06:43 | 12/04/2013
TP - Ngôi nhà dùng để thi hành án tử hình bằng tiêm
thuốc độc ở trường bắn Cầu Ngà (Hà Nội) đã hoàn thành, nhưng chưa hoạt
động dù nghị định về việc thi hành có hiệu lực từ ngày 1/11/ 2011. Hơn
500 tử tù đang chờ chết.
Bên trong phòng tiêm thuốc độc ở Mỹ. Ảnh: Lynchburg Times. |
Hơn 500 tử tội vẫn phải chờ
Năm ngoái vào độ tháng 3 tôi đến trường bắn Cầu Ngà –
Hà Nội khi công trình xây để tử hình bằng tiêm thuốc độc sắp hoàn
thành. Phòng được xây lên giữa khu trường bắn, vẻ lạ lẫm.
Căn phòng được thiết kế gồm 3 phần: Một phần dành cho
thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành
án, bác sĩ pháp y,... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để
dành cho các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi
hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm.
Đại uý Lê Quý Long - người đã hơn 30 năm gắn bó với
công việc áp giải và thi hành án tử hình, mừng ra mặt, nói với tôi: “Sắp
tới tử hình bằng thuốc độc, công việc của anh em ở đây cũng nhẹ hẳn và
bớt ám ảnh nhiều lắm”.
Đại uý Long bấm đốt ngón tay, rồi thở dài: “Có thể
Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ gây ra vụ án xác chết không đầu, sẽ phải “khai
trương”. Nghĩa đang nằm trong khám tử tù ở đây, chờ tử hình bằng thuốc
độc”.
Đại úy Long kể về những lần thi hành án tử hình. |
Một năm đã trôi qua, khi tôi quay trở lại Cầu Ngà,
phòng dành cho tử hình bằng tiêm thuốc độc đã hoàn thành, nhưng chưa “đi
vào hoạt động” và dĩ nhiên chưa có tử tù nào “khai trương” cả.
Vì sao lại chậm như vậy trong khi Nghị định số
82/2011/NĐ-CP Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc
độc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2011? Đại úy Lê Quý Long nói:
“Tôi không biết vì sao lại thế. Ở đây mọi thiết bị cho việc thi hành án
tử hình đã lắp đặt xong từ lâu”.
Ngay cả Thượng tá Bùi Ngọc Bình – giám thị trường bắn
Cầu Ngà cũng chỉ có thể nói: “Tôi cũng không rõ vì sao lại chậm như
vậy. Cái này có lẽ anh phải hỏi bên Quốc hội”.
Câu chuyện chậm thi hành án tử hình bằng thuốc độc cũng
nóng trên diễn đàn Quốc hội mới đây. Trả lời chất vấn của các đại biểu
Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: “Mọi công việc
chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến
trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc”.
Theo ông Cường, Nghị định của Chính phủ ghi rõ tên
thuốc, mà đều là loại thuốc chưa sản xuất được ở trong nước, phải nhập.
Và lại phải nhập từ EU, trong khi liên minh này đang yêu cầu Việt Nam bỏ
án tử hình.
Chính vì chưa có thuốc, nên đến nay cả nước còn hơn
500 người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực vẫn không thi hành được.
Có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng. Ngành kiểm
sát thừa nhận sự chậm trễ này đã gây áp lực lên hai phía, phía cơ quan
giam giữ và phía tử tội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình, tỉnh Hòa Bình gay gắt
trước QH rằng: Không có gì khổ bằng chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang
ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng
ta.
Đứng trước thực tế hàng trăm tử tội phải “dồn toa” chờ
được thi hành án, nhiều đại biểu QH tha thiết đề nghị Bộ Y tế phải trả
lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc,
hoặc có thể bào chế ngay trong nước hay không.
Thậm chí, nếu cần thiết phải đặt hàng các nhà khoa học
và xem đây là việc trọng điểm quốc gia trong năm 2013. Đồng thời phải
quản lý chặt tử tội, tránh việc bỏ trốn hoặc tự sát.
“Việc trọng điểm quốc gia” của năm 2013 cho đến nay vẫn
chưa rõ kết quả thế nào, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
khi phát biểu trước Thường vụ Quốc hội mới đây cho biết cả nước đã lắp
đặt xong 5 cơ sở cho việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Có
532 án tử hình đang chờ bổ sung sửa đổi Nghị định 82 theo hướng sử dụng
thuốc độc sản xuất trong nước mới có thể xử tử theo hình thức mới.
Muốn “xong sớm nghỉ sớm”
Một năm nay, trường bắn Cầu Ngà không vang lên tiếng
súng và chưa có án tử hình nào được thi hành. Án tử hình vẫn buộc phải
tuyên và những trại giam, trường bắn như Cầu Ngà có vẻ như quá tải. Quá
tải bởi tử tội phải chờ thi hành án bằng thuốc độc. Sự chờ đợi cái chết
có khi còn đáng sợ hơn cái chết.
Phòng để thi hành án tử tù bằng tiêm thuốc độc ở Cầu Ngà . |
Tôi đã đi nhiều khám tử tù, chứng kiến những tử tội
từng giết người không ghê tay, thần kinh gang thép nhưng ngồi trong
phòng biệt giam chờ dựa cột đã trở nên mềm nhũn, trở nên “mong manh dễ
vỡ” thậm chí điên loạn.
Em không sợ chết, chỉ sợ chờ chết... Thôi thà cứ xong sớm nghỉ sớm.
