11/10/2013 03:20
6 người bị bắt trói gồm 3 cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh Hòa Bình, 2 cán bộ Công an H.Kim Bôi và một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; trước đó một ngày, một trưởng thôn cũng bị bắt trói nhưng đã tự cởi trói ra về.
Vụ việc nói trên xảy ra tại thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi, H.Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào tối 8.10. Có mặt tại đây hôm qua 10.10, PV Thanh Niên ghi nhận không khí khá căng thẳng.Theo thông tin PV thu thập được, sáng 7.10, khoảng 100 người dân thôn Bôi Câu đã hô hào nhau ngăn chặn những người đang đào đãi vàng trái phép trên sông Bôi. Do số người đãi vàng bỏ trốn, người dân đã thu giữ tại bãi đào đãi vàng 2 sàng, 3 máy xúc, 1 ô tô tải.
|
Trong thời gian từ 17 - 19 giờ ngày 7.10, hàng trăm người dân tiếp tục bắt giữ, mang máy móc thiết bị của nhóm đào vàng nói trên đưa về để tại sân vận động thôn Bôi Câu. Trong đêm 7.10, người dân tiếp tục tập trung tại nhà văn hóa thôn, đánh kẻng báo động 10 phút/lần cho đến sáng 8.10.
Đầu giờ chiều 8.10, tổ công tác gồm 8 người của công an tỉnh, huyện về làm việc nhưng người dân vẫn không đối thoại. Đến khoảng 19 giờ 30 phút, nhiều người dân bị kích động đã xông vào bắt trói 6 cán bộ, trong đó có 3 cảnh sát môi trường, 3 cán bộ huyện gồm 2 công an và 1 cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường.
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, ông Bùi Việt Hưng, Phó chủ tịch UBND xã và là cán bộ trong đoàn công tác cho biết, 6 cán bộ nói trên bị dân bắt trói trong khoảng 15 phút rồi được người dân thả ra, không ai bị hành hung đánh đập.
Khai thác vàng dưới danh nghĩa tận thu cát sỏi?
Theo ông Bùi Việt Hưng, sự bức xúc của người dân thôn Bôi Câu không phải bột phát mà tích tụ từ lâu do nghi ngờ việc làm thiếu minh bạch của một số cán bộ thôn. Ông Hưng cho biết từ tháng 8.2013, Chi bộ thôn Bôi Câu đã ra nghị quyết về khai thác tận thu cát sỏi ở sông Bôi nhằm tạo nguồn kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi và tài sản chung của thôn. Nghị quyết này đưa ra nội dung “định giá” việc tận thu là 90 triệu đồng và thuê một doanh nghiệp tư nhân ở thị trấn Bo, H.Kim Bôi thực hiện.
Tuy nhiên, “trong khi chưa có thông báo chính thức của UBND huyện hay xã thì ngày 2.10, doanh nghiệp đã cho tập kết máy móc tại khu vực sông Bôi, lập lán trại cho công nhân ở và tổ chức khai thác, gây ra bức xúc trong dân và đến ngày 7.10 thì xảy ra sự cố”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Bùi Việt Thắng, một người dân trong thôn, thì doanh nghiệp mang danh nghĩa là tận thu cát sỏi nhưng thực chất là mang máy móc để đãi vàng, bằng chứng là dân phát hiện nhiều phương tiện để lấy vàng. Tuy nhiên, chính quyền thôn xã không có một động thái nào để ngăn chặn dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, tại khu vực nói trên, chỉ trong vòng 5 ngày, từ 2.10 đến ngày xảy ra sự việc, cả bãi sông rộng hàng trăm mét vuông đã bị cày xới ngổn ngang sỏi đá, nhiều nơi thành những hố sâu hoắm. Theo ông Thắng, các hố này là do người đào vàng dùng máy xúc móc lên để tìm vàng.
Ông Thắng cho biết thêm, từ trước đến nay sông Bôi đã nhiều lần bị các nhóm khai thác vàng trái phép dùng máy cuốc đào bới, dân đuổi chỗ này thì chạy sang chỗ khác. Trước đây, sông Bôi vào mùa này cạn, người dân có thể dễ dàng lội sang bãi bên kia để thu hoạch ngô, nhưng do tình trạng đãi vàng trái phép nên đã tạo ra nhiều hố sâu, trong năm 2011 đã có 3 người dân bị sa vào hố chết đuối.
Chính quyền thôn có sai sót
Trong báo cáo nhanh của UBND H.Kim Bôi ngày 9.10 cho biết, sự việc xảy ra tại thôn Bôi Câu là do người dân bức xúc trong một số vấn đề chưa được chính quyền thôn, xã giải quyết thỏa đáng từ trước đây.
Cụ thể, trong cuộc đối thoại ngày 9.10, người dân thôn Bôi Câu đã yêu cầu chủ tịch UBND xã, bí thư chi bộ và trưởng, phó thôn xin lỗi, tập trung vào các nội dung: làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cho khai thác khoáng sản trái phép; không công khai thu chi chương trình xây dựng nông thôn mới hằng năm và đề ra mức đóng góp cao; năm 2010, chính quyền thu của mỗi người dân 20 kg thóc để xây tượng đài liệt sĩ, đến nay tượng đài chưa có nhưng cũng không giải thích cho dân biết; một số cán bộ đảng viên và người nhà có thái độ cử chỉ, lời nói không đúng mực với nhân dân.
Theo ông Bùi Việt Hưng, trong cuộc đối thoại với dân, chính quyền thôn, xã đã xin lỗi dân và tiếp tục cho kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.
Thái Sơn
No comments:
Post a Comment