Pages

Sunday, June 16, 2013

Nói tiếng Mỹ như người Mỹ nhờ Internet

Học ngoại ngữ đôi khi cũng khó như việc ăn kiêng. Thử thách lớn nhất là làm sao để có thể luôn hứng thú với việc học sau một thời gian nhất định. Đó là lý do ra đời của hàng loạt các trang web dạy tiếng Anh mà nhờ đó, một người Iran có thể nói tiếng Mỹ như người Mỹ.
Học ngoại ngữ khó như ăn kiêng
Mới nhìn vẻ ngoài và phong cách ăn mặc, chúng tôi đều đoán cô gái ngồi cạnh trong quầy sushi không phải là người Mỹ. Nhưng tất cả đều ngạc nhiên khi nghe cô gái nói chuyện bằng một giọng Anh Mỹ rất chuẩn. Thậm chí cô ta còn có cách lên giọng ở cuối câu rất đặc trưng của giới trẻ đến từ California.
Tuy nhiên, sau khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết cô gái  là người Iran và trước đây chỉ nói tiếng Farsi. Cô đến Mỹ từ hai năm trước và bắt đầu sử dụng tiếng Anh kể từ đó. Chúng tôi tò mò hỏi cô đã học tiếng Anh ở trường nào mà có thể nói tốt như vậy?
“Tôi không đến trường,” cô gái trả lời. “Tôi dùng RosettaStone”
Hình ảnh một trang web dạy tiếng Anh với các tính năng hấp dẫn (Ảnh: NYT)
RosettaStone - Phần mềm học tiếng Anh nổi tiếng bậc nhất được bày bán rộng rãi ở các khu mua sắm hay tại sân bay. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là lựa chọn duy nhất cho những người muốn học ngoại ngữ trên máy tính.
Với sự phát triển tột bậc của công nghệ băng thông rộng, các công ty ngày nay đã cho ra đời nhiều sản phẩm học ngoại ngữ trên mạng bao gồm cả miễn phí lẫn có thu phí. Những chương trình này cho phép người học tương tác trực tiếp với giáo viên bản ngữ ở khắp nơi trên thế giới cũng như truy cập vào các bài học ở bất cứ nơi nào có mạng Internet.
Học ngoại ngữ đôi khi cũng khó khăn như việc ăn kiêng. Thử thách lớn nhất là làm sao để có thể luôn hứng thú với việc học sau một thời gian nhất định.
Để đẩy lùi cảm giác buồn tẻ, các chương trình học ngoại ngữ trên mạng sử dụng các trò chơi như giải ô chữ, video tương tác... để cổ vũ những người học tiến bộ.
Các khóa đào tạo trên mạng có thể là miễn phí, thu phí, hoặc kết hợp cả hai. Đối với loại có thu phí, những chương trình cho người mới bắt đầu thường có giá vào khoảng vài trăm đô hoặc cao hơn. Nghe thì có vẻ là đắt nhưng các công ty này cho rằng cái giá  này tương đối rẻ. Để học tới trình độ tương đương tại các trường ngôn ngữ, học viên thường phải trả học phí cao hơn rất nhiều.
Chất lượng phản hồi quyết định tất cả
Như vậy, nếu đặt vấn đề giá cả sang một bên thì bạn sẽ chọn khóa học như thế nào? Câu trả lời là không có đáp án chung cho tất cả mọi người.
Theo ông Mike Levy, Trưởng khoa Ngôn ngữ học tại Đại học Griffith, Brisbane, Úc thì chất lượng của các phản hồi rất quan trọng.
Vì thế mà các trang web có tương tác thực sự với giáo viên là những trang hoạt động tốt nhất. Điều đó cho thấy máy móc không thể hoàn toàn thay thế con người trong việc giảng dạy ngôn ngữ.
RosettaStone - Phần mềm học ngoại ngữ nổi tiếng nhất hiện nay. Công ty này gần đây đưa ra một bộ sản phẩm có tên là Totale trị giá 1000 đô la tích hợp các chương trình: RosettaCourse – học ngoại ngữ theo các bài học truyền thống; RosettaStudio – nơi mọi người có thể nói chuyện trực tiếp với người bản ngữ thông qua chat hình; RosettaWorld – cộng đồng mạng nơi người học có thể chơi các trò chơi liên quan đến ngôn ngữ.
Hình ảnh trang web Livemocha (Ảnh: NYT)
Tom Adams, Tổng giám đốc công ty này nói: "Chúng tôi cung cấp cho học viên những người bạn qua thư thời hiện đại, thay vì trao đổi thư tay thì họ có thể nói chuyện trực tiếp với nhau qua mạng VOIP.”
