Cập nhật lúc 07:35, 30/09/2013
(Người Việt)-
Một câu chuyện có thật ở Hà Nội, trường mầm non nọ thu 40.000 đồng/học
sinh để tổ chức cho các cháu xem xiếc, nhưng vì không phải tất cả cùng
đóng nên các cô bắc loa yêu cầu cháu nào không đóng tiền thì phải ngồi
trong lớp. Và những đứa trẻ đã khóc...
Nguyên văn câu chuyện được một vị phụ
huynh kể trên trang mạng xã hội thế này: “Nhân kỉ niệm ngày 2.9 trường
mầm non T.M – A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường.
Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ
hởi đóng góp cho con. Sáng 30.8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng
phấn khởi.
Mi An
Từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên
loa tròn vành rõ chữ : Alo, alo, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn
trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công
bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi
nguyên trong lớp học không được ra sân.
Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng
sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng nó
không hiểu sao bố mẹ không đóng nổi cho nó bốn chục ngàn…”
Tôi đã khóc khi biết câu chuyện này.
Thật khó hình dung một ứng xử tàn nhẫn và lạnh lùng như thế lại xảy ra
trong một trường mầm non ngay giữa thủ đô. Nó cho thấy trong nhà trường
bây giờ, nhiều thầy cô, những bậc được tôn kính gọi là “kỹ sư tâm hồn”
đã trở thành cái máy thật rồi. Những cỗ máy không có trái tim, vì nếu là
người, ai lại làm như thế.
Tôi đặt ra trường hợp thế này, để thuê
đoàn xiếc về trường biểu diễn cho trẻ xem, cần một số tiền là A, mặc dù
không phải tất cả phụ huynh đều đóng tiền cho con (vì nhiều lý do, có
thể quên hoặc gia đình không có điều kiện) nhưng trường cũng vẫn thu đủ
số tiền là A. Bởi bằng chứng là vẫn có đoàn xiếc về trường diễn. Vậy thì
tiếc gì một chỗ ngồi mà không cho tất cả con trẻ đều được ra xem?
Nếu đó là những giáo viên có tình người,
tất cả các cháu đều được mời ra xem xiếc, mà không cần phải có một
thông báo gì hết. Còn giả sử, có máy móc một tý, các cô vẫn có thể nói
với các con rằng: “Mặc dù có những bạn không đóng tiền, nhưng các bạn
khác đã đóng đủ tiền để cho tất cả các con được xem xiếc hôm nay. Các
con hãy vỗ tay cảm ơn các bạn mình vì điều đó và nhớ rằng, trong cuộc
sống, chia sẻ với người khác, niềm vui và hạnh phúc sẽ nhân lên”.
Vậy mà cả hai trường hợp đáng lẽ xảy ra
đã không xảy ra, chỉ có một thông báo lạnh lùng: “Để công bằng cho các
em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp
học không được ra sân”. Than ôi, công bằng nào ở đây. Những đứa trẻ như
búp non, vắt mũi còn chưa sạch thì chúng.
Cần quái gì cái thứ công bằng gớm ghiếc xấu xí đó của người lớn?
Tôi cứ hình dung ra hoàn cảnh những đứa
bé bị nhốt trong lớp học vào cái buổi diễn xiếc ấy mà thấy lòng đau
thắt. Chúng khóc, hẳn nhiên rồi, làm sao những đứa bé non nớt ấy không
khóc cho được khi thấy các bạn bè hò reo vui vẻ ngoài sân, còn chúng thì
phải ngồi ở đây. Đứa bé bỏng chưa hiểu chuyện thì ngơ ngác, đứa lớn hơn
một chút sẽ biết, vì cha mẹ chúng đã không nộp 40.000 đồng. Chao ôi, có
khi nào đồng tiền bốc mùi tanh lạnh như lúc này không?
Mục đích cao cả nhất của giáo dục, theo
tôi không phải kiến thức, mà là sự khai phóng và giúp con người ta hiểu
thế nào là lòng nhân ái. Vậy mà trong nhà trường này, ở cấp học mà đối
tượng học trò cần nâng niu nhất, lại ứng xử theo kiểu “tiền trao cháo
múc”, ráo hoảnh lạnh lùng. Có tiền thì được phục vụ, còn không tiền thì
xin mời nghỉ cho khỏe.
Những đứa bé ấy, lớn lên sẽ nghĩ gì, sẽ
học được gì từ bài học đắt giá mà các giáo viên đã dạy cho chúng, rằng
trong cuộc đời này, chỉ có đồng tiền là tối thượng, còn lại tất cả đều
vô nghĩa mà thôi.
Sự vô cảm chưa lúc nào lại tràn ngập
khắp nơi trong xã hội này, đến mức có cảm giác, nhiệt độ dòng máu nóng
ấm chảy trong cơ thể chúng ta, cứ mỗi ngày, mỗi ngày lại nguội đi một
chút. Thấy người cơ nhỡ hoạn nạn không chút xót thương, thấy người làm
một việc tốt lành tử tế thì ngay lập tức nghi ngờ, không biết nó có định
bẫy gì mình không. Nhiều người trong chúng ta đang dần dần hóa đá mà
không biết.
Câu chuyện về buổi xem xiếc trong trường
mầm non này, tôi ước sao có thể đến được với các vị lãnh đạo của Sở
Giáo dục Đào tạo Hà Nội, không phải để truy ra trường nào mà phê bình,
trừng phạt. Chỉ cần các vị lấy đó làm một trường hợp cụ thể để cho các
giáo viên thảo luận cùng nhau, chúng ta ứng xử như vậy đã đúng với tư
cách của những người đang làm trong môi trường giáo dục, trồng người hay
chưa. Chắc sẽ có ích cho các thế hệ tương lai nhiều lắm đấy.
Cái khó nhất và cần phải hướng tới trong
xã hội này, không phải là một cuộc sống ngày càng no đủ, sung sướng phủ
phê hơn mà chính là những ứng xử nhân văn, là tình người. Thiếu nó, mọi
thứ vật chất chỉ là của phù vân bèo trôi nước nổi.
Mi An
No comments:
Post a Comment