Tác giả: Nguyễn-Xuân Nghĩa
Con Thiêu Thân Đang Tìm Ngọn Lửa….
* Lãnh thổ, và mật độ dân số Trung Quốc *
Khi kinh tế Trung Quốc qua mặt Nhật Bản vào năm 2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế mau mắn dự báo một vụ qua mặt nối tiếp. Từ
10 ngàn tỷ 128 triệu Mỹ kim vào năm 2010 (10.128 triệu), sản lượng kinh
tế Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và lên tới 20 ngàn tỷ 440 triệu (20.440
triệu) vào năm 2017.Cùng lúc ấy, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ từ gần 15 ngàn
tỷ (14.498 triệu) chỉ lên tới 20 ngàn tỷ 77 triệu (20.077 triệu): Mỹ
lãnh huy chương bạc, nhường chức vô địch cho Trung Quốc…..
Giới kinh tế tài chánh ưa vui chơi
với con số tính nhẩm là 70. Giả dụ như muốn tăng sản lượng gấp đôi trong
bảy năm – như từ năm 2010 qua 2011, 2012… đến 2017 – thì hãy lấy số 70
chia cho bảy. Vị chi là phải có đà tăng trưởng 10% một năm (70/7). Muốn
gấp đôi trong hai năm thì mỗi năm phải tăng 35%. Nếu đà tăng trưởng chỉ
có 2% một năm thì phải đợi 35 năm….
Theo dự phóng nói trên của Quỹ Tiền
tệ Quốc tế IMF, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được đà tăng trưởng 10%
của hai thập niên trước. Lạc quan tếu.
Tính đến giữa năm thì chỉ tiêu tăng
trưởng 7,5% cho năm nay của lãnh đạo Bắc Kinh đã có dấu hiệu bất
khả. Được 7% là mừng, nhiều phần sẽ chỉ là 6%. Mà 7% một năm thì đấy đã
là chỉ dấu “hạ cánh nặng nề” – hard landing - với khá nhiều vất vả.
Qua năm năm tới đây, nếu kế hoạch
cải tổ cơ chế được áp dụng để đưa kinh tế qua hình thái phát triển dựa
vào phẩm hơn lượng, vào tiêu thụ nội địa hơn là đầu tư hay xuất cảng,
nôm na là nâng mức tiêu thụ khoảng 37% của Tổng sản lượng lên tỷ trọng
50% như các xứ khác thì tốc độ tăng trưởng hàng năm của kinh tế Trung
Quốc sẽ phải giảm – và ở dưới 5%.
Tức là sản lượng chỉ nhân đôi trong
14 năm, khi ta tính nhẩm bằng hệ số 70. Đấy cũng là thời điểm mà dân số
Trung Quốc hết tăng, và bắt đầu giảm, kể từ năm 2026. Trong khi dân số
Hoa Kỳ vẫn tăng.
Siêu cường trẻ trung và hung hăng là
nước Mỹ cứ cãi nhau lung tung nhưng vẫn phơi phới đi lên.Còn đế quốc cổ
xưa của Thiên triều đỏ thì chưa kịp giàu đã già. Nên đành lỡ hẹn với
lịch sử.
Không chỉ lỡ hẹn, mà còn nghẹn ngào ứa lệ. Có khi đổ máu…
***
Trước sự lớn mạnh đột ngột của Trung
Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình giành lại quyền bính và tiến hành cải
cách từ đầu năm 1979 – nhồi trong “bài học cho Việt Nam” – nhiều người
Việt đã lo sợ cho tương lai bên cạnh một nước láng giềng xưa nay không
hề che giấu tinh thần đại bá.
Một số người thì cho rằng mô hình
Trung Quốc hay phép “đồng thuận Bắc Kinh” là phép màu phát triển Việt
Nam, với đảng độc quyền dựa trên khu vực kinh tế nhà nước và xây dựng
chế độ tư bản nhà nước theo quy luật thị trường. Đấy là quan điểm “lưỡng
lợi” của thiểu số lưu manh, muốn duy trì ách độc tài để bảo vệ đặc
quyền lẫn đặc lợi.
