Pages

Wednesday, July 17, 2013

Chuyện của người giữ sổ tiết kiệm cho Bác Hồ

Dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng những ký ức về Người vẫn trở về tươi rói trong ông mỗi khi có ai đó nhắc lại những năm tháng vinh quang ấy.
Cơ duyên được ở gần bên Bác
Bất ngờ vì sự viếng thăm của chúng tôi, người cán bộ trung thành của Bác Hồ khi xưa giờ đã gần bước vào tuổi 90, bồi hồi nhớ lại: “Thuở thiếu niên, tôi học trường Trung học tư thục Thăng Long, Hà Nội, nơi có các giáo sư, thầy giáo nổi tiếng như Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... giảng dạy. Dù rất muốn theo đuổi sự nghiệp học hành nhưng do gia đình đông anh em, tôi phải bỏ trường lên Thái Nguyên giúp việc cho một người họ hàng làm ăn, buôn bán. Năm 21 tuổi, tôi lập gia đình. Theo lời cha, vì là con cả, nên tôi trở về vùng quê Nam Trực, Nam Định làm ruộng và lo việc thờ cúng tổ tiên. Nhìn thấy rõ cảnh khổ cực của bà con nông dân, chứng kiến tận mắt nạn đói tang tóc năm 1945 nên khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, tôi đã quyết định tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở quê và được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ Tiểu khu Nam Trực”.
Nheo nheo đôi mắt đã xếp đầy nếp nhăn như để nhìn lại cho thật rõ hình ảnh của mình cách đây quá ½ thế kỷ, ông Lập kể tiếp: “Sau Cách mạng tháng 8 hai năm, tôi rời gia đình đi kháng chiến. Từ đó, tôi hết làm cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên, cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy lại chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Đảng Hoàng Văn Thụ ở Việt Bắc. Thế rồi một ngày, tôi nhận được chỉ thị của trên chọn đi học một ngành rất mới: ngành Cơ yếu. Khi nghe thấy tên ngành này, những bạn bè, đồng đội của tôi đều can. Nhưng tôi nghĩ cách mạng cần mình, thấy mình phù hợp thì các đồng chí ấy mới cử mình đi học. Thế là tôi đi. Khi học rồi mới thấy ngành Cơ yếu quan trọng vô cùng.
Học xong tôi được giao một nhiệm vụ đặc biệt là về làm công tác cơ yếu tại Văn phòng Trung ương Đảng. Năm 1958, Bác Hồ cần một cán bộ tin cẩn để làm phụ trách Phòng Văn thư của Bác nhưng với điều kiện phải từng trải qua công tác cơ yếu. Văn phòng Trung ương Đảng có mấy chục cán bộ nhưng người từng học ngành Cơ yếu thì chỉ có mỗi mình tôi. Vậy là tôi được lựa chọn và được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Văn thư của Bác Hồ. Nghĩ lại đúng là cơ duyên đời người ít gặp”.
Vậy là năm 1958, ông Lê Hữu Lập sang văn phòng của Bác Hồ, làm Trưởng phòng Văn thư, bí thư chi bộ 41 (lấy tên kỷ niệm năm Bác Hồ về nước) theo sự điều động của Văn phòng Trung ương. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, là chánh văn phòng. Đồng chí Cù Văn Chước là phó văn phòng. Thêm một đồng chí đánh máy công văn giấy tờ nữa là 4 người. Công việc chính của ông Lập là tiếp nhận và trình Bác những công văn, thư từ, báo chí gửi Bác; trình ký những Sắc lệnh, Thư ủy nhiệm ngoại giao, các hồ sơ khen thưởng... Bác rất thường xuyên đọc báo. Báo chí gửi đến, kể cả các báo địa phương, Bác cũng đọc rất kỹ, có những gương người làm việc tốt nào được báo chí nêu, Bác đều gửi tặng Huy hiệu để động viên và khuyến khích họ làm nhiều việc tốt hơn nữa. Năm 1962, khi tuổi Bác đã cao, sợ Bác đọc báo nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi mắt nên ông Lập lại được giao nhiệm vụ cùng ông Cù Văn Chước tổng hợp tin tức, lựa chọn tin, bài trên các báo để đọc cho Bác nghe vào đầu giờ buổi sáng và buổi tối trước khi Bác nghỉ.
Ông Lập xúc động nhớ lại: “Bác mặc bộ quần áo cộc nằm trên giường, tôi ngồi bệt ở đầu giường để đọc báo cho Bác nghe. Có lần vào mùa hè nóng nực, vừa ngồi xuống tôi đã thốt lên “Hôm nay nóng quá!”. Bác nhẹ nhàng bảo: “Nếu chú nghĩ đến bộ đội phòng không đang phải nằm trực chiến trên nóc các tòa nhà nắng như đổ lửa, hay nghĩ đến những người nông dân đang phải trần lưng dưới ruộng thì chú sẽ thấy mát hơn. Còn nếu chú chỉ nghĩ đến những nơi mát mẻ, an nhàn thì chú càng cảm thấy nóng mà thôi”. Tôi nhớ mãi lời dạy đó của Người và tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tấm lòng của vị lãnh tụ vĩ đại, luôn nghĩ đến số phận của những người dân bần hàn, cực nhọc. Từ đấy, mỗi lần vào đọc báo cho Bác nghe, tôi lại bỏ vào túi áo mấy nụ hoa nhài. Chỉ trong ít phút, hơi ấm của cơ thể làm những nụ nhài nở bung, lan tỏa ra một mùi hương thơm mát, dễ chịu làm giảm đi cái nóng oi ả của trời đất”.
