Pages

Monday, October 14, 2013

Đằng sau sự trục trặc của tăng trưởng kinh tế

SGTT.VN - “Đằng sau sự trục trặc của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là nguyên nhân về thể chế”, đây là đánh giá chung trong báo cáo “Khơi thông những nút thắt về thể chế để phục hồi tăng trưởng” của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, gồm các tác giả Vũ Thành Tự Anh, Phạm Duy Nghĩa, Huỳnh Thế Du, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Ben Wilkinson, Dwight Perkins và David Dapice. Báo cáo này được ông Nguyễn Xuân Thành, trưởng nhóm trên gửi tới uỷ ban Kinh tế Quốc hội.
Xuyên suốt bản báo cáo là luận điểm: thể chế yếu kém chính là nguyên nhân sâu xa đã dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay. Các nguy cơ về kinh tế, chính trị và xã hội ngày nay đều có thể lý giải được bởi những cuộc cải cách thể chế bị trì hoãn hoặc chưa được tiến hành triệt để trong quá khứ.
Với phần tóm tắt trong thời gian có hạn, nhận định nổi bật của nhóm tác giả đã nhận được sự đồng tình cao là trong bốn động cơ tăng trưởng thì ba động cơ “nội” gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp đang trục trặc.
Chỉ có một động cơ “ngoại” – khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chạy tốt. Và điều quan trọng được ông Thành nhấn mạnh: đằng sau sự trục trặc của ba động cơ “nội” là nguyên nhân về thể chế.
Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, sở dĩ động cơ còn lại hoạt động tốt là do các doanh nghiệp FDI dựa chủ yếu vào thể chế ở bên ngoài để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống luật pháp chi phối các quan hệ hợp đồng, bộ máy quản trị doanh nghiệp, liên kết sản xuất và tín dụng cũng đều từ bên ngoài và của nước ngoài.
Tuy nhiên, “điểm rất hay” được ông Thành nhấn mạnh là trong bối cảnh suy kiệt của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, vẫn có những doanh nghiệp thành công nhờ “lách” được yếu kém của thể chế trong nước và có thể sử dụng nguồn lực ở nước ngoài.
Nhưng, hộ gia đình ở khu vực nông nghiệp thì không có cách gì lách được khó khăn về thể chế nếu quyền sở hữu về đất đai không rõ ràng. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng sự đầu tư của hộ gia đình có sự suy giảm rất mạnh bởi liên kết rất chặt với quyền sở hữu không rõ ràng, khi họ không bỏ tiền đầu tư vào đất, mà chỉ có động cơ khai thác tối đa trong thời hạn ngắn ngủi còn lại mà họ có được.
Còn khu vực FDI thì ngay cả quyền sở hữu về đất đai họ cũng không bị ảnh hưởng vì họ chỉ thuê đất tại Việt Nam, ông Thành phân tích.
Đồng tình với nhận định của nhóm nghiên cứu, vị chuyên gia trong lĩnh vực thống kê của Việt Nam là ông Bùi Trinh dẫn số liệu tính toán từ niên giám Thống kê cho thấy tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP năm 2000 khoảng 13%, đến năm 2011 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm (chiếm khoảng 20% GDP). Nhưng lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu trừ thu từ sở hữu) của năm 2011 theo giá hiện hành tăng gần 19 lần so với năm 2000, và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng xấp xỉ tám lần.
Theo ông Trinh, điều này góp phần làm mức độ để dành (saving) của trong nước ngày càng giảm và nếu loại trừ kiều hối thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% GDP. Và, để dành của một quốc gia là nguồn cơ bản để tái đầu tư trong khi đầu tư hàng năm chiếm trong GDP vẫn rất cao, trung bình từ năm 2000 – 2011 lượng đầu tư vẫn chiếm trong GDP khoảng 40% (đặc biệt năm 2007 tỷ trọng này lên tới 46% GDP và từ năm 2004 – 2010 tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đều trên 41%).
Luồng tiền chi trả sở hữu thuần đi ra nước ngoài sẽ càng trầm trọng nếu ba động cơ nội địa không được phục hồi và khu vực FDI ngày càng lấn át động cơ nội. Điều gì sẽ xảy ra khi khu vực này chiếm 30% trong GDP? Vì cái thực sự mà đất nước và nhân dân được hưởng và tích luỹ không phải là chỉ tiêu “phù phiếm” GDP mà là tổng thu nhập quốc gia (GNI) và khoản để dành của mọi khu vực sở hữu trong nước, ông Trinh bày tỏ.
Như vậy, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước là do thể chế thì các nhà hoạch định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi ba động cơ nội. Việc cải thiện thể chế không chỉ là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính là thái độ công bằng, minh bạch và sòng phẳng đối với khu vực tư nhân và nông nghiệp. Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu cách nghĩ! Việc đạt được thành tích tăng trưởng này nọ thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi ba động cơ nội, ông Trinh nhấn mạnh.
Các nhà hoạch định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi ba động cơ nội của nền kinh tế. Việc này không chỉ là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính là thái độ công bằng, minh bạch và sòng phẳng đối với khu vực tư nhân và nông nghiệp.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, hiện nay vấn đề bức bách nhất vẫn là tái cấu trúc kinh tế để thoát khỏi vòng xoáy tăng trưởng thấp. Bởi nếu không tiến hành thay đổi và duy trì hiện trạng với các chính sách kinh tế quan trọng liên quan đến khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân và nông nghiệp sẽ có khả năng mang lại tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 3 hoặc 4% một năm, và thật sự nguy cơ sẽ còn thấp hơn nữa.
Khái quát những nút thắt thể chế, nhóm nghiên cứu nhìn nhận xác lập quyền sở hữu rõ ràng vẫn là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Chế độ sở hữu hiện thời của Việt Nam mang tính phân tán, cát cứ, không rõ chủ đối với đất đai, tài nguyên công cộng, đối với phần vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, đối với đầu tư công.
Trong bối cảnh quyền sở hữu phân tán như vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, những nhóm xã hội có thế lực và các doanh nghiệp có quan hệ thân thiết với giới chức trong chính quyền nắm quyền định đoạt các nguồn lực kinh tế trong quốc gia sẽ được hưởng lợi. Các thể chế kinh tế trên thực tế sẽ được xác lập để ráo riết bảo vệ lợi ích của họ.
Từ nay đến năm 2016, bản báo cáo cho rằng ở Việt Nam dày đặc các cơ hội cải cách thể chế với việc sửa đổi Hiến pháp và nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế, quản lý xã hội.
Sở hữu đất đai, vấn đề dường như đã được khẳng định tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được nhóm nghiên cứu đề cập với quan điểm có thể giữ nguyên sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng coi đó là khái niệm chính trị chứ không phải là khái niệm kinh tế và xác định sự sở hữu thực tế là quyền sở hữu chắc chắn của người nắm giữ tài sản.
Với doanh nghiệp nhà nước, để tránh phân tán và cát cứ trong thực hiện quyền sở hữu, bản báo cáo cho rằng cần thảo luận để thành lập các cơ quan tín thác nhận uỷ nhiệm của chính quyền, để thực thi một cách tập trung các quyền sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp.
Nam Thanh
 

No comments:

Post a Comment