Một số người tử tế thì cho rằng về
dài, cả hai mô thức phát triển kiểu tự do của Hoa Kỳ hay tập quyền của
Trung Quốc sẽ có lúc “đồng quy”: chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ cần sự can
thiệp của nhà nước để điều chỉnh những thái quá của thị trường và chủ
nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc sẽ mở rộng không gian sinh hoạt
của tư nhân và thị trường. Về dài thì Tầu Mỹ gì cũng gặp nhau.
Y như sự ngớ ngẩn của cánh tả năm
xưa, người ta muốn tìm giải pháp trung dung của lực lượng thứ ba, với ưu
điểm từ cả hai hệ thống tự do lẫn kế hoạch. Việc Trung Quốc vượt mặt
Hoa Kỳ sau khi cải cách kinh tế chỉ chứng minh sự sáng suốt của con
đường thứ ba.
Sự thật lại không trừu tượng và sạch sẽ như vậy.
***
Hoa Kỳ và Trung Quốc có kích thước tương tự, 10 triệu cây số vuông, mà khác biệt về địa dư hình thể.
Hoa Kỳ có lãnh thổ vuông vức và hệ
thống sông ngòi thuận lợi bên trong nên có tiềm lực rất cao về sản xuất
nông nghiệp, dư thừa lương thực để nuôi sống một dân số cao gấp
bội. Trong khi lãnh thổ bát ngát của Trung Quốc thiếu đất và nước cho
nhu cầu sinh hoạt, và diện tích khả canh tính theo đầu người chỉ bằng
một phần ba của trung bình thế giới mà thôi.
Hình thể bất cân xứng còn là bài toán hợp tan ngàn đời.
Miền Đông hay Trung Nguyên trù phú
nhờ độ ẩm đủ cao cho canh tác và nhờ lưu vực Hoàng hà và Trường giang
tương đối thuận lợi cho giao thông buôn bán. Đây là nơi sinh sống của
400 triệu người, với mật độ dân số quá cao. Phần còn lại là khu vực
hoang vu khô cằn rộng lớn bên trong, rất khó phát triển để nuôi sống 900
triệu dân.
Trong hoàn cảnh đó, một số tích cực
thì đi làm “dân công” để kiếm ăn mà không có hộ khẩu và mạng lưới an
sinh tối thiểu. Khoảng 250 đến 300 triệu dân công đã có cuộc sống tạm bợ
mà kéo dài mấy chục năm. Họ từ nông thôn đi ra tỉnh, từ miền Tây đi làm
gia công ở miền Đông.
Vì vậy, phát triển khu vực nội địa
nghèo đói là ưu tiên chiến lược của trung ương, qua các dự án đầu tư kém
hiệu năng và lại gặp trở lực của các tỉnh duyên hải muốn bung ra thị
trường bên ngoài của thế giới. Đấy là bài toán hướng nội và hướng ngoại
của hai khu vực quá khác biệt.
Kinh tế Trung Quốc có ưu thế là dân
số đông nhất địa cầu. Nhưng ưu thế này mất dần sau bốn chục năm kế hoạch
hóa gia đình với chế độ “mỗi hộ một con” và vì nếp văn hóa trọng nam
khinh nữ. Mà dân số là một yếu tố chi phối khả năng sản xuất trong
trường kỳ….
Ngoài tai ách về địa dư hình thể nằm trong gia phả, lãnh đạo Bắc Kinh còn gặp năm bài toán xuất phát từ dân số:
1) Lương bổng gia tăng ở nơi có mật
độ dân số quá cao nên kinh tế mất sức cạnh tranh; 2) lương bổng thấp ở
các vùng kém phát triển bên trong khó nâng cao khả năng tiêu thụ nôi địa
để cân bằng lại cơ cấu kinh tế cho khỏi lệ thuộc vào đầu tư và xuất
cảng; 3) dân số bị lão hóa với tỷ trọng cao niên gia tăng so với lực
lượng ở vào tuổi lao động sản xuất nên gánh nặng xã hội chỉ tăng chứ
không giảm; 4) dân số hết tăng kể từ năm 2026 và còn giảm dần để đến
cuối thế kỷ thì chỉ còn 950 triệu nên sẽ làm giảm sức sản xuất; và 5) tỷ
lệ tính phái nam đông hơn nữ tiếp tục mở rộng, cho đến 2020 sẽ là
130/100, nên ảnh hưởng đến sinh suất và cả sự ổn định xã hội. Con số 124
có thể tóm lược mấy bài toán này: một người phải nuôi song thân và bốn
ông bà bên nội bên ngoại!
