Pages

Saturday, May 18, 2013

Đất Nước Cần Ta Ba Lô


T/S Alan Phan
15 May 2013
“Tôi không biết những gì sẽ chờ đợi ở cuối đường, nhưng tôi sẽ đến với nụ cười trên môi” Herman Melville (Moby-Dick)
Phải ra khỏi thiên đường
Trong những chuyến du hành liên lục địa, du khách người Úc chiếm số khá đông so với dân số khiêm tốn của xứ này, khoảng 23 triệu. Tôi tìm ra nguyên nhân khi qua Úc học hậu đại học vào năm 2002. Tại Tweed Heads và Coolangatta nơi trường Southern Cross tọa lạc, tôi tìm thấy một thiên đường tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban phúc và con người đã trân trọng. Biển xanh trong ngây ngất, không khí không một hạt bụi, khí hậu ấm áp, cảnh quan và kiến trúc hài hòa, không nhiều chênh lệch giữa giàu nghèo dù mức sống cao, tốn kém. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi háo hức chờ đến Thứ Sáu để bay về Hồng Kông..vì thiên đường Úc buồn không thể tả.
 
Có lẽ vì vậy, người Úc nào, dù già trẻ lớn bé, nam nữ hay đồng tính, đều thích du lịch thế giới mỗi khi có dịp, hay tìm một việc làm, một cô vợ hay một tấm chồng…ở một nơi nào khác. Họ sẵn sàng ra biển lớn để tìm cảm giác lạ, kiến thức mở, kinh nghiệm mới cho cuộc sống hay sự nghiệp của mình. Với tư duy này, có thể nói người Úc có chỉ số IQ hay EQ hay AQ rất tốt.
Nếu so sánh, tôi nghĩ sự sáng tạo trong nền kinh tế IT của 23 triệu dân Úc chắc phải hơn những thành quả thu nhặt của 1.2 tỷ dân Trung Quốc. Chỉ nhìn sĩ số sinh viên Tàu tại các đại học Úc chúng ta có thể mường tượng một nghịch lý nào đó về “sự thông minh của đám đông”. Nếu người Tàu hãnh diện về 5 ngàn năm văn hóa, họ sẽ nghĩ thế nào khi nhận biết rằng 200 năm trước, những tổ tiên sáng lập ra nước Úc là những tên tội phạm nguy hiểm bị Anh đầy qua một hòn đảo ngoài thế giới nơi chỉ có rừng thiêng nước độc?
Sự việc cũng cho ta chút hy vọng là nếu những tên đầu trộm đuôi cướp này có thể tạo nên một thế giới văn minh cho con cháu; thì bầy vượn của những khu rừng khác trên thế giới cũng có thể vượt qua chính mình để có được những Planet of the Apes thần kỳ trong phim ảnh?
Bài học của các anh chị Tây Ba Lô
Quay lại Saigon, mỗi khi đi ngang khu Phạm Ngủ Lão, Đề Thám…tôi nhìn các anh chị Tây Ba Lô với nhiều thán phục và hoài niệm. Họ là hình ảnh của Alan thời 60’s, vai nặng ba lô đầy đồ đạc, quần áo rẻ tiền, túi không bao giờ có nhiều hơn 50 đô, lang thang trên mọi nẻo đường của Âu Châu, thường không biết hôm nay sẽ ăn gì và ngủ ở đâu. Luôn an ủi mình bằng câu “tùy cơ ứng biến” và “trời sinh Alan sẽ sinh ra bánh mì”.
Những cuộc phiêu lưu vô định… đôi khi ngu xuẩn này đương nhiên cũng gây nhiều ngạc nhiên khó chịu và bực bội…vì Murphy có câu thành ngữ là nếu có gì sai trái, nó sẽ hiện thực và luôn luôn là vào thời điểm bất ngờ nhất.  Tôi không quên lần tán tỉnh được 2 cô nàng ở Barcelona, nghĩ là tối nay sẽ có cuộc tình tay ba tuyệt diệu. Nào ngờ, nửa đêm, bị trói thúc ké trên chiếc ghế gỗ trong căn phòng khách sạn tồi tàn. Hai cô “người tình” lý tưởng thì đã biến mất với tiền bạc và quần áo của mình. Hay lần chiếc xe buýt cũ kỹ rơi xuống hố gần Qito (Ecuador). May mà chỉ bị thương nhẹ.