Tử tù Tuấn
|
Tâm lý “xong sớm nghỉ sớm” của nhiều tử tù đã trở thành
một áp lực khi phải chờ đợi cái chết quá lâu, cho dù đó là một cái chết
“êm” hơn, không phải dựa cột, đổ máu. Theo số liệu của ngành tư pháp,
trong thời gian chờ thi hành án tử hình bằng thuốc độc, có 3 tử tội đã
tự tử vì quá căng thẳng. 3 tử tội khác chết vì bệnh tật.
Bao nhiều lần dẫn giải tử tội ra pháp trường, đại úy
Long nghiệm thấy ít có kẻ nào chân không run. Ông trùm ma túy Vũ Xuân
Trường thì qụy hẳn xuống, đại úy Long phải dìu. Có kẻ ra pháp trường còn
đùa với đại úy Long: “Hôm nay ngày em chết, bác đánh con đề chắc
trúng”. Nhưng khi phải dựa cột thì miệng méo xệch, đái ra quần.
Sau những lần thi hành án, đại úy Long lại bị ám ảnh,
mất ngủ bởi máu và những thân người gục xuống đau đớn, dù đó là ông trùm
ma túy Vũ Xuân Trường, đại ca giang hồ Khánh “trắng” hay kẻ gây ra vụ
án nổi tiếng ở cầu Chương Dương - Nguyễn Tùng Dương.
Giờ đây, đại úy Long cảm thấy như được cất một gánh
nặng: “Tôi biết theo quy định của nghị định 82, thuốc tiêm được sử dụng
gồm: gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3
loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng. Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết
thư, ghi âm lời nói cuối cùng... Tử hình, vẫn là cái chết, nhưng không
còn dựa cột, không còn máu, chỉ như một giấc ngủ”.
Những đợt mưa xuân làm cho bãi cỏ ở trường bắn Cầu Ngà
tươi tốt hơn, che khuất cả nhiều bia mộ của tử tù. Những chiến sỹ công
an ở đây vẫn thường cắt cỏ thắp hương cho những ngôi mộ ấy vào ngày rằm
hay mùng một âm lịch. Còn có cả một cái miếu nhỏ ở dưới gốc đa trong
trường bắn. Ở đây mọi linh hồn đều được đưa tiễn.
Đại úy Lê Quý Long trầm tư: “Tử tù ở đây đã phải lấy
cái chết để đền tội, khi chết là hết tội, nên chúng tôi coi những nấm mộ
của họ như của những người bình thường, không hề phân biệt. Sắp tới, tử
hình bằng thuốc độc thì người nhà của tử tội có thể làm đơn xin tử thi
về mai táng sau khi thi hành án”.
Luật thi hành án hình sự với những quy định
lần đầu tiên xuất hiện trong quá trình thi hành án hình sự tại Việt Nam
được Quốc hội thông qua năm 2010. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử
hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại
thân nhân.
Quốc hội đánh giá việc tử hình bằng tiêm
thuốc độc ít gây đau đớn cho người bị thi hành án. Tiêm thuốc độc đảm
bảo tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người
trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho
thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực
hiện. Hơn 30/80 nước trên thế giới đã áp dụng tử hình bằng tiêm thuốc
độc.
|
Phùng Nguyên
Trình tự tiêm thuốc độc cho tử tù ở Mỹ
Thuốc gây mê Sodium thiopental (tên thương
mại là Pentothal) khiến tử tù ngủ sâu. Đây là loại thuốc an thần, phát
huy tác dụng trong vòng 30 giây. Khi hành quyết, tù nhân có thể được
tiêm 5.000 mg, nên bản thân liều lượng này cũng có thể gây tử vong. Sau
khi được tiêm thuốc này, tù nhân không còn cảm thấy gì.
Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ. Ảnh: Ozzie news. |
- Dung dịch nước muối được bơm vào.
- Chất làm liệt Pancuronium bromide, hay
Pavulon, là loại thuốc gây ngừng thở vì làm liệt màng chắn và phổi.
Thông thường, thuốc này có tác dụng sau khi bơm 3 phút. Ở nhiều bang,
Pavulon được bơm với liều lượng lên tới 100 mg, cao hơn nhiều so với
liều lượng dùng trong phẫu thuật y học. Những hóa chất khác cũng có thể
được sử dụng với vai trò chất làm liệt, bao gồm tubocurarine chloride,
succinylcholine chloride.
- Dung dịch nước muối được bơm vào.
- Chất độc (không phải bang nào cũng sử
dụng): Potassium chloride được bơm với liều lượng chết người để tác động
khiến tim ngừng hoạt động.
Trong vòng 1 hoặc 2 phút sau khi liều thuốc
cuối cùng được bơm vào, bác sĩ hay chuyên gia y tế tuyên bố tù nhân đã
chết. Thời gian từ khi tù nhân rời buồng giam tới khi tuyên bố cái chết
chỉ khoảng 30 phút. Tù nhân thường chết trong 5-18 phút sau khi lệnh tử
hình được đưa ra. Sau khi hoàn thành, xác tử tù được đặt vào túi đựng
xác và đưa đến cho chuyên gia y tế kiểm tra, có thể bằng cách khám
nghiệm tử thi.
Thái An Theo Straight Dope, wsj
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/622239/tu-tu-cho-thuoc-chet-tpp.html
No comments:
Post a Comment