BLOG CỦA ALAN ngày thứ năm 24/5/2012
Rất nhiều bạn đọc cũng như các phóng viên kinh tế hỏi tôi về nghịch lý tại sao những ngân hàng Việt dư tiền nhiều, lợi nhuận cao; trong khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu tín dụng trầm trọng.
Thực ra, nguyên nhân của vụ việc này rất dễ hiểu và phương cách kiếm tiền của ngân hàng Việt cũng không khác các ngân hàng Mỹ trong kỳ khủng hoảng tài chánh bao nhiêu. Cuối 2007, khi nợ xấu và thanh khoản của các đại gia ngân hàng Mỹ đe dọa trầm trọng sự sinh tồn của nền tài chánh cờ bạc, Bush rồi Obama (dưới ảnh hưởng của nhóm Goldman Sachs) phải tung các gói kích cầu để cứu bồ. Dưới danh nghĩa ích lợi chung của Main Street (nhóm nhân dân làm ăn thực), Cơ Quan Dự Trữ Trung Ương (Federal Reserve) ra tay cứu Wall Street với hơn 2 ngàn tỷ đô la trong vài năm qua. Fed cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất cực thấp (hiện nay là 0.25%) để các ngân hàng có thanh khỏan mà mở van tín dụng cho doanh nghiệp. Lý thuyết là khi ngân hàng có tiền, doanh nghiệp sẽ được vay để sản xuất, nạn thất nghiệp sẽ giảm, và thị trường sẽ hồi phục.
Nhưng các ông chủ quản lý ngân hàng lại nghĩ khác. Kinh tế đang suy thoái, nợ xấu đang đầm đìa, nhu cầu tiêu dùng thắt lại…đưa tiền cho doanh nghiệp là một phiêu lưu không cấn thiết. Trong khi đó, trái phiếu chánh phủ Mỹ (100% an toàn) đang trả khoảng 3%. Tay phải lấy của chánh phủ 0.25 %, tay trái cho chánh phủ vay lại 3.05%. Một đứa con nít 3 tuổi cũng có thể kiếm tiền suốt ngày với thủ thuật này. Muốn lời cao hơn thì quay qua trái phiếu của Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Đó là lý do chính tại sao các năm vừa qua, các đại ngân hàng Mỹ luôn có siêu lợi nhuận. Chánh phủ còn tốt hơn với mấy đứa con cưng: họ bỏ thêm cả núi tiền để mua lại các nợ xấu.
Dĩ nhiên, các chánh trị gia lúc đó kêu gào là các ngân hàng đã lợi dụng tiền thuế của dân để thủ lợi mà không đếm xỉa gì đến lợi ích chung. Nhưng các chuyên gia độc lập đều thừa biết rằng khi thiết kế các gói kích cầu này, các nhà lãnh đạo tài chánh trong Toà Bạch Ốc đã biết rất rõ đường đi của dòng tiền: OPM (tiền thuế của dân), để chúng chạy lăng quăng một chút cho mất dấu, rồi quay về lại chánh phủ, trừ đi các khoản huê hồng, 2% lợi nhuận, tiền lời thoải mái cho các bạn đồng nghiệp cũ. Nếu dân có kêu ca, thì cho Obama và bà vợ làm vài bài diễn văn vô nghĩa cho đám dân ngu (thực ra họ không ngu, nhưng quá bận mưu sinh, coi đá bóng, chơi game, quay cuồng với siêu sao và surf không ngớt các trang sex trên mạng…). Một bài tính nhỏ cho thấy 3% của 2 ngàn tỷ là 60 tỷ đô la chưa tính các phí giao dịch và huê hồng.
Khoảng 2.000 người ở Mỹ đi tù dài hạn trong năm 2011 vì cướp nhà băng một tổng số tiền là 7.5 triệu đô la. Không một người nào đi tù sau khi các ngân hàng móc túi Main Street để đánh bạc và để thua hơn 3 ngàn tỷ đô la trong 5 năm qua ở Wall Street. Obama vẫn coi các gói kích cầu là một chiến tích của mình khi vận đông tranh cử nhiệm kỳ 2. Các tập đoàn tài chánh và ngân hàng Mỹ thì âm thầm ghi nhận lợi nhuận cả trăm tỷ đô la mỗi năm. Các dân nghèo thì vẫn thất nghiệp dài dài và nhà cửa bị tịch biên vẫn gia tăng. Đại đa số người dân thì vẫn quan tâm đến các lời phê bình của bạn bè trên Facebook…hơn là chuyện bị ai móc túi.
Các tài liệu tôi đọc cho thấy lãi suất cứu trợ từ NHNN là từ 3.5% đến 8%. Trái phiếu của chánh phủ Việt Nam đang trả từ 11% đến 14%.
Tôi nghĩ là các bạn đọc và các ký giả bây giờ đã hiểu rõ hơn nguyên nhân của nghịch lý này. Thực ra, không có gì là nghịch lý trong một canh bạc bịp.
Alan
No comments:
Post a Comment