có màu xanh, nhằm hấp dẫn người mua.
Người làm cốm ở làng Vòng (Cầu Giấy – Hà Nội) không dấu giếm công nghệ sản xuất cốm dùng chất lạ. Sau khi cốm được rang chín, xát vỏ, hạt cốm chưa có màu xanh, người sản xuất dùng phẩm màu để tạo được màu xanh bắt mắt. Thậm chí, công đoạn nhuộm màu được thực hiện bằng bằng máy phun sơn hoặc dùng chổi vẩy nước phẩm màu lên cốm.
Image

Một người sản xuất đang nhuộm xanh cốm (Ảnh: Báo giáo dục Việt Nam)
Loại phẩm màu xanh dùng để sản xuất cốm, được bán ở phố Hàng Buồm gồm 2 loại có giá 15.000 đồng/lạng hoặc 450.000 đồng/kg. Báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời một người bán cho hay, loại phẩm nhuộm cốm 450.000 đồng/kg được phép sử dụng, công hiệu không cao nên người bán chỉ đặt khi có khách, còn loại 15.000 đồng/lạng là phẩm màu công nghiệp.
Phẩm nhuộm cốm có dạng khô và tinh dầu dạng nước. Tinh dầu cốm giúp cốm thơm, ngon. Những gia đình không có gạo nếp làm cốm có thể chế gạo tẻ và ướp nước tinh dầu. Với loại 15.000 đồng/lạng, người sản xuất chỉ cần pha với nước, sau đó quét hoặc phun lên cốm.
PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nếu dùng phẩm màu ngoài danh mục cho phép với những dư lượng kim loại nặng tồn đọng có thể gây hậu quả di truyền, biến dị xấu về gen cho những thế hệ sau. Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng.
3. Bánh bao trắng nhờ bột lạ
Nhiều người thắc mắc đã thử làm bánh bao nhiều lần, nhưng bánh không những không xốp mà còn không trắng. Mấy ai biết được, chính người sản xuất bánh bao đã dùng chất tẩy trắng để tẩy màu nhờ nhờ của bột mì.
Loại bột tẩy trắng bánh bao có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá 70.000 đồng/kg. Còn gói bột xuất xứ từ Pháp có giá 115.000 đồng/kg. Lượng sử dụng 1 – 2 thìa cà phê/1 kg bột mì. Theo một người chuyên làm bánh bao, chất phụ gia dùng làm bánh bao trắng, xốp, nở bao gồm bột nở (giúp bánh nở theo kiểu hóa học, không làm thay đổi hương vị bánh), men nở (khiến bánh nở theo kiểu sinh học, bản thân men là các vi sinh nên sẽ làm thay đổi mùi vị của bột) và… bột tẩy trắng.
Image

Loại bột dùng tẩy trắng bột mỳ (Ảnh: VTC News)
PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Để tẩy trắng một số thành phẩm hoặc bảo quản hoa quả, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ô xi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
P/V VTC News đã mục sở thị tận cơ sở làm bánh, không khỏi giật mình khi thấy công nhân tay trần nặn bánh, nhân thịt lấy từ hàng ế và ngay cả trứng được để ở rổ không qua công đoạn lọc rửa, xưởng bánh ngổn ngang, bẩn thỉu.
4. Bún trắng, dai, để được lâu nhờ hóa chất công nghiệp nhuộm
Đến lượt món bún được ăn hàng ngày để có màu trắng nõn, dai, để được lâu cần đến bột làm trắng, bột làm dai và phụ gia bảo quản.
Để có được bún lâu thiu, một hộ sản xuất ở TP Biên Hòa – Tỉnh Đồng Nai chỉ dẫn cho bột trứng mốc có giá 44.000 đồng/kg. Còn để bún có mùi gạo nếp thì người sản xuất chỉ loại chất lỏng “hương nếp”, giá 220.000đ/kg, với 50kg bột chỉ cần cho khoảng năm muỗng, sợi bún sẽ thơm phức mùi gạo nếp.
Image

