Pages

Friday, December 21, 2012

Nhân lực ngân hàng hết thời hoàng kim


Nhu cầu tuyển dụng của ngành tài chính ngân hàng trong quý IV giảm hơn 60% so với quý III, sau động thái tái cấu trúc mạnh mẽ của các nhà băng.
> Nhân viên ngân hàng nơm nớp lo thất nghiệp

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, số người tìm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thường vượt nhu cầu tuyển dụng. Năm 2012, nhiều ngân hàng tái cơ cấu để giảm chi phí, thay đổi một loạt nhân sự, nhưng vẫn tuyển thêm nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi, dù số lượng tuyển ít hơn hẳn mọi năm
Phó giám đốc trung tâm Trần Anh Tuấn cho biết nhu cầu tuyển dụng ngành tài chính ngân hàng trong quý IV giảm 66,29% so với quý III. Dự báo trước đó của trung tâm cho thấy, chỉ số nhu cầu ngành này (5,9%) chỉ bằng một phần năm so với marketing - kinh doanh - bán hàng (25,82%), thậm chí không bằng lĩnh vực quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo (9,98%). Nhu cầu tuyển của dệt may, giày da trong còn cao hơn cả tài chính ngân hàng. Điều này phản ánh đúng xu hướng của thị trường.
Tin liên quan:
 
Ông phân tích: "Nhà băng khắt khe trong tuyển dụng hơn, yêu cầu ứng viên thật sự có năng lực nghiệp vụ. Chính vì vậy, một loạt sinh viên, lao động ngành tài chính không thể tìm được việc dễ dàng như mọi năm".
Tài chính ngân hàng năm nay còn tăng lương ít nhất trong các ngành, theo khảo sát của Towers Watson với khoảng 250 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Kết quả cho thấy, tài chính có mức tăng lương thực tế so với dự báo ở mức thấp nhất, chỉ 12,2% năm 2012 và dự kiến 12,1% năm 2013. Trong khi đó, sản xuất và bán lẻ dẫn đầu mức tăng lương, lần lượt 15,2% và 14%.
Nhu cầu tuyển dụng trong ngành ngân hàng giảm mạnh trong năm nay. Ảnh: B.H
Trái ngược với tài chính ngân hàng, lĩnh vực bán hàng, tiếp thị, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2012 và năm tới. Nguyên nhân do doanh nghiệp muốn dùng mọi cách thức để quảng bá sản phẩm, thực hiện các chiến dịch tiếp thị để giải phóng lượng hàng tồn hiện có.
Lãnh đạo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM dự đoán năm 2013 nhu cầu tuyển lao động phổ thông của dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, nhựa – bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử… tăng, nhưng không nhiều như các năm trước. Marketing - kinh doanh - bán hàng và du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ là 2 lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nhiều nhất. Ngành tài chính đứng thứ 6, khi nhu cầu chỉ có 6,5%.
Thị trường lao động năm sau dự báo sẽ tái diễn nghịch lý cung cầu. Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vẫn khó tìm được việc ngay, trong khi người học nghề ra trường rất dễ tìm được việc làm với mức lương phù hợp. Lý giải hiện tượng này, ông Tuấn cho hay doanh nghiệp trong giai đoạn này muốn giữ nhân viên cũ hơn là tuyển người mới phải mất thời gian đào tạo và năng suất lao động có thể không cao.
TP HCM cần khoảng 65.000 việc làm trong quý I/2013, trong đó có khoảng 43% nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông.
12 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2013 tại TP HCM như sau:
1. Marketing – kinh doanh – bán hàng (27,08%)
2. Du lịch – nhà hàng – khách sạn – dịch vụ - phục vụ (19,92%)
3. Công nghệ thông tin – điện tử - viễn thông (7,79%)
4. Quản lý - hành chính – giáo dục – đào tạo (7,54%)
5. Dệt – may – giày da (7,16%)
6. Tài chính - kế toán – kiểm toán - đầu tư - bất động sản - chứng khoán (6,50%)
7. Tư vấn - bảo hiểm (3,74%)
8. Cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô (2,77%)
9. Hóa – y tế, chăm sóc sức khỏe (2,67%)
10. Xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải (2,51%)
11. Điện – điện công nghiệp – điện lạnh (2,00%)
12.Kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu (1,54%)
Mai Phương
 

No comments:

Post a Comment