Nhìn rộng ra ngoài thì không xã hội
nào có thể đạt mức tăng trưởng cao với một dân số giảm sút.Với Trung
Quốc, tình hình sẽ tệ hơn vì 30 năm chỉ biết lượng hơn phẩm nên đà tăng
trưởng 9-10% để lại một di sản ô nhiễm vĩ đại cho thế hệ về sau. Một
lãnh thổ thiếu đất canh tác ở trên, 90% mạch nước ngọt ở dưới thì khô
cạn hoặc chứa đầy độc chất: cường quốc kinh tế này thật ra không có
tương lai!
Thiên triều đỏ ở trên không thể không thấy ra những nhược điểm này.
***
Họ nói đến phẩm hơn lượng và cụ thể
là muốn đi từ hình thái phát triển kỹ nghệ chế biến với nhân công rẻ và
năng suất thấp lên một trình độ tổ chức và sản xuất cao hơn. Như Nhật
Bản hay Nam Hàn, từ cả chục năm nay, Trung Quốc muốn thoát khỏi ưu thế
ảo là “hãng xưởng ráp chế toàn cầu” và xây dựng khu vực sản xuất có giá
trị gia tăng cao hơn nhờ tinh thần sáng tạo.
Nhưng kết quả là một sự nghèo nàn vì
từ căn bản, họ chỉ có nền văn hóa kinh doanh kiểu cóp nhặt. Ngày nay,
hơn 80% mặt hàng “cao kỹ” – loại “hi-tech” có nhãn hiệu “Made in China” –
chỉ là sản phẩm gia công làm cho doanh nghiệp ngoại quốc. Nếp văn hóa
ăn cắp theo nghệ thuật “ăn của địch để đánh địch” từng được dựng thành
quốc sách nay tỏa xuống thần dân là cái thói không tôn trọng tác quyền
của thiên hạ. Mà nền kinh tế hay giáo dục và đào tạo không thể lấy sức
mạnh từ tri thức và sáng tạo nếu thiếu tự do và phản ứng cầu tiến.
Ngần ấy lý do đều dẫn tới việc Trung
Quốc khó bước lên bậc thang cao hơn của tiến trình sản xuất dựa trên
tri thức và sáng tạo – dùng cái đầu hơn bắp thịt. Tức là việc kinh tế
Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ chỉ là chuyện xa vời.
Nhưng vấn đề không nằm ở đó.
***
Vấn đề của Trung Quốc nằm ở các
nhược điểm không thể cải sửa của nền kinh tế phi cầm phi thú – nửa dơi
nửa chuột của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của
chế độ độc tài. Vì vậy, họ đầu tư và đi vay với nhiều lãng phí, mà lại
trút đặc lợi vào khu vực kinh tế nhà nước, cho tay chân và thân tộc của
lãnh đạo. Sự hình thành của các nhóm lợi ích cấu kết với con ông cháu
cha – Thái tử đảng – còn cản trở mọi nỗ lực cải cách hoặc chuyển
hướng. Đấy là một vấn đề kinh tế chính trị cực kỳ nan giải của một quốc
gia rộng lớn không có thể chế liên bang và quy ước dân chủ.
Vấn đề còn nan giải và kinh hãi hơn
vậy thuộc về lãnh vực văn hóa xã hội: đa số người dân Trung Quốc ngày
nay lại hài lòng với chế độ chính trị và bộ máy quyền lực của nhà
nước. Họ hãnh diện về uy thế quốc tế của xứ sở, không thấy ra vấn đề của
đất nước và chẳng muốn thay đổi hệ thống cai trị. Vì trên dưới đều một
lòng, Trung Quốc đang là cường quốc sẽ có ngày vấp ngã.
Đó là cuộc hẹn của con thiêu thân với ngọn lửa rực sáng.
No comments:
Post a Comment