Các loại hóa chất dùng làm dai bún, trắng sợi bún (Ảnh: Phụ nữ TP.HCM)
Còn để làm sợi bún dai, người sản xuất này cho hay, có 2 loại chất giúp sợi bún dai. Loại TKL – 40 tạo bún khô, dai, chống ẩm ướt trên bún, kéo dài thời gian bảo quản, chống các vi khuẩn làm hư sản phẩm. Chất này do công ty Gia Trúc nhập khẩu từ Indonesia, giá bán 120.000 đồng/kg, nhưng chính người sản xuất cũng không biết công ty Gia Trúc ở đâu. Loại thứ hai là bột “dai”, nhìn như đường trắng, được đóng vào từng bịch xốp nhỏ không nhãn mác, không địa chỉ, không nguồn gốc xuất xứ. Loại này được bán với giá 100.000đ/kg.
Để giúp sợi bún trắng nõn, người sản xuất trên đã dùng loại chất tẩy vàng có tên là tinopal, đây là hóa chất dùng trong công nghiệp vải và sợi bông và giá bán là 250.000 đồng/kg.
5. Măng đẹp nhờ hóa chất
Muốn măng ngon, đẹp, ngọt… người sản xuất cũng đang tâm cho hóa chất để được như mong muốn. Một cơ sở sản xuất măng ở TP.HCM đã dùng 3 loại phụ gia. Một túi màu vàng là phẩm màu dùng để tạo màu cho măng, đường hóa học để măng ngọt, gói màu trắng là bột tẩy. Công dụng giúp tẩy măng hư, giúp măng mềm, tạo độ dai.
Một chủ sản xuất măng từng cho biết, khi sản xuất măng chua, trước khi đem bán 2 ngày, búp măng luộc sẽ được ngâm một thứ bột màu vàng mà những người trong nghề gọi là bột măng.
Tại một cơ sở sản xuất măng, P/V Báo Tuổi Trẻ đã chứng kiến chủ cơ sở sản xuất giới thiệu gói bột màu trắng có mùi cực nồng. Theo chủ sản xuất này, khi làm măng chua nếu không tẩy nhựa cho măng vòi (loại chuyên dùng làm măng chua) thì sẽ nhanh bị đen và hỏng. Để tẩy nhựa, sau khi cắt lát, ngâm loại hóa chất đó vào.
Image

Măng được tẩm hóa chất (Ảnh: Bee.net.vn)
Ông chủ này nói: “Nếu muốn măng mau mềm, ngọt thì cứ cho nhiều đường hóa học vào. Nếu cần gấp cho thêm hàn the. Vài ngày là giao hàng được rồi chứ không cần đợi đến vài tháng như trước đây”.
Chính người chủ này nói thêm, một giờ trước khi đem bán, măng được vớt ra và ngâm thêm bốn muỗng hóa chất để “tắm trắng” cho măng. Muốn măng càng trắng, tăng độ giòn thì cho hóa chất nhiều. giá 25.000 đồng/kg hàng loại một, 20.000 đồng/kg hàng loại hai.
Ngày 9/4/2011, viện Công nghệ Hóa học TP.HCM này đã kết luận định tính cho chất bột trắng dùng ngâm măng là hai chất là sodium sulphite (Na2SO3) và sodium hyposulfite (Na2S2O3). Đây là hai chất có gốc sulphite, cực mạnh, dùng trong phim ảnh và tẩy trắng vải, len, xử lý mủ cao su và thuộc da. Còn gói bột màu vàng, kết quả định lượng phát hiện kim loại nặng với hàm với hàm lượng Cd (cadmium) 0,625mg/kg.
6. Bột sắt phù phép gà khoác “áo” vàng
Một người bán thịt gà từng chia sẻ với P/V VTC News: “Nếu nhuộm bằng nghệ, gà sẽ có màu vàng xanh, chứ không được vàng ươm như thế đâu. Nhuộm bằng bột màu thực phẩm thì tiền đâu ra, vả lại chỉ cần rửa, bột màu thực phẩm lại trôi đi hết. Dùng bằng hóa chất vừa rẻ, màu lại không bị phai”.
Một chủ hàng chuyên cung ứng gà làm sẵn cho biết:” Để gà có màu vàng tươi ngon, bắt mắt, sau khi vặt lông, rửa sạch, trước khi đem đi phân phối cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, quán bình dân,… gà được nhúng vào nồi nước sôi trong đó có hòa trộn một ít bột công nghiệp, loại mà người ta hay quen gọi là “bột sắt”.
Image

Gà đang được nhuộm vàng (Ảnh VTC News)
Mẫu bột sắt được các cửa hàng bán sơn trên phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết có tên là phẩm vàng sắt - một loại hóa chất công nghiệp cùng với vec-ni dùng làm bóng gỗ, có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Giá của bột vàng sắt này giao động từ 9.000 – 15.000 đồng/lạng.
BS. Nguyễn Xuân Mai – Nguyên phó viện trưởng viện y tế công cộng TP.HCM nhấn mạnh: Những màu công nghiệp đều rất độc và đã được cấm dùng trong thực phẩm. Lý do độc là do không được tinh chế, không được tinh khiết, lẫn nhiều những hợp chất hữu cơ, những kim loại chứa nhiều chất độc hại. Gà, vịt có chất mỡ, chất béo nên sẽ thấm hút hóa chất rất nhanh. Khi màu công nghiệp được bôi, quết hoặc ngâm tẩm vào gà vịt, NTD ăn phải sẽ bị độc tiềm ẩn, độc tích lũy, về lâu dài rất nguy hại tới sức khỏe.
VTC Tổng hợp 


http://ndh.vn/ghe-nguoi-ki-nghe-che-bien-thuc-pham-tai-viet-nam-3523891p126c137.news

No comments:

Post a Comment