Tại TP HCM, gần
90% mẫu sữa đậu nành không nhãn mác nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh
tiêu chảy. Nhiều cơ sở còn chế biến sữa đậu nành từ nguyên liệu là bột
béo, hương liệu, phụ gia…
Đến chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM), khách được mời chào các loại hóa
chất và được hướng dẫn tận tình cách dùng. Nói về bột béo để pha sữa đậu
nành, nhân viên một cửa hàng kinh doanh hóa chất cho biết: “Loại sữa
này có hai dạng bột và nước. Bột béo giá 100.000 đồng/kg, còn sữa nước
pha sẵn từng bịch loại 5 lít giá 250.000/bịch”. Hầu hết người làm sữa
đậu nành bán vỉa hè đều đến các cửa hàng hóa chất, phụ gia thực phẩm ở
chợ này mua.
Các loại hóa chất, phụ gia, hương liệu giúp đậu nành thơm ngon bán đầy ở chợ Kim Biên. Ảnh: Tienphongonline
|
Một phụ nữ có cơ sở chế biến đậu nành tại gia ở quận 6, bỏ mối cho các quán ở vỉa hè, cho biết đã mua bột béo, hương liệu về chế biến sữa đậu nành nhiều năm nay. “Đậu tương giá khá cao nên phải mua thêm bột béo này pha trộn vào mới có lời”, chị này giải thích.
Theo người này, bột béo không thể làm ra được sữa đậu nành mà phải thêm hương liệu đậu nành và hương tạo ngọt. Cứ 50 lít sữa đậu nành thì phải bỏ thêm 1 kg bột béo và vài muỗng hương liệu đậu nành và tạo ngọt. Theo chị, hầu hết cơ sở chế biến sữa đậu nành không thương hiệu đều tìm đến các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm này.
Ở chợ Kim Biên có cả phụ gia, bột béo trong nước sản xuất và nhập khẩu. Hầu hết được chiết ra ở các bao, bịch không có nhãn mác. Lượng bán ra khá lớn bởi nhu cầu mua loại này cao. Một người bán hàng tên Hoàng cho biết, bên cạnh người chế biến ở TP HCM thì mỗi tháng các tỉnh miền Tây cũng tiêu thụ của anh vài tấn. Ngoài bột béo để làm sữa đậu nành, Hoàng còn bán hương liệu đậu xanh để pha với sữa đậu nành giúp sữa thơm mùi đậu xanh.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn của sữa gấp 250 lần mức cho phép
Sữa đậu nành hiện diện khắp các tuyến phố, cửa hàng ăn uống tại TP HCM.
Ước tính mỗi ngày có vài triệu lít sữa không thương hiệu này được tiêu
thụ. Tuy nhiên, không ai kiểm soát được chất lượng. Theo lãnh đạo Trung
tâm Dinh dưỡng TP HCM, khảo sát mới đây về chất lượng sữa đậu nành vỉa
hè cho thấy, gần 90% mẫu sữa không nhãn hiệu chứa vi khuẩn gây tiêu chảy
như E.coli, Coliform.Theo công bố mới đây của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM, các mẫu sữa đậu nành lấy từ hàng bán rong, quán cơm bình dân, nhà trẻ… có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli cao gấp 250 lần cho phép. “Đây là những loại vi khuẩn rất dễ xâm nhập và luôn có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao, khiến nguy cơ gây ngộ độc rất lớn”, tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết.
Bất chấp khuyến cáo, nhu cầu tiêu thụ loại sữa đậu nành vỉa hè vẫn tăng. Các cơ sở chế biến sữa đậu nành thủ công, nhỏ lẻ đua nhau nâng cấp công nghệ chế biến.
Chế biến sữa đậu nành ở một cơ sở tại quận 6, TPHCM. Ảnh: Tienphongonline.
Có 20 năm chế biến sữa đậu nành thủ công để bán cho các hàng quán, ông Quế ở quận 4 cho biết, trung bình 100-150 gram đậu nành khô có thể được dùng để chế biến thành 1 lít sữa thành phẩm đậm đặc để uống. "Đó là cách làm truyền thống, không được phép bỏ một loại hóa chất, phụ gia nào vào”, ông nói. Tuy nhiên, ông Quế cho biết bây giờ nhờ chất bột béo, hương liệu, nên người bán chỉ cần xay 30-50 gram đậu và chế thêm phụ gia là cho ra cả vài chục lít sữa.
“Thực tế, người dân không phân biệt được đâu là sữa tự nhiên, đâu là hóa chất, bởi nó cũng đậm đặc như nhau, cũng có mùi y chang, thậm chí sữa hóa chất còn cho thêm vị ngọt để dễ uống nữa. Tất nhiên, các loại sữa này ngoài việc không đủ dinh dưỡng còn dễ gây bệnh vì dùng hóa chất”, ông Quế nói.
Theo tiến sĩ Ngọc Diệp, dù chế biến từ đậu thì ngộ độc thực phẩm vẫn dễ xảy ra, nếu sữa được nấu từ các loại đậu bị nấm mốc hoặc trong môi trường mất vệ sinh. Bà cũng bổ sung: “Việc dùng hương liệu, chất tạo mùi, màu và bột thì phải xem các loại đó có được phép dùng cho thực phẩm hay không và nếu cho phép thì dùng ở hàm lượng bao nhiêu”.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết chưa tìm hiểu các chất bột và hương liệu để chế sữa đậu nành nên không biết đó là chất gì. “Chúng tôi sẽ nắm thông tin và lấy mẫu kiểm tra mới biết được”, bà Mai nói.
Theo Tiền Phong
No comments:
Post a Comment