Được đứng tên và giữ sổ tiết kiệm cho Bác Hồ
Về việc lập và giữ sổ tiết kiệm cho Bác Hồ, ông Lập cho biết: “Việc đứng tên và lập sổ tiết kiệm cho Bác cũng là một nhiệm vụ của phòng Văn thư. Ngày đó, với mức lương tháng của những cán bộ như chúng tôi, khoảng 120 đồng, thì tiêu còn chẳng đủ nói gì đến gửi tiết kiệm. Chính vì thế, sau một vài tháng gửi ở Quỹ tiết kiệm phố Hàng Gai, đã có người được phân công đến cơ quan tôi điều tra xem đồng chí Lê Hữu Lập là ai, làm gì mà có được một số tiền lớn để gửi tiết kiệm như thế. Đến khi biết đấy là sổ tiết kiệm của Bác Hồ, họ mới thôi không điều tra nữa”.
Số tiền hàng tháng Bác chuyển vào sổ là những khoản dôi dư sau khi Bác chi tiêu một cách tiết kiệm và số tiền nhuận bút Bác đăng bài ở báo Nhân dân. Tiết kiệm đã trở thành một đức tính điển hình ở Bác. Phòng Chủ tịch có quạt máy nhưng cứ dùng một hai tiếng Bác lại tắt đi cho quạt nghỉ và dùng cái quạt nan phe phẩy. Anh em lắp điều hòa vào phòng Bác, Bác cũng tắt đi không dùng. Dịp Bác đi dự Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Nhưng khi các đồng chí cán bộ đưa tiền lên thì Bác dặn nhập số tiền đó vào quỹ của Đảng, không để vào Sổ tiết kiệm của mình. Tiền tiết kiệm Bác chỉ dùng để mua quà tặng trong những dịp cần thiết cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân chứ không chi tiêu cho riêng mình.
Tiếp tục câu chuyện, ông Lập kể: “Bác có người anh em thúc bá tên là Nguyễn Sinh Mợi bị đau nặng. Khi biết tin, Bác đã tự tay viết thư gửi đồng chí Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - và giao cho tôi cầm bức thư vào Vinh đưa tận tay nhờ đồng chí Đồng nhờ giúp đỡ chữa chạy vì Bác không có điều kiện về thăm nom chăm sóc. Khi ở Nghệ An báo tin ra là cụ Mợi không thể qua khỏi, Bác cho gọi anh Nguyễn Sinh Định, con trai cụ Mợi, lúc này đang là cán bộ Ủy ban Hành chính Hà Nội, cùng các con vào gặp ở Phủ Chủ tịch. Rồi Bác dặn tôi đi rút ở Sổ tiết kiệm của Bác ra 200 đồng để đưa cho anh Định về lo liệu công việc cho cụ Mợi. Khi tôi nghe thấy anh Định gọi Bác bằng... chú, các cháu con anh gọi Bác bằng ông, tôi cảm động đến trào nước mắt. Mọi người từ trước đến này đều gọi Người bằng hai tiếng Bác Hồ đầy trân trọng và thương yêu, giờ đây tôi mới thấy có người gọi Bác bằng những danh xưng họ hàng, ruột thịt. Tôi thấy Bác rất vui trước sự cuốn quýt của các cháu nhỏ. Những tình cảm dành cho quê hương, họ hàng Bác dồn nén lại để lo việc lớn cho đất nước giờ như trào ra”.
Đến khoảng năm 1967, trong một lần đi công tác về, thấy bộ đội phòng không trực chiến dưới trời nắng chói chang, Bác đã bảo ông Lê Hữu Lập rút toàn bộ số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm của Bác gửi cho Bộ Quốc phòng để mua nước cho anh em. Ông Lập tiếc rẻ: “Giá như lúc ấy tôi không rút hết mà giữ lại 5 đồng hoặc bỏ tiền túi gửi vào đó 5 đồng thì tôi đã giữ lại được quyển Sổ tiết kiệm của Bác. Giờ nghĩ lại tôi còn tiếc mãi”.
Trong cuộc trò chuyện với người lưu giữ một phần những kỷ niệm quý giá về Bác Hồ, ông Lê Hữu Lập còn vui vẻ kể cho chúng tôi nghe một số chuyện vui xung quanh các tư liệu về Bác: “Trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”, nhà văn Sơn Tùng kể rằng, vì có tình cảm với một người con gái tên là Út Huệ ở quê nhà mà về sau này trong phòng làm việc của Bác luôn có một bình hoa huệ trên bàn. Thực ra, trong phòng làm việc của Bác không bao giờ cắm hoa huệ dù Bác yêu tất cả các loại hoa. Chỉ khi Bác mất, ca sỹ Ái Vân, con của nghệ sỹ Ái Liên, người mà Bác rất quý khi còn sống đã mang đến một bó hoa huệ đến viếng. Người ta cắm bó huệ đó vào cái bình pha lê trong phòng của Người. Khi bó hoa héo đi, những người trông nom lại thay bằng bó khác. Vì thế mới có hình ảnh hoa huệ trong phòng Bác Hồ”.
 Nguyễn Thắng 
 

No comments:

Post a Comment