RosettaStone sử dụng các công cụ đơn giản để giúp người học tiếp thu kiến thức. Họ dùng những tấm thẻ nhiều màu sắc để người dùng học từ mới, sau đó ghép các từ này lại với nhau để tạo thành câu có nghĩa.
Cách học này “thoát khỏi những câu hỏi khuôn mẫu thông thường và tạo cho người học cảm giác thoải mái như được giải trí với các âm thanh và từ ngữ.”, ông Adams quả quyết.
Một số trang web tham khảo
TellMeMore – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của RosettaStone. Lợi thế của TellMeMore là chương trình nhận biết tiếng nói đi kèm với phần mềm học ngoại ngữ. Chương trình này có thể phân tích một đoạn ghi âm của người học và đưa ra biểu đồ phát âm, gợi ý cho người nói những điểm có thể cải thiện để phát âm tốt hơn. Ngoài ra, họ còn có những đoạn video hướng dẫn cách phát âm những âm khó.
Với số  lượng bài học phong phú, hơn 10 nghìn từ vựng, video của người bản ngữ và hơn 40 hoạt động thực hành, TellMeMore tin rằng họ sẽ luôn giữ được hứng thú của người học. Các chương trình học của TellMeMore hiện nay được bán ra dưới dạng đĩa CD, tuy nhiên phiên bản trên mạng sẽ được tung ra vào cuối năm nay cho cả 2 loại máy là Mac và Windows.
Livemocha là trang web học ngoại ngữ trực tuyến đã đi vào hoạt động được 2 năm nay. Người dùng được học miễn phí các bài học cơ bản của 30 ngôn ngữ khác nhau. Sau đó, để học lên các mức cao hơn với những tính năng hỗ trợ tốt hơn, họ phải trả một khoản phí nhất định sáu tháng một lần.
Tất cả  các học viên dù đang theo học theo diện miễn phí  hay có phí đều được tham gia vào một cộng đồng ngôn ngữ trên mạng, có thể trao đổi trực tiếp với mọi người trên khắp thế giới để trao đổi ngôn ngữ với họ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cộng đồng mở khác trên Internet, tính năng này thường dễ bị sử dụng vào những mục đích lệch lạc.
Babbel là trang web được tài trợ một phần bởi Liên đoàn Châu Âu. Trang web này cung cấp các bài học thử miễn phí và chương trình học thu phí theo tháng với giá 12 đô la/1 tháng hoặc 6.62 đô la/tháng với những người đăng kí liền 6 tháng. Các ngôn ngữ được dạy là: Tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Ngoài các tài liệu ngữ pháp và từ vựng, người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ mà  họ muốn trong các phòng chat riêng hoặc công cộng. Họ cũng có thể tổ chức nói chuyện trực tiếp bằng chức năng chat tiếng.
Trang web của Tập đoàn truyền thông Anh (BBC) cung cấp bài học ở những mức độ khác nhau cho 36 thứ tiếng. Các tính năng có thể sử dụng trên trang web này bao gồm: bài nghe, video và chương trình dịch.
Học ngoại ngữ từ các ứng dụng trên  điện thoại thông minh (smartphone): Không chương trình nào có thể thành công nếu thiếu một ứng dụng tương ứng cho nó trên điện thoại thông minh. Hiện nay, đã có rất nhiều ứng dụng như vậy trên iPhone và một số thiết bị khác.
Cả hai công ty RosettaStone và TellMeMore đều nói rằng họ  đang phát triển các ứng dụng dùng trên điện thoại thông minh để bổ sung cho chương trình trên mạng của mình. Tuy nhiên chưa công ty nào công bố ngày phát hành những ứng dụng này.
Livemocha dự  định sẽ có được một ứng dụng vào cuối năm nay trên cả hai hệ điều hành Android và  iPhone. Kế hoạch của họ là tích hợp chức năng phát âm bản ngữ vào văn bản và cho phép người dùng ghi âm hoặc quay phim bài nói để gửi đi.

No comments:

Post a Comment