Cái chết của chị Trần Thị Hải Yến còn nhiều uẩn khúc khi công an kết luận Yến tự tử nhưng trên người chị có nhiều vết bầm, thi thể được gấp rút mang đi chôn trong khi người nhà có đơn xin nhận xác.
Bà Nguyễn Thị Yên Bình, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 10/10, ban này cùng Thường trực HĐND tỉnh tổ chức xem xét lại các vấn đề có liên quan đến việc điều tra, xét xử và cái chết của bị can Trần Thị Hải Yến (SN 1982, ngụ xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tại Trại tạm giam Công an huyện Tuy An.

Quyết làm rõ có oan sai hay không


Cùng ngày, ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết đã có văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh Phú Yên báo cáo vụ việc trên. Theo ông Hồ Minh Tâm, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, cơ quan này đã nhận được văn bản của Ban Nội chính Tỉnh ủy và chuyển đến các phòng chức năng đề nghị kiểm tra vụ việc.
Bị can chết bất thường, công an vội chôn?
Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên (bìa phải), an ủi gia đình chị Yến 
Như đã phản ánh, do liên quan đến một vụ mâu thuẫn gây thương tích, chị Trần Thị Hải Yến bị Công an huyện Tuy An bắt tạm giam từ ngày 15/1. Sau đó, TAND huyện Tuy An phạt Yến 30 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Cho rằng mình bị oan, chị Yến kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 1/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm, giao VKSND huyện Tuy An điều tra lại. Trong quá trình tiếp tục bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an huyện Tuy An, ngày 7/10, chị Yến tử vong.


Theo ông Nguyễn Thái Học, bản án phúc thẩm khẳng định việc điều tra, xét xử cấp sơ thẩm có sai sót nên tòa phúc thẩm không đủ chứng cứ để buộc tội bị can Yến, vì vậy đã tuyên hủy án. “Sau khi có báo cáo của các cơ quan liên quan, chúng tôi sẽ xác minh, làm rõ có hay không việc bị can Yến bị oan” - ông Học nói.

“Họ có ý gì đây?”


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (SN 1954, mẹ chị Yến), một trong những điều gia đình bức xúc là không được đưa thi thể chị Yến về quê chôn cất. Bà Liễu cho biết chiều 8/10, sau khi khám nghiệm tử thi, vợ chồng bà làm đơn xin nhận thi thể con gửi cho ông Trần Việt Cường, Phó Trưởng Công an huyện Tuy An.

“Khoảng gần 16h, họ (công an - PV) bảo bây giờ đưa thi thể con tôi về quê. Vợ chồng tôi vội về trước để thu gom quần áo của Yến đưa lên mộ, chỉ còn Trần Thị Diệu Hiền (chị kế của Yến) ở lại bệnh viện trông chừng. Nhưng khi chúng tôi về gần đến nhà (cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên hơn 20 km - PV) vào khoảng 16h30 thì Hiền hốt hoảng gọi điện thoại cho biết công an không đưa thi thể con tôi về quê mà lại đưa lên nghĩa trang Thọ Vức, TP Tuy Hòa. Hiền la khóc không chịu nhưng bị họ khống chế và xe cứ chạy” - bà Liễu kể lại.


Nghe tin, gia đình bà Liễu vội quay xe lại, lên nghĩa trang Thọ Vức. Nhưng khi đến nơi thì thấy chị Yến đã được chôn, còn Hiền thì gào khóc trên mộ em. “Gia đình tôi phải nuốt nước mắt để con nằm dưới mộ được yên. Sao họ vội vã đem con tôi đến nơi xa xôi để chôn cất. Họ có ý gì đây?” - bà Liễu hoài nghi.

Trả lời về chuyện này, bà Nguyễn Thị Yên Bình cho biết Công an tỉnh Phú Yên đã căn cứ theo Điều 25, Nghị định 89 năm 1998 của Chính phủ về quy chế tạm giữ, tạm giam để thi hành. Thế nhưng, theo luật sư Ngô Minh Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư số 1 (tỉnh Phú Yên), người bào chữa cho bị can Yến - Điều 25 của nghị định này cũng quy định rõ: Trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thì có thể bàn giao thi thể đó cho họ.

“Khi gia đình có đơn xin nhận thi thể bị can, cơ quan chức năng phải hướng dẫn họ về địa phương xác nhận rồi bàn giao thi thể bị can cho gia đình đưa về quê mai táng” - luật sư Tùng giải thích.


Cũng theo luật sư Ngô Minh Tùng, ngoài việc khiếu nại chuyện Yến tử vong, gia đình chị cũng yêu cầu phía công an trả lời cụ thể việc không cho đưa thi thể Yến về quê.
Trên người chị Yến có nhiều vết xước, sưng bầm

Ông Phan Trường Sơn (anh rể của chị Yến), người đại diện cho gia đình chứng kiến khám nghiệm tử thi, cho biết có nhiều điểm hoài nghi về cái chết của em vợ mình. Theo thông báo của Công an huyện Tuy An, Yến chết do treo cổ tự tử trong buồng giam.

Nhưng theo ông Sơn, trên người Yến như trước trán, 2 bên má, môi và đỉnh đầu phải, ngón chân có nhiều nơi bị xước, sưng bầm. “Với những vết thương này, gia đình chúng tôi không tin em Yến đã thắt cổ tự tử. Hơn nữa, TAND tỉnh hủy án sơ thẩm rồi, sao em tôi tự tử được!” - ông Sơn nhận định.

Theo luật sư Ngô Minh Tùng, trong quá trình tiếp xúc, chị Yến là một người khá bản lĩnh. “Quả thực, tôi quá bất ngờ khi một người như Yến lại treo cổ tự tử” - luật sư Tùng băn khoăn.

» Một phụ nữ chết trong nhà tạm giữ của công an

Theo NLĐ