Nhưng những chuyến đi này là những kho tàng khi từ tương lai nhìn lại…chúng mở mang trí tuệ (một ngày đàng học một sàng khôn), chúng tăng lực tự tin cho tinh thần, và chúng giúp chúng ta có một tầm nhìn chính xác hơn về cái hư vô và nghiệp chướng của con người.
Tôi không biết là giữa những mảnh bằng đại học và những chuyến đi…cái nào đã thực sự đóng góp nhiều hơn trong quá trình làm người của mình.
Một đội ngũ…Ta Ba Lô
Trong cuộc hội thảo gần đây tại một trường đại học, tôi đã ngạc nhiên khi thấy quá ít sinh viên Việt có hộ chiếu và đã từng xuất ngoại. Tôi tin là hơn nửa số sinh viên có mặt hôm đó chắc có nhiều tiền hơn phần lớn các Tây Ba Lô tại Saigon. Điều họ thiếu sót lớn nhất là “ước muốn” và “can đảm”. Tiền tiêu cho những giờ chém gió và lảm nhảm tại các quán cà phê và các quán nhậu có thể nhiều hơn tiền tiêu mỗi ngày tại Thái Lan hay Myanmar. Vé máy bay đi nhiều nơi ở Asean rẻ hơn vé máy bay đi Hà Nội hay Đà Nẵng. Một chân làm bếp hay dọn dẹp trên một con tầu cho bạn một chuyến đi miễn phí qua Âu, Úc hay Mỹ. Phần lớn các bạn trẻ Việt ngày nay thông minh, sáng tạo và nếu biết tìm tòi trên mạng, sẽ tìm ra cả trăm cách thức để làm…Ta Ba Lô.
20 năm trước, tôi khó tìm ra một du khách từ Trung Quốc, Việt Nam hay Liên Xô. Hộ chiếu để xuất ngoại là một ân huệ và quyền lợi của các con ông cháu cha. Bây giờ, thì khắp thế giới, đâu cũng có dấu ấn của các công dân XHCN này. Tuy nhiên, phần lớn du khách thuộc hai loại: các tư bản đỏ với những tiêu xài hàng hiệu và khoe khoang thật “sốc” với dân địa phương và các ông bà già chắt chiu tiền tiết kiệm qua những tours rẻ tiền, bầy đàn, sợ sệt và thích phóng uế bừa bãi. Rất ít du khách là những…ta ba lô muốn đi tìm một kiến thức và kinh nghiệm về thế giới bên ngoài. Tôi chắc chắn là chúng hào hứng và quý giá hơn các lớp học Mác Lê buồn tè, nhìn qua lăng kính của những ông già gần đất xa trời.
Đòi hỏi của nền kinh tế kiến thức
Sự va chạm với thực tại, đôi khi khá đắng cay và tủi nhục, sẽ làm con người Việt trong bạn thức tỉnh: từ những bản lĩnh đáng tự hào đến những thói quen nhiều ngu muội. Tôi vẫn nghĩ cách duy nhất để thể hiện lòng yêu nước và đóng góp tích cực vào định mệnh tương lai của xã hội là thể hiện sự thăng hoa, tiến bộ hàng ngày của cá nhân mình. Chúng ta cần đổi mới, nhưng hãy đổi mới chính con người nội tại trước đã.
Hành trình dài cần những bước nhỏ đầu tiên. Hãy hứa với mình là sẽ đi xin một hộ chiếu ngày mai và suy nghĩ ra cách đi chơi Kampuchia hay Lào hay Thái Lan …trong tháng tới. Đơn giản thế thôi.
Hãy ra biển lớn…nhìn, nghe và suy nghĩ. Một lúc nào đó, mình sẽ biết làm gì với con người mới của mình…
Hãy nghe Eleanor Roosevelt thì thầm..” Mục tiêu của đời sống là hãy sống, hãy tận hưởng kinh nghiệm, hãy lên đường tìm những phiêu lưu mới, hăng hái và không sợ sệt”….
Alan Phan

No comments:

Post a Comment